Các nghệ sĩ Hàn Quốc đang tạo nên trào lưu thú vị mới lạ với công chúng khi thoát khỏi hình ảnh vốn có và nhập vai vào những diện mạo, nhân vật bất ngờ khác. Đó chính là hiện tượng “bukae” đang thổi lên làn gió mới trong ngành truyền thông. Vậy hiện tượng này có quan hệ thế nào với sự thay đổi của xã hội Hàn Quốc đang dần quan tâm hơn đến tính đa dạng của cá nhân.
Những người chơi game thường tạo ra một nhân vật khác phòng trường hợp không thể chơi tiếp nhân vật chính của mình hoặc vì chiến thuật chơi. Thuật ngữ “bukae”, tức nhân vật phụ, vai thứ hai, là thuật ngữ vốn được dùng nhiều trong game. Nhưng gần đây, thuật ngữ “bukae” bắt đầu xuất hiện trong các chương trình giải trí trên tivi, thổi nên một làn gió mới. Nhân vật đầu tiên đưa khái niệm này vào chương trình ti vi chính là Yoo Jae-suk, nghệ sĩ hài, người dẫn chương trình điêu luyện của nhiều chương trình giải trí trên tivi suốt 20 năm qua, được khán giả ưu ái gắn cho biệt danh “MC quốc dân”.
Yoo Jae-suk, diễn viên hài và là gương mặt truyền hình nổi tiếng nhất Hàn Quốc, đã sáng tạo nhân vật thay thế độc đáo trong một chương trình truyền hình. Yoo đã thành công khi hoá thân thành một ca sĩ nhạc trot và một nghệ sĩ đàn hạc giữa nhiều cá tính khác.© MBC
Xu hướng mới
Đạo diễn Kim Tae-ho của chương trình giải trí được yêu thích “Hangout with Yoo” của đài MBC phát sóng từ tháng 7 năm 2019 đã yêu cầu nhân vật tham gia chương trình là Yoo Jae-suk thực hiện hàng loạt nhiệm vụ khác nhau như: biểu diễn đánh trống, chơi hạc cầm, hát nhạc trot… Yoo Jae-suk đã học đánh trống lần đầu tiên trong đời rồi mở buổi trình diễn độc tấu, được khán giả ưu ái đặt cho biệt danh “Yoogo Starr” để ví với tay trống Ringo Starr của ban nhạc Beatles. Anh cũng trình diễn thành công nhiệm vụ đàn hạc cầm, và lần này được gọi là “Yoorpheus”, biệt danh ghép từ tên của nhạc sĩ, nhân vật trong thần thoại Hy Lạp Orpheus và họ Yoo của anh. Thậm chí, anh còn ghi âm thành công bài hát mới nhạc trot, một thể loại nhạc trữ tình Hàn Quốc, và chính thức trở thành ca sĩ tân binh “yusanseul”.
Thông qua hàng loạt quá trình như trên, Yoo Jae-suk đã thành công trong việc biến hoá bản thân thành nhiều nhân vật đa dạng, và khán giả bắt đầu gọi các biến thân của Yoo là “bukae”. Và từ đây, khái niệm “bukae” bắt đầu trở thành xu hướng mới trong giới nghệ sĩ.
Trong làn gió “bukae” mới, có những nghệ sĩ đang khẳng định lại sự mến mộ vốn có của mình. Một trong số đó là ca sĩ Lee Hyo-ri, sau khi kết hôn đã cùng chồng đến đảo Jeju theo đuổi “cuộc sống vô sở hữu”. Cô từng là thành viên của ban nhạc nữ thế hệ đầu tiên đình đám một thời, và giờ đang hoạt động trong vai nhân vật hoàn toàn khác với hình ảnh tự do, thoải mái thường ngày. Cô biến thân thành “Linda G”, nhân vật nữ quản lý một chuỗi mỹ viện tóc ở Mỹ, trở thành một quý cô giàu có và tận hưởng cuộc sống vô cùng sung túc, phong lưu.
Mặt khác, diễn viên hài Chu Dae-yeop nổi tiếng với nhân vật “Kapichu” với ý nghĩa copy các bài hát của người khác. Diễn viên hài Kim Shin-young đang ở đỉnh cao mới khi trình bày các ca khúc nhạc trot trong vai nhân vật “Kim Davi”.
LeeHyori, leader của nhóm Fin.K.L, nhóm nhạc nữ thế hệ thứ nhất ra mắt cách đây hơn 20 năm, quay trở lại với vai Linda G, một nhân vật thay thế thích lối sống xa hoa. © MBC
“Multi-personas” là từ khoá của xu hướng mới xuất hiện trong xã hội Hàn Quốc năm 2020 với ý nghĩa “Bản ngã đa tầng thay đổi nhiều mặt nạ để biến thân thành người khác và tạo ra các cá tính mới”.
Từ chủ nghĩa tập thể sang chủ nghĩa cá nhân
Diễn viên hài ChuDae-yeop nổi tiếng trên YouTube nhờ khiếu hài hước của nhân vật thay thế Kapichu. © Captured from YouTube
Diễn viên hài Kim Shin-young thu hút khi ra mắt với tư cách là nhân vật thay thế dì Hai Kim Davi với bài hát trot “Gimme Gimme”.
