Bora Chung là một tiểu thuyết gia khắc họa nỗi bất an và sợ hãi rình rập trong cuộc sống thường ngày có tính chất siêu thực. Những tác phẩm ăn khách của cô đã mang đến niềm vui cũng như sự an ủi ấm áp cho độc giả. Tác giả chính thức ra mắt tác phẩm đầu tiên kể từ đầu thập niên 2000. Gần đây, cô đã xuất bản tiểu thuyết thứ tư mang tên “Nói về nỗi đau” (About Pain), với bối cảnh về một thế giới phát minh ra loại thuốc mới có thể giúp xoa dịu nỗi đau.
(Từ trái sang) “Chú thỏ bị nguyền rủa” được tái bản năm 2022 tại nhà xuất bản truyện khoa học viễn tưởng Arzak Livres tại Hàn Quốc; “Chú thỏ bị nguyền rủa” bản dịch tại Mỹ do nhà xuất bản Algonquin Books ra mắt năm 2022; “Chú thỏ bị nguyền rủa” được tái bản năm 2023 tại Rabbit Hole, thương hiệu chuyên về văn học của Doanh nghiệp Nội dung Tri thức Influential; “Nói về nỗi đau” - tiểu thuyết mới phát hành năm 2023 bởi nhà xuất bản Dasan; “Chú thỏ bị nguyền rủa” bản dịch tại Anh được phát hành năm 2021 bởi nhà xuất bản Honford Star.
ⓒ Galmaenamu
ⓒ Algonquin Books
ⓒ Influential Inc.
ⓒ Dasan Books
ⓒ Honford Star Ltd.
Ngày 22 tháng 5 năm 2022, tác giả Bora Chung đã mặc chiếc áo phông giống với Anton Hur, một dịch giả của “Chú thỏ bị nguyền rủa” khi tham dự Giải Booker được tổ chức tại Hội trường Queen Elizabeth, Trung tâm Southbank London.
ⓒ Shutterstock, Hình ảnh: Andrew Fosker
Năm 2022, tuyển tập tiểu thuyết “Chú thỏ bị nguyền rủa” (Cursed Bunny) của tác giả Bora Chung đã được đề cử vào Danh sách rút gọn của Giải Booker Quốc tế (International Booker Prize Shortlist) - một trong những giải thưởng văn học danh giá nhất thế giới. Bên cạnh đó, trong năm nay, bản dịch tại Mỹ của tác phẩm cũng được đề cử tại Giải thưởng Sách Quốc gia về Văn học Dịch (National Book Award Finalist for Translated Literature). Mười tác phẩm của tuyển tập tiểu thuyết này được đánh giá là sự miêu tả rùng rợn về nỗi sợ hãi và áp lực trong cuộc sống hàng ngày thông qua các thể loại như kinh dị, giả tưởng và khoa học viễn tưởng. Năm năm sau khi xuất bản, cuốn sách này đã trở thành sách bán chạy nhất tại các hiệu sách tại Hàn Quốc là một tác phẩm gây xôn xao dư luận.
Bora Chung sinh ra ở Seoul vào năm 1976, sau khi tốt nghiệp Đại học Yonsei, cô nhận bằng thạc sĩ về nghiên cứu khu vực Nga - Đông Âu tại Đại học Yale ở Hoa Kỳ, đồng thời cô cũng nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Indiana sau khi viết luận văn về văn học Nga và Ba Lan. Sau khi về nước, cô chính thức bắt đầu hoạt động sáng tác tiểu thuyết và xuất bản nhiều tiểu thuyết và tập truyện ngắn. Gần đây, cô đã dừng việc giảng dạy ở trường đại học và hoạt động tích cực với tư cách là một tiểu thuyết gia chuyên nghiệp.
Một ngày tháng 9, tôi đã gặp tác giả tại một quán cà phê ở lối vào Hongdae, Seoul, đó là lúc cô vừa trở về nước sau khi kết thúc buổi thảo luận với các nhà văn quốc tế trong chuyến tham dự Liên hoan Văn học Quốc tế Berlin (Berlin International Literature Festival) ở Đức.
