메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

2021 WINTER

THỬ SỨC VỚI NHẠC KỊCH JUKEBOX HÀN QUỐC

Bản pop ballad của Lee Young-hoon (1960-2008) từng lay động cảm xúc của thế hệ trẻ những năm 1980-1990 đang là ca khúc được nhiều người yêu thích gần đây. Vở nhạc kịch “Gwanghwamun Sonata” quy tụ những bản nhạc này đã được đưa lên sân khấu lần thứ ba trong mùa thu năm nay và thu được nhiều thành công tại phòng vé.

“Gwanghwamun Sonata” là vở nhạc kịch jukebox dựa trên những bản hit ballad của Lee Young-hoon (1960-2008), nhà soạn nhạc nổi tiếng của những năm 1980 và 1990. Thiết kế sân khấu có Gwanghwamun - cổng chính của Cung điện Gyeongbok, và con đường dọc theo bức tường của Cung điện Deoksu. Tất cả tạo nên bối cảnh cho lời bài hát của Lee Young-hoon, gợi lên nỗi nhớ trong lòng những người yêu mến bài hát của ông.

Hai loại hình âm nhạc trình diễn thịnh hành gần đây là phim âm nhạc (movical) dựa trên các bộ phim nổi tiếng trong những năm trước và nhạc kịch jukebox với dòng nhạc đại chúng vang bóng một thời. “King Kong” với hình tượng chú khỉ Gorilla khổng lồ bước lên sân khấu và “Mary Popppins” dựa trên bộ phim nguyên tác cùng tên của đạo diễn Robert Stevenson (1905-1986) là những bộ phim âm nhạc tiêu biểu nhất. “Jersey Boys” theo dòng nhạc của ban nhạc Mỹ Four Seasons và “Mamma Mia” liên tục giữ vị trí bản hit của nhóm nhạc Thụy Điển ABBA là những điển hình của dòng nhạc kịch jukebox luôn có sức hút đối với công chúng. Nhạc kịch jukebox còn được gọi là nhạc pop trình diễn lấy nhạc đại chúng làm nội dung biểu diễn trên sân khấu. Nhiều tác phẩm nhận được sự yêu mến của khán giả trên thị trường sâu khấu quốc tế.

Làn sóng nhạc kịch jukebox cũng bắt đầu lan tỏa khắp thị trường nội địa Hàn Quốc. Đáng chú ý là vở “Gwanghwamun Sonata” đã được lưu diễn khắp nhiều địa phương sau khi xuất hiện trên sân khấu Nhà hát Opera của Trung tâm Nghệ thuật Seoul từ tháng 7 đến tháng 9 vừa qua.

Hát khi hạ màn
Tác phẩm này thuộc dòng nhạc tribute (nhạc tôn vinh các huyền thoại âm nhạc). Những bài hát do nhạc sĩ Lee Young-hoon sáng tác và ca sĩ Lee Mun-sae biểu diễn đã được chọn làm nhạc kịch. Nếu không nhắc đến nhạc sĩ Lee Young-hoon sẽ rất khó để đề cập đến âm nhạc đại chúng của Hàn Quốc trong những năm 1980 và 1990. Ông đã để lại rất nhiều bản hit giống như Midas trong thần thoại Hy Lạp có thể biến mọi thứ thành vàng chỉ với một cái chạm tay.

Từ bài hát được dùng làm tiêu đề “Gwanghwamun Sonata” (1988) đến các bài “Khi tình yêu đi qua” (1987), “Đứng dưới bóng cây ven đường” (1988), và “Tình yêu xưa” (1991) được sử dụng trong tác phẩm là những kiệt tác thời đại khiến tất cả khán giả đều ngân nga nhẩm theo. Giống như hầu hết các vở nhạc kịch jukebox được công chúng yêu thích, tác phẩm này đã thành công trong việc khơi gợi tối đa sự hoài niệm. Nó thu hút không chỉ những người mê nhạc kịch mà còn cả những người yêu thích nhạc của Lee Young-hoon đến sân khấu kịch.

Khi màn sân khấu buông xuống và khán phòng vang lên bản nhạc nổi tiếng “Hoàng hôn đỏ” (1988) của Lee Young-hoon được nhóm nhạc thần tượng Big Bang biên đạo lại, khán giả khó có thể ngồi yên trên ghế. Họ hưởng ứng, hát theo cổ vũ, đồng thời trải nghiệm một cảm xúc rất đặc biệt do loại hình sân khấu này tạo ra.

art2.jpg

Nữ diễn viên nhạc kịch Cha Ji-yeon, người dẫn chuyện trong vai trò hướng dẫn viên du hành thời gian, đã nhận được nhiều lời khen ngợi cho màn thể hiện bùng cháy của mình. Phiên bản mới nhất của vở nhạc kịch “Gwanghwamun Sonata” được viết bởi nhà biên kịch và đạo diễn Ko Sun-woong, pha trộn giữa ký ức, hiện thực và giả tưởng, do Gina Lee đạo diễn.

