메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

On the Road

2016 SUMMER

ĐỜI SỐNG

TRÊN NHỮNG NẺO ĐƯỜNG Mokpo, Nơi cuộc sống là không gian cảm hứng

Mokpo là thành phố cảng mang trong mình nỗi đau của một căn cứ thuộc địa thời cận đại. Tình cảm người Hàn dành cho thành phố này khá đặc biệt. Ở độ cao 228 m so với mực nước biển, từ núi Yudal, ngọn núi được hình thành từ những khối đá có hình thù kỳ lạ như chỉ có trong tranh, biển và thành phố nằm thu trọn trong tầm mắt, rạo rực cùng cảm xúc về chuỗi ngày đã qua.

Chuyến tàu đêm vẫn băng băng, thẳng hướng Mokpo. Ngoài cửa sổ, từng ngôi làng lướt qua trong đêm tối. Ánh đèn loang loáng từ những mái nhà còn ướt mưa đêm nhìn hệt như những đóa hoa xanh. Không gian toát lên câu chuyện buồn thật đẹp nhưng cũng thật kỳ bí.

Trong chuyến tàu đêm
Tôi thực hiện chuyến du hành đầu tiên của mình khi lên sáu. Chính nhờ chuyến đi ngắn ngủi ấy, tôi đã hiểu ánh đèn lung linh của những ngôi làng kia có thể khiến người ta thấy thế giới ấm áp, tươi đẹp biết bao. Ánh đèn ấy về sau đã trở thành nguồn sức mạnh giúp tôi bắt đầu những chuỗi ngày nay đây mai đó của mình.
Khi tôi còn nhỏ, cha cũng thường bôn ba khắp nơi và chỉ về nhà mỗi mùa một lần. Từ trong đáy lòng, tôi không ghét những lần cha trở về, nhưng đó thật ra là vì những món quà cha thường mua cho tôi. Đôi khi là bộ bút sáp 18 màu, là quyển truyện cổ tích, hay một hộp kẹo. Mỗi lần cha về, giữa cha và mẹ diễn ra những cuộc cãi vã. Hôm ấy, cha mẹ cãi nhau kịch liệt và tôi đã ra khỏi nhà. Tôi đặt chân đến một ngôi làng khi mặt trời đã lặn, bóng đêm bao phủ. Trước mắt tôi là những đốm sáng lung linh.
Tôi chăm chú ngắm nhìn và cảm giác từ tận đáy lòng, một dòng nước âm ấm đang trào ra. Chợt tôi nghe có tiếng gọi. “Con từ đâu đến?”. Là giọng một người đàn ông trên chiếc xe đạp. Đêm hôm ấy, tôi ngủ lại nhà ông, trong một căn phòng có rất nhiều truyện trẻ em. Tôi không nhớ mình đã đọc bao nhiêu quyển. Sáng hôm sau thức dậy, tôi bắt đầu quan sát. Đó là một căn nhà xây theo kiểu truyền thống, trước sân có trồng hoa, xung quanh là hàng rào với những cành dâu. Người đàn ông đêm qua đang phun nước tưới hoa. Giữa những tia nước nhìn như những vắt mì tuôn dài trong mắt tôi khi ấy thấp thoáng các ánh cầu vồng.

Bài “Nước mắt Mokpo” Lee Nan-yeong thể hiện năm 1935 trong lần đầu ra mắt công chúng đã làm rung động những người Hàn đang hứng chịu nỗi đau thời thuộc địa Nhật. Với bài hát này, cô đã trở thành ngôi sao được người Hàn trên khắp đất nước yêu mến. Trong hình là bìa tuyển tập album “Các bài hát được yêu thích nhất của Lee Nan-yeong” năm 1971.

