Food stylist (nhà tạo mẫu ẩm thực) là người sáng tạo không gian bàn ăn từ thực phẩm và dụng cụ ăn uống. Bằng hình ảnh hoặc video, họ cần truyền tải một cách chân thực nhất từ kết cấu, mùi vị cho đến hình thức bên ngoài của món ăn. Đây là công việc khó có thể thực hiện nếu không đủ sự nỗ lực và năng lực sáng tạo.
Food stylist Kim Bo-seon đang kiểm tra kỹ mẫu tham khảo qua màn hình và bày biện món ăn đã chuẩn bị. Đạt được sự ưng ý của khách hàng cũng quan trọng không kém việc chuẩn bị món ăn hay trình bày chúng.
Ẩn mình trong một con hẻm tách khỏi đường lớn của Seongsan-dong, Mapo-gu, Seoul là một ngôi nhà hai tầng đã 50 tuổi. Nhà không có cổng, ở góc sân có một cây hồng lớn sừng sững xoè bóng mát. Đây là nơi bầy chim sống ở núi Seongmi gần đó thường bay đến nghỉ ngơi. Bên trong khung cửa sổ hướng ra khoảng sân thoáng đãng với cây hồng là căn studio thường xuyên sáng đèn đến tận 3 giờ sáng. Trong phòng có đủ loại vật dụng, người ra vào tấp nập, ánh đèn chụp lóe lên rồi lại tắt, mùi đồ ăn thơm ngon thoang thoảng lôi cuốn sự hiếu kỳ của các chú chó, mèo thập thò xung quanh. Nơi đây chính là phòng làm việc của cô Kim Bo-seon, một food stylist.
Theo thời gian và sự thay đổi của thời đại, lĩnh vực food stylist dần được mở rộng. Ngoài việc cơ bản là tự chế biến món ăn, các food stylist còn tiến hành khảo sát thị trường hay phát triển thực đơn mới theo yêu cầu của khách hàng. Vì lĩnh vực này khá rộng nên công việc hàng ngày của họ luôn bận rộn. Hơn 20 năm gắn bó với nghề food stylist, một ngày của Kim Bo-seon lúc nào cũng kín mít với nhiều thể loại công việc khác nhau.
Nghề phải giỏi mọi việc
Kim Bo-seon sống gần nơi làm việc, hằng ngày cô đi bộ đi làm. Ngoại trừ những ngày tác nghiệp bên ngoài, cô thường thức dậy lúc 8 giờ sáng và mở cửa phòng làm việc lúc 9 giờ. Nếu buổi chụp hình bắt đầu lúc 9 giờ, cô phải chuẩn bị mọi thứ từ 5 giờ. Trước đây, phần lớn công việc là chụp ảnh món ăn để đăng tạp chí, nhưng nay tình hình đã thay đổi.
“Ngày nay, tạp chí ít đi nhiều, thị trường quảng cáo đa phần chuyển sang kỹ thuật số. Những việc chúng tôi nhận gần đây chủ yếu liên quan đến tạo dựng thương hiệu trên mạng xã hội, bày trí triển lãm, bố trí sự kiện,... Hay khi có dụng cụ nhà bếp mới ra mắt, tôi tiến hành thử nghiệm sản phẩm, phát triển thực đơn, làm sổ tay.”
Trước đây, việc nấu nướng và food styling là hai lĩnh vực riêng biệt. Nhưng hiện nay, phần đông khách hàng tìm kiếm những food stylist có khả năng bếp núc.
“Phạm vi công việc sẽ thay đổi tùy thuộc vào việc bạn có khả năng chế biến món ăn hay không. Nếu không có tay nghề bếp núc hỗ trợ, bạn sẽ thấy mình bị hạn chế trong công việc, kết quả là phải đi học nấu ăn. Ví dụ để giúp một món xào vừa hoàn thành trông bắt mắt hơn, bạn cần quyết định nên dùng dầu ăn hay bôi mật ngô. Để phán đoán được, bạn cần có kiến thức về nấu nướng. Hoặc, tùy vào từng loại thịt, bạn cũng cần biết nhiệt độ nào phù hợp giúp miếng thịt trông ngon và đẹp mắt nhất. Vì vậy không chỉ cần giỏi việc bếp núc, bạn còn cần am tường cả về nguyên liệu món ăn.”
