메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

Focus

2017 SUMMER

VĂN HÓA VÀ NGHỆ THUẬT

TIÊU ĐIỂM Diễn giải sự sáng tạo và tương lai
của Hangeul trên thiết kế

Ngày 28 tháng 2 đến 28 tháng 5 vừa qua, cuộc triển lãm đặc biệt mang tên “Hunminjeongeum (Huấn dân chính âm) và Thiết kế Hangeul” (Hangeul Design: Prototypes and Future of the Korean Alphabet) đã được tổ chức tại Viện bảo tàng Quốc gia Hangeul với nội dung xoay quanh chủ đề: nhìn lại Hangeul đang phát triển nhanh chóng ngày hôm nay và hướng tới một ngôn ngữ dân tộc thống nhất ngày mai. Có thể nói đây là cuộc triển lãm mang nhiều ý nghĩa khi tạo cơ hội để cùng nhìn lại Hangeul - chữ viết vốn có của dân tộc Hàn, thứ vẫn được xem như nước, như không khí trong cuộc sống hàng ngày của người Hàn.

Các khung nhựa trong suốt trưng bày 33 trang “Hunminjeongeum Haerye” - sách hướng dẫn về bộ chữ viết mới ban bố năm 1446 được dựng ngay cửa vào, dưới ánh đèn mờ tối của cuộc triển lãm đặc biệt mang tên “Hunminjeongeum và thiết kế Hangeul (Hangeul Design: Prototypes and Future of the Korean Alphabet)” tại Viện bảo tàng Quốc gia Hangeul.

N ăm 1443, vua Sejong (1397-1450; tại vị 1418-1450) đã sáng tạo Hunminjeongeum, tức chữ Hangeul ngày nay. Chữ Hán sử dụng từ thời cổ đại hay chữ Idu được tạo từ chữ Hán để ghi lại tiếng Hàn đều là những loại chữ khó học với đa số người dân; và Hangeul chính là kết quả sau bao nỗ lực của vị quân chủ tài trí trước sự bất bình đẳng xã hội và khó khăn trong cai trị đất nước do vấn đề này gây nên. Sau ba năm nghiên cứu và thử nghiệm, năm 1446, Sejong đã ban bố tập sách về chữ viết mới mang tên: “Hunminjeongeum Haerye (Huấn dân chính âm giải lệ)”. Trong lời tựa, còn ghi lại lời vua như sau:
“Nhiều bách tính ngu dại muốn nói mà không thể bày tỏ hết lòng mình. Điều này khiến ta thấy thật đáng thương, nay ta làm ra bộ chữ mới gồm 28 chữ, mong mỏi ai ai cũng có thể dễ dàng học tập và tiện bề sử dụng hàng ngày.”
Giữa không gian chìm trong ánh sáng mờ tối của phòng triển lãm như vang vọng tiếng nói của vua Sejong.

Tác phẩm “톱” (Top: Nóc, cái cưa) của Chae Byung-rok mô tả ý nghĩa từ “톱” bằng cách chia nhỏ thành ba phần: “ㅌ”, “ㅗ”, và “ㅂ”– tương ứng với âm đầu, giữa và cuối.

Tác phẩm “장석장” (Jangseokjang: kệ khảm) của Ha Jee-hoon - sản phẩm đồ gỗ trang trí bằng các mảnh kim loại hình nguyên âm và phụ âm Hangeul, lấy cảm hứng từ đồ gỗ truyền thống thời Joseon.

