메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

null > 상세화면

2023 SUMMER

NHỮNG NGƯỜI GOM RÁC

Người gom rác là những người nhìn thấy rác mà chẳng hề chán nản. Từ tháng 8 năm 2019, họ đã khởi động một dịch vụ cho thuê những vật dụng có khả năng tái sử dụng để giải quyết vấn đề rác thải từ các đồ dùng một lần. Đặc biệt, đó không phải là một phong trào môi trường mang tính rập khuôn, mà được xây dựng như là một trò chơi thú vị, một hoạt động văn hóa bắt kịp những xu hướng của thời đại.

Được thành lập vào tháng 8 năm 2019 với mục tiêu giải quyết các vấn đề môi trường gây ra bởi đồ nhựa sử dụng một lần, Những người gom rác đề xuất dịch vụ cho thuê vật chứa đa dụng như một giải pháp thay thế. Các sản phẩm của họ gồm nhiều loại vật chứa khác nhau, có thể tái sử dụng và tất cả đều có màu cam rực rỡ, phản ánh thông điệp của Những người gom rác.


Theo báo cáo của Tổng công ty môi trường Bộ Môi trường Hàn Quốc về tình hình xử lý và phát sinh rác thải toàn quốc năm 2021, lượng rác thải phát sinh năm 2021 là 197,38 triệu tấn. Trong số rác thải khổng lồ thải ra hàng năm, rác thải từ đồ dùng một lần là loại rác có thể giảm thiểu hiệu quả nhất. Rác thải nhựa dùng một lần chỉ sử dụng một lần nhưng phải mất vài năm để phân hủy. Đồ nhựa được làm từ dầu hỏa sản sinh ra khí ga nhà kính mạnh như khí metan trong quá trình xử lý. Hạt vi nhựa nếu thải vào biển và lòng đất sẽ không thể lọc sạch. Vấn đề ô nhiễm đất, ô nhiễm đại dương, ô nhiễm không khí rất nghiêm trọng do rác thải. Mặc dù việc rửa bát đĩa rất bất tiện, phiền hà, và nhiều người lựa chọn các sản phẩm dùng một lần là vì lý do ấy, nhưng khi xem xét các nguy cơ dẫn đến khủng hoảng môi trường, thiết nghĩ chúng ta cần cố gắng chịu đựng “sự bất tiện” ấy thêm một chút.

Hệ thống điểm số tăng thêm phần thú vị bằng cách yêu cầu mọi người nhấn nút trên bảng hiệu điện tử mỗi khi họ sử dụng các vật chứa đa dụng và cho biết có bao nhiêu sản phẩm dùng một lần đã được tiết kiệm.



Người gom rác, đừng nản lòng

Những người gom rác đến bất cứ nơi nào có thể có vấn đề với rác thải nhựa dùng một lần như quán cà phê trong nhà, rạp chiếu phim, lễ hội, địa điểm tổ chức sự kiện, v.v. Họ cố gắng tạo ra lối sống khuyến khích mọi người tái chế và tái sử dụng, từ đó giảm thiểu rác thải.



Cũng giống như những biệt đội săn ma sẽ làm công việc săn bắt ma quỷ, những người gom rác sẽ thực hiện việc thu gom rác. Họ sẽ không chần chừ đến ngay những nơi có sử dụng các sản phẩm dùng một lần như các lễ hội, đám tang hay các nhà hàng tự phục vụ để ngăn chặn việc sử dụng các sản phẩm ấy. Nhóm những người gom rác này được hình thành từ khi Giám đốc Kwak Jae Won lên kế hoạch cho việc tổ chức lễ hội của thành phố Seoul.

Sau khi kết thúc lễ hội là một đống rác khổng lồ. Nếu mỗi người tham dự sử dụng ít nhất ba món đồ dùng một lần, thì sau lễ hội sẽ có đến 30.000 món đồ dùng như thế bị vứt đi. Nếu ta thay thế chúng bằng những đồ dùng có thể tái sử dụng, thì tình trạng ấy sẽ không xảy ra. Năm sau, ông ấy đã cùng với đồng nghiệp của mình đã đưa ý tưởng đó vào thực tế. Họ quyết định cho những người tham dự lễ hội thuê bộ đồ dùng bằng nhựa bao gồm nĩa, ly, đĩa và có trách nhiệm gom lại sau khi sử dụng. Họ đã chủ động cung cấp và thu gom các bộ vật dụng có thể tái sử dụng, thay vì khuyến khích mọi người tự nguyện làm việc ấy. Nếu có sự hỗ trợ của một hệ thống giúp làm sạch các vật dụng ấy, thì chúng sẽ được tái sử dụng nhiều lần, và rác thải sinh hoạt sẽ giảm đáng kể.