Đối với từng thể loại ẩm thực đa dạng như món Hàn, món Tây, món Trung, món Nhật,... nguyên liệu liên quan cũng vô cùng phong phú. Do đó nếu chỉ giỏi một lĩnh vực nhất định sẽ khó đảm đương được công việc này.
“Vì không biết mình sẽ được khách hàng giao phó việc gì. Nói chung, mình phải biết và làm được mọi thứ.”
Việc cần làm tốt không chỉ có nấu nướng. Bạn cần chuẩn bị các loại dụng cụ cần thiết cho việc quay phim, chụp ảnh. Từ việc sử dụng bát đĩa, cho đến kết hợp chúng với khăn trải bàn, khăn ăn, thìa đũa, lọ gia vị, hoa,... ra sao để phù hợp với tổng thể và làm nổi bật món ăn.
“Nhiều dự án đến ngay trước ngày ghi hình nên tôi không có thời gian để mua vật dụng. Vì vậy mỗi khi có thời gian, tôi thường chuẩn bị sẵn.”
Thật không quá lời khi nói rằng food stylist là một nghề tổng hợp. Người làm nghề này vừa là nhà nghiên cứu ẩm thực, người trang trí hoa, cũng vừa là điều phối viên, nhà thiết kế.
Hình ảnh tại sự kiện Le Pain Baguette Championship 2023, nơi chọn ra chuyên gia làm bánh số một Hàn Quốc. Tác phẩm là một bàn lớn dài 8m phủ đầy bởi hàng chục loại bánh mì và các vật dụng khác nhau.
ⓒ Kim Bo-seon
Giấc mơ được tìm thấy ở tuổi 22
Vào năm cô học đại học năm thứ ba, thông qua một chương trình TV, Kim Bo-seon tình cờ biết đến nghề food stylist.
“Tôi vốn rất yêu thích và muốn làm việc liên quan đến nấu ăn. Nhưng nếu làm việc ở nhà hàng, tôi chỉ có thể nấu vài món giống nhau. Vì vậy, tôi thấy food stylist là một công việc rất thú vị. Mỗi lần không chỉ tạo ra một món ăn mới, mà còn trình bày để chúng trông bắt mắt hơn. Chưa kể, làm sách ảnh cũng là một việc rất lý thú của nghề này.”
Bằng sự quyết tâm, Kim Bo-seon bảo lưu kết quả học tập khi kết thúc năm thứ ba đại học và nghiêm túc theo đuổi ước mơ của mình. Nhưng thời điểm đó chưa có một trường, hay học viện nào đào tạo lĩnh vực food stylist.
“Khi ấy, tôi đã đăng ký khóa học của giáo viên vừa là nhà nghiên cứu ẩm thực vừa hoạt động trong lĩnh vực food stylist. Những lúc giáo viên có lịch trình riêng, lớp sẽ bị hủy hoặc dời lại. Khóa học một tuần một buổi, nhưng có những khi một tháng chúng tôi chỉ học được một lần”.
Học về food stylist, Kim Bo-seon nhận ra nhất thiết phải biết nấu nướng. Vì vậy cô đăng ký học tại trung tâm dạy nấu ăn của khách sạn Shilla.
“Sau khi học nấu món Tây ở đó, tôi định học hỏi thêm bằng cách làm phụ việc cho một food stylist. Tuy nhiên, nhiều người cũng có ý định như vậy, trong khi vị trí công việc lại có hạn. Nếu có kinh nghiệm nấu nướng chắc hẳn sẽ có ưu thế hơn. Nghĩ như thế, tôi đã xin vào làm việc ở một nhà hàng chuyên về pasta.”
Chính kinh nghiệm đó trở thành bàn đạp giúp Kim Bo-seon trở thành trợ lý food stylist. Lên năm thứ tư đại học, cô sắp xếp tất cả lớp học trong tuần vào một ngày, thời gian còn lại dành để làm việc. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô không ngừng đắn đo cho chặng đường tiếp theo trong tương lai và quyết định đến Nhật du học.
“Vào thời điểm đó, Nhật Bản đa dạng hơn Hàn Quốc về chủng loại món ăn và nguyên liệu. Cả lĩnh vực món tráng miệng và rượu vang cũng phong phú hơn. Nên tôi nghĩ mình có thể mở mang tầm nhìn tại đó.”
