Ngày nay, cùng với sự phổ biến của máy ảnh kỹ thuật số và điện thoại thông minh, hình ảnh đã phát triển theo chiều hướng rất khác so với trước đây. Hình ảnh không chỉ đơn thuần là công cụ ghi dấu các sự kiện mà còn dùng để ghi lại các khoảnh khắc sinh hoạt hàng ngày, là phương tiện giao tiếp dễ dàng mà ai cũng có thể sử dụng được. Việc chụp “ảnh bằng chứng” và đưa lên các trang mạng xã hội SNS đã trở thành đặc trưng chung trong cuộc sống thường nhật của con người hiện đại.
“Flâneur in Museum, Louvre”
Kim Hong-shik, 2016. In nổi; urethane, mực và in lụa trên thép không gỉ; 120 × 150 cm (including the frame).
Dạo gần đây, mọi người đi đến đâu cũng chụp ảnh. Vậy thì tại sao nhiều người lại thường xuyên chụp ảnh như thế? Suy cho cùng thì chụp ảnh là do đối tượng đó muốn lưu giữ lại khoảnh khắc mình đã tồn tại. Nói cách khác, hình ảnh chính là “sở hữu”. Ký ức và kỷ niệm xét theo nghĩa rộng thì cũng là một trong những hình thức sở hữu.
Khi chụp ảnh các cụ bà, họ hay hỏi rằng: “Già rồi chụp ảnh làm gì chứ?”. Sở dĩ họ nói vậy là vì họ nghĩ đã là ảnh thì phải ghi lại cái đẹp. Thế thì tại sao chúng ta phải lưu giữ lại những điều đẹp đẽ cơ chứ? Nếu như không phải chụp ảnh để phục vụ cho công việc hay các tác phẩm theo chủ đề đặc biệt nào đó thì chẳng có lý do gì khiến chúng ta phải đưa máy ảnh lên để ghi lại một một khung cảnh mà không có hình thức hay đối tượng kì lạ nào. Về thực tế, chẳng ai muốn sở hữu những điều quá bình thường như vậy.
Tại cung Changgyeong ở Seoul, các cô gái trẻ trong bộ váy truyền thống hanbok đang tự chụp ảnh bằng gậy selfie. Họ có vẻ thích thú với “những tấm ảnh bằng chứng” hơn là di tích lịch sử phía sau.
Để có được một bức “ảnh để đời”
Từ sau khi máy ảnh kỹ thuật số ra đời, không ít nhiếp ảnh gia không chuyên đã chụp được nhiều cảnh đẹp giống như tranh chạm khắc vậy. Làm được điều này là do đâu? Có lần tôi tìm đến ngôi chùa cổ nằm lưng chừng như treo mình trên vách núi, hôm ấy bỗng dưng toàn bộ cảnh chùa chìm trong màn sương mù mờ ảo, đứng trước khung cảnh đó tôi đã thấy vô cùng nuối tiếc. A… lẽ ra ngay bây giờ mình phải chụp ảnh ngôi chùa ở góc độ này mới phải! Trong đầu tôi thoắt ẩn thoắt hiện những bức ảnh đã từng xem qua ở các cẩm nang du lịch. Đợi mãi vẫn không thấy sương tan, lúc đó cậu hướng dẫn viên của tôi mới cười và bảo rằng, “Tôi có cách này hay lắm. Ông về nhà và tìm trên Google thử xem!”
Trong một quán ăn, các khách hàng trẻ đang tự chụp ảnh với bia và món ăn trước khi bắt đầu cầm đũa lên. Giới trẻ ngày nay hình thành trào lưu văn hóa chụp ảnh tất cả các hoạt động hàng ngày của họ và chia sẻ chúng trên mạng xã hội.
Nhiều người mang theo máy ảnh đến điểm du lịch và chụp nhiều bức ảnh giống nhau, bởi vì họ muốn công khai kinh nghiệm của bản thân hay những điều khiến họ cảm động, và ảnh chụp chính là tư liệu minh chứng cho thấy điều đó. Đó cũng là lý do giải thích vì sao ở các điểm du lịch có nhiều người chịu xếp hàng dài chờ đến lượt để được chụp những bức ảnh giống nhau ở cùng một địa điểm. Cảm giác tận mắt chứng kiến cảnh đẹp, và tự tay ghi lại khung cảnh đó bằng máy ảnh của mình khiến cho người chụp như đang thực sự sở hữu khung cảnh đó, và muốn người khác cùng công nhận quyền sở hữu đó.
