메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

2021 WINTER

HANOK – KHÔNG GIAN CỦA CẢI TIẾN

VỊ KHÁCH DƯỚI MÁI HIÊN

Ngày nay, hanok thường được biết đến là một “di sản văn hóa”. Tuy nhiên, rất nhiều phương án đang được tìm tòi, nghiên cứu với mục đích làm sống lại những giá trị của hanok và lan tỏa chúng đến mọi người. Đặc biệt, hanok stay – dịch vụ trải nghiệm nghỉ qua đêm trong nhà cổ – đang ngày càng phổ biến, nhận được sự hưởng ứng đông đảo không chỉ từ những người ở độ tuổi trung niên có hoài niệm về hanok mà cả những bạn trẻ. Một trong những địa điểm cung cấp dịch vụ này chính là khu nghỉ dưỡng Gurume tọa lạc tại thành phố Andong, tỉnh Gyeongsangbuk.


fea4-1.jpg

Ngồi ở toetmaru của Tê Vân Đình (tạm dịch: ngôi nhà trên mây) ở khu nghỉ dưỡng Gurume, Andong có thể tận hưởng khung cảnh xa xa đằng sau bức tường đá thấp. Nơi đây từng là vọng lâu được xây vào những năm 1840 bởi quan văn Yi Eon-sun (Lý Ngạn Thuần) – hậu duệ đời thứ 9 của Toegye Yi Hwang (Thoái Khê Lý Hoảng), một học giả của Tân Nho giáo vào giữa triều đại Joseon, sau đó được di dời đến vị trí hiện tại vào năm 2008.

Mùa thu năm ngoái, tôi đã có cơ hội nghỉ qua đêm trong một căn nhà hanok lâu đời. Tết Trung thu vừa qua chưa lâu, bầu trời càng ngày càng cao vời vợi. Trong lúc tôi còn mãi tưởng tượng đến cảnh ngồi trên sàn nhà hanok và tận hưởng khí trời mùa thu, dòng thời gian vốn chậm rãi đã thấm thoắt trôi đi, thoáng cái đã đến gần ngày hẹn.

Từ lúc quyết định sẽ nghỉ một đêm ở hanok, tôi đã bắt đầu lần tìm về những ký ức xưa cũ. Khi còn rất nhỏ, đã có một khoảng thời gian ngắn tôi sống tại nhà ngoại. Nó có vẻ không giống một căn nhà mái ngói sang trọng, nhưng cũng chẳng phải là ngôi nhà tranh quá đơn sơ. Lấy cớ hỏi thăm, tôi gọi điện thoại hỏi cậu mình thì biết được, dù mái lợp bằng tranh nhưng căn nhà vẫn được kết cấu bằng cột và xà ngang như những ngôi chùa. Khi đã chắc chắn mình nhớ chính xác, tôi dần dần hình dung lại chi tiết hơn một vài khung cảnh.

Sán nhà ở đại sảnh bị bào mòn đến nhẵn thín và bóng loáng, nếu mang tất mà chạy trên đó sẽ cảm thấy hồi hộp như thể chạy trên băng. Ngẩng đầu nhìn lên phía dưới mái hiên sẽ bắt gặp một chiếc tổ én bao bọc những chú chim non lúc nào cũng yên lặng ẩn nấp, nhưng hễ chim mẹ mang thức ăn về là chúng sẽ đồng loạt chĩa mỏ ra ngoài ầm ĩ đòi ăn. Hình ảnh bếp lò không ngừng “nuốt” những thanh củi mỗi khi nấu cơm cũng hiện lên trong tâm trí tôi, đan xen với hình ảnh con bò đang chậm chạp nhai cỏ khô trong chuồng. Có vẻ bữa ăn của con bò được chuẩn bị trước cả bữa cơm gia đình. Cứ như thế, những hình ảnh bên ngoài ngôi nhà thi thoảng hiện về trong tâm trí tôi, nhưng ký ức về bên trong ngôi nhà lại nhạt nhòa và mơ hồ.

