메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

Features > 상세화면

2016 WINTER

CHUYÊN ĐỀ

Điện ảnh Hàn Quốc thế kỷ 21: Năng Động Và Ước MơCHUYÊN ĐỀ 2

THỜI ĐẠI CỦA NHỮNG ĐẠO DIỄN QUYỀN LỰC

Không hiếm các đạo diễn có cả chì lẫn chài, tạo nên “kì tích” khi tác phẩm gặt hái thành công lớn tại phòng vé, còn bản thân thì được nhìn nhận là có dấu ấn “chủ nghĩa tác giả” (Auteurism). Các liên hoan phim quốc tế có uy tín đôi khi trở thành bàn đạp cho các đạo diễn có chủ nghĩa tác giả đạt được lợi nhuận phòng vé ở thị trường nội địa. Điện ảnh Hàn Quốc bây giờ là thời của những đạo diễn quyền lực.

Những đạo diễn kì cựu với 20 năm trong nghề, Hong Sangsoo(đối diện) và Kim Ki-duk có sự đào sâu ở những thướcphim lặp đi lặp lại trong tác phẩm của họ.

Đạo diễn điện ảnh Hàn Quốc là người quyền lực hơn bất cứ ai tại phim trường. Đương nhiên điều này không đúng cho tất cả các đạo diễn. Nhưng theo xu hướng phổ biến hiện tại, mặc dù ở các doanh nghiệp lớn, công ty quản lý được hệ thống hóa theo chiều dọc từ khâu đầu tư, phân phối đến trình chiếu đi chăng nữa thì quyền lực của các đạo diễn vẫn là rất lớn. Những đạo diễn cho các bộ phim thu hút được trên 10 triệu khán giả thường trực tiếp thành lập hãng phim để làm phim. Không ít trường hợp các đạo diễn giao vai trò giám đốc công ty sản xuất phim cho vợ, còn bản thân tự viết kịch bản, sau đó phát huy sức mạnh của mình trong việc chỉ đạo diễn xuất, biên tập đến các công đoạn sản xuất về sau. Nói cách khác, đạo diễn kiểm soát mọi giai đoạn của toàn bộ quá trình làm phim. Cũng không quá lời khi nói rằng “chủ nghĩa tác giả” (Auteurism) gần như diễn tả cho đại bộ phận các đạo diễn Hàn Quốc hiện đang hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh nước này. Do đó trong số những người muốn theo nghiệp điện ảnh, tuyệt đại đa số có nguyện vọng trở thành đạo diễn.

Với ý nghĩa đó, cũng không quá lời khi nói rằng “chủ nghĩa tác giả” (Auteurism) gần như diễn tả cho đại bộ phận các đạo diễn Hàn Quốc hiện đang hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh nước này. Ở đây chúng ta thử vẽ lên bức tranh khái quát về lĩnh vực điện ảnh Hàn Quốc qua một vài cặp đạo diễn tên tuổi.

Nhưng theo xu hướng phổ biến hiện tại,mặc dù ở các doanh nghiệp lớn, công tyquản lý được hệ thống hóa theo chiềudọc từ khâu đầu tư, phân phối đến trìnhchiếu đi chăng nữa thì quyền lực của cácđạo diễn vẫn là rất lớn… Nói cách khác,đạo diễn kiểm soát mọi giai đoạn củatoàn bộ quá trình làm phim.

Kim Ki-duk và Hong Sang-soo

Kim Ki-duk và Hong Sang-soo đều sinh năm 1960, và lần đầu ra mắt công chúng vào năm 1996. Tác phẩm ra mắt của Kim Ki-duk là “Cá sấu” (Crocodile), và tác phẩm đầu tay “Ngày con heo rớt xuống giếng” (The day a pig fell into a well) của Hong Sang-soo đều trở thành đề tài thu hút sự chú ý của người xem. Sau đó, hầu như năm nào hai đạo diễn cũng cho ra đời các tác phẩm điện ảnh và mang tác phẩm của mình ra nước ngoài. Các tác phẩm của họ đã nhận được nhiều đánh giá tích cực tại các liên hoan phim quốc tế. Quan trọng hơn cả là hai đạo diễn đều được đánh giá là những tác giả có thế giới quan điện ảnh rõ ràng. Một điểm chung của hai đạo diễn này là các tác phẩm của họ tuy chưa đạt thành công lớn ở phòng vé thị trường trong nước, nhưng với ủng hộ từ thị trường nước ngoài mang lại, vị thế cũng như danh tiếng của họ không dễ bị phai mờ.