Nước mắt Mokpo
Mokpo là thành phố cảng với 240 nghìn dân nằm ở phía tây nam cuối bán đảo Hàn. Năm 1897, khi Mokpo mở cửa cảng cũng lúc là Nhật bắt đầu nhận ra giá trị của thành phố này bởi vị trí vô cùng lý tưởng để tiếp cận vùng Jeolla –“vựa lúa” lớn nhất của Hàn Quốc. Ngay sau khi Hàn Quốc bị cưỡng chế sát nhập vào Nhật năm 1910, Mokpo trở thành giao điểm đường bộ, đường sắt quan trọng của cả nước. Tuyến Quốc lộ Số 1 nối liền Nam-Bắc, từ Mokpo qua Seoul đến Sinuiju và Tuyến Quốc lộ Số 2 nối hai miền Đông-Tây, từ Mokpo đến Busan, cùng tuyến đường sắt đã trở thành những con đường chính yếu để Nhật vận chuyển hàng hóa từ Hàn Quốc về nước. Có thể nói, Mokpo chính là thành phố cảng lịch sử nằm giữa tâm điểm của sự bóc lột thuộc địa. Nhà thơ Kim Seon-wu đã tả về nỗi đau lịch sử này của Mokpo trong bài thơ của mình. Hàng chục mũi kim, giữa tim Vẫn như bù nhìn rơm, đứng câm điếc.
Một giọt máu đỏ, chưa từng nhỏ Cảng Mokpo, tất tả ngược xuôi
Thà cuồng nhiệt để khi người ra đi, quằn quại Hơn khoắc khoải, không thể yêu
Giữa lòng cảng liêu xiêu… một con thuyền cuối trở về
(Trích đoạn bài thơ “Cảng Mokpo”)

Lịch sử với nỗi đau “không thể yêu”cũng chính là vận mệnh của Mokpo thời thuộc địa. Nhiều bài hát ra đời, như người bạn đồng hành tất yếu của cuộc sống đầy bi kịch. Đó là những bài hát mang đậm chất Mokpo do ca sĩ Mokpo thể hiện. Bài “Nước mắt Mokpo” do Lee Nan-yeong (1916-1965), ca sĩ sinh ra tại Mokpo, thể hiện năm 1935 trong lần đầu cô ra mắt công chúng chính là một trường hợp như thế. Trái tim người Hàn như rung lên cùng lời ca về nỗi đau mất nước. Khi tiếng hát giọng giả thanh của cô gái 19 tuổi cất lên, thổn thức theo tiếng phong cầm, người ta như thấy vận mệnh buồn cùng điệu vũ lịch sử hiển hiện trước mắt. Trong ấy, vừa có cái “hận” vốn có của giai điệu pansori truyền thống, vừa có hơi thở của những câu chuyện không thể quên.

Văng vẳng tiếng hát đưa đò Đảo Samhak chìm trong sóng gió
Ngẩn ngơ… nỗi buồn Mokpo Giữa bến tàu, cô dâu trẻ…
Loang tà áo nước mắt biệt ly.
(“Nước mắt Mokpo” – đoạn 1)

Viện Bảo tàng Lịch sử Cận đại Mokpo được đặt ở nơi xưa kia vốn là Công ty Khai thác Thuộc địa Phương Đông, chi nhánh Mokpo. Đường phố quanh đây chính là các chứng nhân lịch sử của Mokpo – thành phố cảng một thời là căn cứ thuộc địa, nơi Hàn Quốc chịu sự bóc lột của Nhật.

“Thà yêu cuồng nhiệt để rồi chết” là một hiện thực không thể có với những kẻ mất nước. Một cái đích đến không dám mơ của cuộc đời. Với cô gái trẻ trên bến tàu, nỗi buồn biệt ly là vô tận. Lòng thầm nghĩ biết bao giờ được gặp lại, nước mắt cô thấm đẫm vạt áo. Giấc mơ về một thế giới mới càng xa vời.
Khi người Mokpo nói về Lee Nan-yeong, họ cũng thường nhớ đến ca sĩ của những bài nhạc Pháp Edith Piaf (1915-1963). Cả hai là những ca sĩ đồng đại, lần đầu ra mắt công chúng ở cùng một thời điểm. Không chỉ thế, họ còn gặp nhau ở những bài ca luôn là niềm an ủi, nguồn cảm hứng vô hạn cho cuộc sống người dân đất nước mình. Edith Piaf có “Hoa hồng và cuộc đời”, “Bài Thánh ca tình yêu”; Lee Nan-yeong có “Nước mắt Mokpo”, “Mokpo là hải cảng”. Chân núi Yudal, nơi nhìn xuống trung tâm Mokpo, cũng là nơi đặt tấm bia khắc lời bài hát của Lee.