Bảy ngôi nhà cổ
Đến thành phố Andong khi sắp 2 giờ chiều, tôi vội vàng ăn trưa rồi tiếp tục lái xe. Trên đường đến khu nghỉ dưỡng Gurume, vì tiện đường nên tôi tranh thủ ghé thăm đập Andong, một con đập rất lớn ở gần đó. Sau một vòng lái xe nhìn ngắm vài địa điểm du lịch như thể đang đi thị sát, cuối cùng cũng đã đến giờ nhận phòng. Tôi đưa xe vào bãi đậu rồi gọi điện cho khu nghỉ dưỡng thông báo mình đã đến nơi.. Không lâu sau, một chiếc xe điện giống như loại xe thường chạy trên sân gôn từ đâu đó xuất hiện.

Nhân viên phục vụ chất hành lí của tôi lên xe, mời tôi ngồi ở ghế sau và bắt đầu thuyết minh về khu nghỉ dưỡng trong lúc đưa tôi đi tham quan một vòng nơi này. Dọc theo con dốc của thung lũng có bảy ngôi nhà hanok cổ được xây từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XIX và ba, bốn ngôi nhà hanok mới. Những ngôi nhà cổ vốn dĩ không nằm ở đây, nhưng khi đập Andong được xây dựng vào 50 năm trước, người ta e ngại sau khi đập được hoàn thành thì những ngôi nhà này sẽ bị nhấn chìm trong nước nên đã di dời chúng đến vị trí hiện tại. Một trong những đặc trưng lớn của hanok là có thể được lắp ráp lại như ban đầu nếu khâu tháo dỡ vật liệu được làm cẩn thận, thậm chí phần gỗ khi được bảo quản tốt thì vẫn có thể tái sử dụng để xây nhà mới. Tôi tự hình dung ra toàn bộ quá trình những ngôi nhà ở trước mắt được tháo dỡ một cách cẩn trọng, vận chuyển đến đây và xây lắp để trở thành như hiện tại. Nếu có cơ hội, tôi rất muốn một lúc nào đó được tận mắt chứng kiến công việc tựa như phép thuật kì diệu này.

Sau khi kết thúc chuyến tham quan, chúng tôi di chuyển xuống thung lũng và đến nơi mà tôi sẽ nghỉ lại qua đêm. Đó là ngôi nhà mang tên “Khê Nam Cố Trạch” (tạm dịch: căn nhà cổ ở phía nam con suối). Đằng sau cánh cổng được đan bằng cành cây cao tầm hàng rào là một khoảng sân ngoài đã được sửa sang bằng phẳng và sạch sẽ; băng qua hết khoảng sân này và mở cửa lớn ra sẽ thấy tiếp một khoảnh sân trong nhỏ nhắn. Lấy sân trong làm trung tâm, các gian nhà sarangchae, anchae và phòng giữa được bố trí xung quanh theo hình dạng chữ ㅁ (mi-eum). Tôi được sắp xếp nghỉ ngơi tại sarangchae, trong khi anchae đã có một gia đình đang ở và phòng giữa vẫn còn trống. Sarangchae vốn là nơi chủ nhà dùng để sinh hoạt và tiếp khách. Giống như các hanok khác, sarangchae ở đây cũng là không gian độc lập, bao gồm một phòng lớn, đại sảnh và một phòng nhỏ liên kết với nhau theo chữ ㄱ (gi-yeok). Tại không gian này, những người đàn ông sinh sống trong nhà sẽ tiếp đãi khách, hỏi thăm cũng như cùng trao đổi về các việc lớn nhỏ trong làng. Có lẽ vì là nơi người ngoài thường xuyên lui tới nên so với toàn bộ căn nhà, sarangchae mang lại nhiều cảm giác sinh động hơn. Sau khi cất hành lý, tôi muốn nhìn ngắm thật kỹ ngôi nhà lúc trời còn sáng nên đã ra ngoài đi dạo.

