메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

Interview > 상세화면

2020 WINTER

PHỎNG VẤNNGHỆ THUẬT ĐẾN NHỮNG CHỐN THÂN QUEN

Choi Jeong-hwa, nghệ nhân bài trí không gian, không vui khi được gọi là “tác giả”. Anh tự thấy mình giống với một “nhà thiết kế” hơn và cho rằng chợ truyền thống hay chợ trời mang nhiều chất liệu nghệ thuật hơn các bảo tàng nghệ thuật.

Choi Jeong- hwa cho rằng chợ truyền thống hay chợ trời mang nhiều chất liệu nghệ thuật hơn các phòng triển lãm mỹ thuật. Chọn vật liệu là các đồ dùng sinh hoạt hằng ngày, anh mong muốn phá bỏ rào cản giữa nghệ thuật và cuộc sống thường nhật.

Tuần cuối cùng của tháng Chín vừa qua khi kỳ nghỉ lễ Trung thu đang đến gần, khu chợ rau quả của một thành phố miền Nam Hàn Quốc bỗng xuất hiện chùm bong bóng bay hình trái cây khổng lồ, đường kính 2-8 mét. Đó là tác phẩm bài trí từ những quả bóng mang hình trái lựu, đào, dâu khổng lồ của nghệ nhân Choi Jeong-hwa, một hạng mục trong “Dự án du ngoạn cùng cây trái”.

Anh Choi Jeong-hwa thu gom vật dụng trong sinh hoạt hằng ngày chất thành khối cao hoặc khuếch đại chúng rồi đặt ở những nơi công cộng. Trong dịp triển lãm nghệ thuật cá nhân dành cho nghệ nhân với chủ đề “CHOI JEONG-HWA: Hoa và Rừng” tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Quốc gia, anh thu thập 7.000 chiếc dụng cụ bàn ăn được nhiều người hiến tặng làm nên tác phẩm “Bồ công anh” cao 9 mét. Năm nay, anh còn trưng bày lại tác phẩm “Kabbala” (năm 2013) làm từ 5.376 chiếc rổ đan bằng nhựa xanh và đỏ tại Bảo tàng Nghệ thuật thành phố Daegu.

Cách làm của anh gợi nhớ đến tác phẩm của Andy Warhol - “Campbell’s Soup Cans” hay tác phẩm nghệ thuật cỡ lớn của Claes Oldenburg. Tuy nhiên, chất liệu của họ khác với giỏ đan bằng nhựa hay xoong nồi vốn quen thuộc với người Hàn Quốc. Chất liệu của anh sặc sỡ nhưng gần gũi khiến ai cũng một lần bị cuốn hút. Do vậy, không ít người dù chưa biết đến cái tên Choi Jeong-hwa cũng đã đâu đó nhìn thấy tác phẩm của anh một lần. Chúng tôi đến gặp anh- một trong những nghệ nhân “Korean pop art” đang hoạt động tích cực cả trong lẫn ngoài nước, tại phòng tác nghiệp của anh ở khu Jongno-gu, thủ đô Seoul.

Nhắc đến cái tên Choi Jeong-hwa, người ta nhớ ngay đến người đàn ông “chất đống các vật liệu”. Cách gọi ấy đến với anh như thế nào?
Đầu những năm 1990, trong dịp triển lãm cá nhân mang chủ đề “Plastic Paradise” (Thiên đường đồ nhựa), tôi dùng các rổ đan màu xanh lá, xây thành các ngọn tháp. Đó là lần thử nghiệm biến các vật liệu vốn quen thuộc thành một đối tượng lạ mắt của tôi. Khi ấy, với suy nghĩ non trẻ, muốn thử cho vui: “người ta sẽ phản ứng ra sao nếu mình mang rổ đan nhựa để vào phòng trưng bày của Bảo tàng Nghệ thuật nhỉ?”. Lần ấy, tôi thấy mọi người tỏ ra rất hứng thú.

“Kabbala” 2013. Rổ đan nhựa, khung kim loại, bài trí biến tấu (16 mét). Viện Mỹ thuật Daegu.Khoảng 5.000 chiếc rổ đan nhựa xếp lại thành khối bài trí này, một tác phẩm thể hiện chức năng mới bắt mắt đối với những vật dụng vốn rất quen thuộc.

