Sruong Pheavy là một trong những cơ thủ bi-a nổi tiếng nhất Hàn Quốc. Sau khi đến Hàn Quốc được 10 năm, ngoài vai trò là một người vợ, cô đã có thể tự hào tạo dựng tên tuổi của mình, chứng minh rằng bằng sự nỗ lực và chăm chỉ làm việc sẽ tạo nên kì tích.
Cơ thủ Sruong Pheavy rời Campuchia tới Hàn Quốc kết hôn, nhờ sự cổ vũ của chồng đã bắt đầu chơi bi-a và trở thành cơ thủ bi-a ba băng chuyên nghiệp nổi tiếng không chỉ ở Hàn Quốc mà chỉ đếm được trên đầu ngón tay trên thế giới. Cô ấy nói rằng, cuộc sống đã mở ra đến mức không tưởng tượng nổi trước khi cô ấy bắt đầu với bi-a.
Tại trận chung kết LPBA “SK rent a car - Giải vô địch quốc tế PBA- LPBA 2023” tổ chức ở trường quay JTBC Ilsan tỉnh Gyeonggi ngày 11 tháng 3 vừa rồi, tuyển thủ Sruong Pheavy đã đăng quang ngôi vị vô địch thế giới. Đây là trận đấu có ý nghĩa đặc biệt với cô ấy vì đã chiếm ưu thế hơn so với cơ thủ Kim Ga-young - một tượng đài cao lớn - và giành được cúp chiến thắng. Với trận đấu được xác nhận chiến thắng với tỷ số 4-3 này, người hâm mộ bi-a tiếp tục ca ngợi đây là một trận đấu hay sẽ tồn tại trong một thời gian dài.
Trở thành nhà vô địch thế giới
“Giành chức vô địch trong giải đấu vô địch thế giới lần này có nghĩa ý rất lớn. Khoảnh khắc chiến thắng được xác nhận, tôi thực sự đã không tin nổi. Dư âm chiến thắng vẫn còn sót lại khi trận đấu kết thúc đến nỗi tôi đã òa khóc một mình. Tất cả những giây phút vất vả trong bao nhiêu năm thoáng hiện trong tâm trí tôi. Tất cả những khoảnh khắc của cuộc đời tôi lướt qua như một bức tranh toàn cảnh, mà đoạn cuối là hình ảnh tôi giành được chiếc cúp vô địch này”. Tôi thực sự cám ơn chiến thắng lần này khi nghĩ đến câu nói “Không ai biết được cuộc đời rồi sẽ trở nên như thế nào.”
Cơ thủ Sruong Pheavy được đề tên chức vô địch tại giải vô địch thế giới đã nói “Sự tự tin do chiến thắng lớn đem lại cho mọi người là khác nhau”. Trong suốt thời gian qua, cô đã giành được nhiều chiến thắng trong tay nhưng giải vô địch lần này có ý nghĩa rất khác biệt.
“Tôi đã rất vất vả từ trận đấu vòng loại. Càng vào các vòng loại tiếp theo áp lực tinh thần và thể chất càng lớn. Mỗi khi căng thẳng, tôi bị đau ngực đến mức không thể ngủ được. Tôi đã không thể thở được sau khi thức dậy nên đã phải hít thở sâu một mình một hai tiếng đồng hồ và điều chỉnh trạng thái cơ thể. Vì quá lo lắng và hồi hộp, tôi dường như thấy cơ thể này không còn là của mình nữa. Bình thường, dù có căng thẳng thế nào, tôi cũng chưa đến mức như thế này.”
Bi-a là trò chơi thắng bại dựa trên sự điều hướng tỉ mỉ của bàn tay, tay run do căng thẳng là mối nguy cơ lớn trong khi thi đấu. Trong buổi phỏng vấn, người quản lý của nữ cơ thủ cũng đã nói rằng: “Khi thi đấu ở trận chung kết, cơ thủ Kim Ga-young vốn dĩ đã có nhiều kinh nghiệm nên không hề bị run tay. Trái lại, cơ thủ Sruong Pheavy đã bị run tay đến mức có thể nhìn thấy từ xa”.
“Không quá lời khi nói trong bi-a tư thế quyết định thắng hay thua. Nhưng khi tôi căng thẳng đến nỗi tay run bần bật như thế, bạn nghĩ tôi sẽ cảm thấy thế nào? Nhìn thấy mình bị run, tôi càng căng thẳng hơn và do căng thẳng nên tay tôi lại càng run... Thật là một vòng luẩn quẩn.”
Tuy nhiên, trong tình huống căng thẳng như vậy nhờ việc giữ vững tinh thần, cô ấy có thể báo tin chiến thắng giải vô địch thế giới cho cha mẹ ở quê nhà.