Vào năm ngoái, tác phẩm “Chú thỏ bị nguyền rủa” đã nhận được sự quan tâm lớn sau khi trở thành ứng cử viên trong danh sách rút gọn của Giải Booker Quốc tế. Kể từ đó, sự thay đổi lớn nhất của nhà văn là gì?
Độc giả trên toàn thế giới đã trực tiếp chia sẻ cho tôi biết cảm nhận của họ thông qua mạng xã hội. Tất cả độc giả đến từ các quốc gia nói rằng họ rất sợ việc đi vệ sinh. Bởi vì trong tiểu thuyết “Cái đầu” (The Head) - một tác phẩm trong tuyển tập - có xuất hiện cảnh tượng cái đầu trong bồn cầu. Ngoài điều này thì dường như không có nhiều thay đổi, tuy nhiên nó khiến tôi suy nghĩ nhiều hơn đến đề tài.
Các độc giả trên thế giới đã đón nhận “tính kỳ ảo” xuất hiện trong tiểu thuyết của nhà văn như thế nào?
Trong Liên hoan Văn học Quốc tế Berlin lần này, tôi đã tham gia hai hạng mục là Kinh dị và Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Cả hai đều bao gồm những buổi tọa đàm với các tác giả khác, và tôi có cơ hộikể rất nhiều chuyện ma. Trong sử sách Hàn Quốc như “Tam quốc sử ký” hay “Tam quốc di sự” được biên soạn từ thế kỷ XII - XIII thường xuyên xuất hiện những câu chuyện kỳ lạ và động vật huyền bí. Dù là ngày xưa hay ngày nay thì lối tư duy của con người dường như giống nhau. Những câu chuyện như thế này không chỉ rất thú vị mà còn khiến chúng ta như thể được mở mang tầm mắt. Tôi cũng có dịpkể chuyện về ma quỷ trong các sự kiện ở Singapore và Malaysia và mọi người đều rất hào hứng. Các độc giả phản hồi rất tích cực trong những phiên hỏi đáp. Họ dành nhiều sự quan tâm đến tình hình ở Hàn Quốc cũng như đặt những câu hỏi hay.
Tính kỳ ảo của Hàn Quốc có gì đặc sắc so với các quốc gia khác?
Dù chất liệu và đề tài trong văn chương khác nhau nhưng khắp nơi người ta đều cho rằng hiện tượng siêu việt có khả năng xảy ra trong thực tế. Từ điểm này, để tìm ra màu sắc riêng của Hàn Quốc chỉ có thể là bối cảnh Hàn Quốc mà thôi. Nếu không như vậy thì có lẽ độc giả trên thế giới đã không thể đồng cảm với tiểu thuyết của tôi.
Việc có bà ngoại thích tiểu thuyết trinh thám và tuổi thơ lớn lên cùng bộ phim truyền hình “Quê hương huyền thoại” (Korean Ghost Stories, 1977-1989) - bộ phim xuất hiện hình ảnh ma quỷ, liệu có ảnh hưởng đến tác phẩm của nhà văn không?
Chắc chắn là có rồi. “Quê hương huyền thoại” là bộ phim về những sự việc kỳ lạ xảy ra cùng sự xuất hiện của ma quỷ ở một nơi nào đó. Vì nó hấp dẫn nên khi còn nhỏ, tôi đã rất thích xem. Cuốn tiểu thuyết “Hồ ly” được xuất bản vào mùa xuân năm nay là câu chuyện của một người đàn ông bị cáo mê hoặc, mặc dù có sự xuất hiện của một con vật có chín đuôi trong tưởng tượng là cửu vĩ hồ giống như trong phim, nhưng tôi lại nghĩ câu chuyện khác ở chỗ nó được tái hiện thông qua bối cảnh hiện đại.
Là một nhà văn theo chủ nghĩa dấn thân, cô có nghĩ rằng chỉ viết lách thôi là chưa đủ để thay đổi thế giới?
