메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

Features > 상세화면

2020 AUTUMN

CHUYÊN ĐỀ

Dịch vụ giao hàng: Ngành công nghiệp đang bùng nổCHUYÊN ĐỀ 2MỘT NGÀYCỦA NHÂN VIÊN GIAO HÀNG

Tại cột đèn giao thông nơi ngã tư đông đúc khi đèn tín hiệu vừa chớm chuyển sang màu xanh, hàng chục xe máy phóng vụt lên, trước cả khi những chiếc ô tô kịp nhấn ga. Đây vốn là hình ảnh dễ dàng bắt gặp tại các thành phố lớn. Theo ước tính cả nước có khoảng gần 300 nghìn nhân viên giao hàng. Nghề giao hàng đem đến sự tiện lợi cho khách hàng thế nhưng điều kiện làm việc quá đỗi khắc nghiệt của nó vẫn đang còn là vấn đề mà cả xã hội cần phải giải quyết.

Trước khi gia nhập làng văn với tư cách một tiểu thuyết gia tôi đã từng là nhân viên giao đồ ăn cho một quán chuyên món Hàn ở Seoul. Cũng có thời tôi làm ở nhà hàng pizza và nhà hàng Trung Quốc tại một con phố ăn uống. Thậm chí tôi cũng từng giao hàng cho quán ăn Nhật khi tôi lưu trú ở London một thời gian ngắn nên tôi là anh giao hàng “đã từng đi du học”. Nhưng những kinh nghiệm nơi xứ người chả có ích gì tại Hàn Quốc, nơi thị trường giao hàng diễn ra sôi nổi. Nếu như ở Anh nhân viên giao hàng được xem là một công việc nghiêm túc thì ở Hàn Quốc nó chỉ được xem là một công việc mang tính tạm thời. Sau đây là câu chuyện về một ngày nào đó trước đây khi tôi đang còn là một nhân viên giao hàng.

Nhân viên giao hàng phóng trên đường vào giờ cao điểm để có thể giao được nhiều đơn hàng nhất trong một khoảng thời gian giới hạn. Họ phải thuộc nằm lòng các con phố và hoạch định trong đầu đường đi ngắn nhất. © NewsBank

Tiến thoái lưỡng nan

“Cái thằng tóc bồng bềnh ở nhà hàng bên cạnh hôm qua mới bị tai nạn, đang nhập viện đó. Cậu biết chưa?”

Bằng giọng điệu đầy thương xót, ông chủ nói khi tôi vừa đến chỗ làm và đang chuẩn bị cho công việc giao hàng của mình. Cái anh tóc bồng bềnh làm việc ở cửa hàng bên cạnh vốn là “một tay giao hàng cừ khôi” với khả năng xuất thần. Đến mức nếu nhìn anh đi giao hàng trên đường thì trông giống như một tay đua tầm cỡ. Gần đây nghe nói anh đang buồn vì chuyện yêu đương không thành, giờ lại gặp tai nạn rồi phải nhập viện… Quả thật giao hàng là một công việc đòi hỏi sự tỉnh táo cao độ chẳng khác các bác sĩ ngoại khoa, nhà phân tích hay phi công. Chỉ cần lơ là trong phút chốc đã té lăn xuống đường.

Ai làm công việc giao hàng thì đã từng thấy việc cả phần hồn và phần xác đều ớn lạnh dù đang là một ngày hè oi bức. Đó là khi nhìn thấy những chiếc xe máy ngổn ngang bên đường. Đây không phải là những chiếc xe được ai đó đỗ tạm. Nếu nhìn kỹ ta sẽ thấy mâm xe bị cong vòng hoặc mặt bên bị chà xát. Đó chính là những chiếc xe được dẹp tạm qua một bên để nối lại giao thông sau khi xảy ra tai nạn và tài xế đã được đưa lên xe cứu thương. Tai nạn xảy ra với những người giao hàng là một việc dễ dàng bắt gặp. Nếu không còn thấy một người vốn hay gặp trên đường thì hoặc người ấy bị thương hoặc người ấy đã chết.

“Cậu phải đi cho đàng hoàng vào, cứ kiểu phóng đi như điên vậy hả?”

Ông chủ cửa hàng lo lắng kiểu lái xe của tôi.

“Có sao đâu mà. Cháu còn gì để mất đâu.”

“Ồn ào, cái thằng này. Chú không thể mất cậu được. Đi đứng cho an toàn vào.”

Câu nói thoáng có sự ấm áp và là một lời khuyên rất thực tế.

