Hongdae-ap (khu vực phía trước Hongdae), vừa là khu phố sầm uất, đồng thời cũng là địa danh du lịch nổi tiếng ở Seoul. Ngay cả khi khu vực này đang thay đổi nhanh chóng do sự thương mại hóa, các điểm tham quan nổi tiếng ở Hongdae-ap vẫn tồn tại và gìn giữ bản sắc của Hongdae bằng nét cá tính riêng của mình.
Cửa hàng Họa cụ Homi tự hào là nơi có bề dày lịch sử 50 năm nằm ở lối vào của khu vực phía trước Hongdae (Hongik-ro 3-gil). Kể từ năm 1987, con trai của người sáng lập đã tiếp quản và hiện nay, cháu trai của ông cũng đang tham gia vào việc quản lý cửa hàng. Logo của cửa hàng Homi được một học viên cao học của Đại học Hongik, người thường xuyên lui tới nơi đây, thiết kế vào cuối những năm 1970 với ý nghĩa “nghệ thuật là vĩnh cửu”.
ⓒ Han Jung-hyun
Khu vực xung quanh ga Hongdae (cách gọi tắt của Hongik Daehakgyo, nghĩa là Đại học Hongik – chú thích của người dịch) của tuyến tàu điện ngầm số 2 được gọi bằng cái tên quen thuộc là “Hongdae-ap” hơn là tên gọi chính thức phường Seogyo-dong. Kể từ sau những năm 1990, nhờ vào vai trò to lớn của các nghệ sĩ indie mà khu vực này đã nhận được sự chú ý và trở thành “điểm nóng” của Seoul. Đó là bởi từ đây, văn hóa độc đáo và bản sắc của riêng Hongdae đã bắt đầu được hình thành một cách rõ nét. Cùng với sự phục hưng của văn hóa indie, các quán cà phê, câu lạc bộ và các không gian văn hóa mọc lên ở mọi ngóc ngách trong các con hẻm đã giúp Hongdae-ap trở thành biểu tượng của văn hóa indie và cảm giác trẻ trung trong nhiều thập kỷ.
Tuy nhiên cũng giống như những khu vực khác, Hongdae-ap cũng không thể tránh khỏi việc giá thuê mặt bằng bị tăng lên và kéo theo các hệ quả. Khi khu vực kinh doanh này trở nên sôi nổi và có nhiều nguồn đầu tư lớn đổ vào, nhiều nghệ sĩ và những không gian đã góp phần tạo nên nét độc đáo của Hongdae-ap bị đẩy lùi ra các khu xung quanh. Thay thế vào vị trí đó của họ chính là sự xuất hiện của những chuỗi cửa hàng lớn.
Vì vậy, đối với các doanh nghiệp, Hongdae-ap có thể chỉ là một khu sầm uất ngập tràn bầu không khí thương mại. Tuy nhiên, bất chấp dòng chảy của nhiều sự biến đổi lớn, các không gian độc đáo và mang đậm bản sắc khắp nơi của Hongdae-ap vẫn giữ vững vị trí, đóng vai trò là cái nôi của nền văn hóa địa phương.
Toàn cảnh về quán karaoke Su (Tú), một trong những địa điểm lâu đời ở khu vực phía trước Hongdae. Quán khai trương vào năm 1999 và phát triển với chiến lược cao cấp hóa, khác biệt so với các quán karaoke hiện có. Năm 2005, quán trở nên nổi tiếng hơn khi xuất hiện trong bộ phim truyền hình ăn khách của đài MBC Tên tôi là Kim Sam Soon (My Lovely Sam Soon), là nơi nam và nữ diễn viên chính đã ca hát.
ⓒ Han Jung-hyun
Nơi cư trú của các nghệ sĩ
Từ sau năm 1990, Hongdae-ap có thể trở thành là thánh địa của nền văn hóa indie, phần lớn là do ảnh hưởng lớn của môi trường nghệ thuật đặc trưng vốn có của khu vực này từ trước đó. Và yếu tố chính tạo nên bầu khí quyển này chính là sự hiện diện của Trường Đại học Mỹ thuật, Đại học Hongik. Nền văn hóa độc đáo được tạo ra từ sự giao lưu giữa các sinh viên mỹ thuật Đại học Hongik cùng với các nghệ sĩ đến từ nhiều lĩnh vực đa dạng khác nhau đã tạo nền tảng cho sự phát triển của các ban nhạc và câu lạc bộ indie.
Cửa hàng Họa cụ Homi (Homi Art Shop) khai trương vào năm 1975, cũng là một minh chứng sống động cho nền văn hóa mỹ thuật của khu vực phía trước Hongdae - hiện vẫn đang kinh doanh ở khu vực gần Đại học Hongik. Cửa hàng Họa cụ Homi được đánh giá cao vì đã đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nghệ thuật Hàn Quốc bằng cách cung cấp nhiều loại vật liệu mỹ thuật đa dạng và chất lượng trong suốt nửa thế kỷ qua. Vào năm 2020, cửa hàng này đã được công nhận là Di sản Tương lai của Seoul (Seoul Future Heritage).
