메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

Art Review

2020 AUTUMN

Văn hoá và Nghệ thuật

BÌNH LUẬN NGHỆ THUẬT Âm nhạc thấm nhuần vào cơ thể Âm nhạc tiếp cận toàn cầu

Bằng cách thổi hơi thở hiện đại vào truyền thống, những nghệ sĩ trẻ tài năng và nhiệt huyết đã sáng tạo nên thế giới âm nhạc quốc nhạc gukak mới đầy cá tính, trở thành một bộ phận nổi bật của làn sóng Hàn Quốc hoàn toàn khác biệt với K-pop. Nền tảng của thế giới này được xây dựng dựa trên kỹ năng xuất chúng của các danh ca đã đứng trên sân khấu từ rất lâu, cùng với sự nỗ lực thầm lặng của những nhà sản xuất tài ba.

Câu chuyện xảy ra cách đây khá lâu, khi tôi đang đi cùng đoàn lưu diễn ở nước ngoài. Sau buổi diễn, đoàn chúng tôi quyết định đi dã ngoại. Để tận hưởng đêm xuân trên sa mạc, tất cả cam kết với nhau “riêng hôm nay, dù là nghệ thuật hay sân khấu, đều phải quên hết”, nói rồi ai cũng cảm thấy nhẹ nhõm và thoải mái. Chúng tôi vô cùng phấn khích vừa chạy vừa ngân nga các điệu hát, cuối cùng dừng chân ở một “dòng suối mát”. Khi ngâm chân xuống suối, tất cả chúng tôi đều bất ngờ bởi nước ở đây rất ấm. Khoảnh khắc nhớ ra mình đang ở Ả Rập, thì chúng tôi nghe được tiếng nhạc xập xình từ bờ suối bên kia vang đến. Lúc ngẩng lên, chúng tôi phát hiện ra vài cậu bé đang vây quanh một vật gì đó và tạo ra nhịp điệu vô cùng sôi động. Mặc dù quyết tâm không nghĩ đến chuyện hát múa nữa, nhưng chẳng hiểu từ lúc nào mà chúng tôi đã lần lượt đến gần và bắt đầu nhún nhảy theo nhịp trống của những đứa trẻ. Đó là một chiếc trống rất cũ, chắc là được nhặt từ đâu đó về. Phần lời hát chỉ vỏn vẹn hai câu “as-salamu alaykum” (mong hạnh phúc đến với bạn) và “shukran” (cảm ơn bạn) nhưng cũng đủ làm cho chúng tôi cười nói suốt buổi.

Tiết mục “Toàn vũ hủ vũ” (The Perfect and Precious Dances by Virtuosos), một phần của Liên hoan Múa Quốc tế Seoul lần thứ tám, được biểu diễn tại nhà hát CJ Towol của Trung tâm Nghệ thuật Seoul, quy tụ sáu vũ công hàng đầu, đã thể hiện vẻ đẹp và sức mạnh của múa truyền thống Hàn Quốc. Đây là bốn trong sáu người, từ trái sang: Kim Su-ak (1926-2009), Kim Deok-myeong (1924-2015), Kang Seon-yeong (1925-2016) and Lee Mae-bang (1927-2015). © NewsBank

Kim Hae-sook biểu diễn "Gayageum Sanjo" với tứ tấu đàn dây của Đại học Âm nhạc Franz Liszt Weimar tại Liên hoan Rudolstadt vào tháng 7 năm 2014. Cô là người Hàn Quốc đầu tiên mở màn cho Lễ hội Âm nhạc thế giới của Đức. © Jeonju International Sori Festival

Sân khấu của những vũ công bậc thầy
“Toàn vũ hủ vũ” (The Perfect and Precious Dances by Virtuosos) – là tên gọi của tiết mục múa trình diễn vào năm 2005, hội tụ sáu vũ công hàng đầu ở độ tuổi 80, những người có vũ đạo hoàn hảo nhất thế giới. Các nhạc công nổi tiếng chơi nhạc cho tiết mục này trải chiếu ngồi thành hàng dài trên sân khấu, tạo ra những giai điệu khơi gợi vũ đạo từ bên trong cơ thể của người nghệ sĩ. Tiết mục ra mắt lần đầu tại Liên hoan múa quốc tế Seoul (SIDance) lần thứ tám, được dàn dựng bởi đạo diễn nghệ thuật truyền thống Jin Ok-sub, hiện là Tổng giám đốc của Quỹ Di sản Văn hóa Hàn Quốc.

