메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

Features > 상세화면

2019 SUMMER

CHUYÊN ĐỀ

Ẩm thực Phật giáo:
Gột rửa Tham muốn và Si mê
CHUYÊN ĐỀ 5Câu chuyện về một nhà sư Người thực hành trà đạo

Từ thời xửa thời xưa, “Dabansa: Chuyện thường như cơm bữa” là lời nói có nguồn gốc từ nhà Phật. Trong dân gian, lời nói này được hiểu là “việc thông thường”, “việc xảy ra thường xuyên” giống như việc uống trà, ăn cơm. Với ý nghĩa đó, ở các chùa chiền, trà được xem là một thức uống không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày.

Các nhà sư hái lá trà tại cánh đồng trà của chùa Seonam, nằm dưới chân núi Jogye ở Suncheon, tỉnh Nam Jeolla. Ngôi đền này được xem là một di sản thế giới của UNESCO, nơi lưu giữ một trong số ít cánh đồng trà ở Hàn Quốc duy trì phương pháp canh tác trà truyền thống.

Sinh hoạt trong chùa chiền là sinh hoạt cộng đồng, vì thế có những quy tắc được đặt ra yêu cầu mọi người phải làm theo. Đặc biệt, ở chốn thiền môn trong các Phật đường Hàn Quốc truyền thống, trà chiếm vị trí trung tâm trong tất cả mọi nghi thức và ý thức giác ngộ. Lễ Phật vào buổi sáng được bắt đầu bằng hình thức dâng trà, giỗ chạp cũng được bắt đầu bằng một chén trà. Điều này cho thấy trà đứng ở vị trí trung tâm trong văn hóa Phật giáo. Trong nhà chùa, công việc nấu và cúng trà được gọi là “Dadu” hay “Dagak”. Ngoài ra, nơi thưởng trà được gọi là “Dadang”, trống dùng để đánh cho biết thời gian uống trà được gọi là “Dago”. Văn hóa trà của Phật giáo không dừng lại ở việc thưởng trà của các nhà sư. Thiền thuộc về thế giới tinh thần, trà thuộc về thế giới vật chất, chúng gặp nhau, hòa quyện vào nhau hợp thành một thế giới tâm linh gọi là “Seondailmi” (thiền trà). Thế giới này là chốn cực lạc của văn hóa ẩm thực do nhân loại tạo nên. Khi thưởng trà, ta như thưởng cả chiều rộng và chiều sâu của cuộc sống thể hiện bên trong chén trà. Phong cách uống trà hướng đến giá trị tinh thần như thế được gọi là “Dado”(trà đạo).

Thánh địa của văn hóa trà đạo Hàn Quốc

Hòa thượng Yeoyeon (phải) và đệ tử của ông, sư Bomyeong, hái lá trà tại đồn điền trà Banya ở huyện Haenam, tỉnh Nam Jeolla. Họ đã kế thừa tinh thần và phương pháp của thiền sư Choui, người đã cho ra phương pháp thưởng trà của người Hàn Quốc vào cuối triều đại Joseon.