Ở Nhật, Kim Bo-seon vừa học việc, vừa làm đồng thời ba công việc bán thời gian để đủ trang trải sinh hoạt phí, học phí và tiền tiêu vặt. Năm 2005, sau khi về Hàn Quốc, cô mở một xưởng nhỏ tại tầng bán hầm trong căn nhà của bố mẹ, bắt đầu cuộc sống tự lập của một food stylist.
“Tôi đã không có việc để làm. Trong ba tháng, chỉ có một vị khách tìm tới. Nếu tình hình không khá khẩm hơn, tôi nghĩ chắc mình sẽ rơi vào trầm cảm mất. Vì vậy, tôi quyết định tiếp tục tìm tòi học hỏi thêm bằng cách đến thư viện, đi nhà sách. Ngày qua ngày, dù chỉ có một khách hàng tìm tới, tôi cũng không ngừng tự rèn luyện. Cho dù chỉ là một cảnh chụp, tôi cũng thử nhiều góc máy, quan sát dưới nhiều góc độ, chuẩn bị sẵn nhiều ý tưởng đến cả phương án C. Những vị khách đã đến một lần sau đó tiếp tục quay lại, thậm chí họ còn giới thiệu cho những người xung quanh. Cứ như vậy, mất 5 năm để tôi có được vị trí như ngày hôm nay.”
Nguồn nguyên liệu phải tươi và chất lượng tốt thì sản phẩm mới đạt yêu cầu về kết cấu và màu sắc, thu hút ánh nhìn của mọi người.
ⓒ Kim Bo-seon
Ăn cũng công việc, nghỉ cũng công việc
Sau khi khởi nghiệp xưởng làm việc ở tầng bán hầm, được một thời gian, cô phải chuyển chỗ đến ba bốn lần. Cô Kim Bo-seon nhận các dự án chụp ảnh khoảng hai đến ba lần một tuần. Những ngày không có lịch chụp, cô vẫn tất bật chuẩn bị cho ngày được đặt lịch hẹn. Cô nghiên cứu dự án, mua đạo cụ cần thiết và chỉ đạo cho nhân viên tiến hành. Đôi lúc phải làm những món ăn lạ như “cá trích lên men kiểu Bắc Âu”, cô phải chuẩn bị nguyên liệu, nghiên cứu công thức và làm thử món ăn. Những ngày thời gian thư thả hơn, cô sắp xếp biên lai và hoá đơn thuế. Bữa sáng của cô thường là trứng luộc hay khoai lang, bữa trưa và bữa tối hầu hết cô gọi đồ ăn sẵn giao đến phòng làm việc.
“Tủ lạnh tuy luôn sẵn các nguyên liệu tươi ngon, nhưng hầu như tôi không có thời gian sắp xếp hay nấu nướng cho chính mình. Bởi vì công việc hàng ngày thường kéo dài đến rạng sáng mới kết thúc. Tôi chỉ về nhà để ngủ. Có lẽ tôi chỉ ngủ 4 tiếng mỗi ngày.”
Đối với Kim Bo-seon, việc gặp gỡ mọi người và đi ăn uống món gì ngon khi rảnh rỗi cũng là công việc. Nó như một phản xạ mỗi khi cô trông thấy một món ăn hấp dẫn. Cô khám phá kỹ thuật nấu, tìm tòi cách chế biến vì biết đâu khi có khách hàng yêu cầu món ăn kiểu tương tự, cô sẽ phải tự tay thực hiện nó.
“Đây là một công việc đòi hỏi sự sáng tạo, chỉ thực hiện được khi có và thể hiện tốt ý tưởng. Không phải cứ đến giờ ngồi vào làm, hết giờ thì kết thúc mà có được ý tưởng hay. Vì thế, cũng không thể phân chia công việc một cách rạch ròi. Theo đuổi công việc này cũng cần có niềm đam mê. Trước đây, tôi vốn có tính cách làm một chút là chán và bỏ cuộc, nhưng công việc này lại phù hợp với tôi. Bởi càng tiếp tục, tôi lại càng muốn làm tốt hơn nữa.”
Đối với Kim Bo-seon, ngắm nhìn những chú chim ríu rít trên cây hồng ở góc sân cũng là giây phút ngắn ngủi cô nghỉ ngơi và thư giãn. Không biết chừng, đó cũng là cái nôi ấp ủ cho những ý tưởng sáng tạo mới nảy sinh.
Hwang Kyung-shin - Nhà văn
Ảnh. Han Jung-hyun
Dịch. Mai Kim Chi