메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

Features > 상세화면

2019 WINTER

Chuyên đề

Busan: Thành phố cảng của Thi ca và Đam mêChuyên đề 2Thành phố cảng dẫn đầu giao lưu quốc tế

Từ thời cổ đại, Busan vốn là một thành phố quốc tế, có mối giao lưu nhộn nhịp rộng rãi với các quốc gia lân cận. Đặc biệt, nhờ sự qua lại thường xuyên nhất với Nhật Bản, từ đầu thế kỷ 17, ngay sau cuộc triến tranh Nhật Bản xâm lược Joseon năm 1592 (壬辰倭亂, Nhâm Thìn Oa loạn), Busan trở thành biểu tượng hòa bình giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời cũng là thành phố cảng nơi đoàn sứ thần Joseon khởi hành. Lịch sử giao lưu quốc tế của Busan tiếp nối một cách năng động cho đến ngày nay.

 

Là cảng đầu tiên được mở cửa trong thời kỳ Joseon thỏa thuận Hiệp ước Nhật–Triều, hay còn gọiHiệp ước Ganghwa năm 1876, Busan hiện là cảnglớn thứ sáu thế giới về tổng khối lượng hàng hóa.Cầu cảng Busan, hoàn thành vào năm 2014, dài3.368 mét đi qua khu vực cảng.© Busan Metropolitan City (Photographer Jeong Eul-ho)

Là thành phố cảng nằm ở chóp mũi đông nam bán đảo Hàn, giữ vị trí án ngữ giữa eo biển Hàn Quốc và là đô thị giáp ranh Nhật Bản, Busan trở thành khu vực trọng điểm về giao thông, nơi giao nhau giữa đất liền và đại dương. Cảng Busan không những là cửa ngõ xuất nhập khẩu số một của Hàn Quốc, tác động sâu sắc đến các khu vực lân cận cũng như nền kinh tế cả nước, mà Busan còn nằm ở điểm đầu của đại lục Á–Âu, có tiềm lực vô cùng quan trọng trong vai trò cảng trung chuyển trung tâm, lưu thông hàng hóa của khu vực Đông Bắc Á.

Busan xử lý hơn 60% container xuất nhập khẩu cả nước. Theo số liệu thống kê của Ban quản lý cảng Busan, năm 2018, công suất xử lý container hàng của cảng Busan là 21.663.000 TEU tính theo chuẩn container 20 ft, tiếp nối năm 2017 đứng thứ 6 thế giới.

Lịch sử giao thương hàng hải của Busan khởi đầu từ thời cổ đại xa xưa. Địa danh “Dadaepo” (多大浦, Đa Đại Phố) của làng ven biển xuất hiện trong tư liệu lịch sử Nhật Bản với tên gọi “Dadaerawon” (多大羅原, Đa Đại La Nguyên) hay “Dadara” (Đa Đa La, 多多羅) của “Nhật Bản Sử Ký” (Nihon Shoki, năm 720), cho thấy Busan ngay từ những thời kỳ đầu lịch sử đã là một cứ điểm trọng yếu trong giao thương giữa Hàn Quốc và Nhật Bản.

Trung tâm mậu dịch Đông Bắc Á cổ đại

Nằm dọc theo các con đường đối diện nhà ga xe lửa chínhcủa thành phố, Chinatown – khu phố người Hoa ở Busan bắtđầu hình thành vào năm 1884. Đây là địa điểm thu hút kháchdu lịch nổi tiếng với một dãy các bức tranh tường thú vị dựatrên các nhân vật và câu chuyện trong Tam Quốc Chí. Nhiềungười dân tộc Hoa sống trong khu vực này. © Ahn Hong-beom

Dấu tích giao lưu hàng hải của khu vực Busan cổ đại còn được lưu chép trong cuốn “Tam Quốc Di Sự” (Samguk yusa) – tài liệu sử ký vào thế kỷ 13 của Hàn Quốc. Chuyện kể rằng vua Kim Suro – người sáng lập vương quốc Geumgwan Gaya (thế kỷ 1~ thế kỷ 6) đã cưới công chúa Heo Hwang-ok của vương quốc Ayuta về làm hoàng hậu. Câu chuyện về hoàng hậu Heo Hwang-ok được nhìn nhận như một sự thật lịch sử chứ không phải huyền thoại qua hoa văn đôi cá (hình vẽ những con cá theo cặp) trong Lăng mộ Hoàng gia ở Gimhae. Giới học giả cho rằng hoa văn đôi cá có liên quan vô cùng sâu xa với nền văn minh Ấn Độ, là minh chứng cho nguồn gốc Ấn Độ của hoàng hậu Heo Hwang-ok.