Mở lối đi mới trong cuộc sống với bi-a
Cơ thủ Sruong Pheavy, người đoạt giải vô địch trong giải đấu “SK rent a car PBA - LPBA Giải vô địch thế giới 2023” tổ chức vào tháng 3 vừa rồi, đang cầm cúp chiến thắng thực hiện nghi thức.
ⓒ Park Yong-seon
Đến với trận tranh tài giải vô địch thế giới lần này, cơ thủ Sruong Pheavy đã trải qua rất nhiều trận đấu. Sau khi đến Hàn Quốc năm 2010, năm 2011 cô đã bắt đầu học chơi bi-a và oanh tạc trên các đại hội bi-a ba băng nữ. Sau khi xuất hiện lần đầu trong giải chuyên nghiệp năm 2017, cô ấy đã đứng số một trên bảng xếp hạng trong nước chỉ sau 10 tháng xuất hiện. Giới bi-a trong nước bắt đầu lo lắng về sự phát triển nhanh chóng đến mức đáng sợ của cô. Có lẽ là vì quốc tịch Campuchia mà giới bi-a đã biết đến sự hiện diện của cô từ trước. Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là không ai ngờ đến cô ấy lại giành được thứ hạng cao nhanh đến vậy.
“Từ Campuchia đến một nơi xa lạ tôi không biết có thể làm được việc gì ở đây. Tôi đã không có nhiều kỳ vọng vào cuộc đời mình nhưng khi bắt đầu chơi bi-a, tất cả đều đã thay đổi. Khi tôi cảm thấy rằng mình có thể mong đợi một điều gì đó, tôi muốn nắm giữ dù chỉ là một khả năng nhỏ. Đó chính là lý do tôi dồn toàn tâm ý vào việc luyện tập hơn 10 tiếng một ngày sau khi bắt đầu chơi bi-a.”
Cô luyện tập nhiều đến mức sau khi về nhà tay đau đến nỗi không thể cầm muỗng ăn cơm. Chồng cô Kim Man-sik rất thương khi nhìn thấy vợ mình như vậy nhưng anh không tỏ ra yếu đuối với vợ vì nghĩ rằng phải có những nỗ lực như vậy, cô mới có thể trở thành một cơ thủ bi-a thành công.
“Kể từ khi bắt đầu chơi bi-a theo sự cổ vũ của chồng, anh ấy đã tiếp sức mạnh tinh thần cho tôi. Tôi có thầy dạy bi-a riêng nhưng chồng tôi là “người thầy” tinh thần của tôi. Thực tế, sau khi kết hôn tôi chưa bao giờ cãi nhau với chồng .Trái lại, chúng tôi đã cãi nhau chỉ vì bi-a. Sau khi xem trận thi đấu của tôi, anh ấy khắt khe đặt ra những câu hỏi như “Tại sao lại chơi như vậy?”, “Phải đánh nhẹ hơn chứ”, “Lúc đó mà đánh như vậy là không được”, “Nhìn cách chơi của cơ thủ kia kìa”. Khi đó tôi cũng tức giận và nói “Nếu giỏi thì anh chơi bi-a đi” nhưng mặt khác, tôi hiểu chồng đang quan tâm đến tôi như thế nào nên tôi vẫn cố gắng lắng nghe. Tôi rất biết ơn chồng mình.”
Tôi hỏi tâm trạng cô ấy thế nào khi nhớ về khoảng khắc đầu tiên đến phòng bi-a? Liệu bi-a có phải là định mệnh đời mình không? Thế nhưng câu trả lời của cô thật bất ngờ.
“Đó chỉ bình thường là phòng bi-a thôi”. Cô nói đã không thấy ấn tượng gì khi lần đầu tiên cùng chồng đến phòng chơi bi-a. Tất cả những gì cô làm là đợi chồng chơi bi-a trong buồn chán, ngắm những người chơi bi-a ở đây để giết thời gian. Tuy nhiên, người chồng thì khác. Anh phát hiện ra khả năng của vợ khi lần đầu cô đến phòng chơi bi-a.
“Chồng tôi đã thấy rất có lỗi khi để tôi ngồi đợi nên đã nói tôi đến chơi thử một lần. Tôi chỉ đánh giống như chồng tôi chỉ nhưng anh ấy đã thấy được khả năng của tôi thì phải. Ngày hôm đó khi về nhà anh ấy đã hỏi tôi rằng: “Em có muốn thành cơ thủ bi-a không?”. Tuy nhiên, lúc đó tôi đã trả lời rằng tôi không thích. Vì tôi nghĩ chơi bi-a chỉ tốn tiền chứ thực tế không hề kiếm được tiền.”
Tôi muốn trở thành người mà cả hai quốc gia đều cần đến
Dù nhiều lúc muốn bỏ cuộc do rào cản ngôn ngữ khi tiếp cận môn thể thao này và những khó khăn khi luyện tập ở cường độ cao, cô vẫn không từ bỏ cây gậy bi-a vì nghĩ rằng mình có thể giúp đỡ những trẻ em Campuchia thực hiện mơ ước của mình.
