메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

On the Road > 상세화면

2020 SUMMER

Nhọc nhằn giữa quá khứ và tương lai

Ngày nay một phần Đại lộ Kyonghung, tuyến giao thông duy nhất bắt đầu từ thủ đô Seoul đến Kyonghung, tỉnh Hamgyong biên giới phía Đông Bắc trong thời đại Joseon (1392–1910) được chuyển thành quốc lộ nhưng chỉ thông đến Uijeongbu và Cheolwon, bị cắt ngang ở trước đường ranh giới quân sự. Con đường không thể tiến lên phía Bắc xa hơn nữa này, với một số người nó tượng trưng cho mong ước trở được trở về cố hương, với một số người khác nó tượng trưng cho mong ước tìm lại bản thân, hoặc điều gì đó.

Quang cảnh những khu chung cư tập thể lân cận nhìn từ đài quan sát của Khu rừng trong mơ Bắc Seoul. Toàn bộ công viên núi Opae là một phần con đường rút lui của quân đội Triều Tiên trong chiến tranh hai miền năm 1950–1953.

Quyển sách có tiêu đề “Tiêu thụ Lịch sử” (Consuming History) của nhà Lịch sử học Jerome de Groot nhấn mạnh sự khác biệt rõ ràng về hình thức “tiêu thụ” Lịch sử thay đổi trong khoảng 20–30 năm gần đây so với trước. Ngày nay con người đang sống trong thời đại bùng nổ của phần mềm lịch sử với sự xuất hiện của nhiều phương tiện truyền thông thông tin hóa tiến bộ về công nghệ chưa từng có và lượng vốn khổng lồ đầu tư vào lĩnh vực này. Hàn Quốc cũng vậy. Không chỉ phim, từ phim truyền hình, phim tài liệu, chương trình thực tế đến trò chơi điện tử đều liên quan đến lịch sử. Lịch sử vốn được cảm nhận một cách xa lạ nay được phổ biến rộng rãi theo cách hiểu, tham gia và trải nghiệm dựa trên từng phương thức truyền thông khác nhau.

Hai nẻo đường

Cây cầu sắt kết nối Triều Tiên và Nga ở cửa sông Tumen nhìn từ tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc. Phải đi qua cây cầu này nếu muôn đi tàu lửa từ Khu kinh tế đặc biệt Rason Triều Tiên đến Khasan, Nga.
© Yonhap News

Tàn tích của khung xe lửa và một chiếc xe chở hàng của Triều Tiên bị quân đội Liên Hợp Quốc ném bom được trưng bày trong khuôn viên của ga Woljeong-ri, một điểm thu hút khách du lịch gần Đường giới hạn phía Nam của Khu phi quân sự chia cắt hai miền Nam Bắc. Nhà ga đường sắt ở huyện Cheorwon, tỉnh Gangwon đã ngừng hoạt động kể từ phân chia hai miền.
© Yonhap News

“Kingdom – Vương triều xác sống phần 2” do Netflix sản xuất cho chuyên mục “Xem Gì Tiếp theo: Châu Á” vào tháng 3 vừa rồi là bộ phim nói về zombie Hàn Quốc lấy bối cảnh lịch sử triều đại Joseon thế kỷ 17. Truyền thông quốc tế đưa tin bộ phim nhận được đánh giá tích cực từ khán giả trên toàn thế giới không chỉ do diễn biến tốc độ nhưng vẫn khiến người xem cảm nhận được cảm giác kinh dị so với diễn biến chậm rãi của phim zombie phương Tây trong “Walking Dead” (tạm dịch Xác sống), mà bộ phim còn có cả tính thời đại ngang ngửa với “Trò chơi Vương quyền”. “Gat” (tên một loại mão) trong thế giới trang phục của tầng lớp yangban (Lưỡng ban: giai cấp quý tộc) triều đại Joseon cũng biến thành chủ đề “chiếc mũ thần bí” và xứng đáng là một chi tiết thú vị đáng xem với một bộ phim cổ trang.