Ba phiên bản
“Gwanghwamun Sonata” có đến vài phiên bản. Phiên bản đầu tiên dàn dựng các bài hát của Lee Young-hoon thành nhạc kịch là của đạo diễn nhạc kịch nổi tiếng Lee Gi-na, được công diễn tại Nhà hát lớn của Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Sejong năm 2011. Nghe nói rằng chính Lee Young-hoon đã tạo ra cốt truyện cơ bản của vở nhạc kịch khi ông đang mắc ung thư giai đoạn cuối. Kể về một chuyện tình tay ba, tác phẩm nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của giới khán giả trung niên và gặt hái thành công phòng vé hiếm có đối với một vở nhạc kịch sáng tạo được biểu diễn trên sân khấu lớn. Vở này còn được diễn lại tại Trung tâm Nghệ thuật LG ngay năm sau đó.

“Gwanghwamun Sonata 2” do Kim Kyu-jong đạo diễn là phần ngoại truyện của phiên bản trước, tập trung biểu diễn trực tiếp tại các sân khấu nhỏ. Mỗi nhạc công đứng ở một ô trong sân khấu lưới hình bàn cờ, làm tăng sức hấp dẫn âm nhạc của vở diễn. Phiên bản này mang sắc thái của những buổi hòa nhạc, đã từng được biểu diễn tại một số thành phố ở Trung Quốc như Thượng Hải, Hàng Châu, Nam Xương, Phúc Kiến...

Phiên bản “Gwanghwamun Sonata” biểu diễn trong năm nay được nhà biên kịch kiêm đạo diễn nổi tiếng Ko Seon-woong viết mới và Lee Gi-na trở lại đạo diễn. Thông qua câu chuyện nhân vật chính sắp chết trở về quá khứ tìm lại tình yêu đích thực, vở nhạc kịch thể hiện sự đan xen lẫn lộn giữa ảo tưởng, ký ức và hiện thực.

Công diễn lần đầu tại Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Sejong năm 2017 và diễn lần hai năm 2018, phiên bản lần ba này là tác phẩm bất hủ với sân khấu mang đậm phong cách riêng, thể hiện sự mơ mộng nhưng cũng đầy đam mê của đạo diễn nổi tiếng. Tác phẩm được đánh giá là đã thể hiện thành công sức hấp dẫn bất tận của âm nhạc Lee Young-hoon. Đặc biệt, khâu chọn và phân vai diễn không phân biệt giới tính cũng là một chủ đề tiêu điểm.

Có thể nói yếu tố thành công chính của tác phẩm đến từ chiến lược tiếp thị và việc lựa chọn thời điểm công diễn phù hợp, ê-kíp sản xuất tài năng với sự tham gia diễn xuất của các ca sĩ, diễn viên tên tuổi, sự phối hợp ăn ý giữa đạo diễn và biên đạo nhạc, thiết kế sân khấu vượt trội...

Nhạc sĩ Lee Young-hoon
Lee Young-hoon ngay từ đầu chưa gia nhập vào giới âm nhạc đại chúng. Ông bắt đầu sự nghiệp của mình trong vai trò là nhà soạn nhạc nền cho các vở kịch, chương trình truyền hình và màn múa biểu diễn. Giữa độ tuổi 20, ông mở rộng lĩnh vực sang âm nhạc đại chúng. Trong khoảng thời gian này, ông gặp Lee Moon-sae vốn khởi nghiệp với vai trò là ca sĩ kiêm MC từ năm 1978 và đã phát hành album thứ hai nhưng lại nổi tiếng với vai trò là người chọn và phát bản thu âm trên đài phát thanh hơn là ca sĩ.

Hai ông bắt tay hợp tác và ca khúc chủ đề “Anh chưa biết” trong album thứ ba của Lee Moon-sae phát hành năm 1985 trở nên nổi tiếng đến mức chiếm vị trí quán quân trong 5 tuần liên tiếp trên chương trình âm nhạc truyền hình. Không chỉ bài hát này, mà đa số các bài hát ghi trong đĩa đều đạt bản hit. Từ đó, Lee Young-hoon nổi lên như một nhà soạn nhạc và nhạc sĩ tiểu biểu của nền âm nhạc đại chúng Hàn Quốc. Album thứ tư của Lee Moon-sae “Khi tình yêu đi qua” phát hành hai năm sau đó là một trong 100 album nhạc pop hàng đầu của Hàn Quốc, đạt mốc bán 2,8 triệu bản. Hai ông cùng tiếp tục đồng hành đến album thứ 13 của Lee Moon-sae mang tên “Chương thứ 13” phát hành năm 2001. Trong thời gian ít qua lại hợp tác với Lee Moon-sae, ông tham gia soạn nhạc cho các bộ phim điện ảnh, truyền hình, hoặc biến tấu những bài hát đã soạn cho Lee Moon-sae và phát hành album nhạc giao hưởng. Đến nay, tượng đài tôn vinh những bài hát của ông được dựng trên đường Jeongdong, Cung Deoksugung, Seoul trở thành một nơi hội tụ nhiều xúc cảm lạ đối với những ai đang còn lưu giữ ký ức về thời đó.

