메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

An Ordinary Day > 상세화면

2023 AUTUMN

TẠP CHÍ MANG KHUYNH HƯỚNG HOÀN HẢO CÙNG MỐI SUY TƯ TƯƠNG LAI

Urbanlike là tạp chí bán niên san, nhưng lại có dạng giống với tạp chí sách hoặc một quyển sách thuần túy. Xuất phát điểm là một tờ tạp chí khổ nhỏ phát hành hàng tháng, Urbanlike chủ yếu đề cập đến thời trang và phong cách sống mang màu sắc thành thị. Tổng biên tập Kim Tae-gyeong đã tình cờ bén duyên với công việc này từ thời đại học và theo đuổi đến nay. Cô chia sẻ rằng khi nhìn lại thời gian đã qua trong đời, ở mỗi thời điểm lựa chọn, cô đều hướng đến việc làm sách như một bản năng.

1★Koreana_An Ordinary Day_0038.png

Kim Tae-gyeong là tổng biên tập của Urbanlike - một tạp chí về phong cách sống, được tạo ra bằng cách thêm từ “like” (mang đặc điểm) vào “urban” (thành thị).

Cô thức giấc lúc 5 giờ sáng và bắt đầu “công việc của bình minh”. Đó là uống trà, nghe nhạc, đọc sách. Sau một giấc ngủ, tâm hồn và cơ thể cô đã phục hồi được năng lượng, sẵn sàng đón một ngày mới cùng với trà, âm nhạc và sách.


Từ sinh viên báo chí đến tổng biên tập

2Koreana_An Ordinary Day_0004.jpg

Urbanlike phát hành hai lần một năm, mỗi số tập trung vào một chủ đề. Nó gần với kiểu tạp chí sưu tầm hơn là ấn phẩm hàng tháng.



Kim Tae-gyeong là tổng biên tập của Urbanlike - một tạp chí về phong cách sống, được tạo ra bằng cách thêm từ “like” (mang đặc điểm) vào “urban” (thành thị). Thời gian bình minh của cô được kích hoạt cách đây khoảng năm năm. Còn trước đó, cô chỉ chuyên hoạt động về đêm, ngủ muộn rồi dậy trễ.

“Tôi thấy cơ thể không ổn cho lắm. Thế là tôi nghĩ mình cần làm gì đó để có sức khỏe, nhưng việc tập thể dục thì khá phiền hà, còn ăn uống lành mạnh lại quá phức tạp. Cuối cùng, tôi quyết tâm rằng “Thử ngủ sớm, dậy sớm xem nào”. Tôi chuyển những việc hay làm đêm sang thời điểm sáng sớm. Rồi thể trạng tôi cũng dần tốt hơn. Cảm giác như chất lượng cuộc sống cũng thay đổi và phong phú hơn.”

Cô bước vào giới tạp chí khi là sinh viên năm nhất đại học. “Đó là lúc các tòa báo làm tạp chí thời trang riêng. Nhìn thấy quảng cáo tuyển dụng sinh viên báo chí, tôi đã đăng ký bằng bưu thiếp. Khi các bạn cùng trang lứa đang làm thêm ở những nơi như quán cà phê, tôi đã hỗ trợ tiền bối lấy tin về thời trang đường phố. Công việc đó khá thú vị”.

Cô hứng thú với công việc ở tòa soạn hơn cả ngành quản trị mình đang theo học. Nhưng cô từng ấp ủ một giấc mơ riêng. “Tôi muốn làm một nhà sản xuất phim truyền hình, còn công việc thú vị này chỉ làm tạm mà thôi. Thế nhưng năm 1998, khủng hoảng tài chính châu Á xảy ra vào thời điểm tôi tốt nghiệp. Lúc đó, tôi nhận được lời mời của một tòa soạn nọ khi đang vất vả tìm việc. Nhận thấy đây cũng là một cơ hội nên tôi đã quyết định đi làm. Khi đó tôi thật sự không ngờ rằng một công việc vốn bắt đầu như vậy lại có thể làm mãi cho đến tuổi này”.

