메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

Lifestyle

2020 AUTUMN

Đời sống

PHONG CÁCH SỐNG TỪ CƠM ĂN LIỀN ĐẾN MÓN ĂN CỦA ĐẦU BẾP TRỨ DANH

“Thực phẩm thay thế bữa ăn gia đình” (Home meal replacement) là một hình thức thực phẩm giản tiện ban đầu chủ yếu được các hộ gia đình độc thân cũng như các bà nội trợ ưa thích, và giờ đây tầng lớp tiêu thụ loại thực phẩm này đang có xu hướng ngày càng được mở rộng. Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp thực phẩm giản tiện đang phát triển với tốc độ nhanh chóng do số người đam mê ẩm thực muốn được dễ dàng thưởng thức những món ăn cao cấp tại nhà cũng như những người hạn chế ra ngoài do đại dịch Corona-19 đang ngày càng gia tăng.

Cơm ăn liền, có thể hâm bằng lò vi sóng, được ra mắt vào năm 1996, góp phần cho sự ra đời của thị trường thực phẩm giản tiện. Tuy ban đầu không được nhiều người tiêu dùng ủng hộ, nhưng hiện nay cơm ăn liền đã trở thành sản phẩm bán chạy ổn định với nhiều thương hiệu khác nhau và lượng mua ở nước ngoài cũng tăng lên. © CJ Cheiljedang

Một hôm trên đường đi làm về, tôi nhìn thấy tờ rơi dán trên cửa nhà. Lẽ ra bình thường tôi sẽ không để ý và vứt nó vào thùng rác, nhưng cụm từ "có giao cơm nhà nấu" đập ngay vào mắt tôi. Trên tờ quảng cáo, thực đơn cho cả tháng với nhiều món ăn kèm đa dạng được giới thiệu cùng với những bức ảnh minh hoạ nhỏ bên cạnh. Nếu bạn gọi một vài món trong số đó, họ sẽ mang đến tận nhà ngay.

“Mình có nên đặt hàng thử không nhỉ?”

Tôi cảm thấy dao động. Các cặp vợ chồng đi làm chưa có con thường xuyên ngồi dùng bữa tối với nhau hai đến ba lần một tuần không tính những ngày cuối tuần, và thậm chí có những ngày một trong hai người đi làm về muộn, họ ăn luôn ở ngoài rồi mới về nhà hoặc nhờ đến dịch vụ giao thức ăn. Gần đây, do dại dịch COVID-19 ngày càng lan rộng, tôi thường xuyên dùng cơm ở nhà vì ngại phải ra ngoài. Tuy nhiên, không thể cứ lần nào cũng gọi đồ ăn như vậy, nên tôi thường xuyên sử dụng dịch vụ thực phẩm giản tiện thay thế bữa cơm gia đình. Vì lượng thức ăn tiêu thụ của chúng tôi không nhiều, nên việc sử dụng loại hình thực phẩm này dường như hợp lý hơn cách mua nguyên liệu về chất đầy trong tủ lạnh cho đến lúc chúng bị hư. Ngoài ra, chúng tôi còn có thể giảm bớt thời gian làm việc nhà, nên đây là phương án vô cùng hợp lý cho những phụ nữ đi làm như tôi.

Người mua hàng đang xem sản phẩm tại một quầy thực phẩm giản tiện. Các món hầm, súp và nước dùng là thành phần thiết yếu cho chế độ ăn kiêng của người Hàn Quốc nhưng đòi hỏi nhiều thời gian chuẩn bị. Sản phẩm RTH (sẵn sàng để hâm nóng) giúp rút ngắn thời gian làm bếp đáng kể. © NewsBank

Hai sản phẩm canh hầm này, chỉ cần mở ra và hâm nóng bằng lò vi sóng là có thể thưởng thức ngay. © Mom’s Touch

Sản phẩm được yêu thích nhất trên thị trường thực phẩm giản tiện gần đây là các món ăn kiểu nhà hàng. Những người hay tìm kiếm các quán ngon để thưởng thức mĩ vị, giờ đây phải hạn chế đi ra ngoài do sự bùng phát của đại dịch COVID-19. Họ bắt đầu tìm cách thưởng thức các món ăn yêu thích của các nhà hàng ngon một cách dễ dàng tại nhà.

Sự ra đời của cơm ăn liền
Gần như không có gia đình nào chưa từng mua thử thực phẩm giản tiện thay thế bữa ăn gia đình. Thực phẩm giản tiện là một loại thực phẩm được sơ chế và đóng gói rất tiện lợi, chỉ qua vài thao tác nấu nướng đơn giản là có thể ăn được ngay. Có rất nhiều loại thực phẩm giản tiện nhưng về tổng thể, có chia thành 4 loại chính tuỳ theo cách nấu. Đó là RTE (Ready to Eat: sẵn sàng để ăn) - có thể ăn ngay không cần phải qua nấu nướng, RTH (Ready to Heat: sẵn sàng để hâm nóng) - có thể ăn sau khi hâm nóng, RTC (Ready to Cook: sẵn sàng để nấu) – có thể ăn sau khi nấu đơn giản, RTP (Ready to Prepare: sẵn sàng để chuẩn bị) - nấu đơn giản với các nguyên liệu đã được chuẩn bị sẵn. Gần đây, gói thực phẩm sơ chế sẵn (meal kit) theo kiểu RTC, RTP đang rất được ưa chuộng vì với loại hình này, chúng ta có cảm giác mình đã nấu được món gì đó.