Chiến trường khốc liệt nhất được nhắc đến nhiều lần ở phụ đề trong phim là Mungyeong Saejae, một đường đèo dốc đứng, ngã rẽ của Đại lộ Yeongnam – vừa là tuyến đường chính quan trọng vừa là con đường giao lưu văn hóa được Joseon khai thác, và cũng là một thành trì rất quan trọng bảo vệ thủ đô. Tuy nhiên vào tháng 4 năm 1592, đội quân của Konishi – quân chủ lực của Nhật Bản lúc bấy giờ đã không gặp bất cứ trở ngại gì khi vượt qua đường đèo này sau khi hạ thành Busan tiếp tục tiến công. Lỗi do phán đoán sai của một viên chỉ huy quá tin tưởng vào đội quân hơn 8.000 kỵ binh của mình mà cho quan đóng ở đồng bằng. Nghe được tin tức này, vua Seonjo (Tuyên Tổ) ngay lập tức di chuyển lên phía Bắc để tránh nạn, còn quân Nhật chiếm được thành Hanyang (Seoul ngày nay) chỉ ba ngày sau đó. Dường như từ ký ức đáng tiếc này ở đường Mungyeong Saejae mà biên kịch Kim Eun-hee của “Vương triều xác sống” đã nhen nhóm ý tưởng lịch sử chủ đạo cho bộ phim.

Nếu như “thành lũy” là bối cảnh quan trọng trong phim truyền hình lịch sử của phương Tây thì phim truyền hình lịch sử của Hàn Quốc chú trọng đến “con đường”. Khi đó, việc băng qua đường đèo và thành lũy tượng trưng cho khổ nạn hoặc sự thay đổi cục diện trong phim, Mungyeong Seajae được ưu ái do không chỉ là cảnh quan tự nhiên tiêu biểu cho tính lịch sử đó mà nó còn lại đại diện cho đường đèo. Thế nhưng trái ngược với con đường được ghi nhớ là di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh như thế này thì cũng có con đường người ta không hề biết hoặc nhớ đến. Chuyến đi lần này là hành trình hoàn toàn không có một biển báo hay bia lưu niệm nói gì đến công viên hay nơi tưởng niệm được quản lý chặt chẽ, tái hiện tử tế. Khi đã tìm thấy “lịch sử không được công nhận”, một nỗi buồn chông chênh, mơ màng khiến lòng day dứt khôn nguôi.

Con đường theo lối dẫn kỹ thuật số

Tượng đồng và bia tưởng niệm được dựng lên để vinh danh những người lính tham gia trận chiến đèo Chukseong ở Uijeongbu trong Chiến tranh hai miền.

Từ Google Earth nhìn xuống hạ lưu sông Tumen, ranh giới phía Đông Bắc của bán đảo Hàn, bạn sẽ thấy một vịnh nhỏ, xinh đẹp với vài cái hồ. Bên kia sông là Khasan của Nga. Đó là khoảng cách thỉnh thoảng bạn có thể nghe được tiếng Nga. Theo câu “sống gần với bọn man di thì toàn thể bách tính đều khỏe mạnh và hung bạo” mà nhà Thực học Yi Jung-hwan (1690–1756) cuối triều đại Joseon miêu tả trong quyển sách địa lý “Trạch lý chí” nếu là người Hamgyong thì có thể dễ dàng nghe hiểu mấy câu tiếng Nga. Khí phách của người dân nơi này nổi tiếng với sự kiện một vị quan văn chức sắc bé nhỏ tên là Jeong Mun-bu (1565–1624) đã huy động 3.000 nghĩa binh đánh bại 28 nghìn quân địch trong thời kỳ Nhâm Thìn Oa Loạn (sự kiện Nhật Bản tấn công Joseon vào năm Nhâm Thìn 1592 kéo dài đến năm 1598). Sau này, vua Sukjong (Túc Tông, tại vị 1674–1720) cho xây dựng bia tưởng niệm Bắc Quan Đại Thiệp ở Gilju để ghi nhớ công đức của họ, nhưng đến thời kỳ chiến tranh Nga–Nhật, một viên tướng Nhật nhìn thấy tấm bia này đã mang về nước mình, đem gửi vào đền Yasukuni Tokyo. Mất đến 100 năm, tức sau khi kết thúc phong trào phản đối việc hoàn trả thì đến năm 2005 tấm bia này mới được chính phủ Nhật Bản trao trả lại, một năm sau nó được gửi về Triều Tiên và trở thành một chủ đề bàn luận.

