메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

Tales of Two Koreas

2022 SPRING

BIỆT LẬP VÀ TỰ DO, THÔNG ĐIỆP NGẦM GỬI ĐẾN THẾ GIỚI

Khu phi quân sự (DMZ), tên gọi trái ngược với thực tế, là “vùng đất của những mâu thuẫn” cắt ngang eo bán đảo Triều Tiên với chiều rộng 2 km về mỗi hướng Nam, Bắc tính từ đường phân giới quân sự. Ngôi làng tự do Daeseong-dong, khu dân cư duy nhất nằm trong vùng phía Nam của Khu phi quân sự, được hai nghệ sĩ thể hiện lại bằng một tác phẩm mang thông điệp thời đại sâu sắc đã thu hút nhiều sự chú ý của công chúng.

Đối với các nghệ sĩ Hàn Quốc, “sự chia cắt hai miền” có thể là một chủ đề không mấy hấp dẫn. Có thể vì nó quá hiển nhiên hoặc quá mơ hồ. Khi mang tình trạng cố hữu của công dân một quốc gia bị chia cắt vào tác phẩm của mình, nghệ sĩ Hàn Quốc có thể rơi vào một nghịch lý lưỡng nan rằng các nghệ sĩ nước ngoài tỏ ra hiếu kỳ bởi đây là chủ đề còn xa lạ với họ, nhưng người Hàn Quốc lại chỉ trích họ vì “đã lựa chọn nội dung quá dễ dàng”. Nhưng dù sao đi chăng nữa, chia cắt hai miền là sự thật không thể chối cãi.

Moon Kyung-won và Jeon Joon-ho đã rút con dao hai lưỡi này một cách quyết liệt và sắc sảo. Tại triển lãm “MMCA Hyundai Motor Series 2021: Moon Kyung-won & Jeon Joon-ho: Tin tức từ hư vô - Ngôi làng tự do” (News from Nowhere – Freedom Village) được tổ chức từ ngày 3 tháng 9 năm 2021 đến ngày 20 tháng 2 năm 2022 ở Hội trường Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Quốc gia Hàn Quốc (MMCA), họ đã mạnh dạn mở ra vấn đề chia cắt.

Họ là bộ đôi nghệ sĩ hiếm hoi trong giới nghệ thuật Hàn Quốc. Họ vừa làm việc độc lập vừa đồng hành cùng nhau. Moon Kyung-won, giáo sư Khoa Hội họa Phương Tây tại Đại học Nữ sinh Ewha ở Seoul, và Jeon Joon-ho, hoạt động nghệ thuật trên chính quê hương mình là Yeongdo ở Busan, mỗi người thực hiện song song dự án riêng và dự án chung. Kể từ lần hợp tác tâm đầu ý hợp đầu tiên năm 2009, họ đã đặt ra những câu hỏi nền tảng về vai trò của nghệ thuật, khơi gợi và giải quyết nhiều vấn đề xã hội khác nhau mà nhân loại phải đối mặt, chẳng hạn như mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản, những cá nhân hy sinh dưới bánh xe lịch sử, vấn đề biến đổi khí hậu… Hai nghệ sĩ ra mắt quốc tế lần đầu tiên với triển lãm “Súc địa pháp và phi thân thuật” (The Ways of Folding Space & Flying), khi họ được chọn là tác giả đại diện cho Hàn Quốc tại triển lãm Venice Biennale 2015.

Moon Kyung-won (trái) và Jeon Joon-ho tạo dáng tại phòng Seoul của Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Quốc gia Hàn Quốc, nơi trưng bày tác phẩm chung của họ: “Tin tức từ hư vô: Ngôi làng tự do”. Tác phẩm được chọn cho chương trình tài trợ nghệ thuật MMCA Hyundai Motor Series 2021. Nó được cấu thành từ những đoạn phim, nghệ thuật sắp đặt, tài liệu lưu trữ, tác phẩm nhiếp ảnh, tranh vẽ cỡ lớn và một quần thể kiến trúc di động phục vụ các cuộc gặp gỡ liên quan đến triển lãm. Khai thác chủ đề về ngôi làng Daeseong-dong ở Khu phi quân sự, các tác giả giải thích: “Viễn cảnh về một thế giới dị thường tạo ra từ sự đối đầu và xung đột của nhân loại cũng khiến ta suy ngẫm về cuộc sống hiện tại đang bị mất kết nối do đại dịch.”

