Có hai lĩnh vực truyền thống Hàn Quốc mà người Mỹ này thông thạo còn hơn cả người Hàn Quốc, đó là văn học và rượu. Người ta có thể trở thành chuyên gia về văn hóa của một nước nào đó mà không nhất thiết phải có tình yêu với nó. Có vẻ như đối với John Frankl thì không phải vậy. Nếu không, ông đã không nỗ lực bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống Hàn Quốc và cũng sẽ không phàn nàn về cái sự “Mỹ hóa” của Hàn Quốc.
Giáo sư John Frankl kiểm tra các vò đựng rượu tự làm của ông. Ông rất thích thú với sự kỳ công của quá trình làm rượu truyền thống Hàn Quốc tại nhà và hương vị độc đáo của rượu Hàn Quốc.
Từ xưa, người Hàn đã tin rằng để trở thành một con người toàn diện, cần phải thông thạo cả văn lẫn võ. Người nào không thỏa mãn chỉ với hai yêu cầu này thì thường thêm một yếu tố nữa: sành vị. John Frankl dường như thỏa mãn được cả ba yêu cầu này.
John Frankl là giáo sư có kinh nghiệm giảng dạy văn học Hàn Quốc suốt 10 năm tại Trường quốc tế Underwood thuộc Đại học Yonsei. Không chỉ vậy, nếu sử dụng công cụ tìm kiếm trên mạng internet, bạn có thể tìm thấy tên của ông được kết nối với nhiều võ đường Brazilian jiu-jitsu (BJJ) ở Hàn Quốc. Ông rất nổi tiếng trong cộng đồng võ thuật.
Yếu tố sành vị liên quan đến rượu. Người Hàn Quốc có tiếng là thích rượu. Không phải tiếng tốt mà là tai tiếng. Nhưng John Frankl không dễ tìm được những người bạn Hàn Quốc có tình cảm và kiến thức như mình đối với rượu truyền thống Hàn Quốc. Thậm chí, ông còn nhận được lời đề nghị sản xuất và kinh doanh loại rượu mang tên ông.
Làm thế nào để có thể đắm mình trong những lĩnh vực hoàn toàn khác nhau như vậy mà bản thân không bị biến thành con mọt sách, một chiến binh hay con sâu rượu? Có lẽ cân bằng và điều độ chính là từ khóa.
Frankl hiểu rất rõ câu câu tục ngữ của Mỹ: “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề” (“Jack of all trades and master of none”), nhưng ông không đồng tình nếu ứng câu này vào bản thân mình. “Tôi thích đạt giải đồng cho cả ba hơn là được giải vàng chỉ cho một hạng mục”, ông nói. Chính xác hơn phải là hai bộ ba hạng mục. Frankl không muốn chỉ giỏi ở cương vị học giả, võ sư, người sản xuất rượu mà còn muốn làm tốt ở cả vị trí giáo sư, người chồng và người cha nữa. Ông nhận xét, “Để giỏi một thứ, người ta thường phải bỏ đi rất nhiều thứ khác”.
Tung hứng ba trái bóng
Lấy môn võ thuật Brazilian jiu-jitsu làm ví dụ. Năm 1999, Frankl lần đầu tiên giới thiệu môn võ thuật phái sinh từ môn võ judo của Nhật Bản này tại Hàn Quốc. Những đệ tử đai đen đầu tiên của ông sau đó đã mở võ đường, rồi đệ tử của các đệ tử đó lại tiếp tục mở ra những võ đường jiu-jitsu của riêng họ sau khi đạt đai đen. Để nhấn mạnh mối quan hệ với ông, các võ đường đều sử dụng tên ông trong tên võ đường của mình nhưng Frankl thẳng thừng từ chối việc tham gia vận hành hay nhận tiền thu được từ các võ đường đó. Ông cũng không quan tâm đến việc mở võ đường jiu-jjitsu của riêng mình. Ông chỉ đơn giản là tập luyện tại hai võ đường jiu-jitsu gần cơ quan mà không quan tâm đến việc cần có một vị trí nào khác.
Frankl cho rằng jiu-jitsu là môn võ thuật tốt nhất để duy trì sức khỏe và ưu việt hơn cả karate, Muay Thai hay taewondo. “Những môn võ thuật đứng và chủ yếu sử dụng đòn tạt và đá như karate, Muay Thai hay taewondo thường để lại chấn thương cho cả người phòng ngự lẫn người tấn công”, ông nói. “Ngược lại, trong môn võ lấy nằm làm tư thế chính như jiu-jitsu, người ta có thể gửi tín hiệu đến đối phương biểu hiện sự đầu hàng bất cứ lúc nào nên thường không đến mức bị chấn thương.” Nếu jiu-jitsu không an toàn, ông đã không đồng ý cho cô con gái đang là học sinh cấp 3 của mình theo học.
