메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

2022 SPRING

SỰ RA ĐỜI CỦA POP TRIỀU TIÊN

“Pop Triều Tiên”, thể loại âm nhạc mới với sự kết hợp giữa âm nhạc dân tộc và âm nhạc đại chúng đang thu hút được sự quan tâm. Thể loại âm nhạc “biến thể” được kỳ vọng là sẽ mở rộng khái niệm của K-pop này không phải chỉ mới xuất hiện một sớm một chiều.

Ban nhạc sEODo biểu diễn tại buổi hòa nhạc được tổ chức tại công viên Olympic, Seoul vào tháng 12 năm 2021 vừa qua. Đây là một trong số các buổi lưu diễn toàn quốc được chuẩn bị bởi chương trình tranh tài âm nhạc dân tộc “Pungnyu Daejang” trên truyền hình của đài JTBC (từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2021). “Pungnyu Daejang” đóng một vai trò quan trọng trong việc quảng bá vẻ đẹp và sự quyến rũ của âm nhạc truyền thống đến công chúng thông qua sự giao thoa giữa âm nhạc dân tộc và âm nhạc đại chúng.
ⓒ JTBC, ATTRAKT M

“Nhạc dân tộc là âm nhạc của người Hàn Quốc nhưng lại là thể loại xa cách với người Hàn Quốc nhất”. Câu nói này của một tiểu thuyết gia yêu âm nhạc đã chỉ ra chính xác thực trạng của âm nhạc truyền thống Hàn Quốc kể từ sau thế kỷ XX. Mặc dù là thể loại âm nhạc cổ truyền lâu đời của dân tộc nhưng đã có lúc nhạc dân tộc đứng trước nguy cơ gần như bị biến mất do nó không còn phù hợp với cảm quan ngày nay. Cho rằng đó là thể loại âm nhạc cũ kỹ chính là nhận thức đã khắc sâu vào tâm trí của công chúng.

Định kiến này đã ngăn cản sự thay đổi và phát triển của âm nhạc dân tộc nhưng trớ trêu thay, sự thật là chính nó lại đóng vai trò như một đòn bẩy đối với sự tăng trưởng và mở rộng của “pop Triều Tiên”. Nhạc dân tộc từng bị quần chúng đẩy ra xa bỗng một ngày xuất hiện với một diện mạo mới. Mức độ lan tỏa của sự biến đổi ấy lớn đến kinh ngạc. Nhưng đây không phải là hiện tượng chưa từng có. Trên thực tế, âm nhạc dân tộc của Hàn Quốc cứ mỗi thời lại có sự thay đổi cùng một cảm giác mới. Có thể nói, những di sản như vậy giờ đây đã tỏa sáng sau một thời gian dài trì trệ.

 

Tháng 10 năm 2015, người khởi xướng samulnori Kim Duk-soo và Đoàn Nghệ thuật Truyền thống Cheong Bae cùng biểu diễn tại nhà biểu diễn nghệ thuật Gwanghwamun. Năm 1978, Kim Duk-soo giới thiệu samulnori đến công chúng với một màu sắc khác - một thể loại mới được chuyển thể từ nhịp điệu nông nhạc truyền thống sang nghệ thuật sân khấu. Các buổi biểu diễn đã được thực hiện ở nhiều sân khấu trong và ngoài nước, tạo phản ứng mạnh mẽ trong công chúng. Đoàn Nghệ thuật Truyền thống Cheong Bae là một tổ chức sáng tạo âm nhạc dựa trên các buổi biểu diễn truyền thống trong hơn 20 năm.
ⓒ Samulnori Hanullim

Hỗ trợ bảo tồn
Chính sách hỗ trợ và bảo tồn của chính phủ nửa sau thế kỷ XX đã trở thành bệ đỡ quan trọng, có tính quyết định đến sự sinh tồn của âm nhạc truyền thống. Âm nhạc truyền thống có thể được bảo tồn, trên cơ sở đó đã dẫn đến những sáng tác âm nhạc mới. Từ xưa, ở bất cứ quốc gia hay xã hội nào, âm nhạc truyền thống luôn bị mất đi ánh hào quang trước sự thay đổi của thời đại. Âm nhạc truyền thống Hàn Quốc cũng không chỉ một hai lần phải đứng trước vận mệnh này. Trong suốt thời kỳ Nhật trị 1910-1945, âm nhạc truyền thống Hàn Quốc đã bị rơi vào khủng hoảng. Cuộc chiến tranh Triều Tiên bắt đầu năm 1950 đã phá hủy nguồn tài nguyên âm nhạc dân tộc bao gồm cả các nghệ sĩ nhạc truyền thống. Kể cả sau khi đình chiến, sự hỗn loạn chính trị và những khó khăn kinh tế đã làm cho người ta không còn sức lực để quan tâm đến âm nhạc truyền thống. Từ những năm 1960, khi làn sóng hiện đại hóa, tiêu biểu là quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa ngày càng trở nên mạnh mẽ, âm nhạc truyền thống lại bị lấp trong bóng tối với lý do nó là môn nghệ thuật tiền hiện đại.