Hình dạng của mái và hiên nhà mộc mạc nhưng không nhàm chán, họa tiết chạm khắc trên tường và cửa rất tỉ mỉ mà không hề rối mắt. Tôi bỗng dưng cảm thấy tò mò rằng điều gì trong tâm trí, tinh thần của ông cha ta đã khiến họ xây nên những ngôi nhà như thế này. Tôi lùi ra xa hơn một chút vì muốn nhìn thấy toàn cảnh. Trong lúc đứng chỗ này chỗ kia để ngắm nhìn, tôi đã tìm ra vị trí đứng để có thể nhìn thấy khung cảnh đẹp nhất. Đó là hình ảnh mặt bên của căn nhà với những bông hoa cúc nở thành từng bụi. Ngôi nhà tuy toát lên vẻ cao quý nhưng vẫn không thể khiến những bông hoa đồng nội mùa thu phải cảm thấy e thẹn. Giống như bầu trời trong trẻo, ngọn núi xanh biếc và cơn gió nhẹ nhàng, ngôi nhà đã trở thành cảnh nền trầm tĩnh để bông hoa đồng nội có thể mặc sức khoe sắc. Nếu là một họa sĩ, có lẽ tôi đã không thể cầm lòng được mà nhấc cọ vẽ lại khung cảnh đẹp đẽ này.

Sau khi đi loanh quanh đến thấm mệt, tôi trở vào trong nhà, để cửa mở rồi ngồi ở đại sảnh một lúc. Nếu xem toetmarulà hành lang thì đại sảnh không khác gì một phòng khách. Hình như tôi đã rất thích không gian đại sảnh khi còn sống ở nhà ngoại. Ký ức về những ngày hè vừa nằm dài trên chiếc sàn gỗ rộng để làm dịu cái nóng, vừa ngửi mùi hương của gỗ hiện lên trong tâm trí. Mùa này trời đang mát dần nên cũng chẳng cần phải mở hết các cửa từ mọi hướng để làm ráo mồ hôi, chỉ cần để mở cửa ra vào là đủ. Bên ngoài cửa là hành lang bao quanh, xa hơn nữa là khoảng sân, hàng rào và vườn cây của khu nghỉ dưỡng trải ra như thể một bức tranh. Từ hành lang ngoài cửa, một cơn gió thổi ngang qua đại sảnh.

fea4-9.jpg

Ước đoán xây dựng vào những năm 1800, Khê Nam Cố Trạch có cấu trúc theo hình dạng chữ ㅁ (mi-eum) và là kiểu nhà của giới thượng lưu điển hình ở khu vực Andong. Sarangchae nằm ở bên phải cổng chính, phía sau khoảng sân trong là anchae với phần đại sảnh khá rộng. Đây là ngôi nhà được xây bởi Yi Gwi-yong (Lý Quân Dung) – phụ thân của Yi Eon-sun (người xây Tê Vân Đình) và là nhà chính của gia tộc; được di dời đến địa điểm hiện tại đồng thời với Tê Vân Đình.

Sức nặng của tấm chăn
Khi thấy mặt trời sắp lặn, tôi ra khỏi khu nghỉ dưỡng đi ăn rồi về. Đề phòng trời trở lạnh, tôi đã bật sẵn lò sưởi nên khi quay lại cả gian nhà đã ấm hẳn lên. Đó là nhờ hệ thống sưởi độc đáo ondol (hay còn gọi là gudeul) đã sưởi ấm toàn bộ căn nhà bằng cách làm nóng sàn nhà. Bụng đã no nhưng khi sức nóng tỏa lên từ lòng bàn chân, tất cả cảm giác mệt mỏi của một ngày dường như ùa về. Tôi còn chẳng thèm trải nệm ra mà nằm hẳn trên nền nhà. Ở nhà mình tại Seoul, tôi rất ít khi nằm trên sàn nhà, vì trong phòng khách có sô-pha và trong phòng ngủ có giường. Vì thế, diện tích tiếp xúc giữa cơ thể tôi với ngôi nhà chỉ bé bằng lòng bàn chân. Ngược lại, hanok là không gian mà tôi có thể chạm vào bằng toàn bộ thân thể. Nằm trên sàn nhà, tôi trải nghiệm được những cảm giác đang được truyền đến cơ thể thông qua mông, lưng và sau gáy. Bên dưới lớp lót sàn là hệ thống sưởi ondol được đắp từ đất mịn. Không biết có phải tại vì tâm trạng của tôi hay không mà dường như một nguồn năng lượng của tự nhiên tỏa ra từ đất đang dâng trào nơi đây.