Ở phía Nam của vịnh nhỏ hạ lưu sông Tumen này bạn sẽ nhìn thấy Rajin và Sonbong thường được báo chí đưa tin. Đây là đặc khu kinh tế được Triều Tiên mở cửa thành khu vực tự do thương mại đầu tiên. Tận cùng phía Đông của vịnh trông giống như vết tích cảng biển Sosura cũ nhưng trên bản đồ hoàn toàn không có dấu vết hay ký hiệu của cảng biển. Joseon đặt bongsudae (đài thắp đèn hiệu) đầu tiên kết nối với Seoul ở đây đề phòng sự xâm lược của quân địch. Ở phía trên Sosura bạn sẽ nhìn thấy địa danh có tên là Undok (Ân Đức). Đây là Kyonghung trước kia. Đại lộ Kyonghung đi đến Seoul bắt đầu từ Sosura, vượt qua Kyonghung rồi ngược lên dòng Tumen mở ra con đường hướng xuống phía Nam dọc theo con đường huyết mạch trải dài giữa những dãy núi hùng vĩ, sau đó xuyên qua Hamhung và Wonsan, qua luôn cả Chollyong, tỉnh Kangwon. Nếu như Đại lộ Yeongnam trải dài theo phía Đông Nam có Mungyeong Saejae thì Đại lộ Kyonghung chạy theo hướng Đông Bắc có Chollyong. Cả hai đều là ranh giới vượt qua dãy Baekdu.

Nhìn từ bản đồ Chollyong là đường đèo gấp khúc, uốn lượn vòng vèo theo các con dốc thay vì cao và dốc. Tận dụng lợi thế địa hình này, thời Goryeo và Joseon cho xây dựng thành Chollyong ở đây và xem là căn cứ phòng thủ phía Đông Bắc. Từ thành Chollyong, phân chia tỉnh Hamgyong ở phía Bắc là Thành Bắc, tỉnh Pyongan ở phía Tây là Thành Tây. Băng qua Chollyong và lại đi theo con đường hướng về phía Nam, bạn sẽ nhìn thấy ngọn Geumgang nổi tiếng ở phía Đông Nam. Lần theo con đường hướng về phía Tây nơi có thủ đô Seoul bỏ lại sự lưu luyến, điểm mà các con đường trở nên mờ nhạt dần chính là rìa giới tuyến phi quân sự chia cắt miền Nam và miền Bắc. Vượt qua giới tuyến phi quân sự, qua Pocheon ở đồng bằng Gimhwa, xuyên qua đèo Chukseongryeong tiến vào Uijeongbu bạn sẽ nhìn thấy ngay trước tầm mắt là núi Bukhan bao quanh Seoul. Mất 40 phút để đi tàu điện từ ga Uijeongbu đến ga Dongdaemun của Seoul.

Hai địa danh

Cảnh công trường mở rộng đường đèo Miari khởi công vào tháng 6 năm 1964. Thời điểm đó không có vỉa hè nên người đi bộ và xe đi chung một làn.
© Seoul Metropolitan Government

Đèo Miari ngày nay. Nơi đây là bối cảnh ra đời của bài hát “Miari, ngọn đèo của tang thương” kể về quân đội Triều Tiên vào năm 1950 đã vượt qua ngọn đèo này tấn công vào Seoul, để rồi sau đó có đến 1.500 người bị cưỡng chế giải sang Triều Tiên cũng đi qua con đường này.

