메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

Features > 상세화면

2024 AUTUMN

HỆ SINH THÁI ĐA DẠNG CỦA VĂN HÓA HONGDAE

Cho đến những năm 1980, khu vực phía trước Hongdae không khác gì với các làng đại học ở những nơi khác. Tuy nhiên, bầu không khí đầy cởi mở và tiến bộ đã hiện diện vào những năm 1990, kèm theo đó là sự tìm tòi những thử nghiệm và nỗ lực đổi mới sáng tạo trên nhiều lĩnh vực. Quá trình này đã định hình một bản sắc riêng cho khu vực Hongdae, được gọi là “văn hóa Hongdae”, đồng thời khu phố này không ngừng thích ứng với những thay đổi từ môi trường bên ngoài.

Khu vực phía trước Hongdae từng là con đường có tuyến tàu lửa chạy ngang qua. Giờ đây khó có thể tìm lại dấu vết đường sắt vốn đã ngừng hoạt động. Tuy nhiên những tòa nhà chen chúc dọc theo đê đường ray vẫn còn đó với cái tên Seogyo 365. Các cửa hàng độc đáo xuất hiện bên cạnh những tòa nhà vẫn giữ nét hoài cổ.
    ⓒ Han Jung-hyun

Khu vực phía trước Hongdae (cách gọi tắt của Hongik Daehakgyo, nghĩa là Đại học Hongik – chú thích của người dịch) có nền văn hóa đại học và văn hóa thanh niên độc đáo được tích lũy trong thời gian dài. Đây là nơi diễn ra nhiều hoạt động nghệ thuật đa dạng, bao gồm mỹ thuật và âm nhạc, sân khấu, phim ảnh, trình diễn,… Ngoài ra, ngày càng nhiều ngành công nghiệp chuyên về thiết kế, truyện tranh, xuất bản, quảng cáo, nội dung kỹ thuật số,... tập trung ở đây cũng biến nơi này trở thành một khu văn hóa phức hợp.

Nói chung, khu vực Hongdae là sân chơi của những người dẫn đầu xu hướng. Sải bước ở khắp con phố này là sinh viên, nghệ sĩ, hội viên câu lạc bộ, nhà sản xuất văn hóa và kinh doanh, tổ chức hoạt động nghệ thuật, những người theo phong cách hipster với tư duy độc đáo, tự do. Đây là lý do mọi người không ngừng đổ xô đến nơi này. 

Nghệ sĩ biểu diễn đường phố là hình ảnh thường thấy ở khắp ngả Hongdae. Khu vực này được hồi sinh vào những năm 1990, văn hóa biểu diễn đường phố cũng xuất hiện. Nhiều nghệ sĩ đã trình diễn ở đây để theo đuổi giấc mơ ca sĩ và trở nên nổi tiếng trong tương lai. 
ⓒ Choi Tae-won 

Toàn bộ khu Hongdae

Tên gọi Hongdae thường được dùng để chỉ khu phố sầm uất quanh Đại học Hongik ở Sangsu-dong, Seoul. Ban đầu, nơi này được gọi là “Hongdae-ap” (tạm dịch “phía trước Đại học Hongik”) như bất kỳ khu đại học nào khác, chẳng hạn “Yondae-ap” (tạm dịch “phía trước Đại học Yonsei”), “Edae-ap” (tạm dịch “phía trước Đại học Nữ Ewha”). Đây chẳng qua là cách gọi địa danh dựa theo Đại học Hongik.

Năm 1984, khi ga Hongdae-ipgu thuộc tuyến tàu điện ngầm số 2 được đưa vào sử dụng, khu vực Hongdae-ap cũng được gọi là “Hongdae-ipgu” (tạm dịch: “lối vào Đại học Hongik”). Vào cuối những năm 1990, thành phố Seoul thực hiện dự án phố đi bộ quy mô lớn khắp Seoul. Kể từ đó, một không gian đi bộ đã hình thành ở khu vực Hongdae-ap, nơi đây có thêm cái tên khác là “Phố Hongdae”. Cứ thế, theo thời gian, những từ dùng để chỉ khu vực Hongdae-ap càng phổ biến hơn, địa điểm gắn với tên gọi cũng dần mở rộng. Gần đây, cách gọi “khu vực Hongdae” cũng được sử dụng.