Việc trao đổi hàng hải của vương quốc Gaya không chỉ giới hạn với Ấn Độ. Nhiều di tích và di vật của đất nước Gaya khai quật được ở khu vực Busan và Gyeongsangnam-do đã chứng minh điều này. Đầu thế kỷ thứ 5, Liên minh vương quốc Gaya sơ khai tan rã, nhiều người Gaya sang Nhật Bản du nhập theo kỹ thuật chế tạo thép và công nghệ gốm sueki được cho là ảnh hưởng đến sự hình thành nền văn minh Nhật Bản cổ đại..

Gimhae (金海, Kim Hải) – trung tâm của Liên minh vương quốc Gaya, ngay từ tên gọi đã gợi lên sự giàu có về sắt. Các quốc gia trong Liên minh vương quốc Gaya khu vực bờ biển Namhae (Nam Hải) xinh đẹp và dọc bờ sông Nakdong nổi lên một cách nhanh chóng như một trung tâm giao dịch buôn bán vùng Đông Bắc Á nhờ vào trữ lượng quặng sắt phong phú. Sau triều đại nhà Hán Trung Quốc, trong bối cảnh xã hội Đông Bắc Á có nhiều thay đổi, vương quốc Gaya là vùng trọng yếu nối giữa Nhật Bản và đại lục Trung Quốc về mặt địa lý. Đồng thời với vị trí nằm trên tuyến đường thương mại, nơi giao nhau về đường biển của các quốc gia Đông Bắc Á, Gaya dùng con đường hàng hải này cung cấp lượng sắt phong phú của mình cho các nước lân cận.

Trong cuốn “Nhật Bản Sử Ký” ghi lại có 40 thỏi sắt trong số vật phẩm mà Cận Tiếu Cổ Vương (Geunjo Gowang) nước Bách Tế (Baekje) gửi cho Nhật Bản vào giữa thế kỷ thứ 4. Sắt được đập mỏng làm thành từng thỏi, đương thời là nguyên liệu sản xuất quan trọng có thể gia công chế tạo các loại đồ dùng. Thỏi sắt cũng được tìm thấy trong nhiều ngôi mộ thời Bách Tế, Tân La (Silla) và quần đảo Nhật Bản, nhưng đặc biệt ở khu vực Gaya, hàng chục điểm khai quật cho thấy không chỉ được dùng là đồ tùy táng, mà sắt còn có nhiều công dụng khác như làm tiền tệ và vật liệu

Khu phố người Hoa Chinatown và làng Nhật Waegwan

“Đường Texas” nằm ngay lối vào khu phố Tàu, gồm mộtdãy các cửa hàng lưu niệm và câu lạc bộ khiêu vũ giải trí banđêm cho các thủy thủ nước ngoài. Khi các tàu biển cập cảng,đường phố ngập tràn các thủy thủ. © Ahn Hong-beom

Busan vẫn còn khu phố người Hoa được hình thành khi nhà Thanh của Trung Quốc xây dựng sứ quán tại đây vào năm 1884. Chinatown nằm đối diện ga Busan, ở đó có nhiều nhà hàng ẩm thực do người Trung Quốc điều hành, các cửa hàng nguyên liệu thực phẩm, là nơi đổi tiền và trường học cho cộng đồng người Hoa nơi đây.

Chinatown được hoàn thành trong quá trình người nhà Thanh Trung Quốc du nhập và định cư phục vụ việc san lấp mặt bằng cảng Busan và công trình hải quan cảng vào cuối triều đại Joseon (thế kỷ 17~18). Hiện nay thế hệ thứ 3, thứ 4 Hoa kiều đang sinh sống tại đây. Vào thời kỳ đầu sáng lập, những Hoa kiều tại Hàn Quốc dễ dàng định cư tại Busan dưới sự hỗ trợ của đất nước họ, sau chiến tranh liên Triều, cũng không ít người Trung Quốc đến Busan sinh sống.