Hiện tại nhìn từ tương lai
“Tin tức đến từ hư vô” - tên của triển lãm lần này - là tên gọi chung của một dự án dài hạn mà họ đã cùng nhau phát triển từ lâu, đồng thời xây dựng một nền tảng hợp tác với nhiều nghệ sĩ khác, bao gồm nhiều sản phẩm được thể hiện bằng những chất liệu nghệ thuật khác nhau như phim ngắn, nghệ thuật sắp đặt, tài liệu lưu trữ và ấn phẩm… Tên của dự án bắt nguồn từ tiểu thuyết cùng tên ra đời trong thập niên 1890 của William Morris (1834-1896), một nhà tư tưởng, nhà thơ, tiểu thuyết gia, và là người tiên phong trong trào lưu Nghệ thuật và Thủ công ở Anh vào cuối thế kỷ XIX. Thông qua câu chuyện nhân vật chính nằm mơ thấy mình du hành trong vòng năm ngày đến Luân Đôn của 200 năm sau, Morris chỉ trích gay gắt những vấn đề thực tế của thời đại mình. Moon Kyung-won và Jeon Joon-ho không chỉ mượn tiêu đề của tiểu thuyết mà còn mượn cả cách khai thác thế giới hiện tại từ điểm nhìn tương lai. Hai tác giả giải thích rằng: “Chúng tôi xây dựng bối cảnh mang khuynh hướng tương lai không phải để đoán định tương lai, mà là để bàn về hiện tại.”

Dự án này bắt đầu với tác phẩm “Bên kia của thế giới” (The End of the World) ra mắt tại Documenta - một sự kiện nghệ thuật đương đại được tổ chức mỗi năm năm - lần thứ 13 tại Kassel, Đức vào năm 2012. Tác phẩm này cũng mang đến cho họ giải thưởng Nghệ sĩ của năm” của Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia năm đó. Sau đó, nhiều tác phẩm khác trong dự án này được ra mắt với những tiêu đề khác nhau tại nhiều nơi trên thế giới như Phòng trưng bày Sullivan của Đại học Nghệ thuật Chicago (2013), Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Migros Thụy Sĩ (2015), Tate Liverpool Vương quốc Anh (2018).Vào đầu năm 2021, khi cả hai tác giả được MMCA Hyundai Motor Series 2021 mời thì dự án “Tin tức từ hư vô” mới đến với công chúng Hàn Quốc trên quy mô lớn. MMCA Huyndai Motor Series là chương trình tài trợ nghệ thuật bắt đầu từ 2014, trong đó mỗi năm Huyndai Motor hỗ trợ tài chính cho một triển lãm cá nhân của một nghệ sĩ Hàn Quốc tiêu biểu do Bảo tàng Quốc gia về Nghệ thuật Hiện đại và Đương đại gửi lời mời. Sau Yang Hye-kyu của năm 2020, Moon Kyung-won và Jeon Joon-ho trở thành tác giả nhận tài trợ của mùa thứ tám.

“Dự án này đã thể hiện bản sắc, lịch sử và các vấn đề tồn đọng của mỗi khu vực, quốc gia, thành phố mà nó đi qua. Khi Hàn Quốc trở thành sân khấu của dự án, nỗi lo lắng của tôi ngày càng lớn dần. Tôi muốn thoát khỏi chủ đề sáo mòn về một đất nước bị chia cắt, nhưng cuối cùng, điều đó giống như một sứ mệnh mà bất kỳ nghệ sĩ Hàn Quốc nào cũng phải giải quyết. Chúng tôi quyết định khai thác nó như một trải nghiệm rút ra từ lịch sử chung của nhân loại chứ không phải chỉ là hoàn cảnh chính trị đặc biệt của Hàn Quốc.”

