메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

Guardians of Heritage > 상세화면

2018 AUTUMN

Giấc mơ về một dòng nhạc dành cho tất cả mọi người

Buổi trình diễn mười hai bài hát gasa cổ chỉ còn lại bản nhạc được lưu truyền đến nay đã diễn ra lần đầu tiên vào năm 1997, mở ra bước ngoặt mới trong nền âm nhạc truyền thống Hàn Quốc. Nhân vật chính của sân khấu là nghệ sĩ Lee Jun-ah. Là một nghệ sĩ trung thành với dòng nhạc truyền thống trong suốt hơn 50 năm, cuối cùng, Lee Jun-ah cũng đã trở thành người sở hữu tài năng Di sản văn hóa phi vật thể trong lĩnh vực gasa được quốc gia công nhận vào ngày mùng 5 tháng 3 vừa qua.

Lee Jun-ah, người đã cống hiến mình cho âm nhạc truyền thống Hàn Quốc trong nửa thế kỷ, nói rằng sự hiểu biết sâu sắc về tất cả cảm xúc của con người là điều cần thiết để thể hiện bài hát đúng cách. Vào tháng Ba năm nay, bà được chỉ định là người sở hữu Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia trong nghệ thuật hát gasa, những bài hát thơ ca truyền thống.

Những ngày thơ ấu, những âm điệu mới lạ trong phút chốc đã bao trùm lấy căn nhà của Lee Jun-ah. Một đứa trẻ sáu tuổi, lứa tuổi lẽ ra chỉ biết chơi đùa cùng với đám bạn đồng trang lứa, vậy mà cô bé Lee Jun-ah lại luôn bận rộn với việc học thuộc những bài thơ sijo. Những ca từ sijo được nghe mỗi khi quấn quýt bên ông nội cùng với vô số lần lắc lư theo giọng hát của người lớn mỗi ngày, với cô bé, những điều ấy lại thú vị như trò chơi.

“Ông nội tôi tuy là công chức nhà nước nhưng ông lại rất yêu thích sijo và còn là thành viên của câu lạc bộ sijo. Vào thời gian tôi khoảng sáu tuổi, cứ một tháng một lần, ông nội và bà nội lại đến nhà chúng tôi và lần lượt mỗi người lại hát một bài. Mẹ tôi thì pha trà, còn tôi thì ngồi bên cạnh để ngắm họ. Cứ như thế, tôi đã học lỏm và rồi một ngày, bỗng dưng tôi hát được trước người lớn trong nhà. Họ khen tôi hát hay làm tôi hãnh diện. Họ còn cho tôi tiền mua quà nữa.”

Bài hát an ủi ông nội

Những người lớn tròn xoe mắt ngạc nhiên khi thấy một đứa bé biết hát sijo đều hỏi, “Con học của ai?”, nhưng đã chẳng có thầy giáo nào lúc đó cả. Chỉ là sự lặp đi lặp lại những giai điệu được nghe trong suốt một thời gian dài và học thuộc cả những ngôn từ mà bản thân cũng chẳng thể hiểu nổi ý nghĩa ấy. Song, nếu phải kể ra người đã định hướng cô bé thì có lẽ người thầy của cô chính là tài năng của bản thân và ngọn lửa đam mê của người ông. Ông nội dù rất cưng chiều nhưng cũng lại rất nghiêm khắc rèn giũa đứa cháu gái yêu dạy một hiểu mười. Khi ấy, cô bé còn nghĩ, “Ông đúng thật là rất thích sijo”. Thi thoảng, cô bé cũng muốn ra ngoài chơi nhưng chỉ vì muốn được nhận lời khen của ông nên cô lại chịu khó tập luyện chăm chỉ. Phải vài năm sau đó cô mới biết, hóa ra sự dạy dỗ nghiêm khắc của ông lại xuất phát từ“tại vì đàn vi-ô-lông”một cách chẳng có liên quan gì cả.

Về phần nhạc của một bài gasa, lời bài hát được viết dưới dạng câu thơ ở phía trên, nốt nhạc và nhịp điệu của mỗi âm tiết ở phía dưới. Ngày nay còn truyền lại 12 bài gasa.