Tuy nhiên, vào năm 1953, ga Busan bị trận đại hỏa hoạn thiêu rụi, phố đèn đỏ trước kia ở gần đó được dời đến khu Chinatown làm nơi đây trải qua những biến đổi to lớn. Sau đó, vào năm 1992, quan hệ ngoại giao giữa Hàn Quốc và Trung Quốc được thiết lập và năm 1993, nhờ việc thành phố Busan và thành phố Thượng Hải Trung Quốc kết nghĩa, Chinatown mới trở lại nhộn nhịp. Năm 1999, nhân kỷ niệm mối quan hệ kết nghĩa giữa hai thành phố, nơi đây được gọi thành “phố Thượng Hải”, và từ năm 2004 “Lễ hội văn hóa đặc khu Busan Chinatown” được tổ chức hằng năm.

Mặt khác, tại Busan, ở ngôi làng người Nhật cư trú thời Joseon cũng có địa danh được gọi là waegwan (倭館, Oa Quán). Đó là nơi triều đình Joseon cho xây dựng tòa nhà trong khu vực cảng nhằm trấn áp hải tặc Nhật hoành hành, đồng thời đảm nhận chức năng ngoại giao, mậu dịch với Nhật Bản từ cuối triều đại Goryeo thế kỷ 14.

Vào năm 1407, waegwan được đặt tại hai nơi là cảng Busan ở thành phố Busan và cảng Jepo vùng Jinhae, đến năm 1426 bổ sung thêm một nơi nữa ở cảng Yeompo khu vực Ulsan gọi là “Tam cảng Waegwan” (三浦倭館, Tam Cảng Oa Quán). Nhưng vào năm 1544, sau khi xảy ra tình trạng cướp bóc của hải tặc Nhật ở vùng Tongyeong, trong số ba cảng, chỉ còn duy nhất waegwan ở cảng Busan được duy trì.

Quan hệ ngoại giao giữa hai nước Hàn–Nhật từng bị gián đoạn sau cuộc xâm lược Joseon của Nhật Bản bắt đầu năm 1592 đã được bình thường hóa nhờ sự giải quyết vấn đề hậu chiến của Tokugawa Ieyasu – vị shogun đầu tiên của chính quyền Mạc phủ Edo. Theo đó, các waegwan được thiết lập lại, gần 500 người đàn ông Nhật Bản sinh sống tại waegwan khu vực cảng Busan vào cuối thời kỳ Joseon. Đặc biệt, khu waegwan vùng Choryang xây dựng vào cuối thế kỷ 17, có quy mô tổng cộng khoảng 100.000 pyeong (khoảng 330.000 mét vuông), bao gồm không gian sinh hoạt, chỗ ở cho các sứ thần đến từ Nhật Bản lưu trú và không gian cho các hoạt động thương mại. Công trình kiến trúc waegwan được Joseon xây dựng, nhưng bên trong, tòa nhà được trải thảm tatami theo kiến trúc nội thất phong cách Nhật Bản. Bên ngoài, waegwan được lắp đặt thiết bị giám sát an ninh ra vào của người Nhật, bên trong, họ mặc trang phục và đeo kiếm kiểu Nhật nên có thể gọi đây là ngôi làng Nhật Bản nhỏ bên trong Joseon.

Nơi khởi phát giao lưu văn hóa

Một cột mốc bằng đá cho thấy đây là waegwan (Oa Quán),hay khu phố Nhật ở Dumopo. Được xây dựng vào năm 1607,các khu phố Nhật tại Dumopo đã tồn tại hơn 70 năm trước khinó bị đóng cửa và một khu mới được xây dựng tại Choryang. © Naver blog “Outing on a Lovely Day”

Từ thời cổ đại đến nay, mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản trải qua nhiều thời kỳ không suôn sẻ do chiến tranh liên miên. Tuy nhiên, vào thời Mạc phủ Edo, khoảng 210 năm cuối triều đại Joseon là giai đoạn hòa bình thông qua hoạt động của đoàn sứ thần Joseon. Đoàn sứ thần Joseon dùng để chỉ những công sứ ngoại giao hữu nghị được đặc phái qua 12 đợt từ Joseon sang Nhật Bản để hàn gắn mối quan hệ ngoại giao hai nước sau cuộc chiến tranh Nhật Bản xâm lược. Sự giao lưu văn hóa hòa bình giữa các nước lân bang như thế được xem là hiếm thấy trong lịch sử thế giới.

