메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

Features

2020 SUMMER

CHUYÊN ĐỀ

Chiến tranh Hàn Quốc và Âm nhạc đại chúng: Bài ca chưa bao giờ dứt CHUYÊN ĐỀ 4 Âm nhạc đại chúng trong thời kỳ truyền thông mới

Các phương tiện truyền thông cũ, đại diện bởi kênh truyền hình tổng hợp, truyền hình cáp, cùng phương tiện truyền thông xã hội được thiết lập trong kỷ nguyên di động và phương tiện truyền thông mới như các nguồn âm nhạc số… đã đa dạng hoá cấu trúc ngành công nghiệp âm nhạc đại chúng trong thế kỉ 21. Nền âm nhạc đại chúng Hàn Quốc đang đảm bảo tính đa dạng và tạo ra một cảnh quan phong phú thông qua các phương tiện và nền tảng truyền thông khác nhau.

Tại buổi hòa nhạc trot được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Suwon vào tháng 12 năm 2019, khán giả tràn ngập khán đài cổ vũ cho màn trình diễn của các ca sĩ.

Khi các chương trình âm nhạc được phát hành bằng cách tổng hợp bảng xếp hạng các bài hát nổi tiếng mỗi tuần bị đẩy ra khỏi chương trình chính trên tivi và nhạc số trở thành một trào lưu, thì sự vắng mặt của các bảng xếp hạng đáng tin cậy như Billboard và Oricons được coi là một vấn đề của thị trường âm nhạc trong nước. Điều này là do cuộc tổng tấn công của cộng đồng người hâm mộ khi phát trực tuyến các bài hát của thần tượng để có thể tự ý làm cho ca sĩ mình yêu thích leo lên vị trí thứ nhất trong bảng xếp hạng.

Trong những trường hợp như vậy, đối với những nghệ sĩ không sở hữu cộng đồng người hâm mộ lớn thì bảng xếp hạng trên trang web âm nhạc không gì khác hơn là một sân chơi riêng của các thần tượng. Tuy nhiên cũng có những cái tên không phải thần tượng K-pop, cũng không phải đối tượng được nhắc tới trong những chương trình truyền hình tìm kiếm tài năng, nhưng mỗi khi ra mắt bài hát mới thì lập tức leo lên vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng. Họ có điểm chung là hát những ca khúc ballad hoặc acoustic với giọng ca đầy lôi cuốn. Đó là những nghệ sĩ đại diện cho loại hình âm nhạc để nghe, chứ không phải âm nhạc để nhìn. “Người yêu của thính giác”, tên gọi riêng của những ca sĩ này, thể hiện đặc trưng của những cao thủ trong âm nhạc. Đặc điểm này cho thấy họ đã kế thừa được sức tiêu thụ truyền thống của một loại hình âm nhạc nào đó. Họ chính là “ngôi sao của đài phát thanh”.

Ca sĩ nhạc trot Song Ga-in đang phát biểu tại buổi giới thiệu cho chương trình “Nữ danh ca nhạc Trot mùa 2” được tổ chức tại sân Changdong 61 vào tháng 10 năm 2019. Cô là người chiến thắng cuối cùng của chương trình thử giọng “Nữ danh ca nhạc Trot tương lai” được phát sóng trên TV Chosun vào năm 2019.

Người chiến thắng cuối cùng của Chương trình thử giọng “Nam danh ca nhạc Trot tương lai” là Lim Young-woo. Chương trình này được đài truyền hình Chosun phát sóng từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2020, ghi nhận tỷ lệ người xem lên tới 35,7%, đứng đầu trong số các kênh truyền hình tổng hợp.

Những cao thủ âm nhạc
Internet bắt đầu phát triển vào những năm 2000 và mang đến những cơn địa chấn cho thị trường âm nhạc. CD, phương tiện lưu trữ nhạc bị mất đi vị trí của mình bởi các tệp MP3. Loại hình âm nhạc kỹ thuật số mới này được tải xuống không phải qua thị trường âm nhạc chính thống mà bất hợp pháp qua P2P, và thường được sử dụng làm nhạc nền của các dịch vụ mạng xã hội hoặc nhạc chuông của điện thoại di động. Khối lượng bán nhạc đang giảm dần, nhưng do loại hình âm nhạc số chưa tìm được kênh phân phối chính thống nên thị trường bị đình trệ. Sự thay đổi bắt đầu thông qua điện thoại di động. Với sự lan rộng của điện thoại thông minh vào những năm 2010, các phương pháp nghe nhạc phổ biến đã phát triển thành phát trực tuyến thay vì tải xuống, và cuối cùng thị trường nhạc số đã được hình thành.