Chỉ cần có bằng lái và không sợ thì ai cũng có thể làm công việc giao hàng bằng xe máy. Công việc này có thể kiếm được mức thu nhập cao tùy vào số đơn hàng giao được và cũng không cần phải chịu sự căng thẳng do cấp trên hay môi trường làm việc cứng nhắc như trong các công ty. Nhưng không dễ để tuyển được nhân viên giao hàng. Vì công việc này có tính nguy hiểm cao. Hàn Quốc cấp bằng lái xe dễ dàng và trên đường luôn đầy rẫy những kẻ ngông, chúng ta phải luôn trong tư thế đề phòng mối nguy hiểm mình sẽ bị va phải bởi một người mới tập tễnh biết lái nào đó.

Những người giao hàng phải luôn tăng tốc độ xe bất chấp nguy hiểm để giao hàng nhanh và có mức thu nhập cao. Lý do xảy ra tai nạn xe máy cũng giống như lý do những con hươu, con mèo bị va chết trên đường. Đáng buồn là các tay lái đều tin rằng tốc độ của chiếc xe máy họ đi nhanh hơn cả tốc độ của ô tô. Vì xe máy có kích thước nhỏ nên tốc độ của nó chỉ là sự cảm nhận chứ tuyệt nhiên xe máy không bao giờ có thể nhanh hơn ô tô được. Và phân khối xe máy cũng không lớn. Thế nhưng giao hàng thong thả và đầy sự an toàn sẽ dẫn đến thiệt hại cho việc kinh doanh nên họ không thể giảm tốc độ. Cách có thể giúp họ thoát khỏi sự tiến thoái lưỡng nan đầy nguy hiểm này chính là trong phút chốc có thật nhiều tiền. Tôi dám đặt cược là hầu hết các anh giao hàng đều có một tờ vé số trong túi áo.

Một nhân viên giao hàng Ddingdong, một dịch vụ ở Quận Gangnam thuộc khu vực Seoul đang đặt đơn hàng của tiệm thức ăn nhanh lên xe. Các tiệm nhỏ khi không đủ tiền thuê nhân viên giao hàng riêng sẽ sử dụng các công ty dịch vụ giao hàng. © NewsBank

Năng lực

11 giờ trưa là khoảng thời gian điện thoại đặt hàng bắt đầu đổ chuông không ngừng nghỉ.Đến tận giờ ăn trưa, tức trong hai giờ đồng hồ, mỗi người phải giao đến 30 đơn hàng. Nếu ước lượng thời gian cả đi và về để giao một đơn hàng là 5 phút thì một giờ đồng hồ giao được 12 đơn, hai giờ đồng hồ chỉ giao được 24 đơn. Mà lại có nhiều nơi phải mất hơn 5 phút. Vì vậy mỗi lần đi giao họ mang nhiều đơn một lúc. Chính vì lẽ đó năng lực của một người giao hàng nằm ở chỗ ước lượng được không gian. Họ phải liên kết những địa chỉ có đơn hàng cần giao và lên lộ trình di chuyển để có thể giao được nhiều đơn hàng mà tốn ít thời gian nhất. Với họ đầu không chỉ dùng để đội mũ bảo hiểm mà còn để ước chừng lượng đồ có thể chất lên xe và cả việc tính toán thời gian di chuyển. Phải vẽ ra trong đầu một lộ trình vừa vặn thì đó mới là người chuyên nghiệp thực thụ.

Họ phải nhanh nhạy nắm bắt tình hình giao thông ở khu vực đến giao hàng. Phải biết được đèn giao thông ở ngã tư phía trước cửa hàng đang chuyển sang màu gì. Trước khi tới địa điểm giao hàng họ cần phải có khả năng nhận định nhanh chóng về việc giữa cầu thang bộ và thang máy thì cái nào sẽ nhanh hơn. Một người giao hàng có năng lực phải tự rèn luyện giác quan thứ sáu để dự đoán ngay con hẻm kế tiếp sẽ có cái gì nhảy bổ ra và chiếc xe đang đi tới từ phía đối diện liệu có quay đầu. Giá trị của “cao thủ giao hàng” nằm ở việc bản thân có thể giải quyết những việc mà người khác không làm được.

Trên đường đi đến chỗ khách hàng, những người giao hàng hết cầu mong cho phía trước đầu xe của mình không có xe nào vượt đèn đỏ, không có chiếc xe đạp nào lao ra khỏi con hẻm như những chú nai, lại cầu mong mình không tông trúng những người vô tội đang đi trên đường, xe không trượt lên vỏ chuối nơi góc đường và cũng không lao vào ổ gà rồi bay lộn trên không. Dù gì cũng phải sống sót và tiếp tục sống. Thế nhưng một khi lên đường giao hàng thì trong đầu chỉ có một suy nghĩ duy nhất. Đó là không để bị chửi vì giao hàng muộn.