Những bức ảnh chụp như vậy được gọi là “ảnh bằng chứng” (injeung sajin). Có thể trong 30 năm nữa, các chuyên gia lịch sử nhiếp ảnh sẽ xếp ảnh bằng chứng này thành thể loại riêng, giống như ảnh tư liệu hay ảnh chân dung chẳng hạn. Trong lịch sử cổ đại, nếu như người biết tạo ra công cụ được gọi là homo faber (người sáng tạo), người biết sử dụng đôi tay là homo habilis (người khéo léo), người hay vui chơi là homo ludens (người rong chơi) thì từ năm 2010 trở đi lịch sử có thêm một nhóm người mới là homo photocus (tạm dịch là “người chụp ảnh”).
Homo photocus bao gồm tất cả mọi đối tượng, không phân biệt già hay trẻ, nam hay nữ. Ngay cả những người lớn tuổi, vốn là đối tượng không thuần thục máy móc hiện đại, cũng sử dụng máy ảnh theo cách rất tự nhiên. Dù không biết DSLR là gì, nhưng ở tầm của máy ảnh trên điện thoại thông minh thì người lớn tuổi nào cũng có thể sử dụng. Chỉ cần cầm điện thoại thông minh trên tay, chúng ta có thể chụp được tất cả các loại ảnh đa dạng. Thêm vào đó, nếu gắn điện thoại thông minh vào chiếc gậy chụp ảnh “tự sướng”, với độ dài hơn cánh tay thì chúng ta có thể chụp được ảnh với nhiều góc độ mong muốn mà không cần phải nhờ đến người lạ. Công dân sinh ra trong thế kỷ 21 thường nghiện giơ điện thoại thông minh lên cao và chụp ảnh bằng chứng mọi lúc mọi nơi. Cụm từ “ảnh bằng chứng” là thuật ngữ mới được tạo ra từ sự kết hợp giữa máy ảnh kỹ thuật số, điện thoại thông minh và SNS và có thể thấy đây là cụm từ thích hợp nhất để miêu tả đặc điểm của nhân loại trong thời đại mới.
Thời gian gần đây, ở những nơi như cung Gyeongbok, làng cổ Bukchon, phố cổ Jeonju, chúng ta có thể chứng kiến những hình ảnh mới mẻ mà chỉ vài năm trước đây không thể thấy được. Đó là hình ảnh các nam nữ thanh niên mặc hanbok và chụp ảnh bằng chứng ở đây. Hanbok vốn đang bị dần quên trong đời sống hàng ngày và hầu như chỉ xuất hiện trong những dịp đặc biệt như lễ cưới, ngày nay nhờ thói quen chụp ảnh mà đã được hồi sinh. Tuy nhiên, điểm thú vị của trào lưu này nằm ở chỗ không nhằm mục đích khôi phục truyền thống hay lịch sử mà “đơn thuần chỉ là để chụp ảnh” thôi.
Giới trẻ mặc hanbok vì muốn có được các bức ảnh chụp cá nhân mặc trang phục truyền thống, với nét đẹp khác hoàn toàn với trang phục hiện đại. Ảnh bằng chứng về hanbok sẽ được đưa ngay lên SNS sau khi chụp. Họ không ngại công khai các bức ảnh này cho những người bạn thật và cả những người bạn ảo qua mạng. Đặc biệt, thế hệ trẻ còn gọi những bức ảnh mà bản thân cảm thấy hài lòng nhất trong số các bức ảnh bằng chứng của mình là “ảnh để đời”. Để có được bức ảnh để đời này, giới trẻ tích cực mặc trang phục truyền thống rực rỡ và đi săn lùng những con đường đẹp, cố cung, quán cà phê, địa điểm du lịch và chụp lại.
Các Homo photocus của thế kỷ 21 thường nghiện giơ điện thoại thông minh lên cao và chụp ảnh bằng chứng mọi lúc mọi nơi. Cụm từ “ảnh bằng chứng” là thuật ngữ mới được tạo ra từ sự kết hợp giữa máy ảnh kỹ thuật số, điện thoại thông minh và SNS và có thể thấy đây là cụm từ thích hợp nhất để miêu tả đặc điểm của nhân loại trong thời đại mới.