Một con chim đang bay trên trời khi mỏi cánh chỉ cần một cành cây để đáp xuống. Am Ilja được trấn giữ trong ngôi chùa Daeheungsa nằm trên núi Duryun nhìn xuống biển Haenam thuộc tỉnh Nam Jeolla nằm ở cực Nam của bán đảo Hàn có tên gọi hàm ý như thế. Khoảng 150 năm trở về trước, nơi đây có thiền sư Choui (1786–1866) được xưng tụng là ông tổ của nền văn hóa trà đạo Hàn Quốc ngày nay. Vào mùa xuân năm 1830, trong lúc thiền sư Choui đang ngồi cạnh lò để đun nước trà, chú tiểu Thủy Hồng hỏi ông: “Trà đạo là gì?”. Thiền sư Choui liền trả lời bằng cách trích dẫn một đoạn trong quyển “Chuyện tinh thần trà”(Dasinjeon): “Khi pha chế trà phải thật sự dành hết tâm huyết, khi bảo quản trà phải giữ cho thật khô ráo, khi ủ trà phải giữ cho thật thanh khiết. Lòng nhiệt huyết, sự khô ráo, sự thanh khiết là những quy tắc mà trà đạo hướng đến để ra đời những tác phẩm trà thuần túy.” Quyển sách này lưu giữ những nét cổ truyền của văn hóa trà, nội dung tập hợp nhiều lĩnh vực từ việc thu hoạch lá trà cho đến việc bảo quản trà, được gói gọn trong cuốn sách có màu xanh lá cây trích từ Dagyeongchaeyo từng đăng tải trên “Bảo vật toàn tập” (Manbojinseo) – bộ tài liệu thời đại nhà Thanh do chính Mo Hwoan Mun chắp bút.

Vào mùa hè năm 1837, tình cờ có một người đặt câu hỏi về trà đạo cho thiền sư Choui. Đó là Hong Hyon-ju (1793–1865), con rể của vua Chính Tổ đời thứ 22 của triều Joseon. Thiền sư Choui đã trả lời câu hỏi ấy bằng cách đặt bút viết quyển “Bài ca Đông Trà” (Dongdasong). Ông ca tụng trà được sản xuất tại Hàn Quốc có hương vị và hiệu quả chữa bách bệnh của trà Trung Hoa, đồng thời khẳng định: “Trà đạo là con đường trung chính giúp cho trà và nước trà hòa lẫn với nhau”.

Thiền sư Choui xây am Ilji vào năm 1824, và tu ở đó trong vòng 40 năm, đáng tiếc là nơi này bị thiêu rụi bởi một trận hỏa hoạn sau khi ông mất. Năm 1981, sau bao nhiêu nỗ lực, am Ilji quý hiếm đã được phục dựng. Sau khi phục dựng am Ilji được bảo tồn trong suốt 18 năm bởi các nhà sư. Nhà sư Yeoyeon là người chuyên tâm trồng trọt, chăm bón, sao khô hạ thổ trà tương tự như việc tu hành. Nhà sư đầu tiên tiếp xúc với trà khi vào tu tại chùa Haein được coi là thế hệ đầu tiên dẫn lối cho sự phát triển của văn hóa trà hiện đại cùng các vĩ nhân của văn hóa trà như họa sĩ Heo Baek-ryeon, tăng sư đồng thời là nhà vận động phong trào độc lập Choe Bom-sul. Đặc biệt, tăng sư Choe Bom-sul đã đặt tên cho thương hiệu trà của nhà sư Yeoyeon là “Trà Bát Nhã”, có nghĩa là trà “trí tuệ” (trà dành cho những người thông thái). Thông thường, nếu đúng theo quy trình chế biến trà, thời điểm chế biến trà tốt nhất là vào thời điểm cốc vũ, tuy nhiên, thiền sư Choui lại cho rằng trước sau lập hạ là thời kỳ phù hợp. Nguyên nhân ông chọn thời kì này để chế biến trà là do Hàn Quốc tọa lạc ở vĩ độ cao hơn khu vực sản xuất chính của trà Trung Hoa. Tán thành tư tưởng của thiền sư Choui, nhà sư Yeoyeon khi canh tác vườn trà có tên là Đa Nguyên Bát Nhã nằm ở sườn núi Duryun đã quyết định chờ cho thời điểm cốc vũ của năm đi qua mới bắt tay vào chế biến trà đầu mùa.

Lá trà xanh mới thu hoạch được phân loại, rang trong vạc sắt và vò nhẹ. Quá trình này được lặp lại hai đến ba lần. Hòa thượng Yeoyeon (ngoài cùng bên phải) và các đệ tử của mình chế biến lá trà được hái từ đồn điền Banya Tea, nằm gần chùa Daeheung, được xem là một di sản thế giới được UNESCO công nhận.