Có lẽ hoạt động xã hội với hai tư cách đối lập nhau: học giả và vận động viên thể thao sẽ làm cho người ta không thể thực hiện tốt một trong hai hoặc thậm chí cả hai. Nhưng Frankl lại có suy nghĩ khác. “Đối với tôi, dường như mọi cái đều rất cân bằng. Đó là sự cân bằng giữa tinh thần và thể chất. Tôi thấy hai yếu tố này có tính bổ sung cho nhau hơn là đối lập.”
Sự cân bằng như thế này không cho phép ông có thời gian để thương mại hóa jiu-jitsu và ông cũng không có tâm trạng để nghĩ đến điều đó.
Giáo sư Frankl, người đã giới thiệu Brazil jiu-jitsu đến Hàn Quốc vào năm 1999, tạo ra một làn sóng các võ đường mang tên ông. Ông coi việc vừa là học giả vừa là vận động viên như một sự cân bằng giữa tâm trí và thể chất.
Có lẽ hoạt động xã hội với hai tư cách đối lập nhau, là học giả và vận động viên thể thao, sẽ làm cho người ta không thể thực hiện tốt một trong hai hoặc thậm chí cả hai. Nhưng Frankl lại có suy nghĩ khác.
Rượu lên men và rượu chưng cất Hàn Quốc
Phương châm cân bằng và tiết chế của Frankl rõ ràng cũng được áp dụng vào việc tự làm rượu tại nhà của ông. Năm 2010, ông bắt đầu chưng cất rượu tại nhà. Để làm được rượu ngon hơn, trong số nhiều cơ sở giống nhau, Frankl đã đăng ký học từ lớp sơ cấp đến lớp cao cấp tại Viện Nghiên cứu rượu tại gia Hàn Quốc.
Frankl nói, “Một khi bạn bắt đầu uống thứ rượu mình tự chưng cất, bạn sẽ khó mà uống được những loại bán tại các cửa hàng. Điều tôi không thể lý giải được là người Hàn Quốc đang sở hữu truyền thống rượu lên men và rượu chưng cất tuyệt vời nhưng lại đang thỏa mãn với loại rượu chưng cất soju giá rẻ. Soju thực sự rất nhạt nhẽo và không có sự khác biệt”.
Frankl cho rằng nguyên liệu là yếu tố quyết định 90% vị của rượu chưng cất tại nhà, còn lại, thời gian là quan trọng. “Nếu bạn có men và gạo tốt là gần như có thể đảm bảo được vị ngon của rượu”, ông nói.
“Bạn cho cơm, men cái và nước vào trong vò sau đó để lên men trong khoảng 10 ngày. Làm như vậy bạn sẽ có được loại rượu ngon có một không hai trên thế giới. Bạn có thể cho thêm những nguyên liệu giúp bạn cảm nhận được hương vị của các mùa như bột thông hay ngải cứu. Nó giống như bạn bọc đường cho bánh vậy.”
Từ rượu lên men, cần phải lọc để thành rượu trắng, gọi là cheongju (thanh tửu); nếu không lọc sẽ thành rượu makgeolli có màu trắng sữa còn được biết đến với cái tên takju. Đun nóng cheongju sẽ được soju. Nồng độ rượu được quyết định bởi nhiệt độ. Bạn có thể gia tăng nồng độ rượu đến 80 độ (tương đương 40 độ theo cách tính của Hàn Quốc) hoặc thậm chí cao hơn nữa. Ông cho biết, “Nếu bạn chưng cất rượu cheongju đã được lọc kỹ bạn có thể cất được khoảng ¼ số đó làm soju”. Ông còn nói thêm, “Soju được chưng cất theo kiểu truyền thống và có thể trở thành rượu cao cấp nếu bạn chịu đầu tư nhiều tiền và thời gian.”
Người viết bài này đã được nếm thử hai loại rượu soju nặng 80 độ do ông chưng cất. Giống như những loại rượu mạnh khác gồm cả rượu cao lương của Trung Quốc, lớp vị đầu của loại rượu soju này đắng nhưng không biết có phải do được làm từ gạo nếp hay không mà sau đó vị của nó dần chuyển sang thanh ngọt. Không hề có dư vị khó chịu chạy qua họng như khi uống rượu mạnh.