Nhưng ngay cả trong khủng hoảng, những nỗ lực cho việc bảo tồn vẫn tiếp tục, cho dù yếu ớt. Trong thời kỳ Nhật trị, Lý vương chức Nhã nhạc bộ (Viện Âm nhạc Hoàng gia nhà Lý) đã đảm đương vai trò này. Bị tước mất chủ quyền đối với đất nước, vương triều Joseon đã bị giáng cấp xuống thành “Lý vương gia”, âm nhạc nghi lễ cung đình đương nhiên cũng bị đặt vào tình thế phải thu hẹp hoặc bãi bỏ. Trong tình hình như vậy, Lý vương chức Nhã nhạc bộ đã cố gượng duy trì nguồn mạch của âm nhạc cung đình thông qua việc tuyển mộ và truyền thụ cho học sinh. Trong suốt thời kỳ chiến tranh Triều Tiên - cuộc chiến nổ ra ngay sau khi đất nước được giải phóng khỏi quân Nhật và bắt đầu xây dựng chính quyền mới, Viện Âm nhạc Quốc gia đã được mở tại thủ đô lâm thời Busan và đóng vai trò quan trọng đối với nguồn tài nguyên âm nhạc dân tộc và các nhạc sĩ bị tản mát do chiến tranh. Sau sự kiện đình chiến năm 1953, Viện Âm nhạc Quốc gia chuyển về Seoul và tiếp tục phát triển. Cho đến nay, viện vẫn là cơ quan chủ lực trong việc bảo tồn âm nhạc truyền thống và hỗ trợ cho những sáng tác ứng dụng chất liệu âm nhạc này.

Luật Bảo vệ Di sản Văn hóa ban hành năm 1962 cũng đóng vai trò quan trọng. Đi cùng với luật này là sự ra đời của hệ thống “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”, trong đó nhà nước xác định các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật truyền thống cần được bảo tồn, đồng thời hỗ trợ tài lực, vật lực và cấp danh hiệu “Người bảo tồn” và “Học viên tốt nghiệp” cho những người có năng lực trau dồi và truyền thụ nghệ thuật truyền thống.

Trong lĩnh vực âm nhạc truyền thống, nhiều hạng mục được chỉ định bao gồm: Jongmyo Jeryeak (nhạc tế lễ Tông miếu), gagok (các bài hát phổ nhạc từ những bài thơ của Hàn Quốc), pansori (một thể loại âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc trong đó người hát kể lại câu chuyện thông qua lời dẫn và lời hát kết hợp với nhịp trống và các động tác của cơ thể), daegeum sanjo (độc tấu sáo trúc 13 lỗ) và dân ca Gyeonggi. Điều thú vị là trong số những nghệ sĩ biểu diễn nhận được sự chú ý gần đây thông qua việc khai phá ra một thể loại mới của âm nhạc dân tộc, nhiều người đã hoàn thành chương trình “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. Ví dụ như Heo Yoon-jeong (nhóm Black String) đã hoàn thành khóa học biểu diễn độc tấu đàn Geomungo (đàn huyền cầm có sáu dây), Lee Il-woo (nhóm Jambinai) đã hoàn thành khóa nhã nhạc sáo piri và Daechwita (khúc quân nhạc thường được chơi trên đường diễu hành của đoàn quan quân tháp tùng những chuyến xuất cung của nhà vua hoặc tại các cuộc diễu binh), Ahn Yi-ho (nhóm LEENALCHI) đã kết thúc khóa pansori, sorikkun (người hát pansori) Lee Hee-moon đã hoàn thành khóa học dân ca Gyeonggi.