Chủ đề xuyên suốt trong các tác phẩm điện ảnh của Kim Ki-duk là “chủ nghĩa tư bản bệnh hoạn”. Các tác phẩm của ông chủ yếu diễn tả một cách trần trụi đời sống của con người thuộc tầng lớp thấp mà cuộc sống không khác gì động vật trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản đang dần lụi tàn. “Sự cứu rỗi” (Pieta, 2012) có thể coi là bộ phim đúc kết được thành quả lao động trước đó của Kim, đồng thời đạt đến một bước tiến mới. Lấy bối cảnh khu thương mại Sewoon ở Cheonggyecheon thuộc Seoul một thời là biểu tượng của quá trình công nghiệp hóa, nhưng hiện nay đang đứng trước nguy cơ bị tháo dỡ, máy quay lột tả cảnh những kẻ chuyên cho vay nặng lãi độc ác dùng các thủ đoạn tàn bạo để đòi tiền từ con nợ. Câu chuyện xoay quanh nhân vật người đàn ông là con đẻ của chủ nghĩa tư bản, một tên ác quỷ, một quái vật thực thụ chuyên đe dọa, hành hung, trấn lột người khác. Nhưng Kim Ki-duk đã làm cho nhân vật biết hối hận và nhìn lại cuộc sống của mình, thậm chí ở đoạn kết bộ phim tác giả còn khoác lên cho nhân vật hình ảnh hy sinh của Chúa Giê-su. Ở dưới đáy của chủ nghĩa tư bản, hơn nữa thông qua sự hy sinh và cái chết của một người đàn ông hoang dã, tác giả thể hiện được dụng ý nghệ thuật về sự từ bi và cứu rỗi.

Im Kwon-taek (đối diện), bậc thầy của thể loại phimchủ nghĩa hiện thực dân tộc, và Lee Chang-dongngười kế nhiệm của thể loại này.

Hong Sang-soo triệt để trung thành với phong cách của mình, liên tục tạo ra những thước phim tương tự nhau. Phong cách đó có thể xem là chủ nghĩa tác giả hoàn hảo hay phong cách cầu kì rất riêng. Trong phim của ông, tình yêu giữa nam và nữ được thể hiện không có sự lung linh hay lãng mạn. Trong mối quan hệ hết sức trần tục, bắt đầu từ bàn tiệc rồi kết thúc tại khách sạn thì trên tình yêu là sự khao khát và thỏa mãn. Bằng nhiều gương mặt khác nhau, Hong Sang-soo thể hiện sự ham muốn thông qua những trải nghiệm mang phong cách riêng. Hãy thử tìm hiểu tác phẩm đạt giải vàng Leopard “Bây giờ đúng, khi đó sai” (Right Now, Wrong Then) tại Liên hoan Phim quốc tế Locarno (Locarno International Film Festival) năm 2015. Diễn tiến quá trình nhân vật chính, một đạo diễn phim điện ảnh đến Suwon tình cờ gặp gỡ một cô gái, rồi họ cùng nhau ăn uống được sắp đặt thành hai câu chuyện song song ở phần một và phần hai. Kết cấu và nhịp điệu phim tinh tế này gợi cho khán giả suy gẫm về cuộc sống và nghệ thuật.

Park Chan-wook và Bong Joon-ho

Park Chan-wook và Bong Joon-ho là những tác giả mang trường phái phim Hollywood về Hàn Quốc, đồng thời biến đổi chúng cho phù hợp với bối cảnh của Hàn Quốc để thể hiện điều mình muốn diễn đạt một cách khôn khéo. Do đó hai đạo diễn này được công chúng biết đến rộng rãi hơn so với đạo diễn Kim Ki-duk và Hong Sang-soo. Nếu Park Chan-wook thường nói đến cảm giác tội lỗi và sự báo thù ở thể loại phim kinh dị và phim huyền bí, Bong Joon-ho lại đưa vào phim những mâu thuẫn về cấu trúc xã hội Hàn Quốc một cách sắc bén qua những điều theo đuổi trong nội dung câu chuyện. Hình thức bề ngoài có vẻ tuân theo quy ước về thể loại phim, nhưng chỉ cần đi sâu vào nội dung một chút người xem sẽ thấy một câu chuyện mang tính sáng tạo độc đáo được mở ra. Đó chính là nét chung có thể tìm thấy ở những bộ phim của hai đạo diễn này.