Trở về nơi sáng tạo Hangeul
Viện bảo tàng Quốc gia Hangeul là trung tâm triển lãm và học tập, nơi tái hiện lịch sử cùng những giá trị của Hangeul – di sản văn hóa tiêu biểu của dân tộc Hàn. Kể từ lần đầu mở cửa vào ngày kỷ niệm Hangeul 9/10/2014, Viện bảo tàng luôn đóng vai trò truyền bá tính độc đáo và hữu dụng của Hangeul bằng các sự kiện đặc biệt và triển lãm đa dạng. Ở triển lãm kỷ niệm 620 năm ngày sinh vua Sejong lần này, ngay đầu triển lãm là nguyên bản 33 trang bộ Hunminjeongeum được trưng bày từng trang trên giá, tạo cảm giác cho người xem như được bước lên cỗ máy thời gian, trở lại chính nơi sáng tạo Hangeul. Không gian như tràn ngập tromg niềm hạnh phúc của vị vua sau bao năm vay mượn chữ Trung Quốc, đã tạo được bảng chữ cái của riêng nước mình và ban bố đến toàn dân. Niềm vui của tinh thần tự chủ, lòng yêu thương bách tính và hiệu quả thực tế. Các vị quan phụ tá vua làm bộ chữ hẳn cũng vui mừng khôn xiết. Một học giả trong số họ - Jeong In-ji (1396-1487) đã không giấu nổi niềm tự hào trong một câu nói còn được in lại ở lời đề tựa của “Hunminjeongeum” như sau: “Người thông minh có thể vỡ được trong vòng chưa đầy một buổi sáng. Còn kẻ ngô nghê cũng chỉ 10 ngày là học xong”.
Nhiều chuyên gia đã dành cho Hangeul những lời tán dương không ngớt và điều này một lần nữa làm sáng tỏ giá trị của một ngôn ngữ trẻ và khoa học nhất trên thế giới. Nhà ngôn ngữ học Đông Á Robert Ramsey, giáo sư trường Đại học Maryland của Mỹ đã nói: “Không có chữ viết nào ưu tú hơn Hangeul”. Nhà văn người Pháp Le Clézio, người đã từng đoạt giải Nobel văn học đánh giá: “Hangeul là loại chữ viết vô cùng khoa học và tiện lợi cho giao tiếp, chỉ một ngày là đủ để biết đọc”. Còn nhà văn lịch sử người Anh John Man trong tác phẩm “Alphabet –chữ viết biến đổi cả thế giới” đề cập như sau về Hangeul: “Hangeul là bảng chữ cái tuyệt vời nhất mà tất cả các ngôn ngữ đều mơ có được”. Không chỉ thế, Hangeul còn là chữ viết duy nhất còn lưu lại đầy đủ quá trình sáng tạo chữ.

Chữ viết duy nhất còn các ghi chép về sự ra đời
Hunminjeongeum có nghĩa: “Âm chuẩn dạy bách tính”. Nó có thể dễ dàng diễn đạt nhiều âm thanh tự nhiên nhưng chỉ có ít số lượng chữ và đơn giản về hình dạng. Bộ chữ gồm 28 chữ với 17 phụ âm và 11 nguyên âm, sử dụng các hình nét cơ bản như chấm, đường thẳng và vòng tròn. Phần 1 của triển lãm, mang tên “Học dễ, viết tiện: Chữ viết của giao tiếp và tình thương (Easily Learned and Conveniently Used: Letters of Consideration and Communication)” đã cho thấy những đặc điểm này của Hunminjeongeum.
Trước hết là phụ âm. 17 phụ âm được hình thành từ năm chữ cơ bản mô phỏng hình dáng chuyển động của các cơ quan phát âm khi tạo âm thanh. Tùy theo độ mạnh của âm, các nét được thêm vào các chữ cơ bản theo một nguyên tắc nhất định được gọi là nguyên tắc thêm nét. Ví dụ “ㄴ” (ni-eun), thêm nét, thành ‘ㄷ’(di-guet) mạnh hơn. ‘ㄷ’ lại được thêm nét để thành “ㅌ” (ti-eut) mạnh hơn nữa. Do đó, có thể thấy đây là bộ chữ chặt chẽ về mặt logic, phản ánh được đầy đủ các đặc điểm của âm trên chữ viết.

Tác phẩm “버들” (Beudeul: liễu) của Yu Myung-sang dùng hình ảnh những chiếc lá liễu khác nhau để thử nghiệm khả năng hòa quyện của các chữ cái vào hình ảnh.

Bên cạnh đó, 11 nguyên âm được hình thành từ ba chữ cơ bản “•”, “ㅡ”, “ㅣ” tượng trưng cho trời, đất và con người. Tổng cộng 28 chữ viết gồm 17 phụ âm và 11 nguyên âm khi kết hợp với nhau có thể tạo thành hơn 10.000 chữ viết theo một phương thức tạo chữ độc đáo, kết hợp chữ viết của âm đầu, âm giữa và âm cuối. Sự kết hợp này có thể nói là vô hạn, như một trích dẫn khác từ lời đề tựa của Jeong In-ji: “Chỉ với 28 chữ cái này, sự biến hóa là vô cùng”.

