메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

2021 AUTUMN

TRIỀU TIÊN TRONG MẮT MỘT PHỤ NỮ TRẺ NGƯỜI ANH

Một phụ nữ người Anh cùng chồng là cán bộ ngoại giao đến Triều Tiên sinh sống trong hai năm. Cho đến tận bây giờ, sau khi về nước cũng được từng ấy thời gian, hình ảnh sinh hoạt hằng ngày của người Triều Tiên được cô quan sát và cảm nhận trong mọi mặt của thể chế xã hội chủ nghĩa và những tình cảm ấm áp nhận được từ họ vẫn hiện lên rõ mồn một trong tâm trí cô.

Triều Tiên trong trải nghiệm của một phụ nữ người Anh ở độ tuổi 30 là nơi ấm áp, thân thiện hơn tưởng tượng ban đầu của cô. Hơn hai năm sinh sống ở Bình Nhưỡng là khoảng thời gian đủ dài để tạo nên thay đổi lớn trong quan niệm của cô.

tale_1.jpg

Sau hai năm sống cùng chồng vốn là cán bộ ngoại giao tại Bình Nhưỡng và trở về Anh, Lindsay Miller đã xuất bản sách ảnh nhằm giới thiệu một Triều Tiên với diện mạo phức tạp hơn nhiều so với những gì cô tưởng tượng trước đó và không thể đoán trước. Giờ đây, cô cho biết không còn cảm thấy tự do là điều hiển nhiên nữa.
© Lindsey Miller

Nhà soạn nhạc kiêm đạo diễn âm nhạc Lindsey Miller (33 tuổi) cùng chồng là cán bộ ngoại giao đã sống tại Triều Tiên từ năm 2017 đến 2019. Tháng 5 vừa qua, cô cho ra mắt sách ảnh với những câu chuyện về người Triều Tiên mà cô được dịp tiếp xúc trong thời gian sống tại đây. Sách dày 200 trang, có tựa đề rất thu hút “Triều Tiên: Nơi không giống bất cứ đâu” (North Korea: Like Nowhere else).

Trước khi đặt chân đến Triều Tiên, cô luôn nghĩ người dân ở đó chắc hẳn phải lạnh lùng như rô-bốt. Đặc biệt, có lẽ họ sẽ tỏ ra xa lánh, thậm chí có thái độ hằn học, thù địch với người nước ngoài. Thế nhưng giờ đây, sau hai năm từ Bình Nhưỡng trở về, cô thấy đó chỉ là định kiến cá nhân. Những người Triều Tiên mà cô từng gặp đều rất chân thành và giàu tình cảm.

“Người nước ngoài thường mang định kiến xem Triều Tiên là đất nước của những lễ duyệt binh, những buổi tập thể dục tập thể hay vũ khí hạt nhân. Do đó, họ nghĩ người Triều Tiên cũng rất nghiêm khắc và cứng nhắc. Thế nhưng, người dân ở đó cũng giống chúng ta. Họ cũng là những người bình thường, ông bà cưng chiều con cháu, các thành viên trong gia đình yêu thương lẫn nhau.”

tale_2.jpg

Những người lính ngồi chật kín phía sau xe tải quân sự, di chuyển từ làng này sang làng khác quanh thủ đô Bình Nhưỡng hay trên những con đường ở nông thôn là hình ảnh thường thấy tại Triều Tiên. Các quân nhân mà Miller tiếp xúc không phải là những người cứng rắn, đáng sợ mà là những thanh niên trẻ luôn nở nụ cười và chào hỏi.
© Lindsey Miller

Với Miller, họ là những thanh niên bình thường vừa bước vào độ tuổi đôi mươi. Cô nhớ rất rõ khoảnh khắc chụp bức ảnh này. Sau khi chào hỏi các thành viên trong đoàn, có một anh chàng gửi tặng cô một nụ hôn gió.