“Tôi được nghe kể lại rằng vì niềm đam mê với đàn vi-ô-lông mà ông tôi còn bắt bác tôi phải học vi-ô-lông. Lúc ấy là thời kỳ thuộc địa của Nhật Bản. Bác tôi sau này đã cùng với nghệ sĩ đàn vi-ô-lông Jeon Bong-cho (1919–2002), người đã từng giữ chức vụ hiệu trưởng Trường Âm nhạc, Đại học Quốc gia Seoul và nghệ sĩ đàn piano Yun I-sang (1917–1995), nhà soạn nhạc nổi tiếng đang sống ở Đức, ba người họ đã tạo nên bộ ba nghệ sĩ tài năng xuất chúng. Nhưng sau đó, bác tôi bị bắt theo về miền Bắc. Kể từ đó, mỗi lần nghe thấy tiếng đàn vi-ô-lông, ông nội lại vô cùng đau đớn. Khi còn nhỏ, tôi cũng đã từng học vi-ô-lông trong một thời gian ngắn nhưng rồi ông đã không cho tôi học nữa. Sau đó, niềm đam mê với âm nhạc của ông đã chuyển hướng sang sijo.”

Bác của Lee Jun-ah chính là nghệ sĩ đàn vi-ô-lông Lee Gye-seong, người đã từng bị quân đội miền Bắc bắt đi trong cuộc chiến tranh hai miền Nam–Bắc, sau đó, ông từng giữ chức nhạc trưởng của Đoàn nhạc Quê hương Quốc gia Triều Tiên trong một thời gian dài. Cũng vì lẽ đó mà sijo đã trở thành niềm an ủi, xoa dịu bi kịch của lịch sử hiện đại mà gia đình Lee Jun-ah đã trải qua. Sijo cũng đã thay đổi tương lai của cô bé Lee Jun-ah.

Từ giấc mơ của người lớn đến giấc mơ của chính mình

Cô bé Lee Jun-ah cần một sự giáo dục bài bản để có thể vượt lên trình độ học lỏm của người lớn. Ông của cô bé đã nhận ra tài năng của cháu gái nên đã lặn lội khắp nơi để tìm thầy dạy cho cô. Và rồi qua sự giới thiệu của người quen, cô bé cũng được học hát gagok từ Yi Ju-hwan (1909–1972), Viện trưởng đầu tiên của Viện Âm nhạc Truyền thống Quốc gia (tiền thân của Viện Gukak Quốc gia), một nghệ sĩ sở hữu tài năng gagok đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể số 30, đồng thời cũng là người sở hữu tài năng gasa, được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể số 41. Đáng lẽ trong một thời gian dài được tập luyện miệt mài dưới sự chỉ bảo dẫn dắt của người thầy xuất sắc, Lee Jun-ah phải hát được jeongga (dòng nhạc bản địa chính thống của dân tộc Hàn) một cách bài bản. Nhưng mọi sự lại không diễn ra như ý muốn. Khoảng vài năm sau đó, thầy Yi Ju-hwan đã qua đời, khiến cho tương lai của Lee Jun-ah trở nên mờ mịt. Thời điểm đó, cô đã phải cân nhắc xem phải học ở đâu và học ai bây giờ.

Thế rồi Lee Jun-ah đã tham gia vào sinh hoạt định kỳ hàng tháng của Viện Jeongak Hàn Quốc. Dù hoạt động đó chỉ diễn ra một tháng một lần nhưng khoảng thời gian đó cũng đã rất khó khăn với Lee Jun-ah vì bà mới chỉ là một cô bé học sinh tiểu học, không thể nào có mục tiêu to lớn được. Với Lee Jun-ah, âm nhạc tựa như hơi thở nhưng khi đó, bà lại chẳng hề có ý chí hay tham vọng học nhạc để sau này sẽ trở thành một ai đó cả. Chỉ đơn giản là cảm giác vui sướng khi thấy người khác yêu thích bài hát của mình. Có khi “một Lee Jun-ah đứng trên sân khấu âm nhạc truyền thống” lại là giấc mơ không phải của cô ấy mà là của những người lớn cũng nên.

