Ngôi nhà của Park Gyeong-jung được xây dựng từ nửa sau thế kỷ 19 là kiểu nhà truyền thống Hàn Quốc tiêu biểu của vùng Naju, thuộc tỉnh Jeollanam-do. Dàn xà to bằng gỗ, những vệt khói ám và những dấu vết thời gian còn in đậm trong căn bếp lâu năm của ngôi nhà này tạo nên những điểm nhấn đáng được thưởng ngoạn về mặt quy mô và kết cấu kiến trúc.Đồng thời, thay vì nhìn vào không gian này dưới góc độ những chuẩn mực kiến trúc, hãy nhìn nó từ góc độ xã hội học phụ nữ, chúng ta sẽ thấy một câu chuyện khác được ẩn chứa bên trong căn bếp này.

Tro n g n g ô i n h à c ủ a ô n g Park Gyeong-jung ở Naju, tỉnh Jeollanam-do, bà Kang jeong-suk, vợ của ông Park, con dâu trưởng của gia đình, đang dùng cái môi múc canh ra khỏi nồi sắt trong nhà bếp.Trong nhà bếp truyền thống Hàn Quốc, nơi đảm nhận cả hai chức năng vừa nấu ăn vừa sưởi ấm cho ngôi nhà, lò lửa phải nằm thấp hơn các ống khói được đặt dưới sàn của phòng liên kế. Trong ngôi nhà này, điều kiến đó được đáp ứng bằng cách đào rãnh dưới sàn bếp. Phần than còn sót lại được sử dụng trong lò, như hình chụp phía trước, đặt bên trong ngôi nhà.
N hà truyền thống Hàn Quốc, nhìn từ bên ngoài trông rất thanh tao và trang nhã. Từ kiểu nhà mái ngói giống như dinh thự của tầng lớp quan lại đến ngôi nhà lợp mái lá của tầng lớp bình dân đều mang dáng vẻ trang nhã và hài hòa. Nhà mái lá của giới bình dân xưa giờ không còn nữa nhưng một số ngôi nhà cổ của giới quan lại vẫn tồn tại, giúp chúng ta cảm nhận được vẻ đẹp độc đáo của nhà truyền thống Hàn Quốc.
Nhà truyền thống Hàn Quốc có hình dáng kiến trúc mê hoặc lòng người nhưng khi nhìn vào bên trong thấy có nhiều điểm bất tiện cho con người hiện đại. Thậm chí, còn có điểm không thân thiện với phụ nữ, người phải chăm lo cho gia đình.Những đôi vợ chồng trưởng tôn, người đang giữ gìn và sống trong ngôi nhà cổ cũng nói “nếu không sửa đổi chỗ này chỗ nọ sẽ sống vất vả lắm”. Đương nhiên, trong số những chỗ bất tiện đó, chỗ cần sửa đầu tiên chính là nhà bếp.
Nhà bếp truyền thống Hàn Quốc được thiết kế vừa để sưởi ấm vừa để nấu ăn. Khi trộn lẫn củi và cành cây, cho vào lò, nhóm lửa lên, ngọn lửa sẽ bị hút vào bên trong, làm nóng phiến đá sưởi sàn nhà, và dòng nhiệt đối lưu đó sẽ làm ấm không khí trong phòng. Trong lúc đó, phụ nữ đặt nồi lên bếp lò nấu cơm và thức ăn. Đây là một hệ thống rất hiệu quả trong thời đại nhiên liệu còn quý hiếm.
Quay ngược thời gian về hàng trăm năm trước khi những ngôi nhà cổ được xây dựng, kiến trúc truyền thống xem trọng điều kiện tự nhiên và môi trường sinh thái của Hàn Quốc.Không gian bếp cũng vậy, kiến thức khoa học và kỹ thuật thời ấy chiếm một vị trí quan trọng đối với việc xây dựng. Tuy nhiên theo thời gian, với sự phát triển của nguồn nhiên liệu, kỹ thuật và các loại dụng cụ mới, điều kiện sinh hoạt của con người đã có nhiều thay đổi lớn. Ngày nay việc duy trì căn bếp của nhà truyền thống Hàn Quốc và giữ nguyên phương thức sinh hoạt cũ gần như là điều không thể.