 Tàu điện ngầm đã có ảnh hưởng to lớn đến việc mở rộng phạm vi địa lý mà thuật ngữ “Hongdae” ám chỉ. Từ năm 2000, với việc lần lượt khai trương tuyến tàu điện ngầm số 6, đường sắt sân bay, tuyến Gyeongui-Jungang, khu vực Hongdae đã phát triển thành khu thương mại lớn nhất Seoul, trải dài từ ga Hongdae-ipgu (tuyến 2, đường sắt sân bay, tuyến Gyeongui-Jungang) đến ga Hapjeong (tuyến 2, tuyến 6) và ga Sangsu (Tuyến 6). Xét theo đơn vị hành chính, khu vực Hongdae đã mở rộng từ các khu phố ban đầu là Seogyo-dong, Sangsu-dong và Donggyo-dong, đến Yeonnam-dong, Yeonhui-dong, Hapjeong-dong, Mangwon-dong và Seongsan-dong gần đó.

Khu vực Hongdae-ap cho đến trước những năm 1990 vốn thuộc về Sinchon, có trung tâm là khu vực quanh Đại học Yonsei. Nhưng kể từ khi phát triển và đạt được thành tựu văn hóa riêng, khu vực Hongdae-ap đã trở thành trung tâm của toàn bộ khu vực Hongdae.

Ảnh chụp lối vào Eulmadang-ro - điểm khởi đầu của khu thương mại Hongdae. Các cửa hàng nhượng quyền lớn đều tập trung quanh đây. Ở đây có trung tâm hướng dẫn du lịch, và cổng chính của Đại học Hongik thì cách khoảng hơn 200m đi bộ. 
ⓒ Han Jung-hyun

Dấu vết tuyến đường sắt xưa

Nhà máy Nhiệt điện Seoul nằm ven sông Hán có thể nói là một “gen văn hóa” có sức ảnh hưởng lớn đến khu vực Hongdae. Thường được gọi là Nhà máy Nhiệt điện Dangin-ri – cách gọi theo địa điểm đặt nhà máy điện, đây là cơ sở phát điện đầu tiên của Hàn Quốc, được hoàn thành vào năm 1930, chuyên cung cấp than và vật tư qua tuyến Dangin-ri, vốn được khai trương một năm trước đó. Khi nhiên liệu của nhà máy điện được thay thế bằng khí đốt từ than, đường sắt không còn được dùng đến. Do đó, tuyến Dangin-ri cũng ngừng hoạt động vào năm 1980.

Seogyo 365 là vết tích còn lại của tuyến Dangin-ri. Do các chuyến tàu ngừng hoạt động, các tuyến đường sắt bỏ hoang được biến thành đường bộ và bãi đậu xe. Ở một vài nơi, các tòa nhà thấp khoảng hai đến ba tầng được dựng lên. Vì phần đất khá hẹp nên các tòa nhà chỉ rộng 2-5m và đứng chen chúc nhau. Dải tòa nhà dài và hẹp đứng san sát nhau khoảng chừng 200m chính là Seogyo 365. Vì thuộc lô đất 365 Seogyo-dong nên chúng mới có tên như vậy.    

Seogyo 365 tương phản với những tòa nhà cao tầng ngay ngắn ở gần đó. Những tranh cãi liên tiếp nổ ra xoay quanh việc phá dỡ tòa nhà cũ kỹ này. Tuy nhiên, nó vẫn đang được bảo tồn nhờ vào nỗ lực của những kiến trúc sư, thương nhân xung quanh - những con người luôn trân trọng dấu vết cổ xưa. Nhiều tiệm ăn và quán rượu độc đáo, xưởng làm việc của các nghệ sĩ nghèo, cũng như sự quyến rũ của phong cảnh độc đáo góp phần thu hút khách tham quan đến nơi đây.