Park Chan-wook được nhìn nhận là có tính logic và lý trí hơn bất cứ đạo diễn nào của Hàn Quốc. Và một điều rất thú vị là ông có sự kỳ vọng mãnh liệt và đặt tình cảm vào thể loại phim hạng B (phim có kinh phí đầu tư thấp). Quan điểm của ông về phim hạng B không phải là những bộ phim kém hoàn hảo, nhưng phim hạng B thể hiện khả năng tưởng tượng đột phá mà ở phim hạng A không có được. Đây là thể loại phim mà sự thiếu thốn về thời gian và chi phí có thể bù đắp bởi năng lực sáng tạo nghệ thuật của tác giả. “Oldboy” (2003) có thể coi là tác phẩm tiêu biểu của Park khi gói trọn thế giới quan điện ảnh của tác giả. Cảm giác có lỗi khi không bảo vệ được người chị, sự dằn vặt khi không bảo vệ được vợ và con gái dẫn đến hành động báo thù của nhân vật. Việc trả thù của nhân vật chính cuối cùng không những thất bại mà thậm chí còn tạo ra một cuộc báo oán khác, trong câu chuyện đó thì yếu tố loạn luân cũng được tác giả lồng ghép vào một cách tinh tế.

Bong Joon-ho rất giỏi pha trộn những yếu tố hài hước kì lạ trong phim. Ông thường dựng nên cốt truyện mà nhân vật đang thiếu thốn điều gì đó phải đối mặt với tình huống gần như không thể chịu đựng nổi. Những câu chuyện như vậy gây hứng thú là do quá trình triển khai dẫn dắt câu chuyện, phô bày được khía cạnh chân thật không tô vẽ của xã hội Hàn Quốc. Trong “Hồi ức kẻ sát nhân” (Memories of Murder, 2003), bằng nhiều tình tiết kì bí, Bong Joon-ho lột tả hệ thống an ninh xã hội yếu kém vào những năm 1980 khi không thể bắt nổi tên sát nhân sát hại hàng loạt phụ nữ.

Im Kwon-taek và Lee Chang-dong

Im Kwon-taek và Lee Chang-dong là những đạo diễn làm ra những bộ phim có trọng lượng hơn bất cứ ai.

Kể từ lần đầu ra mắt khán giả vào đầu thập niên 1960 đến nay, Im Kwon-taek vẫn đang tiếp tục hoạt động và đã cho ra đời trên 100 bộ phim. “Sopyonje” được trình chiếu vào năm 1993, lật đổ các kỉ lục phòng vé của các bộ phim trước đó của ông, là tác phẩm thể hiện chủ đề âm nhạc truyền thống pansori theo thể loại phim điện ảnh phương Tây nên nhận được sự quan tâm chú ý.

Park Chan-wook (đối diện) và Bong Joon-ho mangtrường phái phim Hollywood về Hàn Quốc, đồng thờibiến đổi chúng cho phù hợp với bối cảnh của HànQuốc để thể hiện điều mình muốn diễn đạt một cáchkhôn khéo.

Lee Chang-dong là một đạo diễn có tiểu sử đặc biệt khi chuyển từ nghề viết văn sang làm đạo diễn điện ảnh. Đúng với phong cách là một tiểu thuyết gia theo chủ nghĩa hiện thực, Lee Chang-dong đi vào mô tả những bất hạnh của lịch sử xã hội đương đại hay lột tả dáng vẻ mệt mỏi của con người trong cuộc sống hiện tại. Trong khi phim của Bong Joon-ho tiếp cận những mâu thuẫn xã hội một cách trực tiếp thì đạo diễn Lee Chang-dong thể hiện chúng bằng cách lùi lại một bước lặng lẽ quan sát suy ngẫm hiện tượng. Tác phẩm tiêu biểu của Lee Chang-dong là “Thơ” (Poetry, 2010). Phim mở màn bằng cảnh những đứa trẻ đang chơi đùa bên bờ sông thì thi thể của một nữ sinh trung học lập lờ trôi đến. Tại sao người thiếu nữ lại chết? Bộ phim là quá trình đi giải quyết và làm sáng tỏ nguyên nhân tử vong của cô gái. Quá trình đó tác giả đã kết hợp với hình thức văn học là thơ khi liên kết sự tử vong của cô gái với cái chết của người bà, nâng tác phẩm lên tầm nghệ thuật cao hơn.