Hôm đó, ngay tại sân khấu, phó đạo diễn Gisèle Depuccio của chương trình Liên hoan Múa Montpellier của Pháp (Festival Montpellier Danse) đã quyết định mời vũ đoàn đến tham gia liên hoan và nhanh chóng đặt tên cho phần trình diễn này là “Báu vật sống” (Trésors Vivants). 2006 cũng là dịp kỷ niệm 120 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Hàn-Pháp, do đó Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch Hàn Quốc đã chi trả vé máy bay và vận chuyển hành lý, Ban tổ chức Liên hoan tài trợ hoàn toàn kinh phí biểu diễn và các kinh phí khác để vũ đoàn sang Pháp diễn tại hai thành phố Montpellier và Chateau Vallon.

Tuy nhiên, thời gian lại không chiều lòng các vũ công. Chưa đầy một năm sau chuyến lưu diễn đó, vài người trong số họ đã lên thiên đường. Tuổi thọ trung bình của vũ đoàn giảm xuống do sự thay đổi về nhân sự, nhưng phải như thế thì mới có thể lên đường để diễn tiếp. Cuối cùng thì đoàn cũng kết thúc việc lưu diễn tại nhà hát Opéra Comédie ở Quảng trường Montpellier, hôm ấy, rất đông khán giả Pháp tập trung trước nhà hát và nói rằng họ sẽ không về nhà. Vũ đoàn rất mệt, nhưng không còn cách nào khác, mọi người đông thế kia thì phải mở tiệc để vui với họ. Ban nhạc trợ diễn Noreum Machi bắt đầu biểu diễn madang nori (sân khấu truyền thống ngoài trời).

Các đài truyền hình địa phương, cũng như Le Monde tập trung phỏng vấn vũ công-nông dân Lee Yun-seok, người mà sau khi tưới nho thì chạy ra ruộng lúa đã gặt để nhún nhảy, rồi quay lại nhà kính làm việc. AFP không ngừng đăng tải các bức ảnh múa hạc đầy nam tính của vũ công Kim Deok-myung. Một nhân viên của nhà hát trước những vũ điệu salpuri của Jang Geum-do, đã rưng rưng và nói: “Linh hồn người mẹ đã mất của tôi chắc sẽ được an ủi”. Như thế cũng đủ thấy bữa tiệc vui đến mức nào.

“Gayageum Sanjo: École Choi Ok-Sam” do Ocora Radio France sản xuất vào năm 2012. Harmonia Mundi đã phát hành album tại hơn 60 quốc gia, giới thiệu nhạc cụ sanjo đến thế giới.

“Chant Arirang et Minyo” do Đài phát thanh Ocora Pháp phát hành năm 2014, bao gồm các bài hát của Lee Chun-hee, ca sĩ bậc thầy chuyên hát dân ca vùng Gyeonggi.

Lee Chun-hee hát trong buổi hòa nhạc chung của các nghệ sĩ danh tiếng tại Cung điện Deoksu, do Qũy Di sản Văn hóa Hàn Quốc tổ chức vào tháng 4 năm 2011. © Yonhap News Agency

Ban nhạc gugak kết hợp Jambinai biểu diễn tại Palác Akropolis, Prague, Czech vào tháng 4 năm 2017. Phía trước từ trái sang: Kim Bo-mi chơi haegeum, Lee Il-woo chơi guitar và Shim Eun-yong chơi geomungo. Phía sau là Yoo Byeong-gu chơi guitar bass. © Song Jun-ho

Một cảnh trong "North Korean Dance" (tạm dịch: Vũ điệu Bắc Hàn), được công diễn bởi Công ty Ahn Eun-me tại Nhà hát Nghệ thuật Arko, Seoul vào năm 2018. Tác phẩm này được chọn là sự kiện theo mùa của Théâtre de la Ville of Paris vào năm 2019 và cũng là vở bế mạc của Lễ hội Pays de Danses, do Théâtre de Liège của Bỉ tổ chức vào tháng 2 năm 2020. © Gadja Productions

Uy tín quốc tế
Trên trang mua sắm trực tuyến Amazon, người mua có thể tìm thấy các album kiệt tác mà những người sành nhạc Hàn Quốc đang lùng sục. Năm 2012, hãng thu âm uy tín thế giới OCORA Radio France đã sản xuất ra đĩa nhạc “Corée: Gayageum Sanjo - Ecole Choi Ok-Sam” gồm các tiết mục của ba nghệ sĩ danh tiếng: Kim Hae-sook biểu diễn gayageum, Lee Jae-hwa biểu diễn geomungo, Kim Yeong-il biểu diễn ajaeng. Đĩa nhạc này đã đạt được giải thưởng từ các nhà phê bình âm nhạc Anh, Đức, do đó, sẽ không quá lời khi nói rằng âm nhạc Hàn Quốc đã thu hút được những người yêu nhạc quốc tế.