Tôi quyết định đi tắm trước khi cơ thể hoàn toàn rã rời. Lấy đồ vệ sinh cá nhân đi vào phòng tắm, tôi chợt nhận ra nơi này không khác gì khách sạn cao cấp. Một cảm giác kì lạ xuất hiện, như thể tôi vừa đột ngột vượt thời gian từ quá khứ đến hiện tại, khiến tôi lúng túng trong chốc lát. Nước nóng nhẹ, áp lực nước vừa đủ đã giúp tôi xua tan hoàn toàn những mệt mỏi sau một ngày dài. Sau khi trở lại phòng và lau khô người, tôi bắt đầu trải chăn nệm ra. Dù đã thông báo tôi sẽ ở một mình nhưng họ vẫn chuẩn bị những hai tấm nệm dày. Có lẽ họ lo nền nhà cứng sẽ khiến tôi cảm thấy bất tiện nên đã chuẩn bị chăng? Tất cả chăn gối đều được làm theo cách truyền thống, nhồi bông vào bên trong lớp vải cô-tông. Tôi thích cảm giác nặng trĩu và thô ráp của tấm chăn đắp trên cơ thể mình. Dường như không phải tôi đắp chăn mà chiếc chăn đang ôm chặt lấy tôi vậy. Đây cũng là lúc những ký ức nhạt nhòa bắt đầu ùa về. Đó là hình ảnh bên trong nhà ngoại khi tôi còn nhỏ.

Dường như tôi đã hiểu được lý do vì sao những ký ức của mình lại tối đen như vậy. Vì đó cũng là màu sắc bao phủ căn phòng của nhà ngoại khi ấy. Giấy dán tường đã cũ, giấy lót sàn cũng ngả sang màu nâu đỏ do bị đốt nóng bởi hơi lửa tỏa ra từ hệ thống đá sưởi. Giấy dán trên cửa phòng do chất lượng không tốt nên rất dày và sần sùi. Ngược lại, bên trong khu nghỉ dưỡng tôi đang ở lại rất sáng sủa. Tường được dán giấy sạch sẽ, đèn được lắp đặt âm đâu đó trong mép trần khiến tôi có cảm giác như ngôi nhà đang tự phát ra ánh sáng. Các kết cấu bằng gỗ chống đỡ cho căn nhà như là khung cửa, tường và trần có lẽ vì không gặp phải mưa gió nên đều còn nguyên vẹn, ánh đèn vàng tỏa đều, nhẹ nhàng khắp cả phòng. Nhân lúc suy nghĩ, tôi lật tấm chăn ra, đứng lên và đi về phía trước cửa phòng. Tôi kéo cửa ra một khoảng vừa phải, dùng ngón tay búng nhẹ lên giấy dán cửa. Từ vị trí ở giữa khung cửa lùa, âm thanh như tiếng trống phát ra trong trẻo nhưng cũng rất sâu lắng.

fea4-2.jpg

Khu nghỉ dưỡng Gurume là tập hợp bảy ngôi nhà cổ có từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX ở khu vực Andong, sau được di dời và phục dựng dọc theo sườn núi thoai thoải và sử dụng làm khách sạn. Chăn và nệm chuẩn bị cho khách là loại được nhồi bông vào bên trong lớp vải cô-tông. Vải dệt từ sợi bông này được ưa chuộng bởi cảm giác thô ráp khi chạm vào da thịt, là loại vải phổ biến nhất được dùng làm ga giường trong quá khứ.

fea4-3.jpg

Khác với phòng khách sử dụng hệ thống sưởi ondol truyền thống, phòng tắm được cải tạo theo hướng hiện đại để đáp ứng tiện nghi cho khách. Bồn tắm, vòi sen được lắp đặt và các vật dụng tắm gội được cung cấp giống như những khách sạn thông thường.