Các tác phẩm 2D và 3D của các nhóm tác giả vừa mô tả nguyên mẫu vừa thể hiện nội dung của Hunminjeongeum. Đây chính là những cuộc hành trình đầy thú vị khám phá nguồn cảm hứng Hangeul có thể đem đến cho nghệ thuật.

Sự xuất hiện trở lại của Hangeul-chủ đề cho các thiết kế
Phần hai của triển lãm là nơi diễn ra cuộc thi của những biến hóa không giới hạn. 23 nhóm thiết kế trình làng hơn 30 tác phẩm với đề tài “Thiên biến vô tận: Tính mở của Hangeul trên thiết kế”. Các tác phẩm 2D và 3D (hai chiều và ba chiều) của các nhóm tác giả vừa mô tả nguyên mẫu vừa thể hiện nội dung của Hunminjeongeum. Đây chính là những cuộc hành trình đầy thú vị khám phá nguồn cảm hứng Hangeul có thể đem đến cho nghệ thuật. Các tác phẩm tuy chỉ là những bước khởi đầu của một thử nghiệm mới, nhưng vẫn giúp chúng ta hiểu rõ hơn bản chất sâu xa câu nói “cùng trở về với Hunminjeongeum” của Chung Byung-kyu, nhà thiết kế sách, một chuyên gia nghiên cứu các kiểu chữ. Ông nhấn mạnh: “Chính việc tìm hiểu các chức năng mới của Hangeul đóng vai trò như thứ vũ khí lớn nhất trong bối cảnh cần phá vỡ những nền tảng phương Tây đã ăn sâu vào tiềm thức của chúng ta bao lâu nay”.
Tác phẩm “힘, 믈” (sức mạnh, tập thể) của Kang Goo-ryong mô tả khí lực của âm thanh. Tác giả gắn kết ý nghĩa và hình ảnh của chữ Hàn qua cấu trúc trục tung của “힘” (him) và trục hoành của “믈” (meul). Tác phẩm đặc biệt thú vị khi cho thấy ý nghĩa và tinh thần của một chữ Hàn được ẩn chứa trong chính hình dạng của nó.

Tác phẩm “감” (Gam: Trái hồng, cảm giác, vải) của Jang Soo-young tái hiện lại Hangeul thời kỳ đầu bằng cách đặt các dấu thanh điệu - yếu tố quan trọng của Hangeul thời đó cạnh các chữ khắc nổi trên ba tấm gỗ riêng biệt để phân biệt ý nghĩa của chúng.

Tác phẩm “Bạn có yêu “pari”?” của Park Yeon-joo khai thác đặc điểm trong một chữ “pari” có thể có tới 7 nghĩa khác nhau như con ruồi, thành phố Paris... – một thử nghiệm chơi chữ vừa lạ vừa quen. Sự xung đột giữa các câu chữ khi chúng được ngắt câu xuống hàng, trộn lẫn, lặp đi lặp tạo cảm giác vô cùng mới mẻ.
Bằng những chiếc lá liễu, Yu Myung-sang lại thử nghiệm mức độ hòa quyện của Hangeul vào hình ảnh trong tác phẩm “버들” (cây liễu). Có thể nói tác phẩm đã vượt qua hạn chế của Hangeul khi phải hòa trộn trong một thiết kế với hình ảnh là chủ đạo.
Tác phẩm “감” (trái hồng, cảm giác, vải) của Jang Soo-young tái hiện lại một thời lịch sử của Hangeul khi mới được sáng tạo, trên chữ cái có phần biểu thị của thanh điệu diễn tả độ cao thấp của âm. Các âm của chữ “감” với thanh peongseong, geoseong, sangseong được thể hiện bằng điêu khắc nổi trên mộc bản dựa trên biểu đồ được đo bằng máy phân tích âm.
Chuỗi tác phẩm mang tên “장석장” (kệ khảm) của Ha Jeehoon và “거단곡목가구 훈민정음” (Hunminjeongeum với đồ gỗ được làm bằng kỹ thuật dùng các đường khứa ở mặt trong để tạo độ cong) của Hwang Hyung-shin đưa tính tạo hình của Hangeul vào đồ gỗ sinh hoạt thu hút nhiều người xem.