NHỮNG THAY ĐỔI RÕ NÉT
Cô Miller phát hiện ra những biến đổi nhỏ trong không khí xã hội theo khuôn mẫu của Triều Tiên. Một buổi chiều nọ, trước trụ sở của Tòa soạn báo Lao động – cơ quan tượng trưng cho sự kiểm soát và trừng phạt của Triều Tiên, cô bắt gặp cặp tình nhân nắm tay nhau rảo bước. Cô đã chụp lại cảnh này và cũng đưa vào sách ảnh. Không những thế, thỉnh thoảng cô còn chứng kiến những bạn trẻ Triều Tiên trong hình ảnh mà trước đó khó có thể tưởng tượng được. Các em nhỏ mang cặp sách in hình nhân vật hoạt hình của Disney, Mỹ đi học.

“Ai tưởng tượng ra được cảnh những chiếc cặp có nhân vật hoạt hình Disney tượng trưng cho văn hóa Mỹ lại được thấy ở Triều Tiên? Tôi đã xem phim hoạt hình Disney chiếu trên đài truyền hình quốc gia. Khi ấy, nhiều cảm xúc lẫn lộn trong tôi. Tôi tự hỏi liệu người dân ở đây có biết những thứ này đến từ đâu hay không?”

Miller thích nhất ảnh những người lính Triều Tiên ngồi trên xe tải trong hàng ngàn bức ảnh do chính tay cô chụp. Nó thể hiện rõ góc nhìn của cô về đất nước và con người nơi đây. Nhắc đến quân nhân Triều Tiên, không ít người liên tưởng ngay đến chính quyền của chủ tịch Kim Jong-un. Nhưng với Miller, họ là những thanh niên bình thường vừa bước vào độ tuổi đôi mươi. Cô nhớ rất rõ khoảnh khắc chụp bức ảnh này. Sau khi cô chào hỏi các thành viên trong đoàn, có một anh chàng gửi tặng cô một nụ hôn gió. Mọi người xung quanh đều cười phá lên. Và Miller cũng đáp lại chàng trai ấy một nụ hôn tương tự.

“Không ai trong chúng ta lại nghĩ điều đời thường, giản dị này lại diễn ra ở Triều Tiên. Chúng ta quá tập trung vào bộ quân phục trên người họ mà quên đi bản chất con người họ. Sống ở Triều Tiên, tôi trở nên quan tâm hơn đến họ là ai, từ đâu đến, gia đình và cuộc sống của họ ra sao.”

TIẾP XÚC VỚI NGƯỜI DÂN TRIỀU TIÊN
Người nước ngoài sống tại Triều Tiên có thể đi lại tương đối tự do trong trung tâm thủ đô Bình Nhưỡng. Họ có thể đi mua sắm, dùng bữa tại nhà hàng hoặc nói chuyện dễ dàng với người dân trên đường. Điều ngạc nhiên là nhiều người Triều Tiên có thể giao tiếp cơ bản bằng tiếng Anh. Một vài người còn chủ động tiếp cận để tìm cơ hội luyện tập tiếng Anh. Tuy nhiên, khác với khách du lịch, người nước ngoài sống tại Triều Tiên có những quy tắc và hạn chế phải tuân theo. Họ không được phép sử dụng phương tiện giao thông công cộng như xe buýt hoặc taxi, cũng như không được phép đến thăm nhà riêng của người dân.

Đồng thời, không phải lúc nào người nước ngoài cũng có thể tự do nói chuyện với dân địa phương. Thực tế, Miller cũng đã nhiều lần trải nghiệm hệ thống giám sát của chính quyền. Có người cô gặp trên đường, đang thoải mái trò chuyện thì bỗng sắc mặt biến đổi rồi lập tức rời đi. Những lúc ấy, nếu quan sát xung quanh, y như rằng sẽ có một người đàn ông mặc âu phục đang đứng gần đó. Nhiều cửa hàng trong nội đô Bình Nhưỡng cũng không hoan nghênh người nước ngoài cho lắm. Thỉnh thoảng, Miller vào một cửa hàng đang đông khách thì nhận được câu: “Chúng tôi đóng cửa rồi!”.