Theo “Khảo sát sinh hoạt ăn uống của người Hàn Quốc” do Tập đoàn What's Next của Nielsen Korea công bố vào năm 2018, các hộ gia đình độc thân mua thực phẩm giản tiện 3 lần một tuần và các hộ gia đình 2 người trở lên mua 2 lần một tuần. Ngoài ra, công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor cũng cho biết quy mô thị trường thực phẩm giản tiện Hàn Quốc tăng trưởng từ 1,02 nghìn tỷ won vào năm 2014 lên 1,95 nghìn tỷ won vào năm 2019 và dự kiến sẽ tăng lên 2,91 nghìn tỷ won vào năm 2024.

Sản phẩm đầu tiên khai phá thị trường này là cơm ăn liền. Khi cơm ăn liền được ra mắt lần đầu tiên vào năm 1996, phần lớn mọi người vẫn còn bị ràng buộc trong định kiến cho rằng cơm phải được nấu ở nhà và họ phản ứng theo kiểu "Ai mua cơm trắng về ăn chứ?". Một người mẫu nổi tiếng xuất hiện trong quảng cáo, liên tục nhấn mạnh đến sự tiện lợi của cơm ăn liền, nhưng điều này cũng không thể thay đổi suy nghĩ cho rằng cơm ăn liền không tốt cho sức khỏe. Sản phẩm cơm ăn liền phải mất một thời gian đáng kể mới giành được vị trí trong đời sống ẩm thực của chúng ta như hiện nay. Khi các phản ứng tiêu cực đối với thực phẩm chế biến ngày càng giảm đi, ngày nay chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy nhiều loại cơm ăn liền đa dạng tại các siêu thị. Các món ăn đa dạng như canh, súp, món hầm, món ăn kèm… lần lượt ra đời, và chúng ta có thể chuẩn bị một bàn tiệc thịnh soạn với những thực phẩm giản tiện này.

Những người muốn tìm kiếm sự thư giãn và thoả mãn trong nấu ăn có thể chọn gói thực phẩm RTP (sẵn sàng để chuẩn bị). Gần đây, các loại thực phẩm cao cấp được các đầu bếp kỳ cựu chuẩn bị sẵn đang thu hút sự quan tâm của các tín đồ ẩm thực, giúp họ thưởng thức các món ăn cầu kì mà không cần mua nguyên liệu, cắt lát hay cắt hạt lựu. © CJ Cheiljedang

Bộ bữa ăn kiểu cơm nhà Hàn Quốc được giới thiệu trong một sự kiện quảng bá thực phẩm giản tiện, được tổ chức tại CJ Injaewon ở Seoul vào tháng 10 năm 2017. Ban đầu, dòng sản phẩm này nhắm mục tiêu đến các hộ gia đình độc thân và phụ nữ đi làm, thực phẩm giản tiện nấu sẵn đang ngày càng thu hút sự quan tâm của người lớn tuổi, tầng lớp tiêu dùng trước đây từng có thái độ tiêu cực đối với thực phẩm nấu sẵn. © Yonhap News Agency

Món ăn quán ngon nổi tiếng
Trong thời kì đầu, thực phẩm giản tiện chủ yếu tập trung vào các món ăn Hàn Quốc, nhưng trong những năm gần đây, nó đã phát triển thành dòng sản phẩm cao cấp. Thương hiệu thực phẩm giản tiện của công ty CJ Cheiljedang đang được nghiên cứu và phát triển bởi 13 bếp trưởng kỳ cựu đã làm việc hơn 10 năm trong các khách sạn 5 sao, bao gồm các món ăn quốc tế đa dạng đang được giới trẻ yêu thích như gambas al ajillo (tôm chiên tỏi Tây Ban Nha), pad Thái (món mì xào Thái Lan) và oyakodon (cơm gà trứng của Nhật). Korea Yakult, công ty bước vào thị trường thực phẩm sơ chế sẵn khá sớm, cũng đang tập trung dốc sức vào việc phát triển các món ăn giản tiện mang phong cách bếp trưởng để người tiêu dùng có thể dễ dàng thưởng thức ngay tại nhà. Thương hiệu này bắt đầu cho ra mắt những món ăn đặc trưng của các đầu bếp trứ danh từ cách đây vài năm, và gần đây được người yêu thích ẩm thực đánh giá tích cực khi đưa ra thị trường món thịt cừu, món ăn rất khó nấu tại nhà, với hình thức thực phẩm giản tiện.