“Tôi không thích cảm giác cháy sộc lên trong cổ họng, kể cả khi uống rượu whisky”, Frankl nói tiếp. “Rượu soju truyền thống của Hàn Quốc không chỉ có nồng độ cao mà còn rất êm. Nếu là rượu soju được làm từ các nguyên liệu tốt thì dù có uống bao nhiêu cũng không say.” Frankl cho rằng nếu đáp ứng đủ ba điều kiện sau thì uống rượu cả đêm cũng không say. Đó là rượu tốt, bạn tốt và bầu không khí tốt. Vị giáo sư 51 tuổi nói rằng ông không thể chấp nhận được những hành vi bạo lực do say rượu. “Có vẻ như người Hàn Quốc chấp nhận điều này vì nghĩ rằng sai lầm của những kẻ say xỉn là do rượu. Tôi không đồng ý với điều đó. Không được đổ lỗi cho rượu. Vấn đề là ở người uống rượu.”
Liên quan đến văn hóa uống rượu của người Hàn Quốc, Frankl cảm nhận được sự biến đổi quan trọng. Ông nói đùa, “Gần đây, người Hàn Quốc ít uống rượu hơn so với trước, thời gian uống rượu cũng ít hơn và không khí uống rượu cũng thân tình hơn. Đối với một người làm rượu và uống rượu như tôi, sự thay đổi này của người Hàn Quốc đúng là thật đáng thất vọng”.
Frankl nói lúc đầu người Hàn Quốc thường thấy kỳ lạ về ông, một người nước ngoài chưng cất rượu Hàn Quốc bản địa. Nhưng bây giờ họ lại nhờ ông chia sẻ rượu ông chưng cất và bí quyết pha chế rượu. Cùng với một số người bạn nước ngoài, gồm cả một người bạn Scotland – quê hương của rượu whisky – ông bị cuốn vào rượu soju Hàn Quốc và cách điều chế rượu.
“Ưu điểm lớn nhất của rượu Hàn Quốc là có thể làm được trong một khoảng thời gian tương đối ngắn với những nguyên liệu rất dễ tìm”, Frankl nói. Đồng thời với việc nhấn mạnh rằng rượu Hàn Quốc còn có thể tốt hơn rượu cao lương và sake, ông nói thêm, “Những gì người Hàn Quốc cần là tự hào về sản phẩm của họ, tích lũy truyền thống rồi khoác thêm cho nó một chiếc áo huyền tích thôi.”
Ông phê phán rằng người Hàn Quốc có xu hướng chi hàng chục triệu won cho một chai whisky, hàng triệu won cho chai vang Pháp nhưng lại lấn cấn với việc chi hơn nghìn won cho soju hay makgeolli. Ông cũng nhấn mạnh rằng rượu lên men hay rượu chưng cất Hàn Quốc không nhất thiết phải rẻ và người Hàn Quốc cần phải học điều này từ những người Trung Quốc đang làm và bán rượu Cao lương với giá đắt đỏ. Ông nói, “Một số người học tại học viện pha chế đang điều hành một xưởng làm rượu với quy mô nhỏ và họ đang làm phong phú hơn rượu soju và makgeolli Hàn Quốc. Quá trình phân biệt hóa này đã được bắt đầu nhưng để đến được giai đoạn đại chúng hóa thì còn phải mất nhiều thời gian”.
“Cần phải dẹp những loại rượu lên men và rượu chưng cất có vị dở tệ, nhạt nhẽo, giá rẻ được thấy tại khắp các cửa hàng tiện lợi để nhường chỗ cho những loại soju, cheongju, dongdongju (là loại rượu takju có các hạt gạo không được vớt hết ra mà nổi lẫn bên trong) theo kiểu cổ điển.”
Thỉnh thoảng Frankl cũng nhận được đề nghị cho ra mắt loại rượu chưng cất mang tên ông. Frankl cho biết, “Tôi thường có tâm trạng mâu thuẫn trước những lời đề nghị đó”. Ông tâm sự, “Một khi đã bắt đầu làm rượu thương mại tôi sẽ không thể hưởng thụ nó như một thú vui được nữa. Nhưng mặt khác tôi cũng ấp ủ giấc mơ sản phẩm của mình được đưa lên giá hàng của các trung tâm thương mại lớn”. Nhưng nói đi nói lại thì Frankl vẫn cảm thấy sự hưởng thụ đối với việc làm rượu vẫn quan trọng hơn việc bán nó.
