메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

Focus > 상세화면

2019 SUMMER

Đấu vật Ssireum Di sản văn hóa phi vật thể thế giới của chung hai miền Nam-Bắc Hàn

Ssireum là môn đấu vật dân gian tồn tại lâu đời trên bán đảo Hàn. Vào năm 2018, lần đầu tiên trong lịch sử đã được hai chính phủ Nam Hàn và Bắc Hàn cùng đệ trình hồ sơ đăng ký Di sản Văn hóa phi vật thể Thế giới lên tổ chức UNESCO. Động thái này mở ra triển vọng cải thiện mối quan hệ liên Triều.

Một cảnh đấu vật được vẽ trên bích họa trong Cổ Mộ Gakjeojong, được xác định niên đại vào đầu thế kỷ thứ 5, thuộc vương triều Goruyeo. Bích họa này được xem là sử liệu lâu đời nhất về ssireum. Vị trí và tư thế của các đô vật được vẽ trong tranh giống với tư thế và vị trí của các đô vật đô vật ngày nay.Courtesy of Park Hong-soon

Đấu vật ssireum là môn thể thao trong đó hai võ sĩ nắm satba, dây đai vải quấn quanh phần eo và đùi của đối thủ, để đọ sức với nhau. Các võ sĩ vận dụng cơ bắp và kỹ thuật toàn thân như tay, chân, thắt lưng để thi đấu. Người chiến thắng là người đầu tiên làm cho đối thủ chạm xuống sàn cát ở bất kỳ bộ phận thân thể nào từ đầu gối trở lên. Môn đấu vật này đòi hỏi sức mạnh của cơ bắp, thao tác nhanh nhẹn, sức bền và cần phải có nhiều kỹ thuật tay, chân và thắt lưng cũng như tinh thần chiến đấu kiên cường.

Đối với người Hàn Quốc, ssireum có ý nghĩa quan trọng hơn là một môn thể thao truyền thống đơn thuần. Vì đây là một trò chơi dân gian tiêu biểu được tổ chức trong những dịp lễ tết quan trọng, có mọi người trong làng đến tham dự và xem thi đấu. Tức, đây là một trò chơi mang lại sự hào hứng cho mọi người trong các dịp lễ tết. Vì vậy, khi trong làng loa tin sẽ tổ chức thi đấu ssireum, đó là tín hiệu thông báo lễ hội chính thức bắt đầu.

Bắt đầu của lễ hội

Xét trên nhiều phương diện, ssireum không chỉ là kỹ năng và sở thích của cá nhân mà hơn thế nữa, còn mang ý nghĩa xã hội và cộng đồng. Do vậy, trong nửa đầu thế kỷ 20, dù bị mất nước và trải qua thời kỳ thống khổ nhưng dân tộc Hàn vẫn duy trì sức sống bền bỉ. Lúc đó, đã có nhiều cuộc thi đấu vật với quy mô toàn quốc kéo dài trong cả tháng được tổ chức. Ssireum đã góp phần giữ gìn đặc tính riêng và bản sắc của văn hóa dân tộc Hàn cho đến khi nó bị chấm dứt bởi sự đàn áp của chính quyền thực dân Nhật Bản vào cuối thời kỳ thuộc địa.

Sau giải phóng, tuy bán đảo Hàn bị chia cắt thành Hàn Quốc và Triều Tiên nhưng hai bên vẫn tích cực kết nối với nhau trong các vấn đề về di sản truyền thống quan trọng. Ở Hàn Quốc từ trước khi chính phủ được thành lập, ssireum được chọn làm môn thể thao chính thức trong Đại hội Thể thao toàn quốc, và cho đến tận ngày nay nhiều cuộc thi ssireum vẫn được tổ chức ở các địa phương và toàn quốc. Tuy ssireum không còn phổ biến như ngày xưa, nhưng vẫn còn nhiều võ sĩ ssireum đang hoạt động trong các phòng ban phụ trách ssireum của trường học các cấp, trong các đội Ssireum đại diện của doanh nghiệp và địa phương. Trong khi đó ở Triều Tiên Đại hội Ssireum toàn quốc cũng được tổ chức hàng năm vào dịp tết Trung Thu. Các cuộc thi đấu vật cấp làng vào dịp tết Đoan Ngọ, cuộc thi đấu vật thiếu niên trong ngày Quốc tế Thiếu nhi vẫn đang được tổ chức như những sự kiện chính của quốc gia.

Sử liệu lâu đời nhất về ssireum được tìm thấy qua những hình ảnh trên các bích họa trong cổ mộ Gakjeojong thời Goguryeo (37 trước Công nguyên– 668 sau Công nguyên). Vị trí ngôi mộ cổ này xưa kia thuộc lãnh thổ của Goguryeo, nay thuộc huyện Jian, tỉnh Jilin, Trung Quốc. Trên bích họa trong ngôi mộ cổ này có hình ảnh của các võ sĩ đấu vật ssireum đang nắm đai vải satba của đối thủ, vai đọ vai, phần thắt lưng hơi uốn cong. Tư thế này không khác gì với phương thức thi đấu vật hiện tại. Phương thức thi đấu thời cổ đại vẫn được duy trì gần như nguyên mẫu cho đến ngày nay. Tuy nhiên, không ai biết được chính xác môn đấu vật ssireum có từ khi nào. Nhìn vào hình vẽ đấu vật được miêu tả chiếm tỉ trọng lớn trên bích họa đầu thế kỷ thứ năm ta có thể đoán rằng môn đấu vật này đã được yêu thích từ trước đó rất lâu.