Sức sống của ngôi nhà bắt nguồn từ con người
Cách đây không lâu, người viết có dịp viếng thăm ngôi nhà truyền thống của ông Park Gyeong-jung, một trong số ngôi nhà cổ có hình dáng kiến trúc và quy mô hiếm có vẫn còn tồn tại ởvùng Honam. Lô đất do ông tổ sáu đời Park Seung-hui (1814-1895) chọn và xây căn nhà đầu tiên để ở. Ông tổ bốn đời Park Jae-gyu (1857-1931) đã xây căn nhà lớn theo mô hình của cung điện. Theo lời ông trưởng tôn Park Geong-jung, người đang giữ gìn và sống trong căn nhà này, gian trong (anchae) và gian ngoài (sarangchae) được bắt đầu xây vào năm 1884 nhưng phải đến năm 1930 thì tất cả các gian phụ của ngôi nhà này mới được hoàn thành. Điều đáng ngạc nhiên là ngôi nhà cổ này có quy mô lớn hơn nhiều so với nhà của giới bình dân, trải qua bao nhiêu chiến loạn và thăng trầm của thời đại vẫn không bị hư hỏng, vẫn giữ nguyên được hình dáng ban đầu.
Khi đứng ở khu vườn nhìn vào trong nhà, một căn bếp mới, hiện đại, nằm trong một chái tách biệt đã thu hút ánh mắt tôi. Đó là một gian bếp hiện đại, mới được xây tách biệt và trái ngược hẳn với căn bếp xưa nằm ngay cạnh phòng ngủ chính (anbang) – phòng trung tâm của gian trong. Tôi nghe nói rằng, khi bà Yim Myo-suk, mẹ của ông Park Geong-jung và là con dâu trưởng đời thứ 14 của gia tộc, người giữ gìn ngôi nhà này, cao tuổi và gặp khó khăn trong việc ra vào nhà bếp, gia đình ông Park đã cho xây một chái ở phía tây gian trong để làm nhà bếp và phòng ăn.
Nhà phải có người ở thì ngôi nhà mới có sức sống. Nếu không có người ở, cho dù ngôi nhà cổ quý giá đến mấy chăng nữa cũng chỉ là viện bảo tàng mà thôi. Do vậy, để có thể kế tục sinh sống tại đây từ thế hệ này sang thế hệ khác, con cháu của dòng họ này đã phải sửa chữa sao cho phù hợp với điều kiện sinh hoạt đương thời mà vẫn không gây ảnh hưởng lớn đến hình dáng ban đầu của ngôi nhà. Ưu điểm lớn của ngôi nhà cổ này chính là việc duy trì sức sống của ngôi nhà mà không làm mất đi vẻ đẹp và phong cách trang nhã của nhà truyền thống Hàn Quốc. Tôi tự nhủ chẳng phải căn bếp mới xây trong chái kia chính là biểu tượng sức sống của ngôi nhà.
Công năng của nhà bếp được mở rộng ra khắp mọi nơi trong nhà
Nhà bếp cũ nhìn từ cửa sau. Nhà bếp này có hai cửa đối mặt nhau, tạo sự thoáng khí và tiện lợi cho các hoạt động. Có một chiếc ghế gỗ thấp đặt ngay sát cửa sau, để người phụ nữ có thể nghỉ ngơi và ngồi ăn. Một chiếc kệ đặt sau cửa trước để chứa củi đốt.
Câu chuyện của những người phụ nữ nhiều thế hệ nối tiếp trông nom ngôi nhà được gợi lên một cách sinh động trong không gian bếp, nơi họ đã phải trải qua phần lớn thờigian của đời mình. Căn bếp cũ kỹ vẫn giữ nguyên được hình dạng xưa đã đưa ta đến gần với cuộc sống của những nàng dâu trong ngôi nhà này.
Phụ nữ đã lấy nước từ cái giếng ở trong vườn đằng trước nhà bếp để vo gạo, rửa rau, chuẩn bị các loại nguyên vật liệu nấu ăn. Họ đã phải đi tới đi lui giếng nước cũng như thềm chất các vại đựng tương, mắm và kimchi. Do vậy có thể nói giếng nước và thềm chất lu vại là không gian mở rộng của nhà bếp để phục vụ cho việc ăn uống của gia đình.