 

Một tạp chí có phong cách và cá tính riêng

3★Koreana_An Ordinary Day_0019.jpg

Số trang, kích thước, giấy in và hình thức trang bìa của tạp chí cũng thay đổi theo chủ đề từng số. Đó là lý do cô luôn cảm thấy mới mẻ mỗi khi làm công việc quá đỗi quen thuộc này.

 

Sau đó, cô đã làm biên tập thời trang, cộng tác viên tự do cho nhiều tòa soạn khác nhau rồi đến năm 2009, cô chính thức làm ở công ty chiến lược nội dung Urban Books và phát hành số đầu tiên của Urbanlike vào năm 2013. Vốn là tạp chí khổ nhỏ, kể từ năm 2016, Urbanlike đã chuyển sang hình thức hiện tại, phát hành hai lần một năm.

“Vì từng làm ở tạp chí thời trang nên, như một lẽ tự nhiên, tôi đã làm ra tạp chí khổ nhỏ (tabloid: dạng tạp chí tin tức có khổ nhỏ hơn báo hằng ngày - chú thích của người dịch) - hình thức tạp chí thịnh hành thời bấy giờ. Tôi đã dồn nhiều công sức cho việc này. Sau thời gian hòa mình vào guồng quay dồn dập để hoàn thành mỗi tháng một số tạp chí, tôi thỉnh thoảng có chút hoài nghi liệu làm thế này có hợp lý không. Rồi độc giả mua sách in vãn dần, các công ty quảng cáo cũng chuyển từ quảng cáo trên báo in sang báo điện tử... Lúc đó, tôi tự hỏi “Giờ phải làm sao nhỉ? Chỉ còn cách làm kiểu tạp chí bộ sưu tập. Phải quyết đoán và tập trung”. Thế là tôi quyết định làm dạng tạp chí sách, mỗi số tập trung vào một chủ đề duy nhất. Tuy có hoài nghi về chức năng truyền thông của một tạp chí bán niên san, nhưng bạn đọc đã xem xét ở góc độ bản sắc, chấp nhận sự đa dạng của loại hình tạp chí nên tôi nghĩ sự thay đổi lúc đó là khá hợp lý.”

Kể từ đó, Urbanlike đã chuyển đổi thành tạp chí sách, mỗi số chỉ tập trung cho một chủ đề. Chẳng hạn như “Khách sạn”, “Làm việc tại nhà”, “Nhà xuất bản”,“Văn phòng phẩm”,“Bữa ăn”, “Bát đĩa”... Cỡ chữ, khổ báo, giấy in cũng thay đổi theo chủ đề của từng số. Hình thức xuất bản này khơi dậy mong muốn sở hữu của độc giả, vì mỗi số tồn tại như một quyển sách độc lập chứ không phải là “số cũ” của một tờ tạp chí xuất bản định kỳ, nhờ vậy mà nó có mức bán ổn định.

 

Hệ thống linh hoạt

Cũng có những thứ cô từng hoài nghi “Liệu nó có ổn không?” đã được khẳng định “Hóa ra nó ổn!”. Đó chính là việc loại bỏ nguồn nhân lực cố định làm việc ở văn phòng.

“Vào một ngày nọ ba năm trước, tôi không mấy vui vẻ với việc đi làm ở văn phòng nữa. Nó như thể đặt người phóng viên vào trước bàn làm việc để theo dõi. Việc đi làm mỗi ngày có vẻ không hiệu quả. Tôi không tạo ra một tổ chức để rồi mọi thứ thành ra như vậy, nên tôi bỏ luôn hình thức này. Những hậu bối không còn chỗ làm sẽ được giới thiệu công việc khác hoặc đảm nhận vị trí cộng tác viên tự do. Sau đó tôi tìm những người phù hợp với chủ đề từng số, hình thành đội ngũ nhân lực bên ngoài để làm sách. Tôi có thể tập trung hoàn toàn vào công việc mà không phải bận tâm đến những mối quan hệ con người không cần thiết. Trải qua hai năm làm tự do như vậy, năm ngoái tôi đã tuyển thêm hai trợ lý bởi khối lượng công việc đã ngày càng nhiều thêm. Cũng có lúc tôi trăn trở không biết có phải mình đang quay lại như cũ hay không. Quan hệ con người thì gây căng thẳng thật, nhưng con người cũng tiếp thêm năng lượng cho tôi.”