Vậy các nhân vật phụ (giả tưởng) mà các nghệ sĩ nổi tiếng tạo nên tại sao lại nổi tiếng hơn cả nhân vật chính? Hiện tượng này phản ánh những thay đổi trong xã hội Hàn Quốc. Thứ nhất, sự mở rộng vai trò của cá nhân, cái tôi. Từ sau chiến tranh hai miền Nam-Bắc, xã hội Hàn Quốc trải qua quá trình công nghiệp hoá nhanh chóng, lợi ích của gia đình và cộng đồng được đặt trên lợi ích của cá nhân. Nhưng khi Hàn Quốc lần lượt đối mặt với khủng hoảng tiền tệ thập niên 1990 rồi đến khủng hoảng tài chính những năm 2000, tư duy chủ nghĩa tập thể này đã nhanh chóng chuyển sang chủ nghĩa cá nhân. Khái niệm “cơ quan suốt đời”, tức nơi làm việc từ khi tốt nghiệp cho đến khi về hưu, dần mất đi và bây giờ, đối với người Hàn Quốc, bản thân ngày càng quan trọng hơn công ty hay cộng đồng. Thần thoại về chủ nghĩa trưởng thành đã tan vỡ và sự kỳ vọng về một tương lai thành công không còn nữa, thay vào đó là hạnh phúc cụ thể của hiện tại. Giờ đây, đối với mỗi cá nhân, quan trọng hơn cả là giá trị quan mới về sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc.
Theo kết quả khảo sát của công ty dịch vụ hỗ trợ việc làm JobKorea vào tháng 3 năm 2020, trong 4 người thì đến 3 trả lời rằng hình ảnh của bản thân ở sở làm khác với hình ảnh bình thường, bởi khi ở công ty họ phải khoác mặt nạ phù hợp với hình ảnh mà tổ chức kỳ vọng. Và họ cũng trả lời rằng, chỉ sau khi hết giờ làm, khi được làm việc yêu thích, lúc đó mới tìm lại bản ngã của chính mình. Đối với các thế hệ trong quá khứ, khi công việc là tất cả cuộc sống, thì chỉ tồn tại một tính cách (character) làm công việc ấy. Nhưng đối với thế hệ trẻ còn những thứ khác quan trọng bên cạnh công việc, cần có những tính cách phụ khác để khám phá thế giới đa dạng và thú vị. Những người này, sau giờ làm ở công ty, tham gia nhiều hoạt động khác và nhận thức đó là cá tính khác, một “bukae” khác của bản thân.
Thỉnh thoảng vai trò của cá tính chính và cá tính phụ đảo ngược nhau. Có trường hợp thu nhập từ hoạt động vì sở thích của cá tính phụ còn cao hơn lương nhận được ở công ty. Đặc biệt, không gian kỹ thuật số như kênh YouTube đang đóng vai trò xúc tác cho các hoạt động của nhân vật phụ “bukae” phát triển tự do.
Cá tính đa dạng
Làn sóng “bukae” đang cho thấy thay đổi lớn trong quan điểm của người Hàn về đặc tính của cá nhân. Nghĩa là, người Hàn giờ đang thoát khỏi thời đại sống chỉ với một tính cách, và đã đến thời đại công nhận sự thật nhiều hình ảnh, cá tính cùng tồn tại trong một con người. “Multi-personas” (đa diện mạo, đa cá tính, đa hành vi) là từ khoá của xu hướng mới xuất hiện trong xã hội Hàn Quốc năm 2020 với ý nghĩa “Bản ngã đa tầng thay đổi nhiều mặt nạ để biến thân thành người khác và tạo ra các cá tính mới”.
Trước khi xuất hiện khái niệm “bukae”, thật ra một số nghệ sĩ đã hoạt động với khái niệm “multi-ps” (đa người chơi). Ví dụ, ca sĩ không những hát mà còn tham gia đóng phim, diễn xuất trong các chương trình truyền hình giải trí trổ tài ăn nói. Và ngược lại, cũng có diễn viên phát hành đĩa nhạc. Tuy nhiên, cũng có trường hợp thành viên của các ban nhạc (Idol group) thử thách lĩnh vực phim ảnh vấp phải nhiều chỉ trích về khả năng diễn xuất. Không chỉ giới hạn trong giới nghệ sĩ, giờ đây “multi-tasking” (đa chức năng) không còn là việc lạ lẫm khi nói đến chiếc lược sinh tồn của nhân viên trong thời đại ngày nay.
Mặt khác, một trong những đặc trưng của hiện tượng “bukae” gần đây là điều này thuộc lĩnh vực sở thích hay giải trí hơn là khái niệm “công việc” yêu cầu có tính chuyên môn. Do đó, trong thế giới của “bukae” không nhất thiết phải có tư chất hay năng lực hoàn thiện để thể hiện tốt diện mạo mới. Công chúng chỉ để ý đến vai mới của nghệ sĩ đó thú vị và đặc sắc thế nào. Xã hội Hàn Quốc hiện nay đang bị cuốn hút vào “trò chơi bukae” có lẽ bởi người Hàn lâu nay đã sống cuộc sống mà cái tôi bị áp bức và phải đè nén khát khao thể hiện những cá tính khác của bản thân.