Cửa hàng Họa cụ Homi không chỉ đơn thuần là cửa hàng mỹ thuật. Nhận thức của những nghệ sĩ rằng "Có thể gặp gỡ và giao lưu với những nghệ sĩ đang hoạt động gần đó khi đến Cửa hàng Họa cụ Homi", đã trở thành động lực biến nơi đây trở thành một biểu tượng đại diện của Hongdae.
LP bar – Nơi mở ra thế giới mới
Vào những năm 1990, có một nơi ở khu vực phía trước Hongdae luôn được các nghệ sĩ hay giới mộ điệu âm nhạc nhắc đến. Đó chính là Blues House. Vào thời kỳ thai nghén của văn hóa indie tại khu vực Hongdae-ap, quán bar này cũng đã mở cửa. Với cách bố trí không gian tinh tế khó tìm thấy ở bất kỳ đâu cùng với các ca khúc được tuyển chọn, Blues House nhanh chóng trở thành một trong những quán bar đại diện cho khu vực Hongdae. Nhiều người đến Hongdae chỉ để ghé thăm nơi này, thậm chí nơi đây còn được chọn làm bối cảnh trong tập tiểu thuyết dài tập của tiểu thuyết gia nổi tiếng thời bấy giờ.
Trong suốt 20 năm, Blues House luôn giữ vai trò là thánh địa giao lưu của các nghệ sĩ. Tuy nhiên, vào năm 2016, quán đã phải đóng cửa vì giá thuê mặt bằng tăng cao và tình hình kinh doanh giảm sút. Tưởng chừng như Blues House chỉ còn là cái tên trong ký ức, nhưng vào năm 2020, quán bar này đã mở cửa trở lại và viết tiếp lịch sử của chính nó.
Quán rời khỏi Seogyo-dong, nơi đã kinh doanh lâu năm và chọn chỗ mới ở Mangwon-dong. Vẫn bảng hiệu với phông chữ cũ, các đĩa nhạc xếp san sát, bầu không khí không đổi thay vui mừng chào đón những khách quen lâu năm và thế hệ trẻ yêu âm nhạc.
ⓒ NAVER Blog Jinnie
Sự kế thừa của văn hóa âm nhạc
Gần đây, làn sóng retro (phong cách phục cổ – chú thích của người dịch) trở nên thịnh hành trong giới trẻ. Các xu hướng, mốt thịnh hành trong quá khứ đang phổ biến trở lại trên mọi khía cạnh đời sống từ ẩm thực, thời trang cho đến âm nhạc... Hòa với làn gió retro thổi đến, những sản phẩm gắn liền với ký ức một lần nữa nhận được sự chú ý. Vinyl (đĩa than), đĩa thu âm, tưởng chừng đã biến mất, nay cùng với làn gió này lại được quan tâm như các mặt hàng thời thượng.
Năm nay, đúng vào dịp kỷ niệm 11 năm khai trương, Gimbap Records hiện đang được giới trẻ truyền tai nhau biết đến như một địa điểm nổi tiếng ở khu vực phía trước Hongdae. Gimbap Records mở cửa vào năm 2013 trong một không gian nhỏ thuộc con hẻm ở phường Yeonnam-dong. Đây là địa điểm hiếm hoi để bạn có thể tự mình chọn mua đĩa nhạc khi không thể tìm thấy tại các cửa hàng bán đĩa trực tiếp khác. Sự ra đời của Gimbap Records cũng là sự khởi đầu của việc kế thừa văn hóa âm nhạc ở khu vực phía trước Hongdae, nơi các nghệ sĩ và câu lạc bộ indie tự hình thành. Nhờ vào sự tiên phong của Gimbap Records, nhiều cửa hàng bán đĩa nhạc bắt đầu xuất hiện trong khu vực và kéo theo các buổi biểu diễn cùng các sự kiện văn hóa liên quan một cách tự nhiên. Được tổ chức từ năm 2020 cho đến nay, Mapo Vinyl Festa cũng là một trong những sự kiện văn hóa đó.
Kể từ khi văn hóa vinyl định hình vững chắc ở khu vực phía trước Hongdae, Gimbap Records cũng dời đến một không gian rộng rãi hơn ở phường Donggyo-dong vào hai năm trước. Không chỉ là nơi mua bán đĩa nhạc, Gimbap Records còn kế thừa nền văn hóa âm nhạc ở khu vực phía trước Hongdae thông qua các hoạt động đa dạng như: nhập khẩu đĩa nhạc từ nước ngoài, lên kế hoạch biểu diễn cho các hãng đĩa quy mô nhỏ...
Ngoài việc kinh doanh các đĩa nhạc từ năm 2013, cửa hàng Gimbap Records còn lên kế hoạch và tổ chức các buổi biểu diễn của những nghệ sĩ trong và ngoài nước. Nơi đây cũng đã tổ chức Seoul Record Fair hơn 10 năm và được đánh giá là đã góp phần vào việc mở rộng nền tảng thị trường đĩa thu âm tại Hàn Quốc.