Sau khi giảm bớt các yếu tố không cần thiết và kém hiệu quả, phần lập kế hoạch là của tổng biên tập Kim Tae-gyeong. “Tôi nghĩ cần lập kế hoạch cùng với cộng sự. Nhưng dù sao tôi cũng là người nắm giữ bản sắc. Rồi mọi thứ cũng đi theo hướng tôi muốn. Khi định hình được chủ đề thì tôi sẽ nhận kế hoạch chi tiết dựa trên đó, phân chia công việc. Sau khi mỗi người đi lấy tin, bàn giao bản thảo thì tôi sẽ tập hợp và gửi cho nhà thiết kế. Tôi luôn mải mê với việc sắp xếp các chủ đề”.

Biên tập viên của tạp chí luôn thay đổi ở mỗi số, nhưng nhiếp ảnh ảnh gia và hai nhà thiết kế thì đã đồng hành cùng tạp chí và tôi 10 năm rồi. Đó là những cộng sự không bị trói buộc vào khuôn khổvà tiền bạc, chỉ cùng một ý hướng làm việc mình mong muốn. Qua quá trình này, bản sắc Urbanlike càng trở nên bền vững hơn. Thay vì một tổ chức đóng khung, nó đã chứng minh được hiệu suất của hệ thống cởi mở, hướng ngoại.

 

Những câu hỏi về một cuộc sống không tự thỏa mãn

Phong cách sống của cô cũng khác với cuộc sống thường nhật của đại đa số nhân viên văn phòng. Không đi làm, không tan sở, không tiệc tùng và cũng không tăng ca.

“Các cuộc họp được tổ chức trực tuyến, những việc khác thì xử lý qua mail. Urbanlike có một văn phòng nằm ở Gyeonggi-do dùng để lưu trữ tài liệu và sách, ngoài ra còn có thêm một văn phòng nữa ở Seoul. Tôi đến văn phòng hai lần một tuần và có cuộc họp bên ngoài tầm hai lần một tuần. Tôi không làm việc quá bốn ngày một tuần. Không giới hạn về địa điểm, tôi chỉ cần một cái máy vi tính là được. Tôi đang duy trì tình trạng có thể nghỉ việc bất cứ khi nào.”

Ẩn ý trong câu nói này của cô là “Bản thân sẽ không tự thỏa mãn và luôn sẵn sàng thay đổi”. Cũng thi thoảng cô dừng bước và tự hỏi “Tại sao mình vẫn đang làm công việc này? Mình có thể làm nó như thế nào nhỉ?”.

“Tôi không làm quá sức và cũng không dốc kiệt năng lượng. Trước đây tôi từng rất vất vả khi làm việc ở tòa soạn, nên ngay từ khi bắt đầu công việc của mình tôi trân quý cơ thể, không khiến nó kiệt sức. Thật lòng, tôi làm tạp chí này không phải vì nghĩ đến độc giả, mà tôi nghĩ mình chỉ đang làm thứ mình đam mê, nhưng hình như nhờ thế, tôi có thể trụ được lâu dài mà không cảm thấy nhàm chán.”

Khi được hỏi “Cô có nghĩ mình là một tổng biên tập giỏi không?”, cô Kim đã trả lời “Tôi không giỏi viết lách, cũng không giỏi phỏng vấn. Vốn hiểu biết không nhiều, mọi thứ đều ở mức trung bình. Tôi cũng từng băn khoăn “Không phải nên biết tất cả mọi thứ sao?” Và rồi tôi đi đến kết luận là chỉ cần tìm người làm giỏi để giao phó công việc. Giống như để có một cuốn sách về bát đĩa thì bạn không cần phải làm ra bát đĩa”.