Miller đặc biệt cảm thấy thú vị với các cô gái trẻ Bình Nhưỡng, những phụ nữ trạc tuổi cô. Việc họ đang dần thay đổi tư tưởng về chuyện tình cảm, kết hôn và nghề nghiệp khiến cô rất đỗi ngạc nhiên.“Những phụ nữ trẻ Bình Nhưỡng mà tôi tiếp xúc đều xem trọng công việc và nghề nghiệp hơn chuyện lập gia đình, sinh con đẻ cái. Tôi rất thắc mắc khi thấy họ kết hôn nhưng chưa sinh con. Một phụ nữ chia sẻ rằng cô ấy quá mệt mỏi với công việc kéo dài hàng giờ mỗi ngày. Có cả nữ sinh nói rằng không thích kết hôn. Dĩ nhiên, đó là các cô gái thuộc tầng lớp tinh hoa ở Bình Nhưỡng. Đa phần những người tôi gặp đều có địa vị xã hội cao, có nhiều cơ hội tiếp xúc với người đến từ thế giới bên ngoài.”

Cô sống trong khu ngoại giao đoàn tọa lạc tại Moonsu-dong, phía đông thủ đô Bình Nhưỡng. Đây là khu vực gồm đại sứ quán các nước, các cơ quan quốc tế và các tổ chức cứu trợ quốc tế. Quy mô khu vực không lớn, thỉnh thoảng xảy ra tình trạng thiếu điện nhưng sinh hoạt ở đây không gặp nhiều khó khăn. Tại đây, mọi người có thể xem truyền hình vệ tinh và kết nối internet dù tốc độ rất chậm. Ngoài ra, còn có trường học riêng dành cho người nước ngoài; tuy nhiên, do chất lượng đào tạo không cao nên đa phần con cái của quan chức ngoại giao đều chọn hình thức học tại nhà (homeschooling).

Trước khi đến Triều Tiên, Miller được khuyên mang theo một ít ngoại tệ phổ biến như Đô la, Euro và Nhân dân tệ. Nhưng thật bất ngờ, người Triều Tiên không chấp nhận đồng Đô la nhàu nát. Lúc mới đến nơi, cô đưa tờ một Đô la để thanh toán phí đậu xe sân bay nhưng bị từ chối vì tiền nhăn và bẩn. Ở Bình Nhưỡng, sau khi mua hàng, thay vì nhận tiền thừa, người ta thường nhận đồ ăn vặt như kẹo cao su và nước hoa quả. Tại các trung tâm thương mại, tiền lẻ được trả lại bằng đồng Won Triều Tiên. Người nước ngoài không thể sử dụng máy rút tiền tự động (ATM). Khi dùng hết ngoại tệ, cô thường nhờ người quen đi công tác nước ngoài ngắn ngày đổi giúp. Nhiều người nước ngoài đến rút tiền mặt tại các máy ATM ở thành phố Đan Đông vốn là biên giới giữa Triều Tiên và Trung Quốc.

tale_3.jpg

Bức chân dung khổng lồ của Chủ tịch Kim Jong-il (Kim Chính Nhật) được dựng sừng sững tại một ga tàu điện ngầm ở Bình Nhưỡng. Đối với những người dân đi lại bên dưới bức chân dung này, đây cũng là một thói quen sinh hoạt hằng ngày vô cùng quen thuộc.
© Lindsey Miller

tale_4.jpg

Khung cảnh một căn hộ nhỏ ở Bình Nhưỡng trong một buổi chiều thu năm 2018. Miller luôn tự hỏi thế hệ đi trước của Triều Tiên từng chứng kiến và trải qua những gì, niềm tin của họ về tương lai của Triều Tiên là như thế nào.
© Lindsey Miller

tale_5.jpg

Các nữ quân nhân tại Lễ Duyệt binh năm 2018 đi ngang ông Kim Jong-un và xuyên qua đường phố Bình Nhưỡng, nhìn vào máy ảnh và vẫy tay chào. Quần chúng cổ vũ, trao cho họ bóng bay và hoa. Miller chia sẻ cô không cần đắn đo nhiều khi quyết định chọn bức ảnh này làm trang bìa cho cuốn sách.
© Lindsey Miller