Na Hong-jin và Yeon Sang-ho

Cuối cùng, những đạo diễn đi đầu cho làn sóng mới Hàn Quốc và phim độc lập (Independent films - loại phim được sản xuất không gắn với xưởng phim hoặc hãng phim lớn nào) cho thấy hướng đi tương lai của điện ảnh Hàn Quốc là Na Hong-jin và Yeon Sang-ho. Vừa xây dựng một cách kiên cố thế giới điện ảnh của bản thân, vừa nhận được sự yêu mến từ đông đảo người xem, Na Hong-jin tạo ra những bộ phim mang tính tàn bạo. Đạo diễn cho thấy quá trình một người trở nên tàn ác máu lạnh như thế nào khi lâm vào hoàn cảnh tột cùng. Nội dung phim tràn ngập cảnh bạo lực và giết chóc. Trong “Tiếng than” (The Wailing, 2016), ông đã đẩy những yếu tố đó lên đến đỉnh điểm.

Tại một làng quê hẻo lánh xảy ra một loạt cái chết bí ẩn, sự xuất hiện của nhân vật không rõ nguồn gốc thân phận cùng với những tin đồn tràn lan, kết cấu song hành giữa các yếu tố ma quỷ huyền bí không lối thoát và Shaman giáo... nhan nhản những biểu tượng và điềm báo được sắp đặt, đạo diễn Na Hong-jin đã đem đến cho người xem những cuộc cân não thú vị rợn tóc gáy.

Yeon Sang-ho trở thành đạo diễn đạt kỉ lục phòng vé, thu hút được 10 triệu khán giả đến xem bộ phim “Chuyến tàu đến Busan” (còn có tựa đề tiếng Việt là Chuyến Tàu Sinh Tử) (2016). Tuy nhiên ở lĩnh vực phim hoạt hình ông vẫn chưa đạt được thành công lớn. Ngay sau tác phẩm “Chuyến tàu đến Busan”, đạo diễn đã quay lại với thể loại phim hoạt hình bằng bộ phim “Ga Seoul” (Seoul Station). Qua những vấn đề phản ánh trong phim hoạt hình, đối tượng mà Yeon Sang-ho muốn hướng đến vốn dĩ không phải trẻ em mà chính là người lớn. Trong phim, lấy bối cảnh là trường học, quân đội, các tổ chức tôn giáo,… ông miêu tả những quái vật mà chính xã hội Hàn Quốc đã tạo ra. Cho đến khi ông tạo ra một đại dịch zombie (thây ma) trong “Chuyến tàu đến Busan”, bộ phim đã thu được thành công vang dội đồng thời gây ra những cuộc tranh luận sôi nổi.

Điều thú vị là tác phẩm gây chú ý gần đây của cả hai đạo diễn trên đều là phim về zombie. Việc hai ông gặt hái thành công lớn với thể loại phim zombie từ trước đến nay hầu như chưa được khai thác ở Hàn Quốc liệu nói lên điều gì? Với xu hướng của làn sóng mới, và ở những bộ phim sáng tạo độc đáo hướng đến sự cảm thụ không phổ biến trong thể loại phim độc lập, chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều phim về đề tài zombie. Hình ảnh zombie biểu tượng cho sự hồi sinh dù chết đi sống lại nhiều lần, và zombie luôn truy đuổi mục tiêu đến cùng trở thành đề tài gây sốt phòng vé đương đại. Liệu điều đó nói lên dấu hiệu gì về thời đại chúng ta hiện nay?

Kang Seung-ryulNhà bình luận phim, Giáo sư trường đại học Kwangwoon
Ảnh Cine21
Dịch Mai Kim Chi

전체메뉴

전체메뉴 닫기