“Ngay từ giây phút nhận được kịch bản tôi đã trở thành một phù thủy”, đó là câu nói của Cho Sang-kyung, cô luôn luôn cẩn trọng trong việc phân tích, nghiên cứu tác phẩm. Bắt đầu từ phim “Old Boy”, Cho đã thực hiện phục trang cho rất nhiều bộ phim khác nhau, cô nổi tiếng trở lại với vai trò là đạo diễn phục trang tiêu biểu của Hàn Quốc qua bộ phim truyền hình “Mr. Sunshine” đình đám gần đây.
Là một trong những nhà thiết kế phục trang được tìm kiếm nhiều nhất trong giới điện ảnh Hàn Quốc, Cho Sang-kyung cố gắng đạt được sự hoàn hảo về nghệ thuật, dành một lượng thời gian khổng lồ để làm việc cũng như nghiên cứu kỹ lưỡng các tài liệu lịch sử và tài liệu hình ảnh.
Dù không phải là người ngượng ngùng nhưng cũng thật khó để nhìn thẳng vào mắt của một người lần đầu tiên gặp mặt. Trong sách dạy phép lịch sự có đưa ra lời khuyên thế này: “Trong lần đầu tiên gặp gỡ, hãy nhìn vào khoảng giữa hai mắt của đối phương”. Thế nhưng Cho có cảm giác đối phương bị chóa khi bắt gặp ánh mắt của cô. Bằng cách đó Cho đã tạo nên cuộc đối đầu trực diện trong “Mr. Sunshine”.
Cho Sang-kyung đảm nhiệm vai trò thực hiện phục trang cho các bộ phim nổi tiếng, từcác phim nhận được giải thưởng điện ảnh của nước ngoài như “Old Boy” (2003), “Nàng Geum-cha tốt bụng” (2005),“Quái vật” (2006) đến các phim bom tấn như“Cùng với các vị thần”, “Tài xế tắc-xi” nổi tiếng gần đây. Các tác phẩm mang tính lịch sử của cô được yêu thích nhiều hơn. Và so với phim điện ảnh, tên tuổi của cô càng được nhiều người biết đến khi làm phim truyền hình.
Miệt mài nghiên cứu
Cho kiểm tra phục trang cho Vua Địa Ngục trong bộ phim gần đây “Cùng với các vị thần”. Để tạo ra phục trang cho một nhân vật hư cấu đòi hỏi cô phải có một trí tưởng tượng phong phú.
Bộ phim “Mr. Sunshine” được biên kịch và đạo diễn xây dựng kịch bản trong suốt khoảng mười năm. Ngay từ ngày đầu, phim truyền hình này được xác định không phải “sản phẩm” mà là “tác phẩm”. Phim truyền hình là một thể loại xa lạ đối với Cho Sang-kyung, một người chuyên thực hiện trang phục cho vô số các phim điện ảnh và loại hình biểu diễn sân khấu. Thế nhưng, Cho không lảng tránh chướng ngại đó, cô quyết tâm dành toàn bộ sức lực cho lần này. Bởi vì đây dường như là một thử thách khó khăn đối với cô, nó chắc chắn sẽ trở thành một “tác phẩm”.
Cho Sang-kyung nổi tiếng kỹ lưỡng, cô tò mò không biết bộ phim này đã được chuẩn bị kỹ lưỡng như thế nào mà mất tận 11 tháng cho khâu tiền chế tác. Thời gian tiền chế tác dài như vậy nhưng thời gian tối đa mà cô được yêu cầu phải hoàn thành xong công việc của mình chỉ nhỉnh hơn một tháng. Hơn thế, cũng trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó công việc của cô càng chồng chất khi bộ phim được kéo thành 20 tập so với 16 tập như dự tính ban đầu. Bộ phim bắt đầu quay khi kịch bản hoàn thành cơ bản, ngoài ra còn mất hơn năm tháng cho khâu tiền chế tác. Nhưng Cho phải lên ý tưởng thiết kế trang phục chỉ dựa trên phác thảo nội dung phim của đạo diễn và kịch bản của hai tập đầu tiên.
Khó khăn là vậy, nhưng sự cần mẫn của Cho tỏa sáng xuyên suốt phim. Ví dụ câu chuyện về quân phục của nam diễn viên chính Lee Byung-hun trong vai Eugene Choi, một sĩ quan thủy quân lục chiến của Hoa Kỳ.