ⓒ Park Yong-seon
Người chồng đã thuyết phục Sruong Pheavy không ngừng nghỉ, cuối cùng, cô ấy đã bắt đầu cầm cây gậy chơi bi-a. Từ khi đó, cô đã cầm cây gậy bi-a giá ba mươi ngàn won chồng mua cho và bắt đầu trải qua một ngày ở phòng bi-a.
“Tôi đã bắt đầu chơi bi-a nhưng rất vất vả vì giao tiếp khó khăn. Tôi đã rất muốn tự do trao đổi với thầy giáo nhưng vốn tiếng Hàn còn yếu nên chúng tôi đã phải nói chuyện với nhau bằng cách vẽ tranh. Vài năm sau, khả năng tiếng Hàn của tôi tiến bộ hơn một chút và có thể giao tiếp một cách thuận lợi hơn.”
Ban đầu cô ấy đã bắt đầu chơi bi-a một cách không tự nguyện, tuy nhiên, sau đó cô đã tự luyện tập một mình một cách nghiêm khắc. Dần dần năng lực của cô ấy bắt đầu phát triển nhanh đến mức không ngờ và bây giờ cô ấy đã trở thành cơ thủ Sruong Pheavy.
“Chồng tôi gần đây thường nhìn tôi và nói “Anh xin lỗi”. Anh ấy đã nói cám ơn tôi vì dù anh có la rầy tôi cũng đã không từ bỏ. Vốn lẽ đã có lúc tôi cũng đã muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên, mỗi lần như vậy tôi đều nghĩ về những đứa trẻ ở Campuchia và đã chiến thắng lòng mình. Sau khi đến Hàn Quốc, tôi càng cảm nhận rõ hơn về sự nghèo khổ của quê hương Campuchia mình.”
Ở một góc nhà của cơ thủ Pheavy có treo hình ảnh của những đứa trẻ người Campuchia, ở dưới có ghi dòng chữ “Tôi sống vì những đứa trẻ này”. Mong muốn của cô ấy là giúp đỡ những trẻ em người Campuchia biết ước mơ và có thể đạt được mơ ước của mình giống như cô đã thực hiện ước mơ tại Hàn Quốc.
“Hồi đầu mới đến Hàn Quốc tôi đã không biết sử dụng máy tính nhưng chồng tôi đã dạy tôi cách dùng máy tính. Sau khi kết nối mạng internet tôi đã có thể biết tình hình thực tế của Campuchia. Khi đến đây tôi mới cảm nhận được đất nước mình nghèo khổ đến mức nào nên đã òa lên khóc. Vậy nên chồng tôi đã nói với tôi rằng. “Nếu em trở thành cơ thủ bi-a thành công và trở nên nổi tiếng, em có thể kiếm được nhiều tiền và giúp đỡ những trẻ em Campuchia”. Trong suốt thời gian qua, tôi chỉ suy nghĩ về việc giúp đỡ cho gia đình mình, nhưng lời nói của chồng với niềm tin rằng tôi có thể giúp đỡ cho những đứa trẻ người Campuchia đã an ủi và động viên tôi rất nhiều. Từ đó, tôi đã có suy nghĩ mình phải sống chăm chỉ hơn vì những trẻ em người Campuchia này.”
Thực tế là cơ thủ Pheavy đang tiết kiệm số tiền thưởng nhận được khi giành giải vô địch để gửi những đồ dùng cần thiết cho trẻ em Campuchia. Ước mơ của cô ấy là xây trường học trên mảnh đất quê hương bắt đầu từ việc phân phát thuốc tẩy giun và đồ dùng học tập cho những trẻ em ở quê nhà.
Cô ấy, người đã có thể đến vị trí này nhờ có sự ủng hộ của người hâm mộ nói rằng “Mỗi khi mệt mỏi, từng lời động viên của người hâm mộ đã thành sức mạnh lớn cho tôi. Tối hôm qua cũng vậy, tôi đã đọc lời bình của người hâm mộ và bật khóc. Có lẽ tôi đã một mình đến đây nhưng sự thật thì tôi có thể cảm nhận được một lần nữa rằng rất nhiều người đã giúp tôi đi đến vị trí này. Tôi muốn trở thành người mà cả Hàn Quốc và Campuchia đều cần đến”.
Cơ thủ Sruong Pheavy muốn thành lập trung tâm thể thao tại Campuchia trong tương lai. Sau khi đạt được những thành tựu cá nhân cao nhất trong lĩnh vực bi-a, bây giờ cô muốn tạo nên những giá trị lớn hơn, đó là việc cải thiện cơ cấu hạ tầng thể thao ở Campuchia để giúp đỡ bằng cả tấm lòng và thể lực tạo nên một môi trường thoải mái hơn cho những đứa trẻ tại quê nhà.