Ngôi mộ của ca sĩ Lee Nan-yeong dưới tán cây bằng lăng hồng trong Công viên Lee Nan-yeong ở Samhakdo.

Đêm mùa hè trên quảng trường Hòa Bình
Mọi hải cảng đều nằm ở cuối thềm lục địa, và điều này có nghĩa, với ai đó đây sẽ là nơi gắn liền với một khởi điểm mới. Tại Mokpo – chính nơi từng là tâm điểm của sự bóc lột, của nỗi hận, lịch sử đã sang trang với giấc mơ mới.
Người Hàn Quốc, có lẽ không ai không biết Kim Dae-jung (1924-2009). Ông sinh ra trong một gia đình tiểu nông ở làng Hugwangri, nằm trên đảo Hauido cách bờ Mokpo không xa. Sáu năm giam cầm trong ngục, 10 năm sống lưu vong, 55 lần quản thúc tại gia; có thể nói ông là một trong những nhân vật chịu đàn áp chính trị nặng nề nhất thế giới thế kỷ qua. Năm 1980, khi bị chính quyền quân sự mới tuyên bố tử hình cùng lời đề nghị nếu hợp tác thì sống, ông đã nói “Tôi cũng sợ chết. Nhưng giây phút này nếu tôi thỏa hiệp để được sống, tôi sẽ mãi mãi là kẻ đã chết trong lịch sử, trong lòng dân. Còn nếu phải chết, dù chết tôi sẽ sống mãi trong lịch sử, trong lòng dân”. Lời tuyên bố hiên ngang của ông trước cái chết đã được ghi sâu trong lòng người dân Hàn Quốc cho đến tận hôm nay. Năm 1997, ông trở thành Tổng thống của Hàn Quốc và năm 2000, ông được nhận giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực trong sự hàn gắn mối quan hệ hai miền Nam-Bắc. Ở nơi xưa kia vốn là đảo Samhakdo, có Bảo tàng Kỷ niệm Giải Nobel Hòa bình Kim Dae-jung, ghi lại những năm tháng vất vả ông đã trải qua cùng những dấu ấn vinh quang của ông.
Đêm mùa hè trên Quảng trường Hòa Bình ở Hadang thật mát mẻ.

Từ những đứa bé lái ô tô đồ chơi, những cặp tình nhân bận bịu chụp ảnh, người bán kẹo bông với đủ màu vui mắt, người xếp hàng trước cửa hàng bán đồ ăn vặt, người bán hoa, người tản bộ, người ngồi trên bờ đê chắn sóng trò chuyện, cho đến những người câu cá, nghe pansori… Dường như tất cả người dân Mokpo đều đổ ra khu bờ biển này. Chợt những ánh đèn màu lóe sáng cùng tiếng nhạc vọng tới. Giữa biển hiện lên các tia nước khổng lồ đủ màu dập dìu nhảy múa theo nhạc. Những lúc chợt thấy cô đơn, hãy lên chuyến tàu đêm, xuống ga Mokpo và hòa mình trong dòng người đông đúc của quảng trường Hòa Bình, bạn sẽ thấy những âm thanh huyên náo quyện mồ hôi, hơi thở người qua lại bỗng như liều thuốc gột sạch nỗi cô đơn.
Vừa dạo bước trên Quảng trường Hòa Bình huyên náo giữa đêm, tôi vừa ngẫm nghĩ về năm tháng thời Lee Nan-yeong, Kim Dae-jung. Khoảnh khắc những người dân mất nước, lang thang không nơi nương tựa vẫn từng mơ ước đang diễn ra tại chính quảng trường bên bờ biển rộn tiếng pansori này. Nền hòa bình mà chính trị gia hiên ngang đến kiêu hãnh trước cái chết vẫn từng nung nấu đang ở trước mắt tôi. Tôi nghe phảng phất mùi hương của những người con đã vượt qua nỗi tuyệt vọng, khổ đau đến tột cùng, chiến đấu vì giấc mơ của mình. Những ánh sao lấp lánh trên bầu trời đêm hè Mokpo.