 

Giấc mơ muốn thực hiện

Sau khi đã toàn tâm sống với lựa chọn “thứ muốn làm” thì bước tiếp theo của cô là gì? Mối ưu tư dễ chịu này càng lúc càng sâu sắc, chín muồi.

“Tôi đã phỏng vấn những người đạt được thành tựu nào đó trong một lĩnh vực, nơi cuối cùng gắn liền với họ chính là vườn tược hoặc phòng sách. Tôi không có khiếu trồng cây nên nơi của tôi chắc không phải là khu vườn. Tôi muốn tạo ra một không gian đọc sách. Chính xác là một cái thư viện. Gần đây, tôi có cơ hội đến thư viện ở Helsinki trong một chuyến công tác, nó không phải là kiểu thư viện điển hình như chúng ta hay nghĩ đến. Không gian ở đó mang tính trải nghiệm và tận hưởng giống một khu vui chơi, chẳng hạn như những đứa trẻ thì chơi trượt ván, một số người lại nằm trên bãi cỏ đọc sách. Tôi cũng muốn tạo ra một không gian như vậy. Tôi mua về khá nhiều sách trong mỗi chuyến du lịch, nhưng chỉ sở hữu riêng một mình thì có ích gì chứ? Tôi muốn làm một cái thư viện như vậy ở gần Seoul và làm một bà lão trông nom thư viện.”

Ngoài ra, Urbanlike cũng có kế hoạch tiếp theo.

“Mục tiêu của tôi là thâm nhập thị trường hải ngoại. Đó là lý do tôi tham gia các triển lãm sách nước ngoài và suy nghĩ về quá trình làm một cuốn sách. Việc làm sách khó và phức tạp hơn làm một cái cốc. Nhưng cái cốc lại có hiệu suất kinh tế cao hơn. Vì thế tôi cần tìm kiếm cách làm có năng suất. Tôi cũng muốn thành công trong kinh doanh. Thời kỳ thuận lợi như trước đây sẽ không quay lại với ngành tạp chí, nhưng tôi vẫn muốn tìm kiếm một cái gì đó. Mỗi khi có cảm giác “Cái này cũng quá nhàm chán”, “Làm rồi mới thấy giống nhau cả” thì tôi luôn suy nghĩ để thay đổi không ngừng.”

Urbanlike ra đời với câu hỏi “Làm thế nào để tồn tại được ở thành thị?”. Liệu tổng biên tập Kim Tae-gyeong có câu trả lời cho điều này không?

“Tôi đang hướng đến tầng lớp trung lưu. Tôi nghĩ rằng hiện tại đang thiếu vắng sự quan tâm đến tầng lớp nằm giữa lớp trên và lớp dưới, giữa lớp trung tâm và lớp ngoại biên. Hầu như không có nội dung, thông điệp nào về những điều phổ quát dành cho họ. Họ không có tiếng nói, cũng không có nhiều lựa chọn. Tôi đang đi tìm những điều ở giữa như vậy, chứ không phải “hoặc mọi thứ, hoặc không có gì.”

Nếu chắc chắn làm hài lòng tầng lớp trung lưu thì tạp chí có thể hoạt động tốt ở thành thị. Vào mỗi sớm mai, cô một mình dành toàn bộ thời gian để tìm kiếm phương pháp đó. Một phương pháp chỉ của riêng mình, cho chính bản thân mình. Cách mà tổng biên tập Kim Tae-gyeong tìm ra sẽ có sự cách điệu và phát triển như thế nào? Lại có thêm một mong đợi khấp khởi chất chứa trong lòng chúng ta.

 

Hwang Kyung-shinNhà văn
Ảnh. Han Jung-hyun
Dịch.Lê Thị Phương Thủy

전체메뉴

전체메뉴 닫기