Nếu ví von trà là tâm hồn của con người thì chén trà chính là nơi ẩn chứa tâm hồn ấy. Khi khoan thai nghiêng chén trà nghi ngút tựa làn sương xuân, lòng tôi gợi lên một một màu xanh ngát tựa như màu xanh của cánh rừng bạt ngàn khi trời quang mây tạnh.

Cộng đồng Trà Bát Nhã

Vào mùa đông năm 1996, các nhà hoạt động phong trào xã hội ở Haenam cùng tập hợp lại tổ chức đại hội trà đạo Namcheon nhằm mục đích học về cách làm trà từ nhà sư Yeoyeon. Các thành viên tham gia đại hội mời nhà sư Yeoyeon đến để tổ chức cộng đồng tìm hiểu văn hóa trà đi đôi với việc thực hiện tu hành Phật giáo và tu học về trà, đồng thời bắt tay vào việc xây dựng nông trại trà. Họ lấy tên cho nông trại là “Vườn trà Bát Nhã”. Sau đó, vào năm 2004, mẻ trà một nước đầu tiên được sản xuất ở Vườn trà Bát Nhã đã được đưa vào sử dụng tại lễ cúng bái thần linh. Lễ hội này được lưu truyền đến ngày nay, lấy chén trà là chén nhân sinh, thông qua đó kiểm chứng cũng như thể hiện lòng biết ơn mối lương duyên giữa Trời và Đất, người và vạn vật.

Công đoạn điều chế lá trà trải qua trình tự rang trà, vò trà và phơi khô. Thiền sư Choui đã lấy trà lá và trà dạng bánh để làm nên năm loại trà. Nhà sư Yeoyeon cũng lấy lá trà được gia công dưới nhiều hình thức để làm nên nhiều loại trà khác nhau. Nhà sư nhấn mạnh rằng điều cơ bản khi rang trà không phải là nhiệt độ của nồi đun mà nằm ở hàm lượng độ ẩm của lá trà được hái và thời tiết hái lá trà. Nhà sư chủ yếu đun trà lá và trà dạng bánh bằng nồi Gama và lửa củi. Thông qua quá trình tham quan nhiều nơi chế biến trà trong và ngoài nước, tôi đúc kết lại phương pháp pha trà mà tôi nhuần nhuyễn chính là trà của nhà sư Yeoyeon ngày nay. Tài nghệ pha chế trà của nhà sư Yeoyeon được đánh giá là vượt qua cảm giác của người bình thường, thể hiện ở chỗ ông biết điều chỉnh thời gian rang trà, gia giảm lửa nhằm tạo hương vị phù hợp với từng điều kiện của lá trà. Lá trà sau khi rang xong sẽ được hong khô nhanh chóng và vò một cách nhẹ nhàng. Nếu trà khô nhanh, màu sắc của trà sẽ trở nên lung linh hơn. Nếu vò lá trà một cách nhẹ nhàng, trà sẽ ngấm từ từ giúp cho việc thưởng trà được lâu hơn. Ngoài ra, khi vò nhẹ nhàng sẽ giúp cho hình dạng của lá trà không bị biến đổi. Ngược lại, nếu vò mạnh thì các thành phần của trà bị ngấm một cách đậm đặc khiến cho trà không thể thưởng được nhiều lần. Nhà sư lo lắng rằng việc vò mạnh sẽ khiến cho trà của Hàn Quốc dễ bị hỏng. Ngoài ra, “Gujeunggupo” là một thuật ngữ chỉ phương pháp đun chín lần sau đó đem phơi khô chín lần được ứng dụng khi làm trà dạng bánh vào thế kỉ 19, tuy nhiên, không phù hợp khi sử dụng phương pháp này vào việc gia công trà lá. Điều này nhấn mạnh rằng đây không phải là phương pháp pha trà truyền thống trong nhà chùa.