Con đường từng là tuyến Dangin-ri đã được chuyển đổi thành một khu thương mại sầm uất sau khi các tòa nhà xây dựng trái phép bị tháo dỡ, thay vào là các quán cà phê, quán rượu, nhà hàng cao cấp được dựng lên, và địa điểm này nổi lên như là trung tâm của khu vực Hongdae. Con đường trải dài 2km từ cửa ra số 7 ga Hongdae-ipgu hướng đến ga Sangsu hiện có tên chính thức là Eoulmadang-ro. Năm ngoái, Văn phòng Quận Mapo-gu đã chỉnh trang nó lại thành con đường chuyên phục vụ cho du lịch và đặt cái tên mới là “Red Road” (tạm dịch: “Con đường Đỏ”). Còn nhà máy nhiệt điện Dangin-ri hiện đang được tu sửa theo thiết kế Mass Studies do kiến trúc sư Minsuk Cho đứng đầu. Nó được dự kiến sẽ trở thành không gian văn hóa phức hợp bao gồm phòng triển lãm và phòng biểu diễn vào năm 2026.  

Không giống với các công viên khác, Công viên Rừng Gyeongui Line có đặc điểm là dài và xuyên qua trung tâm thành phố. Nó được xây dựng trên một tuyến đường sắt cũ vào năm 2016 và được người dân yêu mến như một nơi đi dạo và thư giãn phổ biến ở Seoul.
ⓒ Văn phòng Quận Mapo-gu

Sự khởi đầu của văn hóa Hongdae

Nhạc indie, alternative và underground là những từ tóm gọn để chỉ văn hóa Hongdae. Có thể nói văn hóa Hongdae được hình thành vào năm 1955, khi Đại học Hongik chuyển đến Sangsu-dong. Đặc biệt, sự hiện diện của Trường Đại học Mỹ thuật thuộc Đại học Hongik là nguồn động lực quyết định bản sắc của khu vực này năm 1970-1980. Trong thời kỳ này, xưởng vẽ, học viện nghệ thuật, phòng thủ công, tiệm sách chuyên về mỹ thuật, studio, phòng trưng bày đã mở cửa tại đây.

Đa phần các học viện nghệ thuật ban đầu chỉ là xưởng vẽ của sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật, sau đó chúng phát triển thành các viện. Vào khoảng năm 1986, các học viện nghệ thuật lớn chuyên luyện thi đại học mọc lên san sát hai bên đường từ Đại học Hongik đến Nhà hát nhỏ Sanwoollim. Những học viện nghệ thuật mọc lên như nấm là một trong những yếu tố làm nên cảnh quan độc đáo của khu vực phía trước Hongdae. Tuy nhiên, kể từ năm 2013, khi Trường Đại học Mỹ thuật trực thuộc Đại học Hongik bãi bỏ kỳ thi thực hành thì số lượng các học viện nghệ thuật cũng giảm dần.

Khu vực Hongdae bắt đầu thu hút sự quan tâm của công chúng và truyền thông vào đầu những năm 1990, khi các quán cà phê cao cấp mang phong cách hậu hiện đại kiểu phương Tây xuất hiện. Các phòng trưng bày phức hợp và tiệm cà phê theo chủ đề mang hơi hướng cổ xưa, trang nhã xuất hiện trên những con phố mà các nghệ sĩ văn hóa thường xuyên lui tới, làm nổi bật hình ảnh tự do và tinh tế của khu phố. Các tiệm cà phê do nghệ sĩ trực tiếp điều hành cũng tăng lên. Từ đó, một con hẻm đầy tiệm cà phê mọc lên ven đường từ cổng chính Hongdae đến Đài Phát thanh Viễn Đông (Far East Broadcasting Company) và bãi đỗ xe, cung đường này được gọi là Phố Picasso.    

Trong khi đó, văn hóa tiêu dùng lan rộng cũng gây ra nhiều nỗi lo ngại. Để đối phó với tình trạng này, sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật, Đại học Hongik đã khởi xướng ra Triển lãm Nghệ thuật Đường phố (Street Art Exhibition) từ năm 1993, nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa Hongdae và văn hóa đại học lành mạnh. Sự kiện vẽ tranh tường ở khắp nơi trong khu phố được tổ chức, tạo nên một “khu phố bích họa”.