Tháng 9 năm 2020, kỷ niệm 10 năm ngày ra mắt, nhóm Coreyah đã tổ chức buổi hòa nhạc với chủ đề “Vũ khúc tán dương” (tiêu đề tiếng Anh là Clap & Applause) tại nhà biểu diễn nghệ thuật Guri. Coreyah là một nhóm nhạc kết hợp âm nhạc dân tộc Hàn Quốc được thành lập vào năm 2010. Nhóm đã tạo ra một thể loại âm nhạc dân tộc Hàn Quốc mới bằng cách kết hợp nhiều loại nhạc dân tộc và âm nhạc đại chúng trên khắp thế giới trong sáng tác âm nhạc của mình thông qua việc kết hợp sử dụng các đặc điểm của nhạc cụ truyền thống.
ⓒ Guri Cultural Foundation

Sự bám rễ của âm nhạc dân tộc
Việc thành lập Khoa Âm nhạc Dân tộc của Trường Đại học Quốc gia Seoul năm 1959 có một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đó là bởi vì sự kiện này đã đóng vai trò như một mồi lửa để âm nhạc dân tộc trở thành đối tượng nghiên cứu mang tính hàn lâm và sau đó, không chỉ ở thủ đô Seoul, nhiều khoa nhạc dân tộc đã được mở ra tại nhiều trường đại học trên toàn quốc. Đặc biệt, sự gia tăng nhanh chóng về số lượng của các khoa nhạc dân tộc mới mở vào thập niên 1970-1980 và sự tham gia vào sinh hoạt xã hội của các sinh viên tốt nghiệp ngành này đã trở thành nguồn động lực cho âm nhạc dân tộc phát triển.

Không giống thế hệ trước, những người đã từng chứng kiến cuộc khủng hoảng âm nhạc truyền thống biến mất giữa những biến động lịch sử của thế kỷ XX, thế hệ trẻ được đào tạo đại học cho rằng thay vì chỉ bảo tồn và lưu truyền, âm nhạc dân tộc nên tiếp cận công chúng với một cảm thức mới hơn. Kết quả là trên cơ sở kế thừa những yếu tố âm nhạc truyền thống, các sáng tác mới phù hợp với thời đại đã bắt đầu được hình thành. Phạm vi “sáng tác” lúc này là vô cùng rộng lớn. Đó có thể là bài hát mới được viết trên chất liệu dân ca, hay pansori đã được dân chúng biết đến một cách rộng rãi, và cũng có thể là bản nhạc được biến tấu từ âm nhạc cổ truyền phương Tây quen thuộc được diễn tấu bằng nhạc cụ dân tộc.

Đặc biệt, samulnori xuất hiện vào cuối những năm 1970 đã đóng vai trò đột phá trong việc thu hẹp khoảng cách giữa nhạc dân tộc với đại chúng. Samulnori được tạo ra dựa trên những nhịp điệu nông nhạc mà người dân trong làng cùng nhau thưởng thức trong xã hội canh nông truyền thống. Đây là thể loại âm nhạc sôi động, được hòa tấu bởi bốn nhạc cụ thuộc bộ gõ là buk (trống), janggu (trống hình đồng hồ cát), kwaenggwari (thanh la) và jing (cồng). Tận dụng đặc trưng sôi nổi của samulnori, các nghệ sĩ trẻ thu hút sự hưởng ứng nồng nhiệt của công chúng bằng các buổi biểu diễn mà ở đó, mọi người có thể thưởng thức một cách hào hứng, đồng thời mang đến sức sống mới cho nền âm nhạc truyền thống vốn bị bỏ lại phía sau suốt một thời gian dài.

Sự lột xác của nhạc dân tộc
Vào những năm 1980, trên đà phát triển của thị trường âm nhạc đại chúng, những bài hát mang phong cách dân gian mà ai ai cũng có thể dễ dàng hát bằng cách sử dụng nhịp phách và giai điệu của âm nhạc truyền thống Hàn Quốc xuất hiện. Thể loại này được gọi là gugak gayo (tạm dịch: nhạc dân gian đương đại), trở thành một xu hướng trong âm nhạc đại chúng và góp phần mở rộng đối tượng khán giả thưởng thức âm nhạc dân tộc. Ngoài ra, việc tạo những phần đệm có sự kết hợp giữa nhạc cụ truyền thống và phương Tây đã đặt nền móng cho sự xuất hiện của âm nhạc dân tộc kết hợp khi bước vào những năm 1990.

Mặt khác, làn sóng toàn cầu hóa với khởi điểm là Thế vận hội Seoul năm 1988 cũng là một chất xúc tác khác. Thị trường được mở cửa, trật tự thương mại mới được xây dựng và văn hóa phương Tây cũng được du nhập vào sinh hoạt hàng ngày của người dân. Trong bối cảnh đó, quan điểm cần nhìn lại nền văn hóa của Hàn Quốc cũng lan rộng.