Cái đầu đâu chỉ để dùng vào mỗi việc đội mũ bảo hiểm.

Mà còn để ước chừng lượng đồ có thể chất lên xe và cả việc tính toán thời gian di chuyển. Phải vẽ ra trong đầu một lộ trình vừa vặn mới là người thật sự chuyên nghiệp.

Hổ thẹn

Một nhân viên giao hàng của chuỗi nhượng quyền món gà rán đang lướt đi trên con hẻm của một nhà hàng tại khu vực trường Đại học Konkuk phía đông Seoul vào đêm tối muộn. © Shutterstock; Photo by Kelli Hayden

Đơn hàng đầu tiên hôm nay tôi phải giao là tại một văn phòng mà mỗi lần đến là thấy bực bội. Ăn nói lúc nào cũng trống không, giao hàng muộn dù một chút thì họ sẽ chửi ngay. Dường như họ luôn mang trong mình suy nghĩ những người lao động chân tay chỉ là bọn có địa vị xã hội thấp nên giao tiếp kiểu đó cũng được. Khi đến lấy lại chén bát, cơn giận trong tôi lại nổi lên.

“Mấy anh mấy chị đừng có vứt rác vào trong chén bát chứ.”

Không một ai đáp lại. Họ coi tôi như người vô hình. Văn phòng này không trả tiền đồ ăn ngay lúc đó. Mỗi lần đến lấy chữ ký vào sổ ghi chép tiền ăn mỗi tháng cứ như là duyệt một cái gì lớn lao lắm. Rồi có khi bốn phần ăn nhưng chỉ ký trả ba phần thôi. Cuối tháng đến lấy tiền còn bị mắng.

“Thằng này, đã nói sau này sẽ trả mà. Bọn tao mà ăn chặn mấy đồng bạc đó sao? Hả?”

Thế nhưng cái mà họ nói sau này đó lại không đến khi mấy con người trong văn phòng bỏ đi và không trả hết tiền ăn đã nợ. Tôi và ông chủ đều phẫn nộ. Chúng tôi đi tìm mấy tên đó nhưng chẳng thấy tăm hơi đâu cả. Hiện nay thanh toán trước bằng ứng dụng trực tuyến nên những rủi ro như thế này có thể tránh khỏi. Ở điểm này thì sự tiến bộ trong khoa học kỹ thuật là điều đáng hân hoan.

Đơn hàng tiếp theo là ở một công xưởng. Đây là nơi mọi thứ đều tất bật. Vừa bày thức ăn lên vừa nghĩ không biết mọi người ở đây có thời gian ăn không nữa. Xong đâu đấy khi bước ra ngoài tôi thấy mắt của công nhân đều bị tụ máu đỏ lên. Dĩ nhiên đôi mắt với đầy khói bụi đường của tôi cũng bị đỏ. Tôi không có thời gian để xem liệu ai đáng thương hơn ai vì phải tất bật chạy ngay đến nhà nghỉ để giao đơn hàng tiếp theo. Lúc này mưa trút xuống. Tôi như đang nghe thấy tiếng chuông điện thoại đặt hàng reo inh ỏi trong cửa hàng vào một ngày thời tiết xấu.

Tôi lôi áo mưa ra mặc và dù quấn khăn quanh cổ nhưng không thể cản hết được những làn mưa đang len vào. Trong lúc tôi chạy xe mưa táp vào người đau rát và cùng lúc đó là một nỗi xót xa trào dâng. Với bộ dạng thảm hại ngấm đầy nước mưa, tôi lê đôi chân nặng trĩu đi vào nhà nghỉ. Cửa vừa mở, một người đàn ông chỉ quấn mỗi chiếc khăn bước ra nhận thức ăn. Chắc anh ta thấy phiền ngay cả với việc mặc áo nên mới gọi đồ ăn giao tới. Tôi mong anh ta dành thời gian mặc quần áo đó để thoải mái nghỉ ngơi thêm và yêu nhiều thêm . Hơn nữa tôi mong anh ta thôi bận rộn và nâng cao chất lượng cuộc sống và rồi tôi cũng mong cho cuộc sống của tôi cũng được như vậy. Tôi quay về cửa hàng để lấy những đơn hàng tiếp theo đi giao.