“Ghi chép về đoàn sứ thần Joseon: Tư liệu lịch sử về việc kiến tạo quan hệ hòa bình và giao lưu văn hóa Hàn Quốc–Nhật Bản từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19” (Documents on Joseon Tongsinsa/Chosen Tsushinshi: The History of Peace Building and Cultural Exchanges between Korea and Japan from the 17th to 19th Century) do hai tổ chức dân sự là Quỹ Văn hóa Busan Hàn Quốc và tổ chức phi lợi nhuận Hội đồng Liên lạc Liên địa sứ thần Joseon của Nhật Bản (朝鮮通信使緣地連絡協議會, Liaison Council of All Places Associated with Chosen Tsushinshi) cùng xúc tiến từ năm 2014 được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới năm 2017. Các tư liệu lịch sử này gồm 63 tài liệu 124 mục do Hàn Quốc bảo quản, và 48 tài liệu 209 mục được Nhật Bản lưu giữ. Đây vừa là di sản số 1 được UNESCO công nhận ở Busan, vừa là di sản số 1 được hai nước Hàn – Nhật đồng thời công nhận, và đặc biệt hơn, thành quả này do các tổ chức đoàn thể dân sự giữa hai nước xúc tiến đạt được nên mang ý nghĩa đặc biệt.

Quy mô của đoàn sứ thần lên đến 400~500 người. Cuộc diễu hành của đoàn sứ thần xuất phát từ Seoul đến Busan, rồi dừng chân tại Busan chuẩn bị cho các hoạt động ngoại giao, xem xét thời tiết và hướng gió. Điều này là do đường biển qua eo biển Hàn Quốc nhiều hiểm trở. Đoàn sứ thần sau khi cử hành lễ tế thần biển, chọn ngày lành ra khơi trên 6 chiếc thuyền và khởi hành từ bến tàu Yeonggadae (永嘉臺, Vĩnh gia đài).

Nhiệm vụ kiến tạo hoà bình

Đoàn lên bờ ở Tsushima, sau đó đi qua 53 trạm để đến Edo (nay là Tokyo), huy động hơn 338.500 người và 77.645 con ngựa (phái đoàn lần thứ 8 vào năm 1711). Theo tiêu chuẩn hiện tại, quả thực đó là một đoàn diễu hành quy mô rất lớn.

Mạc phủ Edo tiếp đón đoàn phái sứ hết sức nồng hậu. Trước khi mở cửa với phương Tây, là nước duy trì tình trạng đóng cửa khép kín, nhưng khi đoàn sứ thần Joseon đến thăm, Nhật Bản tổ chức nghênh đón tưng bừng coi đó như một lễ hội lớn. Sự quan tâm dành cho đoàn sứ thần Joseon là rất lớn, từ giới điều hành Mạc Phủ Edo đến tầng lớp võ sĩ đạo, người dân thường, thương nhân và cả nông dân.

Người Nhật xem việc tiếp xúc với các quan văn Joseon là niềm vinh dự, họ đến cầu kiến đối thơ, bình thơ, thư pháp và vẽ tranh khi đoàn sứ thần về đến dịch trạm. Vì vậy đoàn sứ thần thường bận rộn đến nỗi không mở nổi mắt, nhiều người không được ngủ nghỉ đầy đủ vì đáp ứng thỉnh nguyện của người Nhật Bản. Những ghi chép về cảnh hiếm thấy này đa số vẫn còn lưu giữ tại các vùng khác nhau trên toàn quốc của Hàn Quốc và Nhật Bản, nhiều tư liệu hội họa cũng được lưu truyền. Đương thời, sự tiếp thu văn hóa Joseon của các văn nhân Edo là điều đáng ngạc nhiên và được các học giả đánh giá nguồn động lực phục hưng nền văn học nghệ thuật của Mạc phủ Edo.