Khai thác cách khảm kim loại để trang trí và làm mấu đóng mở cửa trên đồ gỗ truyền thống thời Joseon, Ha Jee-hoon khảm bề mặt gỗ bằng các phụ âm, nguyên âm Hangeul. Bên cạnh đó, Hwang Hyung-shin mô phỏng dấu chấm, nét phẩy Hangeul làm ghế đẩu, ghế băng, ghế tựa, sắp xếp chúng thành các chữ khác nhau, hình thành ý tưởng khá thú vị.
Trước khi được triển lãm tại Hàn Quốc, tháng 10 năm 2016, triển lãm cùng tên này đã từng được mở lần đầu tại Viện văn hóa Hàn Quốc Tokyo. Để chuẩn bị cho triển lãm lần này, nhóm phụ trách của Viện bảo tàng Quốc gia Hangeul cùng 23 nhóm nhà thiết kế trẻ đã nhiều lần hội ý để hình thành ý tưởng trong suốt khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 7 năm 2016. Có thể nói chính các buổi triển lãm như thế này và cả các hoạt động tương tự trong tương lai chính là minh chứng cho lý do tồn tại của Viện bảo tàng Quốc gia Hangeul ngay bên cạnh Viện bảo tàng Quốc gia Trung ương. Không chỉ dừng lại ở việc trưng bày tại các viện bảo tàng, thành quả của các nỗ lực này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến giới văn hóa nghệ thuật nói riêng và toàn xã hội nói chung.

Một người xem đang ngắm sự kết hợp giữa hình ảnh và các từ Hangeul.

Các triển lãm Hangeul khác
Là lòng tự trọng và niềm tự hào của dân tộc Hàn, nhưng qua nhiều thế kỷ, Hangeul cũng đã trải qua nhiều thăng trầm. Trong đó, tiêu biểu là cuộc đấu tranh bảo vệ tiếng nói và chữ viết dân tộc thời Nhật đô hộ, một trong những phong trào đấu tranh vì độc lập có ý nghĩa lớn lao nhất. Năm 1940, thời kỳ tăm tối của lịch sử khi đất nước nằm dưới ách thống trị của đế quốc Nhật, biết đến sự tồn tại của nguyên bản Hunminjeongeum Haerye, Kan-song Jeon Hyung-pil (1906-1962) – nhà sưu tầm lỗi lạc chuyên về các di sản văn hóa đã bắt chấp tính mạng, dùng một khoản tiền lớn bí mật mua về, gìn giữ bảo vệ đến ngày độc lập. Ông đã từng nói: “Nhìn về tương lai của Hangeul, tôi càng vững tin hơn ở chiến thắng dành độc lập”. Từ 13 tháng 4 đến 12 tháng 10 vừa qua, một cuộc triển lãm mang tên “Cùng xem lại Hunminjeongeum (Huấn dân chính âm) - Nanjung Ilgi (Nạn trung nhật ký)” (Nhật ký thời loạn - Quốc bảo số 76 là nhật ký của tướng Yi Sun-sin về giai đoạn Ngoại loạn Nhâm thìn – chú thích của dịch giả) đã được tổ chức ở Viện bảo tàng Thiết kế tại Trung tâm Thiết kế Dongdaemun. Tại đây, người xem có cơ hội quý báu tận mắt chiêm ngưỡng nguyên bản hai tác phẩm báu vật quốc gia đồng thời là di sản thế giới do UNESCO công nhận.
Không chỉ là ánh sáng giải phóng dân tộc nhà sưu tầm Kansong đã cảm nhận từ “Hunminjeongeum”, có thể nói Hangeul cũng chính là sức mạnh đã nối kết hai nửa dân tộc bị phân tranh suốt 70 năm qua. Nhân dịp kỷ niệm ngày sinh của vua Sejong ngày 15 tháng 5 năm 1965, ngày này đã được chỉ định là ngày Nhà giáo Hàn Quốc, đồng thời để tưởng nhớ ngày Hunminjeongeum được chính thức ban bố đến toàn dân, ngày 9 tháng 10 đã chính thức trở thành ngày nghỉ lễ quốc gia. Hangeul đã cho thấy ý nghĩa sức mạnh của nó trong công cuộc giải phóng dân tộc những năm thế kỷ 20 và thế kỷ 21 ngày nay, chúng ta cần xem nó như nguồn sức mạnh dân tộc tiềm tàng để chiến thắng các thử thách của thời đại.

Choi Yeon Phóng viên báo JoongAng Ilbo
Ảnh Ahn Hong-beom
Dịch Phan Thị Hồng Hà

전체메뉴

전체메뉴 닫기