Bắt đầu từ giữa những năm 2010, khi việc phát trực tuyến hoàn toàn ổn định, thì những cao thủ trong âm nhạc bắt đầu xuất hiện. Heize, nghệ sĩ ra mắt vào năm 2015 với ca khúc “Đừng quay đầu”, “Ngôi sao đó” và Bolbbalgan4 với ca khúc “Cho anh cả vũ trụ” là những nghệ sĩ lúc đầu không hề gây được sự chú ý nhưng dần dần nâng cao danh tiếng và dẫn đầu bảng xếp hạng với các bài hát. Thành công của các nghệ sĩ này cho thấy sự lan truyền của mạng xã hội là yếu tố quyết định, chứ không phải đài truyền hình. Mặc dù không sở hữu vẻ ngoài lộng lẫy như các nhóm nhạc thần tượng, nhưng chỉ với giai điệu, ca từ và giọng hát nội lực, họ đã khơi dậy sự tò mò từ khán giả và trở thành nhân vật được công chúng nhắc tới. Người ta nói rằng thời đại của đài phát thanh đã kết thúc, nhưng nhu cầu được thoả mãn thông qua đài phát thanh thì vẫn còn. Chỉ có nền tảng và hình thức được thay đổi. Sự hiện diện của những cao thủ trong âm nhạc là minh chứng cho điều này.

Với sự lan rộng của điện thoại thông minh vào những năm 2010, cách thưởng thức âm nhạc đại chúng đã phát triển thành phát trực tuyến thay vì tải xuống, và cuối cùng một quy mô có thể được gọi là thị trường âm nhạc kỹ thuật số được hình thành. Bắt đầu từ giữa năm 2010 khi việc phát trực tuyến hoàn toàn được định hình thì cũng là lúc những cao thủ âm nhạc xuất hiện.

Chương trình thử giọng
Lịch sử của các cuộc thi thử giọng âm nhạc nổi tiếng ở Hàn Quốc bắt đầu từ năm 1977. Đó là Đại hội âm nhạc trong hệ thống Đại học của đài MBC, chương trình được xem là sự khởi đầu cho nền văn hoá của giới trẻ mới, với ca khúc giành giải cao nhất “Anh biết làm sao” của San Pebbles. Đại hội là ánh sáng duy nhất cho những sinh viên đại học ấp ủ một ước mơ với âm nhạc trong hoàn cảnh văn hóa giới trẻ bị biến mất sau làn sóng cần sa năm 1975. Nếu chỉ liệt kê ca khúc giành giải thưởng của Đại hội thì cũng đủ viết nên lịch sử các bài hát hit thập niên 1980. Tuy nhiên, Đại hội bắt đầu giảm dần ảnh hưởng vào năm 1990. Điều này là do sự gia nhập chính thức của các công ty giải trí dẫn tới sự thay đổi nhanh chóng thị trường âm nhạc đại chúng. Những đứa trẻ mơ ước trở thành ngôi sao đã đến công ty làm thực tập sinh từ những năm đầu tuổi thiếu niên và ra mắt với tư cách thần tượng sau nhiều năm được đào tạo một cách dập khuôn. Trong khi đó, những con người trẻ tuổi mơ về một thế giới âm nhạc của riêng mình thì lại đi tới các câu lạc bộ trước Hongdae. Trong bối cảnh như vậy thì không có lí do gì để các tài năng âm nhạc thực thụ lựa chọn tham gia vào Đại hội này nữa.