Khi phơi khô trà, nhà sư nhấn mạnh phải tuân theo tự nhiên, vì không những để làm mất đi nguyên tắc vốn có của phương pháp pha trà trực tiếp bị bó buộc bởi con số hay hình thức mà ngay cả phương pháp pha trà truyền thống ở bất kỳ nơi đâu, việc chế biến trà đảm bảo sức khỏe và ngon hơn là công việc cần được ưu tiên. Phương pháp pha trà đúng đắn nhất chính là khơi dậy hương vị tinh túy của trà.

Nhà sư nổi tiếng là người có miệng lưỡi sắc sảo trong các cuộc hội trà. Nhà sư khiển trách một cách nhẹ nhàng vì để văn hóa trà Hàn Quốc không giữ được vị trí do cách suy nghĩ chưa thấu đáo. Nhà sư nhìn thẳng vào thực tế của trà và phê bình thẳng thắn rằng trà còn trông thô ráp, sần sùi giống như vải làm bằng sợi gai, không giống với hương vị nhẹ nhàng và đậm đà của trà do ông pha chế. Nhà sư Yeoyeon khi uống thử trà nước đầu đã bỏ trà vào trong một chén trà nhỏ, rót nước nóng rồi đợi một lúc, sau đó, uống một ngụm nhỏ. Lá trà phơi phô gặp nước nóng sẽ nở ra, hương thơm khi ấy cũng tỏa ra và màu xanh của lá trà sẽ trải đều khắp chén trà. Hương vị của trà được ủ như thế được ví là hương thơm trong bụng được tỏa ra từ lớp da non của đứa trẻ, màu sắc của trà là màu xanh ngát, hương vị của trà thật nhẹ nhàng và đem lại cảm giác sảng khoái. Không lâu sau đó, mùi vị ngọt ngào của trà dâng lên khiến hai mắt chợt nhắm nghiền lại, cảm giác như ánh sáng mùa xuân len vào trong miệng và cổ. Khi ấy, các nghệ nhân trà đạo đều thốt lên rằng: “Tất cả 84 nghìn lỗ chân lông trở nên mát mẻ”, “Giống như có đôi cánh mọc ở hai bên nách”.

Một nhà sư rót trà tại am Ilji của chùa Daeheung, nơi kế thừa truyền thống trà của thiền sư Choui. Đun sôi bằng nước sạch, pha trà ở nhiệt độ tối ưu, sau đó rót trà vào cốc. Đây là một quá trình đòi hỏi sự chăm chút và tập trung.

Những người tham gia Temple Stay tại chùa Naeso ở huyện Buan, tỉnh Nam Jeolla, đang thưởng trà.

Mối nhân duyên do trà gắn kết

Việc tôi đầu tư một chỗ ở khu phố Insa-dong đơn thuần để thưởng trà cùng với mọi người bắt đầu vào năm 1977. Hơn 40 năm, vào mùa xuân hàng năm, mỗi khi hóng tin về trà, tôi thường chạy về cánh đồng trà. Hình ảnh các nhà sư mặc áo đen rang trà đầy đam mê trước các chung trà lúc nào cũng đẹp và thánh thiện.

Vào một năm nọ, khi đi thăm khu trồng trà Daehan Dawon của Boseong, tôi bắt gặp hình ảnh một nhà sư đang rang trà bên cạnh một ao sen xung quanh ngập đầy những cánh hoa anh đào nở muộn gây ấn tượng mạnh đối với tôi. Ông ấy chính là nhà sư Yeoyeon. Trời rạng sáng lúc sao mai mọc, cũng là lúc nhà sư hái những chiếc lá trà được rửa bằng sương sớm rồi bỏ vào trong nồi để rang lên. Hình ảnh ấy khiến tôi suy tư mãi. Tôi cũng muốn sống một cuộc đời như ông. Cảm giác khi tận tay hái lá trà, bỏ trà vào nồi, khi trà chín, khi bước chân vào căn phòng ngập tràn lá trà phơi khô, hương vị trà quấn lấy toàn bộ cơ thể đã khiến cho giấc mơ được làm trà hàng năm trong tôi trỗi dậy. Vì thế, mỗi khi nhìn thấy hoa anh đào nở muộn, tôi lại bước về hướng vườn trà một cách vô thức.