Trong không khí xã hội đó, bài hát “Sintoburi” (tạm dịch Đất với người là một, 1993) của Bae Il-ho với nội dung kêu gọi sử dụng nông sản nội địa đã trở thành ca khúc được nhiều người yêu thích. Cùng năm này, bộ phim “Seopyeonje” (tên của một trong ba trường phái pansori gồm seopyeonje, dongpyeonje và junggoje – chú thích của người dịch) của đạo diễn Im Kwon-taek giới thiệu về pansori cũng gặt hái được thành công lớn và được ca ngợi là “bộ phim quốc dân”. Cùng khoảng thời gian đó, trong đoạn phim quảng cáo truyền hình cho một sản phẩm dược, lời quảng cáo “Sản phẩm của chúng ta là quý giá!” được danh ca pansori Park Dong-jin (1916-2003) thể hiện đã trở thành câu nói thịnh hành trong suốt một khoảng thời gian.

Tháng 12 năm 2018, thành viên Jimin đang múa quạt trên sân khấu đặc biệt của nhóm nhạc BTS tại Melon Music Awards. Tại lễ trao giải do trang nghe nhạc trực tuyến Melon tổ chức, nhóm BTS đã cải biên và biểu diễn ca khúc “IDOL” (2018) theo phiên bản nhạc dân tộc của Hàn Quốc. Nhóm đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của khán giả cho màn trình diễn tuyệt vời với sự kết hợp văn hóa truyền thống bao gồm màn múa quạt của Jimin, điệu nhảy với ba cái trống Samgomu của J-HOPE và điệu múa mặt nạ Bongsan của Jungkook…
ⓒ Kakao Entertainment Corp.

Đây là một cảnh trong MV “Daechwita” - bài hát chủ đề trong mixtape thứ hai mang tên “D-2” (2020) của SUGA (thành viên nhóm nhạc BTS). Bài hát này được tạo ra dựa trên mẫu Daechwita, một bản hành khúc được chơi trong các chuyến du hành chính thức của các vị vua và quan chức trong triều đại Joseon, với âm thanh của nhạc cụ và nhịp trap đầy phấn khích. Đây là bài hát được coi là ngòi nổ khiến các ARMY (tên gọi của cộng đồng người hâm mộ BTS) trên toàn thế giới quan tâm đến âm nhạc dân tộc của Hàn Quốc.
ⓒ HYBE Co., Ltd.

Nhân dịp lễ kỷ niệm 600 năm ngày định đô ở Seoul và nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp du lịch, chính phủ lúc đó đã chọn năm 1994 là “Năm Du lịch Hàn Quốc” và “Năm Âm nhạc Dân tộc”. Thông qua đó, các nỗ lực duy trì lượng khách du lịch nước ngoài đã được tăng cường và trong quá trình này, âm nhạc dân tộc đã đóng vai trò là một sản phẩm văn hóa đại diện cho Hàn Quốc. Vài năm sau đó, khi chính phủ đối mặt với tình trạng phá sản do cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, hoạt động của những người làm văn hóa nghệ thuật cũng không tránh khỏi bị thu hẹp nhưng mặt khác, điều này cũng đặt ra trước mắt nhiều nghệ sĩ nhạc dân tộc bài toán mang tính thời đại là “phải tạo ra loại âm nhạc như thế nào để có thể kiếm sống từ đó”.

Kể từ cuối những năm 1990, cùng với sự phổ biến của internet, không chỉ các nghệ sĩ nhạc dân tộc mà cả đại chúng cũng có thể dễ dàng tiếp cận với âm nhạc đa dạng của nhiều quốc gia khác nhau. Thông qua đó, ở nhiều quốc gia trên thế giới đã xuất hiện một thể loại âm nhạc mới ra đời trên chất liệu nhạc dân gian hoặc âm nhạc truyền thống của chính nước mình, được đại chúng biết đến với tên gọi “world music” (tạm dịch nhạc thế giới). Âm nhạc của các nền văn hóa khác như Ấn Độ hay châu Phi… đã trở thành chất liệu để các nghệ sĩ nhạc dân tộc Hàn Quốc có thể sáng tác những sản phẩm âm nhạc mới.