Điểm xuất phát chính thức của Đại lộ Kyonghung là Dongdaemun nhưng dường như trong quá khứ các sứ giả đến từ tộc Yeojin (Nữ Chân) lại cho rằng là Hyehwamun nằm ở phía Bắc chứ không phải Dongdaemun. Hyehwamun là một trong số các cổng nhỏ của kinh thành và bị phá hủy vào năm 1938 thời kỳ thuộc địa của Nhật Bản, sau đó đến năm 1994 do thuộc một phần trong công trình phục dựng thành quách ở Seoul nên Hyehwamun được xây dựng lại ở khu dân cư cách vị trí cũ khoảng 10 mét về phía Tây Bắc. “Hyehwa” (Huệ Hóa) được dịch là “ban tặng, trao đổi ân huệ” với ý nghĩa trao đổi người Yeojin. Để ra khỏi Hyehwamun và đi về hướng Uijeongbu, bạn phải vượt qua ngọn đồi nằm giữa phần cuối của núi Bukhan và núi Gaeun liền sau đó. Con đường này được đổi tên từ “đèo Doeneomi” thành đèo Donamdong theo Hán tự. Với cách nói xem thường người di dân từ phía Đông Bắc là “deonom”, tự lúc nào tộc người Yeojin đã trở thành vị khách tiêu biểu cho con đường đèo này.

Căn nguyên của câu chuyện này liên quan mật thiết đến Thái tổ Yi Seong-gye (Lý Thành Quế, tại vị từ năm 1392 đến 1398), người sáng lập triều đại Joseon. Cha ông là thổ hào ở vùng Đông Bắc đã có công lớn trong việc thu phục lại vùng đất này vốn bị thống trị gần 100 năm bởi nhà Nguyên ở cuối triều đại Goryeo. Tiếp nối địa vị của cha, Yi Seong-gye vẫn tận dụng nền tảng bản địa vững chắc, bảo vệ quê hương khỏi sự xâm lược liên tục của giặc ngoại xâm. Đặc biệt, tài sản ngoại giao của cá nhân ông là mối quan hệ hữu nghị với tộc người Yeojin trở thành sức mạnh to lớn cho việc kiến quốc. Khi giặc Hồng Cân xâm lược, Yi Seong-gye mang theo quân đội đi xuống theo Đại lộ Kyonghung bảo vệ kinh đô Gaegyeong. Sau khi lên ngôi vua, Yi Seong-gye thường xuyên đi lại trên con đường này. Và lăng mộ Geonwon (Lăng Kiện Nguyên) của ông cũng được liên kết với Đại lộ Kyonghung.

Đèo Donam-dong còn có tên gọi khác là đèo Miari. Do phía bên kia đèo có khu vực gắn với địa danh hành chính là Miari. Khi tìm kiếm về Miari trên mạng sẽ hiện ra hai nội dung như sau. Một là bài báo có tiêu đề “Ổ mại dâm gắn với biệt danh “Làng Texas Miari” bị phong tỏa, và một nội dung khác là bài viết giới thiệu nơi xảy ra trận đánh cuối cùng trong cuộc chiến bảo vệ Seoul thời kỳ Chiến tranh hai miền Nam-Bắc. Bị Quân đoàn số 1, đội quân chủ lực của Triều Tiên dồn ép ở mặt trận Uijeongbu, Dongducheon, vào phút cuối quân đội quốc gia Hàn Quốc đã tiến hành một trận pháo kích ác liệt ở sườn núi Geaun để ngăn chặn đội quân xe tăng của địch đang dồn họ từ ngã tư Mia xuống quận Donam. Sau trận đánh này núi Gaeun đã trở thành đồi trọc nhưng ngày nay, khi mà ký ức đầy khói súng ấy mất đi đây là nơi tập trung của các khu chung cư có hướng nhìn đẹp.