ⓒ (NONTEXT), ảnh chụp bởi Kimdonggyu
Cái nôi của văn hóa sân khấu nhỏ
Nhà hát nhỏ Sanwoollim là một nhà hát quy mô nhỏ với 100 chỗ ngồi bắt đầu hoạt động vào năm 1985. Đây là nhà hát vốn được đạo diễn Lim Young-woong, người vừa qua đời vào đầu năm nay, dùng riêng cho đoàn kịch Sanwoollim. Việc trình diễn vở kịch Waiting for Godot (tạm dịch Trong khi chờ đợi Godot) của Samuel Beckett lần đầu tại Hàn Quốc đã đưa tên tuổi lẫy lừng của đoàn kịch Sanwoollim và nhà hát nhỏ Sanwoollim bước vào thời kỳ hoàng kim cùng với nhiều tác phẩm đa dạng về chủ đề cuộc sống của người phụ nữ. Các vở diễn cải biên từ tác phẩm như The Second Sex (tạm dịch Giới tính thứ hai) của Simone de Beauvoir, At Fifty, She Discovered the Sea (tạm dịch Đến tuổi năm mươi, mẹ phát hiện ra biển ) của Denise Chalem đều được đánh giá cao bởi vai trò dẫn dắt, mang hình tượng những người phụ nữ trung niên, vốn bị bỏ quên trong thế giới văn hóa nghệ thuật lúc bấy giờ, lên sân khấu.
Ngay cả khi thời kỳ hoàng kim của các nhà hát nhỏ (thập niên 1980 và 1990) đã qua đi, nơi đây vẫn được xem là chỗ dựa vững chắc cho giới diễn xuất, hỗ trợ sân khấu thử nghiệm cho các đạo diễn trẻ, đồng thời là cột mốc lưu giữ sức sống văn hóa Hongdae.
Nhà hát nhỏ Sanwoollim khai trương vào năm 1985, đã mang đến thêm một địa điểm nổi tiếng tại khu vực trước Hongdae, cho thấy sự phân tích sâu sắc về các tác phẩm cổ điển và sân khấu thử nghiệm của các đạo diễn trẻ. Gần đây, một phòng trưng bày cùng cửa hàng nghệ thuật đã được xây dựng tại tầng một và hai của tòa nhà, biến nơi đây trở thành một không gian văn hóa phức hợp.
ⓒ Han Jung-hyun
Điểm hẹn tiêu biểu
Vào thời kỳ đỉnh cao của văn hóa indie trong thập niên 1990 và 2000, khu vực phía trước Hongdae chính là khu “phường Seogyo-dong, quận Mapo-gu, Seoul”. Tuy nhiên, gần đây, khu vực phía trước Hongdae được hiểu là bao gồm cả các khu vực xung quanh phường Sangsu-dong, phường Yeonnam-dong cho đến phường Mangwon-dong. Đó là do giá thuê mặt bằng ngày càng cao nên nhiều cửa hàng và địa điểm bị đẩy ra ngoài, di chuyển đến các khu vực lân cận. Tuy nhiên, nghịch lý thay, nhờ vậy mà khu vực phía trước Hongdae đã có thể trở thành tên gọi biểu tượng cho một khu vực rộng lớn hơn với những tâm tình riêng được sẻ chia tại nơi này hơn là tên gọi của khu vực kinh doanh xung quanh một trường đại học nhất định.
Cửa hàng bánh Richmond Patisserie từng là một trong những điểm hẹn tiêu biểu của khu vực phía trước Hongdae nhưng hiện nay đã không còn chiếm giữ ở khu vực phía trước Hongdae nữa. Tuy nhiên, cửa hàng này vẫn được xem là địa điểm tiêu biểu đại diện cho toàn bộ khu vực Hongdae. Sau khi cửa hàng chính được khai trương tại phường Seongsan-dong vào năm 1979 và chi nhánh tại Hongdae được mở cửa vào năm 1983, cửa hàng bánh Richemont Patisserie đã phải ngừng kinh doanh chi nhánh hoạt động suốt 30 năm ở Hongdae vào năm 2012 do chi phí thuê mặt bằng tăng cao và bị lấn lướt bởi các cửa hàng bánh nhượng quyền thuộc tập đoàn lớn được yêu thích.
Tuy nhiên, khoảng 4-5 năm trước, khi sự yêu thích đối với các cửa hàng bán bánh trong khu phố tăng lên, cửa hàng chính tại phường Seongsan-dong một lần nữa lại nhận được chú ý. Nó được mệnh danh là một trong ba tiệm bánh lớn của Seoul và khôi phục lại được danh tiếng trong quá khứ. Điều này không chỉ được lý giải bởi thực đơn nguyên bản, tiêu biểu như bánh mì hạt dẻ và bánh mì nhân kem, mà còn do những ký ức in sâu về khu vực phía trước Hongdae từ thời chỉ là phường Seogyo-dong.