“Khi mọi việc không diễn ra theo như kế hoạch, tôi đã rất thất vọng và chẳng ngó ngàng đến sijo hay gagok. Và rồi sau đó tôi đã theo học tại một trường phổ thông cấp hai bình thường. Giống như những đứa trẻ khác, tôi cũng chỉ biết học trong suốt ba năm học ấy. Tôi cũng từng mường tượng ra một tương lai bình thường, đó là tiếp tục học tiếp cấp ba ở một trường phổ thông bình thường để lên đại học. Nhưng rồi ông tôi đã kiên quyết phản đối không cho tôi được làm như vậy. Tôi nghĩ rằng có lẽ ông đã nhìn rất xa về một tương lai nào đó của tôi rồi thì phải. Và thế là cuối cùng tôi đã theo học ở Trường phổ thông trung học Gugak Quốc gia. Các thầy cô giáo phản đối rằng tại sao một đứa trẻ có thể đậu vào một trường cấp ba có tên tuổi lại cho vào trường đó, nhưng rồi tất cả đã không thể thắng được tâm niệm của ông tôi.”

Sau khi vào học tại trường cấp ba âm nhạc quốc gia một thời gian ngắn, Lee Jun-ah đã tìm đến thầy Yi Yang-gyo (sinh năm 1928), một nghệ sĩ sở hữu tài năng gasa đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể số 41. Trong quá trình học gasa của thầy, Lee Jun-ah đã nhìn thấy một thế giới mới. Lúc này cô mới nhận thấy quyết tâm cần phải học bài bản jeongga, dòng nhạc mang ý nghĩa “tiếng hát đúng đắn, tiếng hát cao quý”. Không chỉ bắt đầu nhận ra ý nghĩa của công việc mình đang thực hiện mà Lee Jun-ah còn bắt đầu quan tâm đến việc thông qua âm nhạc dân tộc để tìm về cội nguồn dân tộc. Phải học gasa thì mới có thể hiện thực được giấc mơ của bản thân. Tất cả đều nhờ vào thầy giáo Yi Yang-gyo.

Kết lại bằng sự trở về với Gasa

Trang web của Trường phổ thông trung học Gugak Quốc gia nơi Lee Jun-ah từng theo học đã giới thiệu về “jeongga” như sau:

“Jeongga mang nghĩa là “âm nhạc đúng đắn”, là âm nhạc bản địa của dân tộc, được yêu chuộng và hát bởi những học giả thời xưa của Hàn Quốc, là cách gọi chung cho gagok (歌曲), gasa (歌詞) và sijo (時調). Không giống như pansori hay các làn điệu dân ca minyo, là những thể loại đặt trọng tâm vào thể hiện những hỉ, nộ, ái, ố của con người, jeongga mang một vẻ đẹp của sự kín đáo và tôn nghiêm, không bộc lộ tình cảm một cách rõ ràng. Trong số đó, gagok mang một vẻ đẹp quyến rũ bằng những ca từ của một tâm trạng thư thái và tao nhã, là sự hòa quyện giữa thơ và âm nhạc để mở ra một thế giới nghệ thuật yên bình và sâu lắng. Nếu như gagok là thể loại có hình thức năm đoạn, dành cho những chuyên gia âm nhạc thính phòng quy mô nhỏ thì sijo với hình thức ba đoạn lại là những bài ca mang tính đại chúng, khiến cho mọi người ai cũng có thể tay vỗ miệng hát theo, trong khi đó, gasa lại là những câu chuyện dài tuân theo một khuôn mẫu về nhịp điệu nhất định.”

So với các thể loại được đại chúng biết đến một cách rộng rãi như pansori, minyo, thể loại cất lên tiếng hát của thế giới tinh thần của các hiền sĩ nho nhã là jeongga lại không có nhiều người theo học từ trước tới nay. Lee Jun-ah cũng đã từng đăng ký chuyên ngành Geomungo (huyền cầm) khi nhập học vào Trường phổ thông trung học Gugak Quốc gia. Sau đó, khi theo học tại Khoa âm nhạc quốc gia của trường Đại học nghệ thuật Chugye và Khoa âm nhạc của Khoa sau đại học Trường đại học nữ Ewha, bà cũng suýt nữa thì theo học chuyên ngành nhạc cụ. Nhưng rồi, nhờ sự khổ luyện jeongga trong suốt một thời gian dài mà Lee Jun-ah đã được nhận học bổng, đồng thời, nhờ có Lee Jun-ah, một chuyên ngành mới là jeongga đã được ra đời và bà là học sinh tốt nghiệp đầu tiên với chuyên ngành jeongga ở những trường học này.