Con phố câu lạc bộ Hongdae có các câu lạc bộ nhạc sống vốn dẫn đầu âm nhạc indie nơi này từ nửa cuối những 1990 và nửa đầu những năm 2000. Trong số đó có câu lạc bộ FF, nơi kỷ niệm 20 năm thành lập vào năm nay. Đây được biết đến như một “nhà hàng nhạc rock” với các ban nhạc trình diễn trên sân khấu như Crying Nut hoặc Seoul Electric Band. 
ⓒ Han Jung-hyun  

Chống lại sự đồng nhất

Các câu lạc bộ nhạc sống bắt đầu xuất hiện ở khu vực Hongdae từ nửa sau những năm 1990, dần đóng vai trò trung tâm trong văn hóa địa phương. Văn hóa câu lạc bộ ra đời từ sự kết hợp giữa văn hóa mỹ thuật vốn có với văn hóa tiêu dùng mới nổi. Trường hợp tiêu biểu là tiệm cà phê Kraftwerk khai trương vào năm 1992. Nơi này ban đầu là phòng thu âm của một chủ cửa hàng âm nhạc, sau đó nó phát triển thành quán bar, trở thành hình mẫu cho những câu lạc bộ khiêu vũ về sau. Kể từ năm 1994, các câu lạc bộ nhạc sống bắt đầu bùng nổ, đứng đầu là câu lạc bộ Drug với sân khấu đầy thách thức và thử nghiệm mới. Các câu lạc bộ này là cứu cánh cho những ai đang tìm kiếm văn hóa giải trí thay thế. Từ những năm 2000, nhiều lễ hội khác nhau được tổ chức quanh các câu lạc bộ này như là cách để củng cố bản sắc của câu lạc bộ.

Khu vực Hongdae-ap, nơi phát triển thành khu vực văn hóa phức hợp, đã thay đổi bản sắc thành khu vực du lịch văn hóa khi các dự án công cộng được chính phủ chính thức hỗ trợ từ sau World Cup Hàn Quốc - Nhật Bản năm 2002. Kết quả là văn hóa Hongdae đã nhanh chóng phát triển từ niềm đam mê của một nhóm nhỏ trở thành một hiện tượng phổ biến và được thương mại hóa về du lịch. Điều này cũng có tác dụng phụ. Nó khiến giá thuê nhà tăng cao, dẫn đến một phong trào bảo vệ rạp chiếu phim nhỏ có nguy cơ đóng cửa hoặc phòng biểu diễn có nguy cơ bị phá dỡ. Mặt khác, các lễ hội underground trên nhiều lĩnh vực khác nhau đã được tổ chức tại đây, chẳng hạn như Lễ hội Seoul Fringe, Lễ hội Nghệ thuật Thử nghiệm Hàn Quốc, Lễ hội Sách Seoul Wow.

Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực như vậy, dòng vốn lớn đổ vào dẫn đến nhiều không gian văn hóa bị đóng cửa. Các chủ thể đóng vai trò chính trong việc định hình văn hóa Hongdae liên tục biến mất. Thế nhưng, ngay cả trong cuộc khủng hoảng này, văn hóa Hongdae vẫn đang thay hình đổi dạng, chống lại sự đồng nhất về mặt thương mại. Đó là vì sự tồn tại của tiềm lực văn hóa vốn đã được tích lũy trong thời gian dài. Các nhà sản xuất văn hóa hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau liên tục tổ chức lại hệ sinh thái văn hóa Hongdae. Nhờ vào đó, “dáng vẻ Hongdae” không hề mất đi mà sẽ còn tiếp diễn.

Lee Mu-yong - Giáo sư Viện Đào tạo Sau đại học Văn hóa, Đại học quốc gia Chonnam
Ảnh. Han Jung-hyun
Dịch. Lê Thị Phương Thủy

전체메뉴

전체메뉴 닫기