Đặc biệt, bức họa này cho thấy trong xã hội cổ đại trên bán đảo Hàn, ssireum có ý nghĩa quan trọng hơn là một trò chơi hay môn thể thao đơn thuần. Cây được vẽ ở góc trái bích họa là “cây linh thiêng”, được sùng bái trong xã hội cổ đại ở cả phương Đông và phường Tây. Cây này chính là cội nguồn của sự sống, là con đường kết nối đất và trời. Con chim đậu trên cây này là biểu tượng kết nối thế giới này và thế giới bên kia. Hình vẽ miêu tả cảnh đấu vật diễn ra bên cạnh cái cây như vậy đã cho thấy ssireum không chỉ là một môn thể thao mà hơn thế nữa, là một nghi thức xã hội. Ngoài ra, trên bích họa, còn có gấu và hổ đang đứng tựa gốc cây. Đây là hai con vật biểu tượng cho dân tộc Hàn xuất hiện trong truyền thuyết kiến quốc đầu tiên của bán đảo Hàn. Điều này cho thấy ssireum đã được kết nối với bản sắc của dân tộc Hàn Quốc. Ssireum không chỉ xuất hiện trên bích họa cổ mộ Gakjeojong mà còn có ở nhiều nơi khác trong cổ mộ, chứng tỏ đấu vật được yêu thích trong giới thượng lưu như hoàng tộc và quý tộc… Nói như vậy không có nghĩa ssireum là loại hình văn hóa thuộc đặc quyền thụ hưởng của một tầng lớp nhất định nào. Nếu nhìn vào hình dáng của các võ sĩ đấu vật trên bức họa, đặc biệt ta không thấy trang phục hay kiểu tóc của giới quý tộc. Căn cứ vào đặc điểm này, ta có thể suy đoán rằng ssireum cũng đã được yêu thích rộng rãi trong giới bình dân.

Trong tài liệu lịch sử cổ đại tiêu biểu “Tam Quốc Sử Ký” (năm 1145) có ghi chép về việc Kim Chun-chu – hoàng tộc Silla, nước tranh giành bá quyền với Goguryo trên bán đảo Hàn, và Kim Yu-sin – quý tộc Silla, đang đấu vật với nhau thì bị tuột dây buộc áo. Trong “Goryeo Sử” (năm 1451) cũng có đoạn ghi chép rằng vào nửa đầu thế kỷ 14, nhiều người từ vua đến các quan lại, võ sĩ… đã rất thích đấu vật. Cũng cần lưu ý rằng đây là thời kỳ bán đảo Hàn đang thuộc chế độ cai trị của Đế quốc Mông Cổ. Điều này cho thấy ý đồ củng cố bản sắc và tình đoàn kết nội bộ thông qua các trò chơi truyền thống của riêng dân tộc Hàn.

Nếu có thể đạt được một thỏa thuận về việc tổ chức thi đấu định kỳ cho nhân dân hai miền Nam–Bắc Hàn tham gia, đó sẽ là một bước tiến quan trọng trong tiến trình hòa bình và hòa giải trên bán đảo Hàn.

Gắn kết cộng đồng

Bức “Ssireum” trong loạt tranh phong tục của Danwon Kim Hong-do (1745–1806), thế kỷ 18. Mực và màu sáng trên giấy 26,9 × 22,2 cm.
Bức tranh phong tục nổi tiếng của họa sĩ cung đình Kim Hongdo, thời hậu kỳ Joseon, vẽ cảnh quý tộc, thường dân và trẻ em đang say mê xem đấu vật. Bức tranh có bố cục tròn, cân bằng thể hiện sinh động gương mặt và sự chuyển động của các nhân vật. © National Museum of Korea

Bức tranh “Ssireum” thuộc thể loại tranh phong tục của họa sỹ Kim Hong-do thời Joseon thế kỷ 18 đã thể hiện rõ chức năng xã hội của ssireum, kết nối các thành viên xã hội thành một khối không phân biệt địa vị và tuổi tác. Trong số các bức tranh cổ miêu tả đấu vật ssireum, bức tranh này được nhiều người Hàn Quốc yêu thích nhất, miêu tả sống động khoảnh khắc quyết định thắng bại của trận đấu. Trong tranh, võ sĩ ở phía sau đang cố gắng vận dụng kỹ thuật tay, nắm lấy chân để vật ngã đối thủ. Mặt khác, võ sĩ ở phía trước đang ở tư thế nâng cơ thể của đối thủ lên, sử dụng lực của thắt lưng để hạ đối thủ xuống sàn cát. Khán giả ngồi xung quanh đang rất hào hứng xem đấu vật. Trong xã hội phân biệt đẳng cấp nghiêm ngặt, cảnh quan lại và bình dân, già và trẻ ngồi lẫn lộn, phấn khích xem đấu vật quả thật là một chuyện lạ.