“Tôi đã mất hơn 40 năm để tìm hiểu, nghiên cứu vẻ đẹp và những nét đặc trưng của mười hai bài gasa như thế. Cuối cùng, điều tôi nhận ra rằng cuộc đời này chính là sự hòa hợp của âm dương, cũng giống như có niềm vui ắt sẽ có nỗi buồn.”

Cho đến bây giờ gasa vẫn là một thể loại có nhiều điểm khác biệt với sijo và gagok. Có những điều đặc biệt và rất khó. Việc lần đầu tiên đọc hiểu những câu chuyện liên quan đến tích cổ của Trung Quốc, với bà, thật vô cùng lạ lẫm. Như câu chuyện “Baekgu-sa” (“Bạch Âu từ”) kể về một ẩn sĩ từng làm quan trong triều đình nhưng đã hết thời, bị tước bỏ chức tước nên đã chọn con đường ngao du thiên nhiên bao la, vui thú với phong cảnh của những ngày xuân tươi đẹp, hay chuyện “Suyangsan-ga” (“Thủ Dương sơn ca”) hát về nỗi lòng của một người đang bầu bạn với rượu, ngắm thiên nhiên nhưng chỉ vì gió và mưa tuyết mà không thể vui lên được. Những câu chuyện ấy thật khó để có thể được cảm thụ bằng cảm xúc của một cô bé học sinh cấp ba.

Khi tiếp cận một thể loại mới, nếu không muốn trở thành một người chỉ biết nói cười thì cần phải có một sự thấu hiểu và đồng cảm khi hát. Những nỗ lực không ngừng để nghiên cứu gasa của Lee Jun-ah đã được bắt đầu như thế. Quyết tâm nghiên cứu của bà đã được nảy nở từ khi còn theo học ở trường cấp ba và không hề thay đổi trong suốt quá trình theo học đại học, sau đại học và cả khi đã trở thành trợ giảng truyền thụ của người thầy được công nhận là “báu vật dân gian sống” ấy.

Lee tâm sự. “Khi hát “Thưởng xuân khúc” cần được thể hiện bằng những âm ngân dài, lung linh như những tia nắng của tháng Năm hay “Tương tư biệt khúc” cần phải được hát bằng một giọng hát gây thương cảm trên nền cảm xúc đơn điệu của âm nhạc phương Tây. Còn “Cát quân nhạc” và “Mai hoa ca” là những bài cần phải toát lên sự rộn rã, vui tươi như dân ca, hay “Trúc chi từ” lại phải được thể hiện một cách hào hùng. Cứ như thế tôi đã mất hơn 40 năm để tìm hiểu, nghiên cứu vẻ đẹp và những nét đặc trưng của mười hai bài gasa như thế. Cuối cùng, điều tôi nhận ra rằng cuộc đời này chính là sự hòa hợp của âm dương, cũng giống như có niềm vui ắt sẽ có nỗi buồn.”

Màn trình diễn của một người đã làm bạn với gasa trong hàng chục năm trời để rồi nhận ra được quy luật của cuộc đời ấy đã diễn ra vô cùng xuất sắc. Cùng một tiết mục, nhưng tiết mục của Lee Jun-ah vẫn luôn nhận được những lời khen ngợi là “sôi nổi hơn và phong phú hơn”. Những người nhận thấy sự khác biệt đó, trước hết, đó chính là khán giả. Đặc biệt là phản ứng của khán giả nước ngoài đều rất tốt đẹp. Lần công diễn tại Hamburg và Munich của Đức hay Brussels của Bỉ cũng đã diễn ra như vậy. Những khán giả lần đầu tiên được tiếp xúc với gasa cũng đã phải thốt lên rằng, “Đây là một màn trình diễn huyền ảo và mang một nỗi niềm da diết”, khiến cho họ đều yêu cầu được nghe lại thêm lần nữa. Đặc biệt, họ vô cùng cảm động trước tính chất độc đáo của buổi biểu diễn, đó chính là sự tìm về cội nguồn sâu thẳm có tính âm nhạc trước đây.

Lee Jun-ah hát bài “Thưởng khúc xuân” cùng với các học trò của mình. Bà hiện đang dạy khoảng 50 sinh viên để truyền lại truyền thống hát gasa cho thế hệ sau.