Sau đó một cuộc thi thử giọng nổi trội hơn đã xuất hiện. “Superstar K” (tạm dịch Siêu sao K) của Mnet, bắt đầu mùa đầu tiên vào năm 2009 chính là sự khởi đầu. Người chiến thắng mùa giải đầu tiên là Seo In-guk, và từ đó cứ sau mỗi mùa thì người chiến thắng nhanh chóng vươn lên thành ngôi sao. Không giống như Đại hội âm nhạc trong đại học, nơi giới hạn đối tượng tham dự là sinh viên, việc mở rộng đối tượng tham dự ra toàn bộ công chúng chính là chìa khóa thành công của chương trình này. Ngoài ra hoàn cảnh của từng cá nhân tham gia chương trình đã được biên soạn lại thành câu chuyện cảm động để tạo ra những giọt nước mắt, từ đó cho khán giả thấy được hình ảnh thi đấu hết mình không chỉ trên sân khấu mà còn trong cả cuộc sống đời thường. Ngoài thành viên ban giám khảo là các chuyên gia thì việc người xem được quyền bình chọn cũng là một yếu tố thúc đẩy sự quan tâm dành cho chương trình.

Khi lấy ví dụ về từng chương trình thử giọng thành công như “K-pop star” (tạm dịch Ngôi sao K-pop) được đài SBS phát sóng 6 năm kể từ năm 2011 sau “Superstar K” và “Show Me the Money” (tạm dịch Hãy cho tôi thấy tiền của bạn) mà đài Mnet công chiếu cho đến mùa thứ 8 đến năm 2019 thì vào thời điểm Mnet đạt giải xuất sắc với “Produce 101” (tạm dịch Chế tác 101) vào năm 2016, khán giả không những chỉ bỏ phiếu bình chọn vì nghệ sĩ mình yêu thích mà còn sẵn sàng chiến đấu vì “công việc” này. Không chỉ lôi kéo người tham gia bình chọn khi ở trên cộng đồng mạng trực tuyến, họ còn đến tận nơi biểu diễn và cổ vũ bằng những tấm băng rôn tự tay làm từ tiền túi của bản thân. Sự liên kết giữa người hâm mộ, đài truyền hình và nhạc sĩ khiến âm nhạc trở thành một lĩnh vực cạnh tranh như thể thao. Những nghệ sĩ không có hậu thuẫn mạnh mẽ từ công ty quản lý thì trở thành đấu sĩ âm nhạc trên sân khấu giống như đấu trường La Mã. Việc công chúng theo dõi và cổ vũ nhiệt tình cuộc chiến là một hình ảnh của ngành công nghiệp âm nhạc đại chúng Hàn Quốc.

Khán giả cổ vũ tại vòng sơ khảo của Mnet “Superstar K” mùa 3, được tổ chức tại thành phố New York năm 2011. Chương trình thử giọng trên truyền hình đã tạo ra sự quan tâm đáng chú ý ở nước ngoài khi được mở cho các thí sinh quốc tế.

Làn sóng nhạc trot
Hiện thực dòng nhạc trữ tình trot đang phải đối mặt thật nghiệt ngã và tàn khốc, khi mà tỷ lệ phát trực tuyến của nó chỉ chiếm 1% trong thị trường âm nhạc số, nguồn doanh thu chính của loại hình âm nhạc này không phải từ các cửa hàng online mà phụ thuộc vào điểm dừng chân trên đường cao tốc hoặc các sự kiện quy mô nhỏ. Vì vậy, cơn sốt nhạc trữ tình đang được thổi bùng lên gần đây chắc chắn sẽ là một sự kiện không ai ngờ tới.

Người báo hiệu cho sự bùng nổ của trot là diễn viên hài kiêm MC quốc dân Yoo Jae-suk. Trong chương trình tìm kiếm tài năng của đài MBC “Bạn làm gì khi bạn chơi?”, anh ấy đã mặc trang phục mô phỏng nhân vật Yoo San-seul, tham gia sáng tác các ca khúc nhạc trot mới và thậm chí trực tiếp thể hiện nó. Nhân vật này giành được giải thưởng Tân binh trong hạng mục giải trí của đài MBC. Ngoài ra, những ca khúc anh trình diễn vượt lên đứng đầu các bảng xếp hạng âm nhạc. Yoo San-seul đã chứng minh rằng trot có tiềm năng trở thành dòng nhạc nổi bật nhất trong ngành công nghiệp giải trí.