“Ban đầu tôi đề nghị để đơn vị của Eugene Choi là hải quân chứ không phải thủy quân lục chiến.Vì lúc bấy giờ quân phục của hải quân đẹp hơn hẳn quân phục của thủy quân lục chiến. Tuy nhiên đề nghị của tôi đã bị từ chối. Nói thật cho đến giờ tôi vẫn không hài lòng với phục trang của nhân vật chính.
Nhưng tôi không thể thay đổi kiểu dáng quân phục như tôi muốn. Tôi đã cố hết sức để tái hiện nguyên trạng quân phục của thủy quân lục chiến Hoa Kỳ vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, đúng theo bối cảnh của tác phẩm. Thế nhưng sau đó tôi đã bị chê bai. Họ bảo rằng vị trí các biểu tượng trên quân phục không đúng. Tôi có thể làm gì khác ngoài việc nhận lỗi và xin lỗi.”
Cho Sang-kyung đã nhờ Hoa Kỳ giúp chế tác quân phục để đảm bảo được chân thật nhất có thể. Cô giao cho các chuyên gia làm riêng lẻ và cố gắng yêu cầu họ đảm bảo sự hoàn hảo của từng chi tiết trong bộ quân phục như áo, mũ, giày. Việc nghiên cứu của cô về quân phục đã bắt đầu từ trước đó rất lâu. Lần đầu tiên phải thiết kế quân phục trong phim“Mặt trận” năm 2010 lấy bối cảnh chiến tranh Hàn Quốc, Cho đã gặp những người gọi là “cuồng quân đội”. Vì cô biết được chuyện những người “cuồng quân đội” này còn sở hữu nhiều loại quân phục hơn cả các viện bảo tàng.
Lúc đó cô được một phen kinh ngạc khi đi theo người quản trị trang blog “Quân đội, Cộng đồng vũ khí quân sự online” về nhà anh ấy. Ngoại trừ tấm đệm được đặt ở giữa phòng khách, toàn bộ căn hộ được lấp đầy các vật dụng trong quân đội. Không hổ danh là “cuồng quân đội”, từ quân phục, quân mũ, huân chương, quân hàm, anh đều có đủ. Sự cuồngnhiệt, say mê của anh khi kể lại chuyện quân đội khiến cô phải đến gặp anh lần thứ hai, và lần này cô đi cùng với người nhóm trưởng, người sẽ tiếp nhận câu chuyện của anh. Nhờ có sự giúp đỡ của những người “cuồng quân đội” như thế mà cô đã tái hiện những người lính ở Aerok, chiến trường miền Đông (một trận chiến giả tưởng theo mô típ trận đồi Bạch Mã trong chiến tranh Nam–Bắc) một cách sinh động. Đi đây đó tìm hiểu là công việc đầu tiên và cuối cùng trong thiết kế phục trang điện ảnh.
Lại thêm một phim truyền hình khác
Bộ phim “Nàng Geum-cha tốt bụng” (2005) kể về câu chuyện của một người phụ nữ âm mưu trả thù sau khi bị tống giam 13 năm tù. Để truyền tải những cảm xúc phức tạp của nhân vật, Cho đã tạo ra những bộ phục trang retro nhằm khắc họa khoảng cách giữa quá khứ và hiện tại của nhân vật, giữa sự tử tế mơ hồ và mong muốn trả thù của cô.
Không chỉ đi đây đó tìm hiểu, công việc thu thập tư liệu văn bản hay hình ảnh cũng quan trọng không kém. Để tìm kiếm tài liệu tham khảo về chiến tranh Mỹ–Tây Ban Nha (1898) mà nhân vật Eugene Choi tham gia theo như kịch bản, cô tìm kiếm lục lọi các phim truyện và phim tài liệu của Tây Ban Nha. Thế nhưng những tài liệu ở thời ấy lại được sản xuất theo màu trắng đen nên hoàn toàn không thể nhận diện được màu sắc của quân phục. Khó khăn lắm cô mới tìm được một màn hình màu nên bất đắc dĩ phải làm theo y hệt như thế. Cộng hết tất cả cảnh quay về chiến tranh Mỹ–Tây Ban Nha cùng lắm chỉ chừng năm phút, vậy mà phải mất nhiều công sức cho mấy phút ít ỏi đó.
Tất cả phục trang đặt mua từ nước ngoài cũng rất khó khăn mới thực hiện được. Khi thực hiện bộ phim “Ám sát” (2015), Cho định trực tiếp mua một số mẫu quân phục của Đế quốc Nhật cần thiết cho phim, tuy nhiên đại đa số những người yêu quân phục của Nhật Bản đều theo phái bảo thủ, họ không muốn bán cho bất cứ ai. Vì vậy cô phải tìm đến người môi giới mới mua được, nhưng cũng không dễ dàng. Chừng đó đủ cho thấy chế tác phục trang là một quá trình phức tạp, công phu cũng y như sản xuất bộ phim vậy.