Bắt đầu theo học gasa vào năm 17 tuổi, như vậy Lee Jun-ah đã có hơn 40 năm trong lĩnh vực này. Trong quãng thời gian ấy, bà đã dành trọn 35 năm để đảm nhận công việc của một thành viên rồi giữ vị trí lãnh đạo trong Ban chỉ đạo của Đoàn nghệ thuật truyền thống thuộc Viện Gugak Quốc gia, và hiện tại, bà đang giữ chức vụ nhạc trưởng của Đoàn nghệ thuật truyền thống. Đó cũng là khoảng thời gian bà chưa bao giờ quên gasa. Danh hiệu “Nghệ sĩ sở hữu tài năng Gasa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể số 41” không phải là minh chứng cho danh tiếng hay quyền uy, mà dó chính là sự ghi nhận một cách tích cực của cuộc đời khi thấu hiểu và đồng cảm với cuộc sống mà bản thân bà đã trải qua.

Một hành trình trọn vẹn

“Thầy Yi Yang-gyo đã học của thầy Yi Ju-hwan tám bài và tiến sĩ Jang Sa-hun, học giả trong lĩnh vực âm nhạc quốc gia đã học bốn bài còn lại. Phải đến lúc đó, 12 bài trong sách mới được gọi là hoàn thiện. Thế nhưng đã không có ai có thể hát được toàn bộ 12 bài một cách toàn diện. Chính vì vậy, tôi đã quyết tâm thử hát, thế rồi để khép lại cuộc chiến đơn độc ấy, tôi đã tổ chức được chương trình biểu diễn lần đầu tiên vào năm 1997. Tôi đã nhận được nhiều lời chúc mừng và khích lệ của rất nhiều người. Đến năm 2002, lần đầu tiên, tôi đã cho ra mắt 12 bài trong bộ đĩa CD bốn tập.”

Một bài hát có hay đến đâu nếu không có bản nhạc thì cũng chỉ là những tiếng hát tan theo không trung mà thôi. Lý do tôi muốn viết thành bản nhạc xuất phát từ mong muốn sau này có thể nghiên cứu và tưởng tượng một cách cụ thể hơn trước khi tái hiện lại. Buổi độc diễn của Lee Jun-ah với 12 bài gasa một cách quả cảm ấy cũng chính là sự tái hiện ước muốn của tổ tiên. Vào thời gian Lee Jun-ah cho ra mắt 12 bài gasa, bà cũng đã tham dự Lễ hội Âm nhạc Thế giới “Sharq Taronalari”, một cuộc so tài về âm nhạc dân tộc thế giới lần đầu tiên được UNESCO tài trợ và chính phủ Uzbekistan tổ chức và đã nhận được giải thưởng của UNESCO.

Lee cho rằng, “Trường hợp của gagok, năm 2010, gagok được đăng ký Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại của UNESCO, sau đó, hoạt động truyền thụ gagok đã diễn ra rất mạnh mẽ. Gasa cũng cần nhận được sự chú ý, quan tâm và tìm hiểu nhiều hơn nữa.”

Thời gian qua, Lee Jun-ah đã đi công diễn ở trong và ngoài nước một cách miệt mài để quảng bá nền âm nhạc chính thống của Hàn Quốc. Bà đã hoạt động sôi nổi đến mức không có cả thời gian để đau ốm. Kết quả của sự nỗ lực đó chính là danh hiệu của người sở hữu gasa được quốc gia chỉ định, song vị trí đó cũng thật không đơn giản. Cũng giống như khi cố gắng để đạt được điều gì đó thì những công việc cần làm sau ấy cũng trọng đại không kém.

“Tôi có suy nghĩ rằng gasa là lĩnh vực mà người dân trong nước không hiểu và cảm thấy khó hơn cả những người nước ngoài. Sau này, chúng ta cần thêm nhiều nỗ lực để gasa có thể đến gần thêm một bước nữa với khán giả trong nước. Nếu được kết hợp biểu diễn bởi các nghệ sĩ chuyên nghiệp của các lĩnh vực khác, hay giả sử những người dân bình thường học gasa để tăng thêm hiểu biết và nâng cao đời sống tinh thần thì tốt quá. Cá nhân tôi sẽ phải cống hiến hơn nữa để không còn những người không hiểu về gasa nên không thể nghe được gasa, những làn điệu tao nhã, ý nghĩa của dân tộc.”

U Seung-yeonCộng tác viên tự doẢnh
Nguyễn Lệ ThuDịch

전체메뉴

전체메뉴 닫기