Giáo sư Frankl dạy văn học Hàn Quốc tại Trường quốc tế Underwood thuộc Đại học Yonsei. Ông lớn lên ở Santa Cruz, California và đến Hàn Quốc lần đầu tiên vào năm 1989 với tư cách là sinh viên trao đổi tại chính ngôi trường ông đang dạy.
Đa dạng hơn đồng nhất
John Mark Frankl được sinh ra ở Los Angeles nhưng chủ yếu trưởng thành ở Santa Cruz, California. Ông kể, “Thành phố mà tôi theo học hồi phổ thông trung học không hề có một người Hàn Quốc nào sinh sống hay học tập. Thậm chí không có cả giáo sĩ người Mỹ từng làm tại Hàn Quốc”. Frankl nói tiếp, “Thế mà vào đại học tôi lại chọn tiếng Hàn làm ngoại ngữ hai và học tập rất chăm chỉ. Bởi vì đó là môn học tôi phải thi đỗ nếu muốn tốt nghiệp.”
Năm 1989, ông lần đầu tiên đến Đại học Yonsei với tư cách sinh viên trao đổi và học tiếp tiếng Hàn. Lúc đó, ông bắt đầu quan tâm đến văn học hiện đại và đương đại Hàn Quốc. Frankl rất thích các tác giả những thập niên 1920, 1930 như Chae Man-shik, Yeom Sang-seop, Hyeon Jin-geon. Mặc dù đây đều là những tác giả theo trường phái chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa tự nhiên nhưng sự yêu thích của Frankl là đối với từng tác phẩm và tác giả chứ không phải chỉ với thể loại văn học. Tác giả mà ông thích nhất là Yi Sang, đặc biệt là tản văn của tác giả này. Thơ và tiểu thuyết của Yi Sang quá khó đối với ông.
Gần 15 năm sống ở Hàn Quốc, đương nhiên ông sẽ nói ông yêu Hàn Quốc. “Nhưng bạn cũng biết đấy, không thể nói đó là tình yêu hoàn bích 100% được. Cho dù yêu Hàn Quốc theo chiều hướng tích cực đến 95% thì vẫn lộ ra 5% là tiêu cực”, ông nói. 95% tình yêu tích cực đó là người Hàn Quốc rất tự tin, cởi mở, đất nước Hàn Quốc rất thân thiện và thoải mái đối với người lưu trú nước ngoài. Lúc đầu, ông cho rằng người Hàn Quốc rất khó gần và không thân thiện với người nước ngoài nhưng xu hướng ấy giờ đã được cải thiện rất nhiều.
Đối với ông, 5% tình cảm tiêu cực chính là tính đồng nhất. Hay nói cách khác là chủ nghĩa cá nhân bị đè nén. “Mỗi lần đến khu Sinchon hay Apgujeong, tôi không thể cảm nhận được sự khác biệt của nó với New York hay Tokyo. Người Hàn Quốc và các thành phố của Hàn Quốc đang dần mất đi tính đặc trưng, sức hấp dẫn riêng của mình.”
“Vâng, đúng là thế giới đang bước vào thời kỳ toàn cầu hóa một cách nhanh chóng. Nhưng tôi e rằng Hàn Quốc sẽ trở nên giống Mỹ quá mức.”
Trả lời câu hỏi nghĩ thế nào về đặc tính dân tộc của người Hàn Quốc, ông nói ông không tin vào cái gọi là “đặc tính dân tộc” (“national trait”) và cho rằng các thầy cô giáo Hàn Quốc không nên nhồi nhét vào đầu học sinh những thần thoại kiểu như “dân tộc đơn nhất” (“one nation”), “huyết thống thuần nhất” (“pure bloodline”). Thay vào đó, người Hàn Quốc cần tìm ra tính đa dạng trong bản thân mình, công nhận và tôn trọng những khác biệt của người khác dù đó là người nước ngoài sống trong hay ngoài Hàn Quốc. Ông nói thêm, “Điều mà tôi thích nhất ở Hàn Quốc là sự đa dạng của phương ngữ, phong cảnh và ẩm thực, nhất là trong một đất nước nhỏ bé mà bạn có thể đi đến bất cứ đâu chỉ trong khoảng 3 tiếng đồng hồ đi xe ô tô.”