Được xem là người luôn coi trọng việc khảo chứng nhưng đôi khi cô cũng bị hiểu lầm. Bộ phim “Hậu cung: Tình ái Vương phi” (2012) là một tác phẩm được chú ý về phục trang không thua kém với diễn xuất của các diễn viên và sự dàn dựng của đạo diễn. Các bộ phục trang rực rỡ nhiều màu sắc mà các phi tần trưng diện được thực hiện công phu sau khi trải qua quá trình khảo chứng tỉ mỉ.
Là những bộ quần áo được thiết kế dựa trên rất nhiều tài liệu, từ các bài nghiên cứu đến các tư liệu trong viện bảo tàng. Thế nhưng nhiều khán giả xem phim lại nhận xét “dường như không phải phục trang của thời đó”, thậm chí có người còn chê là “đồ Nhật”.
May mắn là các chuyên gia về hanbok đã nhìn nhận những nỗ lực của Cho. Họ đều đồng tình, “Nếu muốn tìm kiếm phục trang thời trung kỳ Joseon, hãy xem phim “Hậu cung””.
“Điều tôi thấy đáng tiếc khi nghiên cứu về hanbok đó là người Hàn chúng ta thậm chí biết về lịch sử trang phục của dân tộc mình ít hơn biết về trang phục của phương Tây. Do hanbok được thực hiện đơn giản nên đang bị mọi người hiểu nhầm. Trong suốt quãng thời gian kéo dài 500 năm của vương triều Joseon, liệu có chắc thiết kế của hanbok chưa một lần thay đổi?”
Vì vậy Cho tìm sự giúp đỡ của các chuyên gia hanbok. Cô xin ý kiến tư vấn và mời họ tham gia thực hiện phục trang cho phim cổ trang. Bởi vì so với sách hay bài giảng, số người hiểu biết về hanbok qua các kênh phim truyền hình hay điện ảnh nhiều hơn hẳn. Cho cho rằng nếu muốn truyền bá rộng khắp giá trị của hanbok và tái hiện nó một cách đúng đắn thì các chuyên gia phải ứng dụng nhiều các phương tiện đại chúng này.
Cho Sang-kyung nghĩ rằng vai trò của cô không phải chỉ là việc tùy ý mang tính hiện thực đương đại thổi vào phục trang và ép buộc diễn viên phải theo ý mình, vai trò của cô chính là làm sao kết nối chính xác diễn viên với thời đại đó và khiến họ tỏa sáng.
Hãy đọc thơ
Một cảnh trong “Người hầu gái” (2016), một bộ phim lấy bối cảnh Hàn Quốc bị Nhật Bản chiếm đóng những năm 1930. Để thể hiện sự băng giá, tính cách bí ẩn của người phụ nữ quý tộc trẻ tuổi, Cho đã sản xuất 25 bộ phục trang sang trọng nhưng đơn giản.
Có một điểm thú vị trong lúc phỏng vấn. Trong khi các nhà thiết kế thời trang phần lớn thường sử dụng những thuật ngữ tiếng Anh trong lĩnh vực của họ nhưng Cho thì khác. Là người tốt nghiệp ngành Hội họa phương Đông và Mỹ thuật sân khấu, Viện Đào tạo Tổng hợp Nghệ thuật Hàn Quốc, cô tiết lộ bản thân là một độc giả cuồng nhiệt.
“Lúc nhỏ tôi thích được ở một mình và hầu như không có bạn bè. Vì vậy tôi dành nhiều thời gian cho việc đọc sách. Tôi là con thứ ba trong gia đình có năm anh em, một nam và bốn nữ, mẹ tôi là người luôn ủng hộ những điều tôi muốn làm. Tôi bắt đầu lui tới phòng vẽ, vẽ tranh trở thành một trò quen thuộc đối với tôi. Thực ra tôi không am hiểu nhiều về thời trang. Tôi cũng chưa từng chính thức học qua cách thực hiện các mẫu quần áo.”
Thật là một chuyện khó tin. Một nhà thiết kế thời trang được đánh giá cao trong giới điện ảnh Hàn Quốc lại không được đào tạo chính thức về thiết kế thời trang.
Nhưng Cho cho biết cô cảm nhận được sự nghi hoặc ở một phương diện khác.