"Cây trái: Hơi thở của những gã khổng lồ tại Công viên Villette”. 2015. FRP, Urethane, khung kim loại, bài trí biến tấu (7 mét).Tác phẩm đặt ở Công viên Villette Paris thể hiện sự yêu thích của nghệ nhân dành cho những khung màu sặc sỡ, mang tính hoạt hình. Các biến thể trong tác phẩm, dưới cái tên “Cây trái”, được bày trí ở nhiều địa điểm trên thế giới.

Lúc đó, tại sao anh chỉ chọn mỗi vật liệu là rổ đan nhựa?
Trước đây, tôi vốn là họa sĩ vẽ tranh, thậm chí còn đạt được vài giải thưởng. Thế nhưng, tôi luôn băn khoăn vì một điều gì đó. Vậy là ròng rã suốt ba năm, tôi từ chối tham gia các hội triển lãm tranh; cho đến lúc sắp nhận lời tham gia trở lại thì tôi phát hiện một chiếc rổ đan màu đỏ có sẵn trong nhà mình. Ra chợ, ta thấy hàng đống rổ như vậy; ở nhà, ít nhất ai cũng có một cái. Thế là tôi nảy ra ý tưởng dùng vật liệu quen thuộc với tất cả mọi người để sáng tạo một lần xem sao.



Anh sử dụng đồ dùng sinh hoạt như giải pháp tránh các thủ pháp sáng tạo nghệ thuật trong quá trình tìm kiếm lối đi riêng.
Phương pháp hay thủ pháp mà tôi chọn cho mình phần lớn là phục vụ mục đích vui chơi và bài trí nghệ thuật không gian ngoài trời. Năm 2015, tôi có buổi triển lãm tác phẩm cá nhân mang tên “WITH” tại Bảo tàng nghệ thuật Dân tộc Onyang. Ở đó, tôi gom đồ nội thất của các quán cà phê xung quanh, xếp thành tháp bàn ăn. Đó là thử nghiệm nghệ thuật không chỉ là nghệ thuật, cũng không chỉ là mỹ thuật. Nếu làm không tới, tác phẩm nghệ thuật sẽ chỉ là “thú vui của những nghệ sĩ” mà thôi. Với cách thể hiện nghệ thuật của riêng mình, tôi muốn dựng một “sân chơi nơi cuộc sống tự nó là một tác phẩm nghệ thuật”. Có như vậy, bất kể ai cũng có thể hồi tưởng, thưởng thức những kỷ niệm, ký ức được mang lại. Nghệ thuật, về cơ bản, là dành cho tất cả mọi người. Vậy mà, chỉ có 1% các tác phẩm nghệ thuật đặc thù nào đó làm được. Điều này khiến tôi thấy “bất mãn”.

"Bất mãn” là từ tôi ít khi dùng trong cuộc sống hằng ngày. Thực tế hiện nay, theo tôi, nghệ thuật hiện đại rất khó. Nhiều tác phẩm bản thân tôi không hiểu được chúng muốn truyền tải điều gì. Thế thì, đối với công chúng thưởng lãm nghệ thuật thông thường còn khó đến nhường nào?



Lời chia sẻ của anh thật thẳng thắn.
Thì sự thật hẳn là thế còn gì. Mới đây, trong buổi triển lãm tác phẩm độc lập tại phòng tranh Gallery P21, tôi có nói thế này: “Triển lãm này trưng bày sản phẩm của Choi Jeong-hwa, bujeok (bùa chú) nha”. Tác phẩm do các nghệ nhân tạo ra nói cho cùng cũng là một loại hàng hóa. Tôi tạo ra các sản phẩm; rồi đem ra thử với quan khách, tôi nhận được phản ứng tốt từ họ.



Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc truyền tải thông điệp trong tác phẩm?
Nói tóm lại thì có vẻ là vậy. Theo tôi, nghệ nhân không nên chỉ hướng đến đối tượng là giới chuyên môn. Trong buổi triển lãm đầu tiên của tôi, một cô lao công đến xem, rồi mở lời với tôi “rổ đan đẹp quá, cho tôi xin một cái nhé”. Như vậy, không phải tôi đã truyền tải thành công thông điệp của mình rồi sao?