Ý chí của giám đốc Kwak Jae Won đã làm lay động trái tim của nhiều đối tác, lần đầu tiên ông có cơ hội trải nghiệm việc cho thuê dịch vụ sử dụng đồ dùng sử dụng nhiều lần là tại lễ hội âm nhạc “Yêu thích Seoul” (Seoul nhân khí), lễ hội mà ở đó người ta có thể cảm nhận được sức nóng của mùa hè Seoul và nhiệt huyết của tuổi trẻ. Hiệu quả mà những người gom rác mang đến có thể được nhận thấy qua những con số. Lượng rác thải đã giảm xuống khoảng 98% so với năm ngoái và lễ hội trở thành lễ hội không rác thải.

Sinh thái trở thành xu hướng

Mọi người đã rất bối rối khi lần đầu tiên tiếp cận dịch vụ trả tiền đặt cọc để mượn bộ đồ ăn và sau đó hoàn trả lại mà không phải đồ dùng sử dụng một lần; tuy nhiên, họ đều đồng tình rằng đây là việc làm vì cộng đồng hết sức cần thiết. Với nhận thức và sự đồng cảm ấy, việc sử dụng rồi hoàn trả các đồ dùng nhiều lần mà không cần đặt cọc tiền đã trở thành một văn hóa phổ biến.

Lý do chúng tôi có thể biến sự đồng cảm thành hành động là vì chúng tôi đã suy nghĩ rất tỉ mỉ và kỹ lưỡng trải nghiệm của người dùng. Họ đã xem xét và tính toán cẩn thận sao cho các vật dụng ấy thật phù hợp với địa điểm và không khí của các sự kiện. Ví dụ, các hộp đựng và cốc được thiết kế để có thể đựng được nhiều loại đồ ăn khác nhau; đai giữ cốc được thiết kế với hình dáng như vòng cổ để tăng tính tiện lợi; còn túi đựng thì có thể trải ra thành chiếu ăn khi cần thiết.

Những người gom rác đã sử dụng màu cam làm màu chủ đạo và một biểu tượng được nhại lại từ bộ phim “Biệt đội săn ma” để tạo nên hình ảnh sinh động, tràn đầy năng lượng rất phù hợp với khung cảnh lễ hội. Những nhân viên hỗ trợ cho lễ hội mặc những bộ đồng phục có ghi dòng chữ “It’s not a big deal” với ý nghĩa “Đó không phải vấn đề lớn” đi lại tại hiện trường và một lần nữa có thể thấy thái độ lạnh lùng và vững vàng của những người gom rác.

Đặc biệt tôi thấy hài lòng bởi những từ khóa không thu hút một cách cũ rích như “sinh thái học”, “xanh”, “thân thiện với môi trường”. Đây là lý do tại sao họ có thể thu hút được sự chú ý của nhiều người và làm tốt công việc của mình tại những nơi như lễ hội nhạc underground có phần huyền bí “The Air House”, lễ hội nhạc rock ngoài trời Pentaport ngoài trời có quy mô lớn nhất cả nước, hay ở quán bar “Echo” có giai điệu ấm cúng của Samgakji (tam cốc địa). Nhận thức về thương hiệu có thể thay đổi tùy thuộc vào người tiêu thụ và không gian tiêu thụ, nhưng thương hiệu “Những người gom rác” đã trở thành một cú hích, một xu hướng có tiếng vang trong thời đại khủng hoảng môi trường.

Đồ dùng tái sử dụng trong cuộc sống hàng ngày

Những người gom rác tuyên bố rằng một khi hệ thống thu gom, làm sạch và cho thuê các vật chứa đa dụng được thiết lập thì việc hạn chế sản phẩm sử dụng một lần sẽ không còn là vấn đề lớn. Câu cửa miệng “It’s not a big deal” khuyến khích mọi người có cách tiếp cận nhẹ nhàng, ít hoài nghi hơn đối với các vấn đề môi trường.