Đặc biệt, khác với những buổi biểu diễn nhạc dân tộc ở nước ngoài trước đây vốn chỉ giới hạn trong âm nhạc truyền thống, thể loại nhạc kết hợp đang được biểu diễn ngày một nhiều hơn, đại diện là nhóm Puri với trụ cột là nhạc sĩ Won Il hay nhóm nhạc GongMyong chuyên về nhạc thế giới. Họ nhận được sự hưởng ứng lớn tại các lễ hội âm nhạc nước ngoài hay trên thị trường băng đĩa. Song song với nó, quần chúng cũng đã hình thành được nhận thức rằng sự thay đổi, tiếp biến, theo nghĩa rộng cũng là sự kế thừa âm nhạc dân tộc mang tính sáng tạo. Khi UNESCO đưa bài hát “Arirang” vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cũng đã đưa ra lý do để công nhận là “các bài hát cổ vẫn được trình diễn, đồng thời được lưu truyền thông qua các sáng tạo mới”.

 

Đây là bức ảnh tĩnh của “Minyo”, buổi hòa nhạc trực tuyến của ca sĩ Lee Hee-moon, được tổ chức thông qua trang web Naver vào tháng 7 năm 2021. Trong bức ảnh được công bố trước buổi biểu diễn này, Lee Hee-moon đã thể hiện nhân vật Minyo mà anh ấy đã tạo ra với một hình ảnh mang tính giả tưởng. Buổi hòa nhạc trực tuyến vượt ra khỏi ranh giới của biểu diễn trực tiếp và video ca nhạc này đã thu hút sự chú ý như một loại hình biểu diễn mới.
ⓒ Lee Hee-moon Company

Hợp tác và đồng vận
Thể loại âm nhạc mới có tên gọi “pop Triều Tiên” đang chiếm vị trí trong lòng công chúng thời gian gần đây cũng có một lịch sử và bối cảnh lâu đời như vậy. Sự ra đời của các ban nhạc như Black String, Jambinai và LEENALCHI, những người dường như được yêu thích ở nước ngoài hơn là ở Hàn Quốc, có thể được coi là một phần của xu hướng này. Lễ hội Yeo Woo Rak được Nhà hát Quốc gia Hàn Quốc tổ chức thường niên kể từ năm 2010 là một sự kiện lớn trong giới âm nhạc dân tộc Hàn Quốc. Mặt khác, sự kiện này cũng đã trở thành một lễ hội nhạc thế giới nhằm giới thiệu những suy nghĩ và tác phẩm của các nghệ sĩ nhạc dân tộc đang chuyển đổi hiện nay của Hàn Quốc.

Trong xu hướng này, thái độ của các nghệ sĩ ở lĩnh vực khác và suy nghĩ của công chúng về âm nhạc dân tộc Hàn Quốc cũng đang có những thay đổi rõ rệt. Chương trình thử giọng trên truyền hình “Pungnyu Daejang” (Master of Arts) được đài JTBC phát sóng từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2021 đã cho thấy tinh thần tự do thử nghiệm của các nhạc sĩ trẻ thuộc dòng nhạc dân tộc Hàn Quốc và người xem cũng đã cổ vũ cho thể loại âm nhạc tuy còn lạ lẫm nhưng đầy cảm xúc này.

Việc các loại hình nghệ thuật khác như sân khấu, vũ đạo, điện ảnh, nhạc kịch, mỹ thuật… tích cực hợp tác với các nghệ sĩ nhạc dân tộc Hàn Quốc khi cố gắng thử nghiệm để thay đổi cũng là một hiện tượng mới. Nghệ sĩ pansori Lee Hee-moon có mối quan hệ hợp tác gắn bó với các nghệ sĩ trong nhiều lĩnh vực khác như thời trang, hình ảnh, video âm nhạc. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tác giả bài viết này, anh cho biết: “Việc bảo tồn âm nhạc dân tộc là rất quan trọng nhưng nhiều khi tôi lại nghĩ rằng âm nhạc dân tộc mới chính là một vũ khí tiềm ẩn có thể tạo ra sự thay đổi cho các ngành nghệ thuật khác”.

Có lẽ chúng ta vẫn còn phải chờ xem liệu “pop Triều Tiên” có thể đến gần hơn với những người yêu thích thể loại nhạc thế giới ở nước ngoài, những người đang tìm kiếm và thưởng thức âm nhạc độc đáo từ khắp nơi trên thế giới trong tương lai hay không.



Song Hyun-min Nhà bình luận âm nhạc, Tổng biên tập Nguyệt san Auditorium

전체메뉴

전체메뉴 닫기