“Tôi ngỡ ngàng khi nghe các sinh viên khao khát trở thành nhà thiết kế phục trang điện ảnh nói rằng họ chưa bao giờ đọc hết một kịch bản phim. Chỉ một phần trăm trong số họ đọc kịch bản.
Khi tôi bảo họ lên ý tưởng thiết kế, điều đầu tiên họ làm là tìm kiếm trên internet. Với những sinh viên như thế, tôi đã khuyên họ đọc thơ. Tôi là người đọc sách rất nhanh, nhưng khi đọc thơ tôi hay đọc đi đọc lại. Tôi cũng từng vẽ nhiều tranh bằng thơ. Cắt các dòng thơ rồi ghép lại thật sự là một việc rất thú vị.”
Ngoài ra Cho còn đóng vai trò cầu nối giữa đạo diễn và diễn viên. Khi mặc phục trang cho các diễn viên, cô hướng dẫn cho họ phải mặc và giữ tư thế như thế nào, tại sao lại phải giữ tư thế ấy. Vì thế mà việc quay thử rất quan trọng. Phục trang chất chứa tinh thần của thời đại nhưng quan trọng hơn cả là phải hợp với diễn viên đó. Phục trang phải giúp diễn viên tỏa sáng. Cho Sang-kyung nghĩ rằng vai trò của cô không phải chỉ cần thoải mái mang tính hiện thực đương đại thổi vào phục trang và ép buộc diễn viên theo ý mình, mà cô phải làm sao kết nối chính xác diễn viên với tính hiện thực đó và giúp họ tỏa sáng. Với phục trang của nữ diễn viên chính Kim Min-hee trong phim “Người hầu gái” (2016), cô phải thiết kế sao cho bó sát người để mỗi cử động của diễn viên đều nhẹ nhàng, tao nhã mà vẫn có thể tiết chế tối đa. Vì vậy cô còn thiết kế cả bộ đồ lót không bị bắt trên camera, giúp diễn viên thể hiện chính xác tư thế của một người hầu gái như thế.
Tuy nhiên không phải diễn viên nào cũng thực hiện được vai trò này. Có những diễn viên sẵn sàng lắng nghe và nghiêm túc đặt câu hỏi. Chẳng hạn, diễn viên Han Suk-kyu, mặc dù đã nhiều lần đóng vai vua nhưng lần nào anh cũng hỏi về phục trang của nhà vua như lần đầu, diễn viên Lee Byung-hun, bằng thái độ chân thành muốn tìm hiểu tác phẩm, anh luôn khiến người khác sẵn sàng cho anh lời khuyên. Khi được hỏi công việc thường xuyên tiếp xúc với các diễn viên, đạo diễn hàng đầu có khiến cô thích thú, Cho trả lời:
“Mỗi tối khi đi ngủ tôi thường nghĩ ‘cũng có thể ngày mai mình không thức dậy được nữa’, ‘như vậy liệu có ổn không?’, bằng cách đó tôi chậm rãi nhìn lại một ngày vừa trôi qua. Và điều đó đã trở thành một thói quen của tôi.”
“Bạn có thấy tôi kỳ quặc không?”, Cho hỏi tôi với ánh mắt mãnh liệt. Tôi nhìn cô ấy và trả lời, “Không, có thể nói ngày nào chị cũng lao động hết mình. Vậy nên có lẽ chị không phải luyến tiếc điều gì trong cuộc sống này. Và sẽ không có ‘Sad Ending’ với chị đâu.”
Đây là một trong những bộ phục trang của Kudo Hina, nhân vật chính trong phim “Mr. Sunshine”, bộ phim truyền hình ăn khách gần đây. Cho Sang-kyung đã thiết kế trang phục theo phong cách thời trang của Kudo Hina là một góa phụ giàu có, người sở hữu một khách sạn hàng đầu ở Seoul vào đầu thế kỷ 20.
Go Ae-sin, nhân vật nữ chính trong phim “Mr. Sunshine”, một người phụ nữ quý tộc, bí mật học bắn súng và tham gia các hoạt động của quân đội để bảo vệ Joseon khỏi sự xâm lược của nước ngoài. Phục trang cô mặc thể hiện địa vị xã hội của bản thân.
Nhân vật nam chính Keith Choi trong phim “Mr. Sunshine” là một sĩ quan Thủy quân Lục chiến phục vụ tại Quân đoàn Hoa Kỳ ở Seoul vào đầu thế kỷ 20. Đồng phục của anh được chỉnh sửa tại Mỹ để đạt được độ chính xác về mặt lịch sử.