Tại cuộc họp của Ủy ban liên chính phủ về Công ước Bảo vệ Di sản phi vật thể lần thứ 13 được tổ chức tại Port Louis, Mauritius vào ngày 26 tháng 11 năm 2018, hai mươi bốn thành viên đã nhất trí cho Hàn Quốc và Triều Tiên cùng đăng ký môn Ssireum trong danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể Thế giới. Tên gọi chính thức là “Ssireum, Đấu vật truyền thống của Korea” (Korean traditional Wrestling, Ssireum). Nhờ vậy, Hàn Quốc đã trở thành nước sở hữu 20 di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, và Triều Tiên đã trở thành nước sở hữu 3 di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, do UNESCO bình chọn.

Trong quá trình đăng ký, UNESCO đã công nhận ý nghĩa xã hội của ssireum, như đã đề cập ở trên, và việc bảo tồn nguyên vẹn và phát huy ssireum trong suốt 1.600 năm ở cả hai miền Nam–Bắc Hàn. Ủy ban Di sản Phi vật thể UNESCO đã đánh giá: “Ssireum của Nam–Bắc Hàn có điểm tương đồng trong cách thức thực hành, chuyển giao, kế thừa và trong ý nghĩa xã hội–văn hóa cộng đồng”. Các khu vực khác nhau đã phát triển các biến thể của ssireum dựa trên nền tảng cụ thể, nhưng tất cả đều có chung chức năng xã hội của ssireum – đó là góp phần tăng cường đoàn kết và hợp tác trong cộng đồng.

Bước đi mang tính biểu tượng

Jo Myong-jin ăn mừng chiến thắng của anh ấy trong Giải đấu Ssirum quốc gia Grand Bull lần thứ 12 được tổ chức vào tháng 9 năm 2015 ở Vòng đấu vật Korea tại Rungrado, Bình Nhưỡng. Con bò là giải thưởng truyền thống của giải đấu Ssireum.© Yonhap News Agency

Vì Nam–Bắc Hàn có hai chế độ xã hội khác nhau, đối đầu trên lĩnh vực chính trị và quân sự trong suốt hơn 70 năm nên các yếu tố khác biệt trong chế độ xã hội và phương thức vận hành xã hội đã bám rễ sâu trên bán đảo Hàn. Trong hoàn cảnh như vậy, việc đăng ký ssireum mang một ý nghĩa đặc biệt. Vì việc đăng ký này có thể tạo nên một thời cơ thực sự cho mọi thành viên của dân tộc Hàn vượt qua những tình cảm gắn kết dân tộc mơ hồ, tiến tới việc cảm nhận được tính tương đồng và tham gia vào quá trình hòa giải dân tộc bằng việc làm cụ thể. Đương nhiên, trong quá khứ đã từng có việc Nam–Bắc Hàn cùng nhau thành lập một đội duy nhất để tham gia các đại hội thể thao quốc tế trong các môn bóng bàn, bóng đá thanh thiếu niên, khúc côn cầu trên băng… Tuy nhiên những nỗ lực này chỉ là những sự kiện nhất thời, được xem xét trong từng trường hợp đại hội cụ thể, mang đậm tính chất của một sự kiện diễn ra một lần duy nhất, và rõ ràng có mặt hạn chế là ngoài kết quả thắng thua, thiếu sự chia sẻ tình cảm giữa các bên.

Hiện đang có các cuộc thảo luận giữa hai chính quyền và các tổ chức thể thao trên bán đảo Hàn về việc đồng tổ chức Đại hội đấu vật Ssireum trong tương lai. Nếu có thể đạt được thỏa thuận trong việc tổ chức thi đấu định kỳ cho nhân dân hai miền Nam–Bắc Hàn cùng tham gia, đó sẽ là một bước tiến quan trọng trong tiến trình hòa bình và hòa giải trên bán đảo Hàn. Hy vọng rằng trong tương lai gần, các cuộc thi đấu vật vòng loại sẽ được tổ chức ở các địa phương của hai nước để mọi người dân đều có thể tham gia, sau đó tổ chức Đại hội Ssireum toàn quốc tranh giải chung kết, quy tụ những người chiến thắng của các vòng loại địa phương. Chúng tôi hy vọng hai miền Nam–Bắc sẽ cùng nỗ lực trong việc đưa đấu vật ssireum trở thành một trò chơi và môn thể thao được thế giới yêu thích.

Hai đô vật cố gắng vật nhau xuống đất tại Lễ hội Ssireum Hàn Quốc mở rộng được tổ chức tại Nhà thi đấu Andong vào ngày 26 tháng 11 năm 2018. Vào ngày đó, UNESCO đã phê duyệt hồ sơ chưa từng có của Nam và Bắc Triều Tiên đồng đăng ký môn đấu vật truyền thống của Hàn Quốc lên Danh Sách Đại Diện của Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. © Yonhap News Agency

Park Hong-soonPhóng viên tự do
Lưu Thụy Tố LanDịch

전체메뉴

전체메뉴 닫기