Năm 1956, ngay sau đình chiến, bài hát “Miari, ngọn đồi của tang thương” nổi tiếng khắp nơi, địa danh này một lần nữa được nhiều người biết đến. Thế nhưng người dân ở khu vực này thích dùng tên gọi đèo Donam-dong hơn là cái tên đèo Miari “nhiều thù hận” này. Cái tên “đèo Miari” không được tìm thấy kể cả trong các dự án của địa phương nỗ lực phục hồi con đường ngày xưa làm địa điểm tham quan văn hóa. Người dân ở đây dường như khó chịu với hình ảnh hiện trường bi thương của dân tộc hiện lên qua lời hát “người bị giải đi khi hai tay bị trói chặt bằng dây thép”. Thêm một lý do nữa, họ mơ hồ không rõ người bị giải đi theo lời bài hát là người thuộc phe cánh hữu bị quân đội Triều Tiên bắt bớ và tàn sát hay là người tin vào lời Chính phủ ở lại Seoul, để rồi bị tình nghi là phục dịch cho quân đội Triều Tiên, bị lôi đi tử hình. Có khoảng 50 nghìn người bị bắt với tội danh phục dịch cho địch sau khi quân đội quốc gia giành lại thủ đô Seoul, trong số đó có khoảng 160 người bị tử hình.

1. Phòng trưng bày Sang Sang Tok Tok
2. Nhà hát Nghệ thuật Miari
3. Làng chiêm tinh Miari
4. Hyehwamun

Bị Quân đoàn số 1, đội quân chủ lực của Triều Tiên dồn ép ở mặt trận Uijeongbu, Dongducheon, vào phút cuối quân đội quốc gia Hàn Quốc đã tiến hành một trận pháo kích ác liệt ở sườn núi Geaun để ngăn chặn đội quân xe tăng của địch đang dồn họ từ ngã tư Mia xuống quận Donam. Sau trận đánh này núi Gaeun đã trở thành đồi trọc nhưng ngày nay, khi mà ký ức đầy khói súng ấy mất đi đây là nơi tập trung của các khu chung cư có hướng nhìn đẹp.

Khu rừng trong mơ

Khu rừng trong mơ là công viên lớn thứ 4 ở Seoul. Được xây dựng và khánh thành vào năm 2009 trên khuôn viên một công viên giải trí cũ, nó có một đài quan sát 3 tầng cao 49,7 mét.

Chợ Jeil ở Donam-dong được mở cửa vào năm 1952 và được cải tạo vào những năm 1970. Mặc dù không lớn nhưng chợ truyền thống có nhiều cửa hàng cũ. Đó là một phần cuộc sống hàng ngày cho người dân địa phương và cũng là một địa điểm thu hút khách du lịch.

Quốc lộ số 3 băng qua đèo Suyuri giữa tảng đá nhọn núi Bukhan và núi Opae từ ngã tư Mia, đi về Uijeongbu dọc theo con suối Jungnyang, nó gần như song hành với Đại lộ Kyonghung nếu cân nhắc đến việc được mở rộng và chuyển hướng vài lần. Không hề có đèo lớn nào ở đây. Tuy nhiên, nếu bạn muốn cảm nhận rõ hơn hương vị của con đường ngày xưa, bạn hãy đi ngược một đoạn lệch sang bên trái từ con đường lớn hướng về Uijeongbu ở ngã tư Banghak, bạn sẽ nhìn thấy con đường rộng khoảng 10 mét ở trước mặt, từ đây đến ga Dobongsan khoảng 3 km. Con đường này là Đại lộ Kyonghung cũ. Dọc hai bên đường là các khu mua sắm hoặc chợ, đoạn giữa đường có trường trung học cơ sở Bắc Seoul. Điều ngạc nhiên là con đường hơn 500 năm tuổi đang thực hiện chức năng của mình trong cuộc sống hằng ngày chứ không phải tái hiện quá khứ. Người dân nơi đây không quan tâm đến con đường nơi diễn ra hoạt động mua bán sinh sống này đã từng trải qua những thời kỳ kinh ngạc, ồn ào, hân hoan gì trong quá khứ. Chỉ là thỉnh thoảng trên biển hiệu ven đường nó được thể hiện tỉ mỉ bao quanh núi Dobong và đường đi đến lăng mộ hoàng tộc hay các gia đình thế đạo.