Trong một đoạn hồi tưởng về những năm 1980, khi những người trẻ xuống đường phản đối chế độ độc tài quân sự, ca sĩ kiêm nhạc sĩ nhạc rock Yoon Do-hyun đã chơi đàn piano và hát bản hit của Lee Young-hoon “Người yêu cũ của tôi” (1988).

Giống như hầu hết các vở nhạc kịch jukebox được công chúng yêu thích, “Gwanghwamun Sonata” đã thành công trong việc khơi gợi tối đa sự hoài niệm.

Ưu thế của sự quen thuộc
Ở Hàn Quốc, “Mamma Mia!” được dùng như tên gọi thể hiện toàn bộ đặc trưng của nhạc kịch jukebox, nhưng nếu chia nhỏ loại hình này ra sẽ có nhiều chuyện để nói. Tùy theo đặc trưng, nhạc kịch jukebox được chia thành hai loại: loại compilation (tuyển tập) tổng hợp nhiều bản nhạc đại chúng đa dạng về thời gian sáng tác, chủ đề hoặc thể thức âm nhạc, chẳng hạn như “Rock of Age” hội tụ các bản nhạc rock nổi tiếng trong thập niên 1980; và nhạc tribute chỉ sử dụng nhạc phẩm của riêng một nhà soạn nhạc giống như vở “Gwanghwamun Sonata”. Nếu như nhạc compilation có ưu điểm là có thể tự do sử dụng nhạc của nhiều nhạc sĩ khác nhau theo chủ đề của câu chuyện, thì nhạc tribute có sức hấp dẫn không chỉ đối với những người yêu thích nghệ thuật biểu diễn hiện nay mà còn cả những người hâm mộ nhạc của nghệ sĩ trước đó. Dĩ nhiên, sự quan tâm của khán giả sẽ tăng lên gấp bội nếu nhạc sĩ hay nhà soạn nhạc không còn hoạt động hoặc đã qua đời.

Lý do khiến thể loại phim ca nhạc hoặc là nhạc kịch jukebox, đặc biệt là nhạc tribute được yêu mến rất đơn giản. Trước hết là bởi, khán giả có thể phần nào thoát khỏi gánh nặng khi phải cùng lúc tiếp nhận những bài hát và câu chuyện xa lạ. Thực tế, việc phải nghe hàng chục bài hát mới trên một sân khấu chỉ kéo dài hơn hai, ba tiếng đồng hồ là điều không hề dễ dàng. Nhà soạn nhạc mong muốn phát huy hết tài âm nhạc của mình để giúp cho khán giả thưởng thức nhiều giai điệu đẹp, nhưng có thể làm cho khán giả khó tiêu hóa. Chính vì lý do này mà các nhà soạn nhạc đã dành nhiều nỗ lực biến tấu giai điệu chính hoặc tạo nên những bài hát chủ đề trước khi công diễn để ghi dấu trong lòng công chúng.

Theo đó, nhạc kịch jukebox là một loại hình nhạc biểu diễn có nhiều ưu điểm. Trước tiên, những ca khúc xuất hiện trên sân khấu đều đã quen thuộc với khán giả. Thêm vào đó, sự sống động và linh hoạt của mỗi lần biểu diễn trực tiếp trên sân khấu vượt xa việc nghe thiết bị của dàn âm thanh trong phòng khách hoặc một chiếc loa nhỏ đặt trên bàn làm việc. Đây chính là lý do vì sao nhạc kịch jukebox thu hút không chỉ những người yêu thích nghệ thuật biểu diễn mà còn cả những người hâm mộ âm nhạc luôn dõi theo bài hát gốc hoặc nghệ sĩ. Ngoài ra, việc sử dụng nội dung có mức độ đại chúng cao có thể giảm bớt gánh nặng và rủi ro phòng vé đối với người sản xuất.

Won Jong-won Giáo sư Khoa Truyền thông đa phương tiện, Trường Đại học Soonchunhyang,Nhà bình luận âm nhạc
Dịch. Lê Hoàng Bảo Trâm

전체메뉴

전체메뉴 닫기