Anh còn hoạt động tích cực trong các lĩnh vực như đạo diễn phim, nghệ thuật sân khấu, và thiết kế nội thất nữa.
Tôi xây dựng không gian cho các cửa hàng thời trang, nội thất các vũ trường, quán bar. Rồi tôi gặp cô Ahn Eun-me, nghệ sĩ múa truyền thống hiện đại, và bắt tay với cô thực hiện các nghệ thuật sân khấu. Sau đó, tôi đảm nhận vị trí đạo diễn nghệ thuật cho bộ phim “301 302” (năm 1995) lấy cảm hứng từ tác phẩm của nhà thơ nhà văn Jang Jeong-il. Bộ phim này kể câu chuyện hai cô gái sống cạnh phòng nhau trong một chung cư, một cô thì mắc bệnh chán ăn, cô còn lại bị chứng thèm ăn không kiểm soát. Lúc đầu, tôi thực hiện vai trò đạo diễn nghệ thuật. Sau cùng, tôi đề nghị được làm đạo diễn phim để tạo dựng chính xác không khí cho toàn tác phẩm.

Thật ra trước đó, khoảng những năm cuối thập niên 1980, tôi làm việc cho một công ty nội thất, rồi lập cả công ty riêng cho mình. Những thứ tôi làm được khi ấy phải nói là “những thứ tầm thường đến chói mắt”. Tôi sử dụng thứ mà các cửa hàng thời trang thông thường không dùng đến, hoặc những thứ bị vứt lại sau một cuộc tháo dỡ. Những thứ đó còn có thể gọi là “những thứ lộn xộn đến tinh vi”.Kinh nghiệm về vật liệu, không gian khi ấy đã giúp tạo nên tôi của ngày hôm nay.

“Cosmos”. 2015. Hạt, gương dây kim loại, kẹp. Bài trí biến tấu (phía trên); “Hoa Mạn đà la”. Nắp nhựa. 2015. Bài trí biến tấu.Tác phẩm được công bố tại “APT8 Kids”, một phần của Triennial Art Contemporary Art (APT8) Châu Á Thái Bình Dương lần thứ 8, tổ chức tại Queensland Art Gallery và Gallery of Modern Art (QAGOMA), Úc. Những sợi xích nhựa và chuỗi hạt nhiều màu sắc lủng lẳng trên trần nhà trong khi lũ trẻ chơi đùa thoải mái với vô số nắp nhựa bên dưới.

Anh ví seri “Alchemy”của mình là “bùa chú” phải chăng là hàm ý cầu phúc trong đó?
"Alchemy” nghĩa là “thuật giả kim”. Từ này mang nhiều ý nghĩa đến cho những cột đồ nhựa do tôi tạo. Thật ra làm gì có phương pháp luyện được vàng, chỉ có quá trình vật chất biến thành tinh thần trong chúng ta mà thôi. Chúng ta cảm thán khi thấy đồ đạc được các tiểu thương chất đống bày ngoài chợ. Đó không đơn thuần là cảm thán trước vẻ đẹp hình thức, chúng ta cảm nhận được “nội công” mạnh mẽ tích tụ qua năm tháng và kinh nghiệm; cảm nhận được nét đẹp sâu sắc của vô số vật liệu bằng nhựa được chất lại với nhau.



Tại sao anh lại cho cầu phúc là một điều quan trọng?
Tại sao nhỉ? Chắc do hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn khi tôi còn bé chăng? Nhà tôi khi ấy nghèo tơi tả, tôi không ở cố định chỗ nào do phải chuyển chỗ học tầm 8 lần gì đó trong suốt 6 năm đầu ở trường tiểu học. Đó là giai đoạn hoàn toàn xám xịt, trống rỗng trong tôi. Còn gì đáng sợ hơn khoảng thời gian mà cuộc đời không hề có chút kí ức. Thế nhưng, tôi thấy mình đã tận dụng tốt những gì liên quan đến quãng đời đó. Không có bạn chơi chung do chuyển chỗ thường xuyên cùng gia đình, tôi hình thành thói quen lượm lặt rác hay các đồ vật vứt đi lúc một mình. Đến khi trở thành sinh viên đại học, tôi cũng thường rung động mạnh mẽ với những thứ trên đường đi học của mình. Bởi ở đó có các cửa hàng đồ cổ, những công trình đang xây dựng. Có lần tôi còn nhặt được một đồ vật bằng vàng trên đường nữa. Thế nhưng khi đến trường tôi lại thấy buồn chán, đầu óc chả nghĩ ngợi được gì. Có lẽ vì vậy mà những nghệ nhân biết rõ về tôi hay nói các tác phẩm của tôi có âm điệu buồn.