Thỏa hiệp

Ở cửa hàng, thức ăn đang đợi giao nguội dần. Tôi nhanh chóng xếp lên xe rồi đi giao trước khi chúng nguội thêm. Mọi người không thích thức ăn giao tới là do vị của nó. Thức ăn đựng trong những cái bát nhựa bọc màng thực phẩm rồi để vào trong thùng giao hàng sóng sánh được giao tới không thể nào so với những món ăn nóng hổi được những người bồi bàn thân thiện đem ra ngay sau khi đầu bếp chế biến kỹ lưỡng và bày biện đẹp mắt. Dù vậy mọi người vẫn kêu đồ ăn giao tới nơi vì họ lựa chọn sự tiện lợi thay cho nỗi mệt nhọc phải đến nhà hàng xếp hàng chờ đến lượt. Tất nhiên những người có vị giác không quá nhạy cảm họ cũng có thể không quá coi trọng sự khác biệt về vị đó.

Tuy nhiên việc giao thức ăn dẫn đến sự gia tăng đáng kể đồ dùng một lần, làm số lượng rác thải nhựa nhiều lên khiến môi trường trên trái đất ngày càng ô nhiễm. Vô số câu hỏi cứ nối đuôi nhau kéo đến. Liệu văn hoá có thể đặt hàng bất cứ cái gì, bất cứ đâu, bất cứ khi nào có phải là điều đáng tự hào? Liệu một quốc gia có nền công nghiệp giao hàng phát triển thì chất lượng cuộc sống có cao hơn những quốc gia khác? Sự an toàn mà văn hoá giao hàng ở Hàn Quốc mang lại vào thời điểm dịch Corona liệu có điểm tích cực nào khác ngoài việc giúp người ta không bị chết vì đói khi đang trong thời gian hạn chế ra ngoài? Điều đó cũng có nghĩa là có khả năng cao chúng ta sẽ gặp phải người giao hàng cáu kỉnh vì phải chạy đua với thời gian. Liệu điểm tốt duy nhất là thức ăn được giao đến tận tay mình có thể làm lu mờ nhiều điểm tiêu cực không? Hơn nữa vì tránh sự mệt mỏi mà làm những điều gây hại cho môi trường liệu có phải là đúng đắn?

Xe máy giao hàng vì để tránh kẹt xe nên cũng đi qua những con hẻm nhỏ và cũng tùy tiện đỗ ở bất cứ đâu. Hàn Quốc không quy định chỗ đỗ dành riêng cho xe máy nên có thể đỗ tùy ý. Thậm chí người ta còn đỗ bừa trên đường dành cho người đi bộ và ngay tại vạch sang đường. Những người giao hàng cũng không do dự với việc vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, và hàng loạt sai phạm khác. Từ gương chiếu hậu của ô tô không nhìn rõ được xe máy nên tài xế chỉ có thể đoán xe máy đang lưu thông qua tiếng động cơ và nhiều khi họ giật nảy người khi những chiếc xe máy bất ngờ từ đâu nhào đến. Để tuân thủ quy tắc giao thông mà vẫn giao thức ăn đúng giờ là việc bất khả thi đối với nhân viên giao hàng.

Người giao hàng không có thời gian để nghĩ như thế. Với bản năng họ cảm nhận được ai đó đang dài cổ nén cơn đói đợi họ đến. Phải tập trung chạy giao hàng. Đơn hàng cuối cùng trong hôm nay là một buổi tiệc tại công ty. Vì họ đặt đơn hàng lớn nên một hàng dài xe máy chất đầy thức ăn xuất phát giao hàng. Nhiều người với gương mặt rạng rỡ nhiệt tình chào đón tôi. Họ nâng ly chúc tụng trong sự thư thái dưới tấm băng rôn có dòng chữ chúc mừng. Tất cả bọn họ đều đang rất vui như vừa cùng nhau đạt được điều gì đó. Việc giao thức ăn đến một nơi như thế này khiến tôi cảm thấy ý nghĩa. Sau khi giao đồ ăn và bước ra ngoài thì một người tiến lại và nói một cách lịch sự “chúng tôi gọi hơi nhiều nên nặng lắm phải không anh? Trời còn đang mưa to nữa, chúng tôi rất cảm ơn anh” và nhét tiền boa vào tay tôi. Bao mệt nhọc trong ngày tan biến nhờ mấy lời nói ấm áp và số tiền boa đó.

Cuối cùng một ngày cũng kết thúc. Một ngày dài. Mũ bảo hiểm và việc chạy xe cả ngày khiến cổ và vai tôi cứng như miếng thịt bò khô. Bàn chân và bàn tay tôi nhăn nheo vì ngấm nước mưa. Chân cẳng uể oải mềm nhũn như những động vật thân mềm vì nhiều lần phải lên xuống cầu thang. Bây giờ chỉ còn một chuyến giao hàng cuối cùng nữa thôi. Là đưa bản thân mình về trên chiếc giường thư thái. Tôi huýt sáo và khởi động xe.

Park SangNhà văn
Dịch.Bùi Thị Mỹ Linh

전체메뉴

전체메뉴 닫기