Cùng năm đó, nghệ sĩ hát dân ca Gyeonggi nổi tiếng Lee Chun-hee đã trình diễn bài “Arirang” tại trụ sở của Unesco tại Paris nhân dịp bài hát này được đăng ký là Di sản Văn hóa phi vật thể Thế giới. Năm 2014, Liên hoan Festival de l'Imaginaire, nơi mà hầu hết các nghệ sĩ Hàn Quốc đều khao khát, mời Lee đến biểu diễn trên sân khấu khai mạc. Phải chăng khi đứng trên đỉnh vinh quang sau bao cố gắng, phải đổ cả máu thì ngay cả hơi thở cũng trở thành nghệ thuật? Sân khấu quyền lực nhất thế giới mà rất nhiều thế hệ hậu bối chưa từng đặt chân đến đã mở ra thật dễ dàng như thế đối với danh ca Lee. Tuy nhiên, thành quả này có được không phải chỉ dựa trên năng lực của người nghệ sĩ. Ngay cả người quản lý đã mở ra cơ hội cho các nghệ sĩ đến với Liên hoan Rudolstadt (Rudolstadt-Festival), Ngôi nhà Văn hóa Thế giới (Maison de la Culture du Monde) cũng khước từ lời khen và nói, “Tôi chỉ làm sao để tài năng tích lũy cả đời của những bậc thầy được công nhận, với tôi thế là đủ”. Dù vậy, cũng không thể phủ nhận rằng, tất cả thành quả đó sẽ không thể đạt được nếu như không có sự tín nhiệm từ quốc tế mà giám đốc đại diện của Just Music & Publishing, giám đốc sản xuất người Hàn Quốc duy nhất ở đài Radio France, Kim Sun-kook nỗ lực tạo nên.

Âm nhạc Hàn Quốc hiện nay vẫn luôn chào đón sự xuất hiện của những tài năng mới, còn những công ty quản lý của làng âm nhạc không biên giới đã tinh mắt phát hiện ra những nhân tài này thì lại đang đếm từng ngày chờ đến lúc họ có thể bay xa.

Âm nhạc Hàn Quốc được thế giới yêu thích
Hàng năm đều có rất nhiều sự kiện chuyên về âm nhạc diễn ra khắp nơi trên thế giới. Chỉ vài tháng trước đây, tôi đã rất lo vì không thể đáp ứng được hết nhu cầu hỗ trợ vận chuyển của các tổ chức có lịch lưu diễn nước ngoài. Bằng cách đưa các yếu tố hiện đại vào nghệ thuật truyền thống, các nghệ sĩ trẻ đã có công lớn khi giúp cho sân khấu nước ngoài chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong phân phối sản phẩm nghệ thuật, cũng như tác phẩm của Hàn Quốc được dịch sang những thứ tiếng khác nhau trên thế giới.

Tiêu biểu cho việc kết hợp hiện đại và truyền thống là Jambinai. Ban nhạc này đã lồng ghép nhạc rock gần giống heavy metal vào gukak, đã gây sốc cho làng nhạc thế giới và được đánh giá là “không phải đi theo trào lưu mà là dẫn đầu trào lưu”, ban nhạc này nổi tiếng đến mức gặp họ trong nước còn khó hơn là ở nước ngoài. Jambinai đã làm thay đổi quan điểm về giao lưu quốc tế của những nghệ sĩ hậu bối và giới nghệ thuật đang hoạt động trong nước khi tiếp cận được nhiều thị trường phân phối nghệ thuật đa dạng, ký hợp đồng với các hãng thu danh tiếng. Thành công của Jambinai đã tiếp sức cho nhiều nghệ sĩ trẻ ngày nay bắt tay với các chuyên gia để tiếp cận sân khấu một cách có hệ thống hơn.

Lĩnh vực tiến ra nước ngoài mạnh mẽ và dễ dàng nhất là thể loại âm nhạc không biên giới (world music), trong đó có fusion gukak (gukak kết hợp). Nghệ sĩ đầu tiên chạm tay đến sân khấu thế giới và được đón nhận có thể kể đến Ahn Eun-me. Ahn học múa truyền thống Hàn Quốc, sau đó trong thời gian du học ở New York, cô chuyển sang hoạt động với tư cách là nghệ sĩ múa đương đại. Sân khấu ra mắt của Ahn Eun-me là sự kết hợp hài hòa giữa các mảng màu rực với những chuyển động nhanh mạnh. Mỗi tác phẩm của cô đều hàm chứa một câu chuyện nào đó, khi biểu diễn, cô không ngừng giao lưu và tương tác với khán giả để truyền đến họ thông điệp “chúng ta cùng hạnh phúc”. Nhà sản xuất âm nhạc Pháp, Jean-Marie Chabot, cho biết “Khi tôi xem các tác phẩm của cô ấy, tôi cảm thấy lòng mình ấm áp và vui hơn”, lý do khiến ông đặc biệt chú ý và cố gắng hỗ trợ Ahn Eun-me trở thành nghệ sĩ quốc tế chính là thông điệp trong hoạt động của cô.