Vào thời đó, các tuyển tập văn thơ đối đáp phát hành lên đến hàng trăm quyển, các văn nhân và quan lại Joseon sau khi về nước cũng lưu lại nhiều bản báo cáo xuất sắc về chuyến thị sát, trở thành tài liệu quý nghiên cứu về Nhật Bản lúc bấy giờ. Đó là hoạt động giao lưu văn hóa không thua kém so với làn sóng Hàn Quốc hiện tại.

Xuất phát điểm của con đường đó là thành phố cảng Busan. Ngày nay, bằng mối giao lưu văn hóa với khu vực Đông Á và ASEAN cùng với các sự kiện đa sắc đa diện, Busan đang tiếp nối vững chắc vị thế thành phố quốc tế của mình.

Cuộc diễu hành của đoàn sứ thần xuất phát từ Seoul đến Busan,

rồi dừng chân tại Busan chuẩn bị cho các hoạt động ngoại giao,

xem xét thời tiết và hướng gió.

Điều này là do đường biển qua eo biển Hàn Quốc nhiều hiểm trở.

“Busan” trong bức “Vẻ đẹpthắng cảnh đường biển” (Saroseunggu do, Tra Lộ ThắngKhu Đồ) do họa sĩ Yi Seongrin (1718-1777) vẽ bằng mựcvà màu sáng trên giấy năm1748, khổ 35.2 x 70.3 cm
Yi Seong-rin, một họa sĩ củaCục Hội họa Hoàng gia (Đồ họathự), miêu tả cuộc hành trìnhdài mà các sứ thần Joseon đitừ Busan đến Edo, Nhật Bản.Bao gồm 30 cảnh, đây là bứctranh duy nhất còn sót lại ở HànQuốc ghi lại chuyến đi của sứđoàn Joseon năm 1748. © National Museum of Korea

RÚT NGẮN KHOẢNG CÁCH CON NGƯỜI

Alok Kumar Roy Giáo sư Trường Đại học Ngoại ngữ Busan

 

Busan lại sôi nổi với các hoạt động trong hai ngày 25 và 26 tháng 11 năm 2019, khi một lần nữa thành phố tổ chức Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm Quan hệ giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Hàn Quốc. Hội nghị đánh dấu chặng đường hợp tác 30 năm của ASEAN và Hàn Quốc, cũng như mở màn cho Hội nghị Cấp cao Mê Kông–Hàn Quốc lần thứ nhất sẽ diễn ra vào ngày hôm sau. Các cuộc thảo luận thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng cho thấy việc đối thoại giữa các nguyên thủ quốc gia cũng góp phần tăng cường ngoại giao văn hóa, khi “một cộng một” là nhiều hơn hai.

“Thủ công mỹ nghệ ASEAN: Từ Di Sản đến Đương Đại”: là triển lãm đặc biệt kỷ niệm 30 năm quan hệ đối thoại giữa Hàn Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, thu hút khách tham quan tại Nhà văn hóa ASEAN ở Busan. Triển lãm sẽ tiếp tục mở cửa đến ngày 15 tháng 1 năm 2020.

Trao đổi trong khu vực tư nhân

Ngày nay, ở Busan, Nhà văn hóa ASEAN (ASEAN Culture House, ACH) được xem là biểu tượng về tinh thần giao lưu của thành phố, nhằm khơi dậy trí tưởng tượng và sự quan tâm đến văn hóa ở những vùng đất vốn được coi là xa xôi. Từ việc giới thiệu trang phục và ẩm thực truyền thống của các nước Đông Nam Á, đến việc tổ chức những khóa học ngôn ngữ và văn hóa, các chương trình đa dạng của Nhà văn hóa ASEAN đã mở ra nhiều cuộc đối thoại có ý nghĩa và sâu sắc nhằm thúc đẩy quan hệ văn hóa và ngoại giao từ cấp cơ sở. Sự góp mặt của Nhà văn hóa ASEAN với các trung tâm dạy học và bồi dưỡng chuyên nghiệp thuộc 10 quốc gia thành viên ASEAN đã củng cố đáng kể cho các trao đổi trong khu vực tư nhân.