“Tin tức từ hư vô – Ngôi làng tự do” 2021 thể hiện bằng nghệ thuật sắp đặt video HD 2 kênh, có màu và âm thanh, dài 14 phút 35 giây, với hai màn hình lớn quay lưng vào nhau chiếu những đoạn phim khác nhau.
Tác phẩm được kết nối có tính hệ thống với không gian trưng bày, sự sắp đặt ánh sáng nhấp nháy theo dòng chảy của hình ảnh hay âm thanh phát ra giúp khán giả đắm chìm trong đó. Nam diễn viên Park Jung-min đóng vai nhân vật A, một người luôn khao khát tự do trên màn ảnh.

Xung đột tạo ra không gian dị thường
Nơi được chọn làm bối cảnh cho tác phẩm là “Ngôi làng tự do” ở Daeseong-dong, khu dân cư duy nhất tại Khu phi quân sự của Hàn Quốc. Hầu hết tên của các ngôi làng ở Hàn Quốc đều đặt theo địa hình hoặc truyền thuyết trong làng. Tuy nhiên,ngay từ cái tên, ngôi làng này đã không được bình thường.

Một phân đoạn phim từ “Tin tức từ hư vô - Ngôi làng tự do”. Một nhà thực vật học nghiệp dư A đang làm một mẫu thực vật để gửi cho một người không quen biết B.

Không thể ra thế giới bên ngoài, A thu thập thực vật, nghiên cứu chúng và làm mẫu vật. Khi mẫu vật này được gắn vào một quả bóng bay và thả lên trời, nhân vật B ở phía bên kia của màn hình sẽ nhận được. Và họ nhận ra rằng có một ai đó ngoài kia mà họ không hề quen biết.

Ngôi làng thậm chí không được hiển thị trên hệ thống định vị này là nơi thời gian đứng yên, cắt đứt với thế giới bên ngoài gần 70 năm trong trạng thái không thuộc về cả miền Bắc lẫn miền Nam kể từ sau hiệp định đình chiến Chiến tranh Triều Tiên năm 1953. Tại hội đàm đình chiến bắt đầu vào năm 1951, ngôi làng Daeseong-dong ở phía nam và Gijeong-dong ở phía bắc đều được công nhận là các khu dân cư duy nhất của cả hai bên nằm trong DMZ. Kể từ đó, Daeseong-dong được gọi là “Ngôi làng tự do”, Gijeong-dong được gọi là “Ngôi làng hòa bình” và trở thành sân khấu tuyên truyền cho sự cạnh tranh mang tính hệ thống khốc liệt giữa hai miền Nam Bắc thời kì Chiến tranh lạnh. Ở Daeseong-dong, hiện có khoảng 49 hộ dân gồm 200 người đang sinh sống tại đây. Mặc dù nằm trên lãnh thổ Hàn Quốc nhưng ngôi làng được kiểm soát bởi Liên Hiệp Quốc chứ không phải chính phủ Hàn Quốc và không được phép có tài sản tư nhân. Nếu phụ nữ ở ngôi làng này kết hôn với một người ngoài làng, họ buộc phải rời khỏi ngôi làng, tuy nhiên nếu một phụ nữ từ bên ngoài kết hôn với một người đàn ông ở ngôi làng này, họ sẽ được công nhận quyền cư trú tại đây.

Hai nghệ sĩ không giới hạn ngôi làng này thành một nơi duy nhất được tạo ra bởi tình hình địa chính trị đặc biệt của bán đảo Triều Tiên, mà mở rộng thành một nơi tượng trưng cho một thế giới dị thường được tạo ra bởi sự đối lập và xung đột trong suốt lịch sử nhân loại.