KÍ ỨC NGẮN NGỦI NHƯNG SÂU SẮC
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều năm 2018 để lại cho Miller những kỷ niệm sâu sắc, thú vị. Cô biết tin khi xem tin thời sự nước ngoài, nhưng Đài Truyền hình Triều Tiên thông báo chậm hơn một ngày. Những người bạn Triều Tiên của Miller tìm đến, thắc mắc và nhờ cô giải thích chuyện gì đang xảy ra. Cùng với khẩu hiệu “Chúng ta là một”, những bức ảnh lớn chụp Chủ tịch Kim Jong-un bắt tay Tổng thống Mỹ Trump được treo ở trung tâm thủ đô Bình Nhưỡng.

Có nhiều tin đồn người Triều Tiên nghe nhạc hay xem chương trình truyền hình Hàn Quốc, nhưng Miller chưa trực tiếp chứng kiến hoặc nghe lại từ ai. Việc tiếp cận nội dung giải trí Hàn Quốc tại Triều Tiên là hành vi phạm pháp, bị khép vào tội có khung hình phạt cao nhất. Cũng có người hỏi xem cô đã đến Seoul chưa, Seoul là nơi thế nào. Một người khác còn cho cô xem ảnh chụp bãi biển Bali, khen nó thật đẹp và ngắm nhìn thật lâu. Họ cũng thắc mắc với cô về văn hóa Anh Quốc. Nhưng dường như họ chưa chấp nhận được vấn đề bình đẳng giới hay kết hôn đồng tính.

Trong các bức ảnh ban đầu của Miller về Triều Tiên có nhiều công trình kiến trúc, bởi cô cảm thấy các tòa nhà này có cấu trúc và thiết kế lạ mắt. Sau đó, ống kính của cô chuyển trọng tâm về phía con người, nắm bắt cuộc sống hằng ngày của người dân Triều Tiên bằng góc nhìn đầy sáng tạo. Thỉnh thoảng có những khoảnh khắc Miller không lưu lại, cô không bấm máy để tôn trọng họ.

Ban đầu, cô không có kế hoạch xuất bản sách. Tuy nhiên, khi trở lại Vương quốc Anh, trong lúc sắp xếp lại các bức ảnh, những kỷ niệm của cô về Triều Tiên ùa về. Nhìn lại những trải nghiệm và cảm xúc đã qua, cô nghĩ đến việc chia sẻ chúng với nhiều người. Gồm 200 bức ảnh và 16 câu chuyện được sắp đặt ngẫu hứng, sách tập trung vào cuộc sống người dân nhiều hơn là vào hệ thống hoặc tình hình chính trị của Triều Tiên.

Tựa đề “Triều Tiên: Nơi không giống bất cứ đâu” mang nhiều hàm ý trong đó.

“Thật khó để trả lời ngắn gọn cho câu hỏi Triều Tiên là một nơi như thế nào. Bởi lẽ trên thế giới này không có nơi nào giống Triều Tiên trong tất cả những nơi tôi biết, kể cả những nơi tôi đã trải nghiệm qua. Đối với người nước ngoài, có sự phân biệt rõ ràng giữa những gì có thể làm được và những gì không thể làm được. Đó là lý do tôi đặt tên cuốn sách như vậy.”

Sau khi trở về Anh từ Triều Tiên, Miller đã có chuyến thăm đầu tiên đến Hàn Quốc. Những trải nghiệm cuộc sống ở Triều Tiên trước đó khiến cô cảm thấy lồng ngực quặn thắt, trào dâng cảm xúc đặc biệt khác thường khi đặt chân đến Khu vực Phi quân sự (DMZ).

Kết thúc cuộc phỏng vấn, cô bộc bạch: “Dù biên giới giữa hai quốc gia có khép kín, chúng ta vẫn không nên đóng cửa trái tim đối với Triều Tiên. Bởi vì Triều Tiên là đất nước có những con người đang sinh sống”.

Kim Hak-soon Nhà ngôn luận, giáo sư thỉnh giảng
Khoa Truyền thông, trường Đại học Korea
Dịch. La Duy Tân

전체메뉴

전체메뉴 닫기