Ngoài ra, không thể không nhắc đến ca sĩ Lee Hee-moon, học trò của danh ca Lee Chun-hee. Lee Hee-moon đã vận dụng hình thức sân khấu và triết lý của người dẫn đầu đột phá Ahn Eun-me vào trong dân ca để sáng tạo nên thể loại “âm nhạc để xem”, vì vậy anh còn nổi tiếng với biệt danh là “idol thời Joseon”. Khẩu hiệu quen thuộc của Lee Hee-moon với khán giả trong vai trò ca sĩ chính là “Cùng chơi hết mình nào!”, nhưng bên cạnh đó, anh còn là một diễn viên thấm nhuần phong cách biểu diễn mạnh mẽ của Ahn Eun-me trên sân khấu. Mang tất lưới, đi giày cao gót, khoác lên mình bộ váy lấp lánh, cộng thêm bộ tóc giả với đa dạng các màu hồng, vàng, xanh, Lee biểu diễn mà như đang trêu đùa tinh quái cùng khán giả. Sự kiện ban nhạc Ssing Ssing do anh hát là nhóm nhạc Châu Á duy nhất được mời đến tham dự globalFEST 2017 tổ chức tại New York đã trở thành chủ đề nổi bật khi đó. Ssing Ssing ra mắt khán giả với màn trình diễn vô cùng phá cách, có thể ví như “Lady Gaga của làng dân ca”, và được tờ New York Times hết lời khen ngợi, cho rằng “Thành tựu lớn nhất của globalFEST năm nay chính là Ssing Ssing (Lee Hee-moon)”. Năm 2019, ban nhạc này xuất hiện trong chương trình ca nhạc Tiny Desk Concert của đài phát thanh NPR, Mỹ, nơi mà các ca sĩ nổi tiếng như Adele và John Legend đã từng góp mặt. Vì đây là lần đầu tiên các nghệ sĩ Hàn Quốc được tham gia chương trình này nên đã thu hút được hơn một triệu hai trăm nghìn lượt xem trên kênh Youtube.

Ca sĩ Lee Hee-moon (giữa) thành lập nhóm nhạc dự án OBANGSINGWA (OBSG; nghĩa là “Cùng với các vị thần ngũ phương”) với bộ đôi hát dân ca NomNom và ban nhạc Heosongsewol (“Phí thời gian”). Lee và Shin Seung-tae (trái) từ NomNom là thành viên của nhóm nhạc SsingSsing, từng gây xôn xao với màn trình diễn vào năm 2019 tại NPR’s Tiny Desk Concerts ở Washington, D.C. © Kwak Ki-gon

Nhắm đến sân khấu số hóa
Âm nhạc Hàn Quốc ngày nay vẫn luôn chào đón sự xuất hiện của những tài năng mới, còn những công ty quản lý của làng âm nhạc không biên giới (world music) đã tinh mắt phát hiện ra những nhân tài này thì lại đang đếm từng ngày chờ đến ngày họ có thể bay xa. COVID-19 thay đổi thế giới chỉ sau một đêm. Giờ đây, chúng tôi đang cân nhắc xem nên sử dụng nền tảng kỹ thuật nào để chia sẻ những bài hát hay, những điệu múa mê hoặc cho mọi người xem. Chúng tôi không có đủ nguồn tài chính sánh ngang với Netflix, vẫn chưa có đủ trình độ kỹ thuật để có thể nắm bắt được các video sử dụng công nghệ thực tế ảo mở rộng (XR). Khán giả nhớ sân khấu ngoại tuyến (offline) sẽ có thể chờ được đến khi nào, đó vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Mặc dù vậy, đối với những người nghệ sĩ đã góp sức đưa tên tuổi của Hàn Quốc ra thế giới, luôn khao khát các tràng vỗ tay, mồ hôi đổ và tay vẫn chưa rời micro và nhạc cụ, chúng ta hãy cho họ thêm thời gian, chờ đến ngày họ bước ra khỏi màn hình và truyền tải nguyên vẹn cảm xúc của sân khấu thực tế đến khán giả toàn cầu.

Kim Shin-ah Giám đốc Quỹ Nhà hát Quốc gia Hàn Quốc
Dịch. Nguyễn Xuân Thuỳ Linh

전체메뉴

전체메뉴 닫기