Những lúc chợt thấy cô đơn, hãy lên chuyến tàu đêm, xuống ga Mokpo và hòa mình trong dòng người đông đúc của quảng trường Hòa Bình, bạn sẽ thấy những âm thanh huyên náo quyện mồ hôi, hơi thở người qua lại bỗng như liều thuốc gột sạch nỗi cô đơn.

Chuyến tản bộ tìm về lịch sử trong khu văn hóa Gatbawi
Khách du lịch lần đầu đến Mokpo đều thích thú khi tản bộ du ngoạn quanh Khu phức hợp Văn hóa Nghệ thuật Gatbawi (Đá hình nón). Nơi đây tập trung nhiều viện bảo tàng, phòng triển lãm, nhà trưng bày kỷ niệm như: Viện Bảo tàng Thiên nhiên Mokpo, Viện Bảo tàng Sản phẩm Gốm Sinh hoạt, Phòng Triển lãm Di vật Biển nằm trong khuôn viên Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa biển Quốc gia, Bảo tàng Văn học Mokpo, Nhà trưng bày kỷ niệm Namnong, Nhà Văn hóa Nghệ thuật Mokpo, Trung tâm Học tập và Giáo dục các Di sản Văn hóa Phi vật thể trọng yếu. Bốn ngày để lòng thanh thản cùng pansori, tham quan Gatbawi, bạn sẽ có dịp cảm nhận lại chính mình trong dòng lịch sử của thành phố này

The Mokpo Harbor Festival has been held every summer since 2006 in Peace Plaza and the surrounding Samhakdo area.

Nhà Trưng bày Kỷ niệm Namnong là một phòng tranh nơi bạn có thể thưởng thức một cách có hệ thống các tác phẩm hội họa Nam tông Hàn Quốc được sáng tác khoảng thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 20. Namnong Heo Geon (1908-1987), cháu trai của chuyên gia bậc thầy trường phái Nam tông Sochi Heo Ryeon (1808- 1893), được xem là người kế thừa phong cách hội họa cha ông. Ông đã được Chusa Kim Jeong-hui đánh giá mang “khí chất nhất bờ đông sông Amnok”. Ở phòng tranh này, bạn có thể xem các tác phẩm của Heo Ryeon, của cha ông – Misan Heo Hyeong, hay các đệ tử của ông. Trong các tác phẩm được trưng bày ở đây, tôi thích nhất tác phẩm của Heo Rim (1917-1942) – em trai Namnong. Qua đời sớm ở tuổi 25, Heo Rim đã để lại hai tác phẩm “Ông lão bán gà” (1940) và “Đồi lúa mạch” (1941). Bằng đường nét mềm mại, tông ánh sáng ấm, ông đã miêu tả sông núi, cuộc sống thường nhật của người Hàn thời thực dân. Khí chất một tác phẩm vốn được quyết định bởi chiều sâu trong cách nhìn thế giới của người vẽ. Tôi tự nhủ chỉ hai bức tranh này đã đủ đem lại ý nghĩa cho chuyến đi. Có thể nói đây là đỉnh cao của hội họa Hàn Quốc thời kỳ quá độ trong sự gặp gỡ giữa kỹ thuật hội họa phương Tây cận đại và tinh thần văn nhân Joseon.
Nếu là người thích phiêu lưu và du lịch, bạn nhất định phải ghé qua Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa biển Quốc gia. Ở phòng trưng bày số 2 có chiếc thương thuyền đầu tiên của nhà Nguyên Trung Quốc bị đắm sau khi đụng phải đá ngầm ở vùng biển Sinan gần Mokpo năm 1323. Chiếc thuyền được trưng bày nguyên dạng như khi trục vớt cùng các hiện vật giúp ta phần nào hiểu được cuộc sống của những thuyền nhân thời đó. Ở phòng số 3 bên cạnh, bạn có thể điểm lại lịch sử phát triển của tàu thuyền thế giới cùng dấu tích của những nhà phiêu lưu thám hiểm thời đại khám phá thế kỷ 15. Thời hoàng đế Yong Le (Vĩnh Lạc, 1360- 1424) – vị hoàng đế thứ ba của nhà Minh Trung Quốc, có nhà hàng hải Zheng He (Trịnh Hòa, 1371-1433) viễn chinh khắp thế giới cùng đoàn tàu 62 chiếc. Trong các năm từ 1405 đến 1433, ông đã thực hiện bảy cuộc viễn chinh đến nhiều nước Châu Á, Trung Đông và Châu Phi. Mặc dù tuổi cao, ông vẫn miệt mài với các chuyến đi biển và cuối cùng qua đời trong một chuyến đi như thế. Có thể nói cái chết xứng danh một nhà hàng hải. Mỗi chúng ta, ai cũng có chiếc lưới mang tên cuộc đời. Và giấc mơ của nhà thám hiểm được tung chiếc lưới ấy giữa vùng biển rộng lớn, kỳ bí, nơi chưa từng ai đặt chân đến luôn là giấc mơ đáng trân trọng ở mọi thời đại.