Tôi nghĩ là như vậy. Năm ngoái, tôi biết tin mình được đề cử Giải Booker Quốc tế khi vừa kết thúc cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Ukraine trước Đại sứ quán Nga. Tôi là người luôn nỗ lực không ngừng để tránh việc ngồi một chỗ rồi tưởng tượng ra mọi thứ trong đầu. Và tôi tin rằng một trong những chức năng của văn học là mang lại sự an ủi cho độc giả. Với tư cách là một nhà văn cùng với tham vọng của mình, tôi hy vọng rằng tác phẩm của tôi có thể gợi lên trong độc giả những cung bậc cảm xúc phức tạp nhất có thể.
Việc bạn sử dụng tính kỳ ảo như một công cụ, có nhất quán với việc tác giả theo chủ nghĩa hiện thực không?
Một trong những đặc điểm của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo là nó phản ứng vô cùng hiện thực đối với sự kiện kỳ lạ. Khi tôi viết về con người, dường như không thể tránh khỏi việc kết thúc sẽ dẫn đến những vấn đề hiện thực. “Đối với tôi, việc viết tiểu thuyết cũng làmột cách riêng để cố gắng hiểu những điều mà tôi không thể lí giải được”.
Cho đến nay, nhà văn đã biên dịch khá nhiều tác phẩm của Nga và Phần Lan. Vậy việc biên dịch đó có đóng góp phần nào cho việc viết tiểu thuyết không?
Tôi đã làm công việc biên dịch trong thời gian dài, nhờ đó tôi cũng học được nhiều về cách thức viết tiểu thuyết. Trước tiên, vì phải chuyển câu sang tiếng Hàn nên điều này giúp tôi cải thiện khả năng viết của mình. Hơn nữa, việc này khiến tôi phải tư duy kỹ lưỡng hơn về các yếu tố quan trọng như phương thức mô tả nhân vật, các quan điểm mới hay việc triển khai cốt truyện. Đặc biệt, tôi đã bị ảnh hưởng nhiều từ văn học Nga, Slav vào thời kỳ mà mọi thử nghiệm mới đều được chú ý.
Nhà văn mong muốn các độc giả trên thế giới sẽ đọc tác phẩm của bạn theo cách như thế nào?
Sẽ không có tác giả nếu như không có độc giả. Do đó, mỗi khi gặp các độc giả mới tôi cũng có cảm giác mình trở thành một tác giả khác. Cảm ơn tất cả các bạn rất nhiều. Tác phẩm “Chú thỏ bị nguyền rủa” đã được dịch ở nhiều nước, hy vọng độc giả hãy tin tưởng các dịch giả và đừng suy nghĩ nhiều đến điểm khác biệt giữa bản dịch với nguyên tác.
Nhà văn có kế hoạch thế nào cho những thể loại mới trong tương lai?
Có lẽ tôi vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi một thế giới không tưởng. Tôi dự định sẽ viết về việc làm thế nào để tạo nên một xã hội an toàn và hạnh phúc hơn cho tất cả mọi người. Đối với tôi đó là công việc có giá trị nhất. Và tất nhiên tôi cũng dự định sẽ tiếp tục viết truyện ma.
Tác phẩm “Chú thỏ bị nguyền rủa” năm 2017 của Bora Chung đã được dịch sang tiếng Anh và được xuất bản tại Honford Star, Anh Quốc vào năm 2021 theo đề xuất của dịch giả Anton Hur, và tác phẩm này đã được đề cử cho hạng mục Giải Booker Quốc tế vào một năm sau đó.
Các tiểu thuyết của Bora Chung nhìn chung khá kỳ quái và khác thường, nhưng những câu chuyện đó xuất phát từ sự phẫn nộ của tác giả về những tình huống phi lý thường gặp trong cuộc sống hàng ngày.
Cho Yong-ho - Nhà báo chuyên văn học của tờ UPI News
Dịch. Phan Như Quỳnh