Ảnh chụp – Trung tâm của giao tiếp
Hình ảnh đưa con người đến gần nhau hơn. Những dòng thông tin trên internet nếu chỉ có chữ mà không có bất cứ hình ảnh nào sẽ khó được mọi người chú ý. Do đó, những người đang sở hữu kênh truyền thông cá nhân như trang blog thường nhiệt tình đăng ảnh nhằm thu hút người xem. Đối với blog về ẩm thực hay thời trang thì hình ảnh vô cùng quan trọng. Đây chính là nơi mà các chủ nhân của trang blog sử dụng máy ảnh kỹ thuật số siêu cao cấp và phát huy tài năng điêu luyện của mình qua các bức ảnh, chẳng khác gì nghiếp ảnh gia chuyên nghiệp cả.
Máy ảnh kỹ thuật số và điện thoại thông minh ra đời đã tạo nên nhiều biến đổi cho cuộc sống. Ngày trước, chúng ta thường chụp ảnh để tráng ra và lồng vào khung treo lên tường hay đặt lên bàn. Thỉnh thoảng nhìn những bức ảnh đó, chúng ta lại nhớ đến những kỷ niệm đã qua. Thế nhưng, ở thời hiện đại, chụp ảnh không chỉ dừng lại ở đấy. Quy trình bao gồm chụp ảnh, chọn ảnh, xóa ảnh, sau đó dùng photoshop hoặc dùng các ứng dụng để chỉnh sửa hình ảnh, cuối cùng là đăng ảnh lên SNS. Chuỗi hành động này cứ tiếp tục diễn ra như vậy. Có nghĩa là sau khi chụp ảnh xong thì bức ảnh đó vẫn chưa được xem là hoàn thành mà khoảnh khắc đăng ảnh lên SNS thành công mới được công nhận là một bức ảnh thực thụ.
Đa phần các bức ảnh đăng trên SNS có rất nhiều bình luận bên dưới. Cư dân mạng thường trò chuyện qua lại và đưa ra các đánh giá khác nhau. Giả sử như ảnh chụp được nhân hóa thì những bức ảnh ở thời đại analog sẽ cảm thấy việc được in ra từ phim rồi chuyển vào khung ảnh và treo lên tường của một ngôi nhà nào đó chính là số mệnh đúng đắn nhất của mình. Ngược lại, những bức ảnh trong thời kỳ kỹ thuật số thì không xem trọng việc có được tráng ra hay không. Thay vào đó chúng cần được công khai rộng rãi trong thế giới ảo. Số mệnh của bức ảnh kỹ thuật số tùy thuộc vào việc chúng được chỉnh sửa đẹp ra sao và được “thích” nhiều trên SNS như thế nào.
Theo kinh nghiệm cá nhân của tôi, những thông tin trên SNS nhận được nhiều phản ứng nhất không phải là những thảo luận về vụ án chính trị nào đó, cũng không phải là vấn đề xã hội nổi trội, càng không phải là câu chuyện thổ lộ về kinh nghiệm hay trăn trở của cá nhân nào. Cư dân mạng phản ứng nhiều nhất với các bức ảnh “tự sướng” và “ảnh bằng chứng”. Những bức ảnh này sinh động hơn nên có thể khiến cả những người ít nói phải mở miệng. Con người thường dễ cười và có nhiều cảm xúc trước hình ảnh hơn là câu chữ. Với vùng từ trường mạnh, hình ảnh có khả năng kéo mối quan hệ giữa người với người lại gần nhau, giúp họ chào hỏi và hỏi thăm nhau. Nói cách khác, hình ảnh là động cơ khiến con người tạo ra mối quan hệ với ai đó và trò chuyện thân mật với nhau hơn. Những bức ảnh thời kỹ thuật số cưỡi trên đôi cánh của SNS chính là công cụ giao tiếp hữu ích nhất hiện nay.
Bãi biển Sehwa, đảo Jeju luôn nhộn nhịp các bạn trẻ du lịch và các đôi vợ chồng đi tuần trăng mật đến chụp ảnh. Mọi người muốn lưu giữ lại những khoảnh khắc đặc biệt của cuộc đời trong ảnh và chia sẻ chúng trên mạng xã hội. Nhờ đó, các địa điểm hẻo lánh giờ thành điểm du lịch hấp dẫn thu hút khách du lịch khắp các nơi đến.