Cơn sốt nhạc trot đã cùng Song Ga-in, người đột nhiên trở thành ca sĩ quốc dân sau khi giành chức vô địch trong chương trình thử giọng có tên gọi “Nữ danh ca nhạc Trot tương lai” phát sóng năm 2019 của đài truyền hình Chosun. Song Ga-in, ca sĩ long đong vô danh trong nhiều năm đã phá vỡ dòng chảy đơn điệu của dòng nhạc trữ tình pha trộn và cho thấy được sức mạnh vượt trội của dòng nhạc trữ tình chính thống. Sự hiện diện của cô đánh thức một thực tế rằng, trong khi giới trẻ cuồng nhiệt với nhóm nhạc thần tượng thì tầng lớp khán giả trung niên cũng có thể tạo thành một cộng đồng người hâm mộ trung thành. Sự bùng nổ của nhạc trot vào năm ngoái không hề lướt qua như gió thoảng mùa xuân. Lấy cảm hứng từ sự thành công của “Nữ danh ca nhạc Trot tương lai”, từ tháng 1 tới tháng 3 năm nay, đài truyền hình Chosun đã cho ra mắt chương trình “Nam danh ca nhạc Trot tương lai” và một ngôi sao khác có tên gọi là Lim Young-woong đã xuất hiện.

Đặc biệt, không giống như “Nữ danh ca nhạc Trot tương lai” ban đầu gây thất vọng với những màn biểu diễn na ná nhau nhưng dần dần sau đó khiến người xem hào hứng, “Nam danh ca nhạc Trot tương lai” ngay từ đầu đã làm cho khán giả say mê khi thấy được những màn trình diễn nhảy điêu luyện thể hiện cá tính khác biệt của từng thí sinh. Cuối cùng, tỷ lệ người xem của cuộc thi này vượt quá 35% và được ghi nhận là chương trình tìm kiếm tài năng trên truyền hình thành công nhất. Điều này có nghĩa là không chỉ những người trung niên mà cả giới trẻ cũng theo dõi say mê chương trình. Điểm chung giữa nghệ sĩ Song Ga-in và Lim Young-woong là cả hai đều không theo đuổi dòng nhạc trữ tình pha trộn. Hai ca sĩ trẻ này thể hiện các ca khúc nhạc trot chính thống của thập niên 1960 và1970, thời kỳ hoàng kim của dòng nhạc trữ tình mà hai ngôi sao Lee Mi-ja và Na Hoon-a mang lại, và đã gây ấn tượng sâu sắc với kỹ thuật thanh nhạc được gọi là âm nhạc của quá khứ.

Đối với thế hệ trẻ, những người đã quen với việc sử dụng âm nhạc của quá khứ làm nội dung cho các ca khúc hiện đại thông qua YouTube, việc ngôi sao trẻ xuất hiện với tư cách là ca sĩ đương đại cũng giúp trot quay lại thời kỳ hoàng kim khi được coi là thể loại âm nhạc dành cho mọi thế hệ. Với chức năng giám tuyển nội dung, YouTube đã phá vỡ khoảng cách tạm thời giữa việc sản xuất và tiêu thụ nội dung. Điều này cũng cho thấy lí do các ca sĩ những năm 1980 yêu thích loại nhạc lấy chủ đề đô thị (city pop), và năm 1990 thì thể loại nhạc nhảy này tạo thành cơn sốt. Đối với thời đại YouTube thì không có khái niệm nào là lỗi thời hay quê mùa cả.

Liên hoan âm nhạc Đại học của MBC, bắt đầu vào năm 1977, đã khởi xướng các cuộc thi tài năng truyền hình ở Hàn Quốc. Trong những năm 2000, các chương trình tài năng trên TV đã phát triển một loạt các phong cách âm nhạc, bao gồm hip hop, trot và crossover. Theo chiều kim đồng hồ từ trên cùng bên trái là các áp phích quảng cáo cho “Phantom Singer” (JTBC), “K-Pop Star” (SBS), “Voice of Korea” và “High School Rapper” (JTBC), “TOP Band” (KBS).

Kim Zak-ka Nhà bình luận âm nhạc, thành viên Hội đồng Giải thưởng Âm nhạc đại chúng Hàn Quốc
Dịch. Trần Huyền Trang

전체메뉴

전체메뉴 닫기