메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

Entertainment

2019 SPRING

ĐỜI SỐNG

GIẢI TRÍ Sự xuất hiện của các zombie kiểu Hàn Quốc

Nếu nhìn vào thị hiếu của khán giả phim điện ảnh trong nước, những người thường ưa thích các chủ đề thực tế thì nội dung phim gần đây nói về xác sống (zombie) đã thu hút được nhiều sự quan tâm và tạo ra hiện tượng mới lạ. Vẫn còn khá sớm để thấy rằng đây là một thể loại phim truyền hình hay điện ảnh lôi cuốn được khán giả trẻ, tuy nhiên nó lại lôi cuốn một số nhà sản xuất phim nước ngoài do cách thể hiện và diễn giải đặc biệt của mình.

Trong thời gian vừa qua, đa số khán giả trong nước đều coi zoombie là thể loại phim loại B – loại phim mà chỉ số ít người ưa thích. Chính vì suy nghĩ đó nên chỉ có bộ phim “I am Legend” (tạm dịch “Tôi là huyền thoại”, 2007), tác phẩm được người hâm mộ trên toàn thế giới đánh giá chất lượng cao mới khiến số người xem tại Hàn Quốc lên tới 2,64 triệu người. Ngoài ra, “World War Z” (tạm dịch “Thế chiến Z”, 2013), vốn là bộ phim zombie bom tấn cũng thu hút khoảng 5,3 triệu người xem. Trong khi đó nhiều bộ phim đã thay đổi đáng kể nhận thức của khán giả trong nước về tác phẩm điện ảnh có nội dung xác sống kể từ năm 2016. Bộ phim “Train to Busan” (tạm dịch “Chuyến tàu sinh tử”) vượt mốc 11,6 triệu khán giả đã tuyên bố sự ra đời của các zoombie Hàn Quốc và thu hút sự chú ý của nước ngoài.

Bộ phim truyền hình “Kingdom” (Vương triều xác sống) được quảng bá trên kênh Netflix vào tháng 1 năm 2019 đã được săn đón nhiều hơn ở nước ngoài. Những người hâm mộ nước ngoài có vẻ như ấn tượng rất nhiều với cảnh đẹp của Joseon cũng như các lâu đài, cung điện ở đây. © Netflix

Một cách thể hiện mới lạ
Thành công lớn của bộ phim này phần lớn nhờ vào góc nhìn độc đáo trong việc thể hiện hình ảnh zombie. Sau bộ phim “The Host” (tạm dịch “Quái vật sông Hàn”, 2006), các bộ phim trong nước về đề tài thảm họa như “Ký sinh trùng” (2012), “Đại dịch cúm” (2013) đã nhận được sự đồng cảm của công chúng theo cách chứa đựng quan điểm phê phán về một hệ thống chính phủ không thể đối phó tình huống kịp thời. Bộ phim “Chuyến tàu sinh tử” cũng không khác với thực tế là bao khi người dân phải đứng lên chiến đấu trực tiếp với sự hoành hành của các zombie thay cho một hệ thống xã hội của chính phủ không thể kiểm soát hiệu quả.

Tuy vậy, hình ảnh zombie xuất hiện trong bộ phim này được xây dựng nên có phần giống như những người dân nghèo đói khốn khổ. Lúc đầu, chúng xuất hiện như những “kẻ ăn thịt” hoàn toàn xa lạ, tạo ra sự sợ hãi, nhưng rồi khán giả lại cảm thấy thương xót khi nhận ra rằng, một số “chúng ta” buộc phải trở thành thây ma trong những tình huống không thể tránh khỏi. Đây chính là đặc điểm độc đáo của cái gọi là “zombie kiểu Hàn Quốc”.

Lịch sử Hàn Quốc hiện đại đã được lồng ghép trong bộ phim “Chuyến tàu sinh tử”. Đoàn tàu cao tốc khởi hành tới Busan giống như sân khấu của bộ phim, được coi như là không gian tượng trưng cho “Speed Korea”, một phần của sự phát triển công nghiệp tốc độ cao. Bầy zombie chen chúc nhau trong đoàn tàu đóng kín gợi nhớ lại các phong trào tập thể mà chúng ta đã được chứng kiến trong sự kiện lịch sử của đất nước hay những hình ảnh về văn hóa đám đông. Hình ảnh người dân tràn ngập đường phố la hét dân chủ hóa hay hò reo cổ vũ cho sự kiện Worldcup Hàn Quốc–Nhật Bản năm 2002, hoặc thậm chí cả hình ảnh những người lính trong chế độ độc tài quân sự đều được liên tưởng từ hình ảnh zombie.