Trong ngôi nhà của mình tại Seoul, tôi rất ít khi nằm trên sàn nhà. Vì thế, diện tích tiếp xúc giữa cơ thể tôi và ngôi nhà chỉ bé bằng lòng bàn chân. So với đó, hanok là không gian mà tôi có thể chạm vào bằng toàn bộ thân thể.

fea4-4.jpg

Bên trong khu nghỉ dưỡng có những con đường đi dạo nằm giữa các ngôi nhà. Rảo bước dọc theo con đường ấy, chúng ta có thể vừa so sánh hình dáng đa dạng của những ngôi nhà truyền thống qua các thời kỳ, vừa thưởng thức phong cảnh xung quanh.

Hơi ấm của gia đình
Giữa hai không gian rất khác nhau là thế, đâu là điểm chung đã làm sống dậy trong tôi những ký ức mà bản thân trước đây chưa bao giờ nghĩ đến? Chắc chắn là tấm chăn rồi. Chính cảm giác như tấm chăn ôm chặt cơ thể đã nhắc tôi nhớ về hơi ấm của gia đình. Dù sống trong căn phòng cũ kĩ và tăm tối, tôi đã cảm thấy rất hạnh phúc và vui vẻ. Tôi rất thích món gangdoenjangvà kalguksudo bà ngoại nấu. Sau bữa ăn, ông tôi thường kê chiếc gối gỗ dựa vào tường và hút thuốc. Nếu bà cằn nhằn về việc hút thuốc ở nơi có cháu nhỏ, ông sẽ âm thầm mang chiếc gối gỗ đó ra ngoài sảnh. Mỗi khi buồn chán, tôi lại mang hết đống băng cát-sét mà các cậu của tôi sưu tầm ra để chơi đô-mi-nô. Tôi thậm chí còn cho băng vào hộp lộn xộn để đùa các cậu, nhưng tôi cũng chẳng biết trò đùa đấy có tác dụng gì không. Ông bà ngoại đã mất cách đây khá lâu, giờ đây mỗi năm tôi cũng chỉ thăm hỏi cậu mợ một hai lần, nghĩ lại thấy ký ức của thời thơ ấu mà cứ như việc đã xảy ra từ kiếp trước.

Tiếng cười của những vị khách trọ trông như một gia đình vọng ra từ anchae, vượt qua cả sân trong vọng đến chỗ tôi. Vài suy nghĩ bất chợt nảy ra trong đầu, tôi vội kéo cái bàn nhỏ lại gần, đặt chiếc laptop lên và gõ vài câu. Dường như giá trị của hanok bộc lộ rõ hơn khi có hình ảnh của gia đình. Ngỡ rằng có rất nhiều thứ để viết ra, nhưng cảm giác hồi hộp, phấn khích tại một không gian xa lạ khiến tôi không tài nào sắp xếp được các ý tưởng. Để chiếc laptop tại đó, tôi đi ra ngồi trên maru. Trái với cái se lạnh của đêm thu, cảm giác cơ thể được sưởi ấm thật là sảng khoái. Trong lúc thử tìm những chòm sao trong số rất nhiều ngôi sao chi chít trên bầu trời, một cái gì đó có hình thù như chiếc lá thon dài treo ở cuối mái hiên thu hút ánh nhìn của tôi. Tò mò với hình dáng kỳ lạ ấy, tôi đứng dậy xem và nhận ra đó không phải chiếc lá mà là một chú bọ ngựa. Trong trạng thái treo ngược, đầu của chú ta ngẩng lên, hướng về phía bầu trời xa xăm bên ngoài mái hiên và hoàn toàn không động đậy. Không biết nó đã như thế tự bao giờ. Tôi đứng đó và tưởng tượng về tâm trạng của chú bọ ngựa ấy, đến khi cơ thể lạnh nổi hết da gà thì mới đi vào trong phòng. Đắp chăn và nằm xuống, trong đầu tôi vẫn nghĩ đến hình ảnh con bọ ngựa chăm chú nhìn bầu trời một mình suốt một hồi lâu, để rồi cơ thể chìm vào giấc ngủ từ lúc nào không biết.

Kim Deok-heeTiểu thuyết gia
Ahn Hong-beom Nhiếp ảnh gia

전체메뉴

전체메뉴 닫기