Đối với người dân sống ở khu vực Đông Bắc Seoul hoặc khu vực Uijeongbu của tỉnh Gyeonggi, đèo Miari từng giống như một cửa ngỏ ra vào thành phố. Bởi lẽ họ không thể mua sắm đồ đạc hoặc du ngoạn cảnh quan nổi tiếng nếu không vượt qua đèo. Trong tiểu thuyết “Nhà của người đàn ông đó” được nhà văn Park Wan-seo viết khi nhớ về thời tuổi trẻ, nơi mà “người đàn ông đó” thì thầm và ngâm thơ của Jeong Ji-yong, Han Ha-un ở chỗ ánh đèn carbide vốn hiu hắt lại sáng rực như ánh đèn sân khấu cũng là quán rượu ven đường Samseongyo gần đó,mùi vị của nước canh được cảm nhận rõ ràng hơn mỗi khi ngồi ăn ở chợ Donam-dong, ngay cả món cơm canh khoai tây phổ biến hay món canh tương có huyết. Vì Donam-dong, điểm cuối của tàu điện là thành phố, phía xa hơn là tỉnh lẻ.

Tàu điện được nối dài từ trung tâm thành phố vào năm 1939, hoạt động trong khoảng 30 năm đến năm 1968, nếu như tàu điện giúp ghi nhớ sâu sắc nhận thức trên thì việc chỉ định New Town để phát triển đồng đều thành phố Seoul một lần nữa thay đổi lịch sử của Miari. Tốc độ và quy mô phát triển đã đảo ngược tất cả hình ảnh về Miari trong ký ức của người dân chỉ sau 10 năm. Tiêu biểu chính là “khu rừng trong mơ Bắc Seoul” được xây dựng từ việc mở rộng chân núi Ope thành nơi nghỉ ngơi và không gian văn hóa của người dân. Bạn sẽ nhận ra ngay thời quá khứ và tương lai của Seoul nếu leo lên đài quan sát ở đây.

“Trong văn hóa đại chúng, cuộc sống không hợp lý thì không phải cuộc sống, tưởng tượng không hợp lý thì không phải là tưởng tượng” là câu nói của nhà phê bình văn học Kim Hyeon (1942–1990). Con đường bắt đầu từ trước ga Uijeongbu kéo dài lên phía Bắc phân chia thành hai hướng chính. Con đường phía Đông Bắc mở sang bên phải là Đại lộ Kyonghung đẫn đến sông Tumen, vượt qua Chukseongryeong, qua giới tuyến ngừng bắn, qua Wonsan, Hamhung của Triều Tiên. Tôi nhìn thấy bóng dáng phía sau của những người liên tục lướt qua tôi với mùi mồ hôi tỏa ra. Người học sĩ Thành Bắc do nghèo đói đã bất chấp sự hổ thẹn, hòa vào các dân buôn xuôi về nơi này, họ tháo dỡ hành lý khỏi chiếc thuyền trên dòng Jungnyang rồi tiếp tục vượt qua Chukseokryeong với nét mặt nhẹ nhõm. Cùng với ước vọng từ tận đáy lòng cầu mong ngày được trở lại là học sĩ đường hoàng, chỉnh tề. Một quý tộc trẻ đầy sức sống cưỡi trên lưng con la, anh ta không ngăn nổi cơn buồn ngủ, chốc lát bị chao đảo khi đi trên con đường dốc. Những người hầu trẻ chạy theo sau với đầy hành lý vác trên lưng vui tươi thỏa thích mặc cho lòng bàn chân đã phồng rộp lên. Núi Geumgang vẫn còn xa. Bất chợt tôi chìm đắm trong giọng hát ồ ồ của người lính thiếu niên đứng cuối hàng ngũ vừa hành quân vừa hát vang bài quân ca khan cả giọng, với khẩu súng trường dài vác trên vai. Tôi chần chừ đứng nhìn một hồi lâu giữa hai hướng.

Lee Chang-guyNhà thơ, nhà phê bình văn học
Ảnh. Ahn Hong-beom
Dịch. Huỳnh Kim Ngân

전체메뉴

전체메뉴 닫기