Bốn văn nhân của Mokpo
Qua Viện Bảo tàng Sản phẩm Gốm Sinh hoạt, tôi dừng bước ở Bảo tàng Văn học Mokpo. Có thể nói Mokpo là nơi đã sản sinh nhiều văn nhân đáng tự hào của Hàn Quốc. Dấu tích về bốn văn nhân lớn được trưng bày nơi đây như níu chân khách tham quan. Họ là tiểu thuyết gia Park Hwa-seong (1904-1988), nhà soạn kịch Cha Beom-seok (1924-2006) và Kim U-jin (1897-1926), nhà nghiên cứu văn học Pháp kiêm bình luận văn học Kim Hyeon (1942-1990). Mãi đến giờ đóng cửa, tôi vẫn không thể dứt ra khỏi phòng trưng bày Kim Hyeon. Sinh thời, Kim Hyeon đã để lại hơn 240 tác phẩm sáng tác và bình luận. Ông không phải nhà thơ, cũng không phải nhà văn nhưng điều gì đã khiến người Hàn Quốc yêu mến những tác phẩm của ông đến thế. Ông là nhà bình luận văn học mang trong mình tình yêu sâu sắc với tác phẩm.

Các trưng bày về Kim Hyeon (1942-1990), nhà bình luận văn học yêu các tác phẩm, tại Bảo tàng

Với ông, văn chương không phải đối tượng để phân tích bình phẩm mà là đối tượng để yêu, yêu cuồng nhiệt. Ông đưa tác phẩm bình luận vào thế giới sách đồ sộ của mình, đào sâu để hiểu giấc mơ tác phẩm ấy đeo đuổi, và ở đó ông cũng tìm thấy những gì chân thật nhất của chính mình.
“Càng cách xa, ta sẽ càng gần mình hơn. Chính sự mâu thuẫn ấy đang nắm giữ bí mật tồn tại của con người” (“Nhật ký hành trình nghệ thuật Kim Hyeon”, 1975)
“ ‘Đọc sai’ có nghĩa người ta đọc đối tượng ấy theo một nguyên tắc khác. Đó trái lại là một cách đọc sẽ tạo ra nhiều điều mới mẻ.” (“Tìm về cố hương của loài người”, 1975)
“Khi người ta nói rằng thế giới tươi đẹp đang trở lại, điều ấy phải chăng có nghĩa thế giới ấy sẽ trở lại? Hay đó thật ra chỉ là một làn gió vô nghĩa? Trong lòng đầy hồ nghi, tôi phân tích, lý giải thế giới” (“Phân tích và lý giải”, 1988)
Được lang thang giữa nơi có hơi thở lịch sử chính là món quà đặc biệt của những chuyến đi. Thi thoảng, có những lúc cuộc đời trở thành niềm cảm hứng. Với tôi, Mokpo chính là một nơi như thế.

Mọi hải cảng đều nằm ở cuối thềm lục địa, và điều này có nghĩa với ai đó, đây sẽ là nơi gắn liền.

Gwak Jae-gu Nhà thơ
Ảnh Ahn Hong-beom
Dịch Phan Thị Hồng Hà

전체메뉴

전체메뉴 닫기