Một nhiệm vụ nữa dành cho Busan, dưới danh nghĩa thành phố toàn cầu, là hòa hợp trong vấn đề đa dạng nhân khẩu. Hiện nay có khoảng 65.000 kiều dân đóng góp kỹ năng và tài năng cho Busan, trong đó số sinh viên quốc tế chiếm khoảng 12.000 người. Và kiều dân ASEAN trở thành một trong những cộng đồng lớn nhất. Việc đón nhận họ ở Busan trở nên dễ dàng hơn khi người Hàn Quốc tích cực tham gia vào vấn đề này và Nhà văn hóa ASEAN giữ vai trò chính trong việc thu hút kiều dân và sinh viên nước ngoài để tất cả cùng hướng đến lợi ích chung.Và trọng tâm chính cần theo đuổi của bất kỳ thành phố toàn cầu nào, chính là mặt ngoại giao đô thị. Thành phố lớn Busan và Quỹ Hợp tác Quốc tế Busan nỗ lực thực hiện nhiệm vụ này bằng tư duy toàn cầu, phát triển quan hệ và kết nối địa lý thông qua mạng lưới con người. Hiện nay, hoạt động của thành phố Busan và Quỹ Hợp tác Quốc tế Busan (BFIC) gắn bó chặt chẽ với những thành phố đối tác, mở rộng sang các khu vực mới để tăng cường hợp tác với mọi người trên thế giới.

Trong những năm gần đây, tầm nhìn toàn cầu của Busan đã trở nên nổi bật thông qua các chương trình đào tạo nâng cao năng lực. Trong năm 2019, Trường Colombo Plan Staff College (Đại học Kế hoạch Colombo, CPSC) đã cử đoàn gồm 20 thành viên từ Nepal, gồm các chuyên gia về y tế và kỹ thuật đi khảo sát phát triển nguồn nhân lực giảng dạy bách khoa và chăm sóc sức khỏe. Trong năm 2020, CPSC dự định sẽ tiến hành tương tự với ngành tài chính và ngân hàng. Riêng trong năm 2019, Busan tạo điều kiện đào tạo các ngành nông nghiệp thông minh, phát triển đại dương và thủy sản, kỹ thuật thuật hồi sức tim phổi (dành riêng cho Lào) và an toàn đường bộ (dành riêng cho Ecuador).

Tầm nhìn toàn cầu

Trong bốn năm qua, Busan đã đưa Đoàn Khảo sát Á–Âu đi tìm hiểu thêm về tiềm năng kinh tế của thành phố và sự tương đồng văn hóa với lục địa Á–Âu. Hành trình năm 2019 của Đoàn, đi thăm 10 thành phố ở năm quốc gia gồm Trung Quốc, Mông Cổ, Nga, Ba Lan và Đức, có thêm hai sứ mệnh: tìm hiểu lại lịch sử của Phong trào Độc lập Một tháng Ba ở bán đảo Hàn nhân kỷ niệm 100 năm phong trào, và nghiên cứu thêm về sự phức tạp của việc thống nhất bản đảo Hàn kể từ khi Bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989.Đồng thời, Trung tâm Toàn cầu do Quỹ Hợp tác Quốc tế Busan điều hành hỗ trợ cung cấp thông tin, dịch vụ dịch thuật (13 ngôn ngữ) và tư vấn chuyên môn cho các vấn đề pháp luật, nhập cư, lao động, hôn nhân quốc tế và quan hệ gia đình, thuế khóa và các vấn đề khác cho kiều dân và những người nước ngoài đến đây học tập và làm việc.

Giữa giai đoạn sóng gió này, khi toàn cầu hóa thường được xem là thách thức, thì kinh nghiệm của Busan đã mở ra một viễn cảnh tươi mới. Busan, bằng nhiều cách, đã định hình lại ý niệm của chúng ta về “khoảng cách” giữa các quốc gia và văn hóa, đã chứng minh được rằng tinh thần cởi mở và kế hoạch đổi mới có thể nối liền được xa cách.

Park Hwa-jinGiáo sư khoa Lịch Sử, Đại học Quốc gia Pukyong

전체메뉴

전체메뉴 닫기