Ý tưởng về một điều thứ phù hợp cho tất cả mọi người” nghe có vẻ điên rồ, nhưng tác phẩm nghệ thuật của tôi đều hình thành trên đường phố. Khi nghệ thuật là một phạm trù ngự trị quá cao ở trên kia, tôi sẽ nói “Xuống đây, thư giãn đi!”, “Mọi người ơi! Nghệ thuật ở quanh ta đây mà!”.

“Bắp cải và Xe đẩy.” 2017. Silicone, xe đẩy. DRC: 210 × 100 × 106 cm.Bắp cải silicon được xếp trong một chiếc xe đẩy ở một đầu của phòng trưng bày. Đây là một phần của triển lãm “Sarori Saroriratta” tại Bảo tàng Nghệ thuật Gyeongnam (22 tháng 10 năm 2020 đến 14 tháng 2 năm 2021).

“Lễ hội Hoa.” 2015. DRC: 122 × 75,5 x 290 cm.Một phần của triển lãm “WITH: Choi Jeong-hwa & Bảo tàng Dân gian Onyang” tại Trung tâm Nghệ thuật Gujeong của Bảo tàng Dân gian Onyang (31 tháng 3 đến 30 tháng 6 năm 2015). Các đồ dùng nhà bếp như bàn nhỏ, khay và bát đĩa từ một ngôi nhà gần Bảo tàng Dân gian Onyang ở Asan, tỉnh Chungcheong Nam, tạo thành một ngôi tháp chín tầng.

Các tác phẩm có sự ảnh hưởng từ mẹ của anh.
Cha tôi là người phản đối việc tôi học đại học ở trường nghệ thuật. Ông bẻ gãy hết bút vẽ của tôi để tôi không thể vẽ tranh được nữa, vậy là tôi quyết định theo học Khoa thiết kế Đại học Công nghệ Gyeonggi (ngày nay là Đại học Khoa học Kĩ thuật Quốc gia Seoul). Thế nhưng mẹ tôi lại lén giúp tôi thi vào đại học nghệ thuật. Mẹ còn mang kimchi đến phòng thực hành tranh thay cho phí thuê phòng thực hành khi chúng tôi không đủ tiền để trả. Tôi học được Khoa nghệ thuật trường Đại học Hongik tất cả là nhờ công lao của bà. Mẹ tôi là nguồn cảm hứng sáng tạo và là nữ thần phù hộ của tôi. Thật ra, bản thân bà cũng rất có khiếu về nghệ thuật.


Anh vui lòng chia sẻ về buổi triễn lãm tác phẩm của mình đang diễn ra ở Bảo tàng Nghệ thuật Gyeongnam.
Triển lãm trưng bày tác phẩm là các xe thồ có thùng kéo ở phía sau từng được sử dụng ở các chợ rau quả, độ tuổi tầm 50-70 năm. Những chiếc ô che sặc sỡ trong chợ trước đây được biến thành các ngọn đèn chùm treo trần. Còn có sự xuất hiện của thuyền bè bị vứt bỏ ven bờ biển. Và quan trọng hơn hết là chương trình triển lãm đã mời các nghệ nhân phục chế tại địa phương góp mặt để giới thiệu các tác phẩm của họ.


Kế hoạch hoạt động của anh trong tương lai như thế nào?
Ý tưởng về một thứ “phù hợp cho tất cả mọi người” nghe có vẻ điên rồ, nhưng tác phẩm nghệ thuật của tôi đều hình thành trên đường phố. Khi nghệ thuật là một phạm trù ngự trị quá cao ở trên kia, tôi sẽ nói “Xuống đây, thư giãn đi!”, “Mọi người ơi! Nghệ thuật ở quanh ta đây mà!”. Gần đây tôi dành nhiều quan tâm cho lĩnh vực “phục chế”. Tôi muốn khai phá cách thức tìm về cội nguồn, căn nguyên của mọi vật liệu quanh ta.

Kim MinPhóng viên Ban văn hóa Báo Đông Á Nhật Báo
Ảnh. Heo Dong-wu
Dịch. La Duy Tân

전체메뉴

전체메뉴 닫기