“Lúc đầu, chúng tôi nghĩ phải lấy bối cảnh là thành phố mang nhiều bản sắc của Hàn Quốc hơn một chút, tuy nhiên, ‘Ngôi làng tự do’ Daeseong-dong đã có thể trở thành từ khóa của nghệ thuật vì đó là không gian quá phi thực tế ngay cả đối với bản thân chúng tôi.”

Nghệ sĩ Jeon đồng ý với lời của nghệ sĩ Moon và tiếp tục giải thích:“Có lẽ những người dân của ngôi làng này đã bị cô lập, sống trong suốt 70 năm ở điều kiện khốc liệt hơn chúng ta trong đại dịch hiện nay. Giờ đây, nhân loại đã phải chiến đấu trong cuộc chiến khốc liệt với virus hơn hai năm, tôi nghĩ sự cô lập của ngôi làng này vừa là một từ khóa có thể tạo ra sự đồng thuận chung không giống như thông thường, và đồng thời đây là một từ khóa tốt để chúng ta tự suy ngẫm về cuộc sống của mình.”

Từ khóa xuyên suốt thời đại
Triển lãm được cấu thành bởi những video, sản phẩm sắp đặt, lưu trữ, nhiếp ảnh, hội họa khổ lớn và một tổ hợp kiến trúc di động để tiến hành các chương trình liên quan. Chủ đề chính của triển lãm được chuyển tải qua những hình ảnh truyền trực tiếp từ hai màn hình lớn xoay lưng vào nhau. Một bên là nam diễn viên Park Jung-min xuất hiện trong vai nam A, 32 tuổi. A là một nhân vật sinh ra ở ngôi làng tự do, chưa bao giờ ra thế giới bên ngoài, và là một nhà thực vật học nghiệp dư nghiên cứu về các loài thực vật tự sinh ở Khu phi quân sự. Bằng cách nào đó, anh ta muốn thế giới bên ngoài biết đến sự tồn tại của mình, vì vậy anh đã làm một cuốn sách minh họa thực vật chứa đựng nội dung nghiên cứu của mình và đặt nó vào một quả bong bóng nhựa rồi thả đi. Quả bóng bay vượt qua không gian và thời gian được truyền đến tay người đàn ông B ngoài 20 tuổi ở màn hình đối diện. Nhân vật B do Jinyoung, thành viên của nhóm nhạc thần tượng GOT7 thủ vai, cũng sống giam cầm trong không gian chật hẹp như nhà tù cho đến cuối đời mà không biết mình từ đâu đến. Bị cô lập trong một không gian giống như một con tàu vũ trụ, B chỉ có niềm vui duy nhất là thỉnh thoảng nhìn ra cửa sổ. Một ngày nọ, quả bóng bay bằng ni lông từ đâu đó bay đến làm rung chuyển cuộc sống hàng ngày của B. B đã vô cùng bối rối và chỉ nhìn chằm chằm vào quả bóng trong nhiều ngày, cuối cùng cũng có đủ can đảm để lấy ra những thứ bên trong. Từ đó trở đi, B liên tục nhận được bóng bay từ A. Câu chuyện của A và B xoay vòng như một vòng lặp thời gian vô hạn.

Sau những đoạn phim này là hình ảnh của Ngôi làng tự do. Các tác giả đã dùng photoshop để xử lý những hình ảnh được Cục lưu trữ Quốc gia cấp phép. Nghệ sĩ Moon xem các bức ảnh và hồi tưởng lại công việc.

“Chúng tôi được phép sử dụng hình ảnh nhưng phải đảm bảo sự ẩn danh của những người trong ảnh. Vì vậy, chúng tôi đã che mặt họ hoặc tạo ra những khuôn mặt hoàn toàn khác bằng cách kết hợp nhiều hình ảnh khác nhau. Vì vậy, chúng tôi đã che mặt họ hoặc tạo ra những khuôn mặt hoàn toàn khắc bằng cách kết hợp nhiều hình ảnh khác nhau. Hoặc đeo khẩu trang cho nhân vật trong ảnh bằng photoshop và thu được những kết quả tuyệt diệu, như thể tượng trưng cho tình hình đại dịch hiện tại.