Cuộc hội ngộ ngộ giữa tôi và nhà sư Yeoyeon diễn ra ở trung tâm Lu-Yu daye, một nơi nổi tiếng bởi tiệm trà theo khuynh hướng hiện đại của Đài Loan năm 1986. Trong khi tôi đang ngồi thưởng trà và đàm đạo cùng các bậc thầy trà đạo của Đài Loan, một giọng nói quen thuộc bên tai khiến tôi quay đầu lại thì thấy nhà sư đang đứng gần đó. Chi phí cho hành trình hồi hương từ Sri Lanka về Hàn Quốc không dư dả buộc ông phải di chuyển bằng máy bay giá rẻ quá cảnh qua nhiều nơi khác nhau. Khi đó, ông đã tận dụng khoảng thời gian ngắn ngủi để ngắm nghía các loại trà của Đài Loan. Niềm đam mê trà của ông thật to lớn, thậm chí là khi tạm dừng chân ở đâu đó, mối quan tâm của ông ở nơi đó đều liên quan đến trà. Khi tôi đưa ông đến những vùng đất có trà như Hadong, Boseong, Gangjin, Jangheung, Gimhae, Jeju, khi tôi cùng ông vượt biển đến tham quan khu di tích văn hóa trà của Trung Quốc và Nhật Bản, trong túi cói của nhà sư luôn chứa đầy trà và tách trà.

Nếu không có trà thì không có mối lương duyên giữa tôi và thiền sư. Chúng tôi đã có thể sống một cuộc đời khác. Nhờ có trà mà ánh mắt của thiền sư đã dành cho tôi dù chỉ trong phút chốc. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, trà đã khiến cho cảm giác của tôi trở nên thư thái. Phải chăng đây là thế giới bát nhã mà trà mang đến cho chúng ta? Trà bát nhã của nhà sư Yeoyeon đóng vai trò như người nhóm lửa trong chùa nhằm đem đến cho chúng ta cuộc sống được thỏa thích ăn cơm, uống trà và khai phóng tâm hồn. Khi nhà sư bước vào tuổi thất thập cổ lai hy, ông tập hợp trà cụ đã qua sử dụng bằng cách kêu gọi quyên góp, sau đó, tổ chức triển lãm. Chủ đề cuộc triển lãm được tổ chức vào mùa thu năm 2017 lấy tên là “Cuộc hồi sinh trà của nhà sư Yeoyeon”. Tinh thần trà đạo của ông thể hiện rõ trong lời giới thiệu viết ở bộ sưu tập dụng cụ chế biến trà. Nếu ví von trà là tâm hồn của con người thì chén trà chính là nơi ẩn chứa tâm hồn ấy. Khi đun sôi nước để pha trà. Khi rót trà, tâm hồn của tôi có lúc như đang dạo chơi quanh con suối nhỏ, có lúc lại như đang ngồi trên một tảng đá. Khi khoan thai nghiêng chén trà nghi ngút tựa làn sương xuân, lòng tôi chợt dậy sóng, lòng tôi gợi lên một một màu xanh ngát tựa như màu xanh của cánh rừng bạt ngàn khi trời quang mây tạnh. “Tôi đã nhìn thấy mỗi chiếc lá trà đỡ lấy và nâng niu một tâm hồn.”

Park Hee-juneChủ tịch Hiệp hội Văn hóa Trà Hàn Quốc
Ahn Hong-beomẢnh
Trần Nguyễn Nguyên HânDịch.

전체메뉴

전체메뉴 닫기