Hoạt động của những người gom rác không chỉ giới hạn trong không gian các lễ hội, họ đã bắt tay với nhiều khách hàng ở nhiều lĩnh vực khác nhau như tại những quán cà phê trong các công ty, trong các sự kiện, sân đấu bóng đá, rạp chiếu phim... Trong ba năm qua, vì đại dịch COVID-19 nên nhiều lễ hội đã bị hủy bỏ, nhưng việc thu gom rác là không thể trì hoãn, nên họ không thể không tìm đến các địa điểm mới.

Đặc biệt, cùng với việc thực hiện chiến lược ESG (environmental, social and corporate governance), trong vòng một năm lượng khách hàng của Những người gom rác trong các quán cà phê công ty đã tăng gấp hai lần. Những quán cà phê trong nội bộ công ty có quy mô nhỏ hơn các lễ hội, tuy nhiên, nó có ý nghĩa vì đây là cơ hội để có thể thường ngày hóa việc sử dụng đồ dùng sử dụng nhiều lần thay cho đồ dùng sử dụng một lần vì ở đây họ có thể thông báo đều đặn cho mọi người biết về hoạt động của mình. Ngoài ra, các đồ dùng tái sử dụng đã có giá thành cạnh tranh hơn khi các công nghệ làm sạch tự động được ứng dụng rộng rãi. Chiến lược này đã khiến dịch vụ người gom rác được sử dụng một cách tự nhiên. Đồng thời dịch vụ hợp lý và hấp dẫn đã mang đến nhiều đổi thay tích cực.

Trong số đó, đặc biệt đáng chú ý là việc lệnh cấm sử dụng đồ dùng một lần ở các lễ hội của thành phố Seoul đã được ban hành. Điều này phát xuất từ những nỗ lực giảm thiểu đồ dùng một lần và sử dụng tài nguyên một cách khôn ngoan của các nhóm, các công ty tư nhân, và sau đó lan tỏa ra toàn xã hội.

It’s not a big deal! Phá vỡ chủ nghĩa hoài nghi

Một số người đã có những lời lẽ mỉa mai cay độc khi nói về vấn đề môi trường và khí hậu. Rebecca Solnit - nhà phê bình và nhà hoạt động xã hội người Mỹ đã tham gia nhiều phong trào môi trường, nhân quyền và phản đối hạt nhân từ những năm 1980 - cho rằng những người ấy có một tư duy theo kiểu “hoài nghi chất phác”, luôn nghĩ rằng tương lai là không thể tránh khỏi và từ khước mọi trách nhiệm.

Để chống lại tình trạng ấy, Những người gom rác đã có một khẩu hiệu để kêu gọi hành động “It’s not a big deal!” là câu nói có là một khẩu hiệu mạnh mẽ tuyên xưng rằng rác thải chỉ là chuyện nhỏ và không hề khó giải quyết. Khẩu hiệu này cũng phù hợp với thông điệp của Rivera Solnit, rằng đừng dừng lại ngay cả khi bạn cảm thấy bất lực và hãy luôn tích cực trước mọi chuyện.

Dù lệnh cấm dùng đồ sử dụng một lần ở các quán cà phê đã được ban hành, song ly giấy vẫn được sử dụng rất tùy tiện. Ở nhiều nơi, thay vì sử dụng đai cốc, họ còn chồng cả hai cốc giấy vào nhau để phục vụ đồ uống. Đồ dùng đóng gói đồ ăn để giao đi cho khách ngày càng trở nên đa dạng. Chưa kể, trong thời đại mà mọi thứ đều có thể được đặt và giao đi như thế, lượng rác thải bao bì ngày một tăng. Việc sử dụng túi ni lông tại siêu thị hoặc các cửa hàng đã bị cấm tuy nhiên, quầy rau củ đầy ắp những sản phẩm được đóng gói bằng ni lông nên rác thải là điều không thể nào tránh khỏi. Trước tình cảnh ấy, ta có hoài nghi về sự khả thi của những nỗ lực bảo vệ môi trường, nhưng trước hết hãy nhớ lại thông điệp của những người gom rác. Và hãy nhớ rằng thứ chúng ta cần loại bỏ không chỉ là rác thải mà còn là những năng lượng tiêu cực ngăn cản hành động, khiến tương lai trở nên thuần túy, cũng như sự ích kỷ chặn đứng ý hướng đổi thay.

Yoo Da-mi Biên tập viên tự do
Dịch. Phạm Hương Giang

전체메뉴

전체메뉴 닫기