Đi qua nơi này đến phòng triển lãm cuối cùng, khu rừng phủ đầy tuyết nơi A từng lang thang tìm cây cỏ trải ra trên một tấm bạt lớn. Đây là bức tranh phong cảnh cỡ lớn rộng 4,25m, dài 2,92m do họa sĩ Moon hoàn thành trong hơn 6 tháng. Bức tranh được vẽ bằng kỹ thuật chủ nghĩa siêu thực, thoạt nhìn trông giống như một bức ảnh. Bức tranh này kết nối màn hình và thực tế, tạo ra ảo giác về sự pha trộn giữa ảo và thực.

Một tổ hợp kiến trúc di động dành cho việc hội họp (agora) được lắp đặt trong Seoul Box - không gian mở bên ngoài phòng triển lãm – thể hiện một cách tượng trưng cho định hướng của dự án này. Nói cách khác, nó là một nền tảng nơi nhiều trí tuệ từ nhiều lĩnh vực khác nhau tập hợp lại, có thể trao đổi và kết nối với nhau bằng cách mở rộng một cách hiện đại khái niệm quảng trường agora, nơi mà bất kỳ ai cũng có thể phát ngôn vào thời Hy Lạp cổ đại. Tại triển lãm lần này, nó được làm bằng nhiều khối cấu trúc thép có thể di chuyển được với hình dáng là một hộp công-ten-nơ khi gấp lại. Nam diễn viên Park Jung-min, kiến trúc sư Yoo Hyeon-jun, nhà sinh thái học Jae-cheon Choi và nhà khoa học não Jeong Jae-seung đã tham gia vào cuộc đối thoại được tổ chức mỗi tháng một lần tại đây trong thời gian triển lãm.

Ngay trước khi rời phòng triển lãm, khán giả bắt gặp dòng chữ của nhà phê bình người Anh John Berger (1926-2017) được viết trên tường: “Đôi khi khung cảnh không chỉ làm nền cho cuộc sống của con người mà nó còn là bức màn che phủ những tranh đấu, thành tựu và tai ương của họ. Với những người ở sau bức màn, những dấu mốc cảnh vật không chỉ mang ý nghĩa địa lý mà còn cả ý nghĩa tiểu sử và ý nghĩa riêng tư.”

Trích dẫn này khái quát bi kịch của một ngôi làng đã sống cô lập trong suốt 70 năm sau khi chiến tranh kết thúc, và cũng là thông điệp nặng nề mà hai tác giả gửi đến chúng ta, những người đang trải qua ngay chính tâm dịch năm 2022.

Tổ hợp kiến trúc di động dành cho việc hội họp được lắp đặt ngoài trời bên cạnh phòng triển lãm, gồm nhiều khối cấu trúc bằng thép không gỉ có thể lắp ráp, thay đổi và di chuyển. Kích cỡ mỗi chiều 96 x 259 x 320 cm. Tại đây, trong suốt thời gian diễn ra triển lãm, mỗi tháng một lần, các chuyên gia từ các lĩnh vực như kiến trúc, khoa học, thiết kế và nhân văn đã tổ chức những chương trình thảo luận.

Nghệ sĩ Moon Kyung-won đã hoàn thành bức tranh khổ lớn “Phong cảnh” trong hơn sáu tháng, tái hiện bối cảnh ngọn núi nơi người đàn ông A đã từng gặp khó khăn trong đoạn phim. Acrylic và sơn dầu trên vải canvas, 292 x 425 cm. Bối cảnh của đoạn phim là một khu vực ở Paju, tỉnh Gyeonggi, giáp với Khu phi quân sự, có phong cảnh giống với bức tranh về ngôi làng tự do do Cục Lưu trữ Quốc gia cung cấp.



Kim Mi-ri Phóng viên báo Nhật báo Chosun
Ảnh.Han Sang-mooh

전체메뉴

전체메뉴 닫기