Việc thử nghiệm thể hiện zombie theo các cách khác nhau cũng xuất hiện trong cả các bộ phim nước ngoài. Nhân vật chính “Zombie R” của bộ phim “Warm Bodies” (tạm dịch “Tình yêu Zombie”, 2013) được mô phỏng là một chàng trai đang cố gắng giữ cô gái xinh đẹp tình cờ gặp gỡ của mình khỏi những zombie khác. Điểm mới mẻ này rất khác biệt so với hình thức điện ảnh zombie điển hình, hầu như được duy trì liên tục kể từ bộ phim được coi như là tác phẩm đầu tiên về đề tài zombie “Night of the living Dead” (tạm dịch “Đêm của những xác sống”, 1968) của đạo diễn George Romero. Đây là cách thể hiện mới mẻ trong việc thay đổi quan điểm về cách nhìn nhận người khác. Có thể nói rằng nó đã cho thấy một lối suy nghĩ với cái nhìn thoát khỏi sự kỳ thị về “người khác” từng tồn tại ở thế kỉ 20 mà thay vào đó là cái nhìn bao dung và đồng cảm. Tuy vậy, ngay cả khi chúng ta xử lý cùng một chất liệu thì việc thể hiện cũng thay đổi theo không gian và thời gian.

“Dạ Quỷ” được trình chiếu ở các rạp Hàn Quốc vào tháng 10 năm 2018, mở ra một thể loại mới trong phim ảnh Hàn Quốc về zombie khi khai thác đề tài lịch sử chính kịch. Tuy nhiên, “Dạ quỷ” chưa cho thấy sự đột phá về cốt truyện và không tạo được con sốt ở các phòng vé. © Next Entertainment World

Tên gọi khác của tầng lớp dân nghèo
Bộ phim “Dạ quỷ”, ra mắt năm 2018 là một tác phẩm điện ảnh độc đáo kể về sự xuất hiện của các zombie trong bối cảnh thời kỳ Joseon. Đầu tiên, bộ phim đã cho khán giả thấy một thứ rất khác lạ chính là hình ảnh “zombie mặc hanbok”. Trong bộ phim, sự lây lan của các zombie bắt nguồn từ các tàu buôn nước ngoài neo đậu tại một khu cảng của Joseon cho tới tận hoàng cung. Nội dung phim kể về vị vua bất tài không thể kiểm soát được tình hình triều chính khi đám chư hầu đang gây lũng đoạn và có tham vọng tạo phản khiến hoàng tử quyết định trở về giải cứu đất nước sau khi bị đày ải ở nhà Thanh.

Điểm nổi bật trong phim “Dạ quỷ” là sự tương phản giữa thế lực cầm quyền và những người dân thường bị biến thành zombie. Bộ phim đưa ra một thông điệp rằng mối đe doạ với Joseon không phải là những thây ma đói khát mà chính là tầng lớp cầm quyền, những kẻ chất đầy ham muốn lệch lạc. Zombie đó chính là thứ được miêu tả dưới tên gọi khác của tầng lớp nhân dân nghèo đói.

Hình ảnh zombie thể hiện những con người đói khát cũng xuất hiện trong bộ phim truyền hình “Kingdom” (tạm dịch “Vương triều xác sống”) của tác giả Kim Eun-hee, phim được lên sóng trên toàn thế giới thông qua Netflix vào tháng 1 năm 2019. Tác giả đã nói về tác phẩm của mình: “Tôi viết kịch bản với suy nghĩ chủ đề phim chính là sự nghèo đói”. Tập một và hai của bộ phim được giới thiệu lần đầu tiên trong chuỗi sự kiện của Netflix “See What’s next Asia?” (tạm dịch “Xem gì tiếp theo ở Châu Á?”), tổ chức tại Maria Bay Sand, Singapore vào ngày 8, 9 tháng 11 năm 2018 và đã nhận được phản hồi tích cực từ các phóng viên châu Á trước khi công bố cho công chúng. Phần hai của phim được bắt đầu sản xuất trước khi phần một được trình chiếu. Reed Hastings, người sáng lập đồng thời là CEO của Netflix nói: “Tôi chắc chắn rằng tác phẩm được sản xuất tại Hàn Quốc này sẽ nổi tiếng toàn thế giới”.

Lý do Netflix đầu tư vào bộ phim nói về zombie “Kingdom” của Hàn Quốc là vì sắc thái đa dạng của tác phẩm này liên quan tới chiến lược mà công ty đang hướng tới. Netflix tiếp cận khán giả theo hướng khai thác các nội dung được ưa thích kết hợp nét đặc trưng của một quốc gia hay khu vực nào đó. Bộ phim gây được tiếng vang lớn vì chứa đựng cảm xúc và cách thể hiện mang dấu ấn rất Hàn Quốc ở thể loại phim được khán giả trên toàn thế giới đều biết tới, zombie. Thêm nữa, cách tiếp cận này không biết chừng còn có thể trả lời được cho câu hỏi làm thế nào các nhà biên tập và sản xuất phim của Hàn Quốc có thể tham gia vào thị trường nội dung toàn cầu.

Jung Duk-hyun Nhà bình luận văn hoá đại chúng
Trần Huyền Trang Dịch

전체메뉴

전체메뉴 닫기