Sản phẩm được yêu thích nhất trên thị trường thực phẩm giản tiện gần đây là các món ăn kiểu nhà hàng. Những người hay tìm kiếm các quán ngon để thưởng thức mĩ vị ẩm thực, giờ đây phải hạn chế đi ra ngoài do sự bùng phát của đại dịch Corona. Họ bắt đầu tìm cách thưởng thức các món ăn yêu thích của các nhà hàng ngon một cách dễ dàng tại nhà. Hiện nay, các món ăn giản tiện này được đảm bảo có vị ngon không khác gì những món ăn tiêu biểu tại các nhà hàng nổi tiếng, đồng thời lại được đảm bảo vệ sinh, nên số lượng người sử dụng loại hình sản phẩm này ngày càng gia tăng đáng kể. Theo phân tích của Market Kurly, công ty phát triển mạnh trong lĩnh vực giao hàng nguyên liệu thức ăn và thực phẩm giản tiện, doanh thu mặt hàng thực phẩm giản tiện theo phong cách nhà hàng trong 6 tháng đầu năm 2020 tăng đến 175% so với cùng kỳ năm ngoái. Market Kurly cung cấp nhiều loại sản phẩm như galbitang (súp sườn bò), makchang (lòng bò nướng), naengmyeon (mì lạnh) và ssalguksu (mì gạo) của các nhà hàng nổi tiếng trên cả nước.



Phong cách sống của thế hệ Millennials
Lí do thị trường thực phẩm giản tiện phát triển mạnh được như vậy là do sự gia tăng số hộ gia đình độc thân và các cặp vợ chồng cùng đi làm, cũng như sự phổ biến của phong cách sống thế hệ Millennials. Thế hệ Millennials nói đến những người sinh ra từ những năm 1980 đến đầu những năm 2000 và điểm cần phải lưu ý ở đây là sự ra đời của các “gia đình Millennials” khi thế hệ này bước vào tuổi kết hôn. Một trong những từ khoá quan trọng để diễn tả phong cách sống của thế hệ này là “tính hiệu quả”. Thế hệ Millennials muốn tự tay mình nấu những bữa ăn ngon, nhưng không thích các công đoạn rườm rà tốn thời gian như đi chợ và chuẩn bị nguyên liệu nấu nướng. Do đó, họ tìm đến dòng sản phẩm thức ăn giản tiện, và đặc biệt, gói thức ăn với nguyên liệu được làm sẵn giúp họ giảm thiểu sự bất tiện và tận hưởng niềm vui nấu nướng ở một mức độ nào đó. Mặt khác, ngôi nhà ngày nay đang đóng một vai trò vô cùng quan trọng, là yếu tố gián tiếp thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường thực phẩm giản tiện. Trong bối cảnh đại dịch Corona vẫn đang kéo dài, ngôi nhà trở thành không gian cho tất cả các loại hoạt động như làm việc, học tập, giải trí… Chúng ta lắp phòng chiếu phim gia đình, thưởng thức hình ảnh và âm thanh không kém gì ngoài rạp phim, và còn tạo ra không gian để tập luyện sức khoẻ trong ngôi nhà của mình.

Trong tình hình phải ăn cơm nhà thường xuyên như hiện nay, thức ăn giản tiện là một giải pháp thay thế quan trọng giúp chúng ta có được bầu không khí như khi đi ăn nhà hàng. Đối với những món ăn cần phải chuẩn bị nhiều nguyên liệu cầu kì như sukiyaki, cá hồi hay cá ngừ ngân tương, và yangjangpi (hỗn hợp hải sản, thịt và rau với nước sốt mù tạt), chúng ta có thể dễ dàng làm theo thứ tự hướng dẫn được ghi sẵn trên tấm giấy nhỏ đính kèm với gói nguyên liệu sơ chế sẵn với lượng vừa đủ.

Điểm nhấn của thực phẩm giản tiện thay thế bữa ăn gia đình trong thời kì đầu chính là sự giản tiện và mức giá cạnh tranh. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tầng lớp tiêu dùng của loại thực phẩm này đang mở rộng sang đối tượng hộ gia đình nhiều người, và có xu hướng mở rộng sang cả tầng lớp người lớn tuổi, do đó các món ăn cao cấp với giá tương đối cao cũng đang trở thành mặt hàng bán rất chạy. Hình thức thực phẩm giản tiện này có thể sẽ được phát triển mở rộng ra nhiều loại sản phẩm đa dạng hơn nữa, chẳng hạn như thức ăn dặm cho em bé, thức ăn dạng lỏng cho bệnh nhân... Chúng ta vẫn phải chờ xem thực phẩm giản tiện vươn xa phát triển đến đâu, chứ không chỉ tồn tại ở khái niệm của một bữa ăn đơn thuần như hiện nay. 

Choi Ji-hye Nghiên cứu viên Trung tâm Phân tích xu hướng tiêu dùng, Đại học Quốc gia Seoul
Dịch. Nguyễn Ngọc Trâm Oanh

전체메뉴

전체메뉴 닫기