Không phải bằng chứng của sự thật mà là bằng chứng của tham vọng
Có thể thấy rằng tổng số ảnh trong khoảng thời gian 180 năm, kể từ khi máy ảnh được phát minh đến năm 2010, không nhiều bằng lượng ảnh được chụp từ năm 2010 trở về sau. Kỹ thuật phát triển đã giúp cho hiện tượng này trở nên khả thi, tuy nhiên nếu xem xét ở góc độ khác, hình ảnh cũng phản ánh rất rõ tham vọng của con người thời kỹ thuật số. Trong quyển “Trend Korea” (tạm dịch “Trào lưu Hàn Quốc”), giáo sư Kim Ran-do đến từ Khoa Nghiên cứu người tiêu dùng của Đại học Quốc gia Seoul đã chỉ ra rằng:
“Nghiện bằng chứng” và “Khoe cuộc sống thường ngày” là một trong những trào lưu ở Hàn Quốc trong năm 2015. Ở thời đại này, mọi người sẽ ngờ vực nếu như không thấy được bằng chứng, và chỉ khi tận mắt nhìn thấy thì mới chấp nhận. Giáo sư Kim phân tích rằng trong thế giới SNS, nơi mà nhiều người lấy “retweet” (trả lời) hay lượt “like” (thích) làm căn cứ tồn tại của bản thân mình, thì việc khoe bản thân đã trở thành chuyện thường nhật, ngược lại thì cuộc sống thường nhật cũng là chuyện để khoe.
Chúng ta đang sống trong thời đại “chứng tỏ bản thân”, và yếu tố đóng vai trò quan trọng đó là ảnh bằng chứng. Nhưng chúng ta không thấy lạ sao? Đã là bằng chứng thì phải rõ ràng minh bạch và hoàn toàn đúng với sự thật. Những gì sai sự thật thì không thể xem là bằng chứng được. Trong khi đó, ảnh bằng chứng vừa thật lại vừa không thật. Ví dụ như trường hợp chụp ảnh tự sướng, người chụp không chỉ để nguyên như hình ảnh thực tế mà thường chỉnh sửa sao cho hình ảnh thêm lung linh và lý tưởng hơn nên rất “xa rời thực tế”. Rất nhiều ứng dụng trên điện thoại thông minh giúp cho gương mặt trở nên đẹp và hấp dẫn hơn. Cụ thể là các nếp nhăn biến mất, sắc mặt mềm mại, mí mắt rõ ràng hơn. Dùng bức ảnh đã xóa đi một phần thực tế và được chỉnh sửa đẹp hơn để làm minh chứng cho bản thân thì quả là ngược đời.
Con người đã dùng hình ảnh để chứng minh bản thân trong suốt một thời gian dài. Nhưng ngày nay, nếu chỉ nhìn ảnh trong giấy phép lái xe hay sơ yếu lý lịch thì không khó có thể nhận ra được người trong ảnh và thực tế, vì không ai dùng ảnh thật cả. Con người dùng ảnh tự sướng hay ảnh bằng chứng đẹp để làm minh chứng, những bức ảnh này xét cho cùng không phải là bằng chứng cho sự thật nào cả mà chỉ làm rõ tham vọng muốn chứng tỏ bản thân của con người. Đưa ra một bức ảnh, con người không phải muốn nói “Tôi như thế này” mà “Tôi ước được trở nên thế này”. Hành vi cầm điện thoại thông minh lên và chụp ảnh bằng chứng được xem như nỗ lực không ngừng để chứng tỏ bản thân với người khác. Hiện nay đang là thời đại của mâu thuẫn, người chụp ảnh dù không tin và không có ý định giao tiếp với người khác nhưng đồng thời lại muốn được nhiều người công nhận bản thân mình. Vậy nên, sẽ không sai khi nhận xét rằng hình ảnh thời kỹ thuật số bộc lộ rất rõ hai mặt khác nhau của con người hiện đại.
Choi Hyun-juCộng tác viên tự do, Nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh
DịchNguyễn Xuân Thùy Linh