Ngoài ra, kho ngũ cốc dự trữ ngũ cốc và kho thực phẩm bảo quản thức ăn là hai công trình phụ của nhà bếp. Trên sàn gỗ maru còn có hòm đựng gạo, và kệ để các loại bát đĩa, mâm… nơi đây cũng có thể xem là không gian kiêm luôn tính năng của cái chạn. Do vậy, toàn bộ gian trong anchae có thể xem là không gian mang công năng như nhà bếp ngày nay.
Không chỉ ngôi nhà này mới có đặc điểm như vậy. Cácngôi nhà truyền thống Hàn Quốc đều có đặc điểm kết cấu này. Lý do là vì cách nấu nướng truyền thống của Hàn Quốc, có nhiều trường hợp cần đến một không gian rộng rãi cho công đoạn chuẩn bị thức ăn. Khi làm kimchi, khi làm nước tương, đậu tương và tương ớt, không gian chế biến đã vượt ra khỏi ranh giới nhà bếp, lấn chiếm đến cả phòng ngủ anbang của gia chủ. Vào dịp lễ tết, khi đến thời điểm làm kimchi, phần sàn sưởi ấm nhất trong anbang cũng bị trưng dụng để đầy những bát gỗ hay vật chứa có nắp đậy không tên. Khi đến mùa làm kimchi, người ta phải lấy những vật chứa lớn bằng gỗ thông, muối hàng trăm bắp cải thảo để làm kimchi. Tuy thời gian gần đây, cơ cấu dân
số và thói quen ăn uống của con người đã có nhiều thay đổi, nhưng một mặt vẫn có thể thấy rằng không gian bếp truyền thống như vậy trở nên quý hiếm, vì thế quy mô làm kimchi cũng bị thu nhỏ lại.
Trong ngôi nhà truyền thống Hàn Quốc, về cơ bản côngđoạn chế biến thức ăn được thực hiện trong bếp, nhưng bất cứ khi nào cần, cũng có thể mang ra vườn, phòng ngủ của chủ nhân hoặc sàn gỗ để làm. Dù nói rằng “toàn bộ không gian trong nhà đều có thể trưng dụng làm nhà bếp” cũng không phải là quá lời. Điều này phần nào cho thấy công việc nhà phụ nữ phải gánh vác nhiều và vất vả đến chừng nào.
Bên ngoài cửa sau của nhà bếp, có một bậc thềm với 40 lu vại các cỡ.Thềm đá nằm ở vị trí được nắng chiếu vào nhiều để lên men nước tương, tương đậu, tương ớt và các đồ gia vị khác. Bậc thềm phẳng, được xây bằng sỏi và phiến đá, cao hơn mặt đất khoảng 30cm để thoát nước tốt.
Mùi khói ám trở thành mùi của mẹ
Ống khói bằng đất nung là một thiết bị vừa dẫn khói ra từ bếp lò trong nhà bếp, vừa dẫn không khí vào lại trong lò để giữ lửa. Nó có 4 lỗ ở bốn hướng để khói hút khói ra tốt hơn.
Giữa thập niên 1980, khi người viết đi nghiên cứu thực địa tại một vùng nông thôn của Naju, có gặp một người con dâu trưởng của một gia tộc và ghi chép lại cuộc sống thường nhật của bà ấy như sau:
“Một ngày làm việc của Unamdaek bắt đầu vào lúc 5 giờ sáng, thức dậy, vào bếp nhóm lửa. Nhà bếp rộng nên trong góc bếp có một nơi chất củi, có vại sành lớn đựng nước được lấy từ giếng lên, và còn có một góc khác để cối giã và cối xay. Trên mặt bếp lò, có hai lỗ lớn có thể đặt được hai nồi gang lên khi đun nấu. Unamdaek ngồi trước lò để nhóm lửa.”
“Trước khi nấu cơm, bà ấy nhất thiết phải lấy một bát nước sạch dâng cúng ông Táo để phù hộ cho gia đình được khỏe mạnh và bình an. Bà ấy cho gạo đã được vo và ngâm trước một ngày vào nồi để nấu cơm. Sau đó làm đồ ăn, dọn lên cho bữa ăn sáng. Đây nhà của trưởng tôn và giàu có nên đã có lúc có nhiều người phụ giúp. Nhà bếp đã luôn đông đúc với sự có mặt của các chị em bạn dâu và các cô cháu gái trong nhà. Nhà bếp ít người thế này chỉ mới từ 10 năm trở lại đây.”
“Sau khi ăn sáng xong, Unamdaek đã đi ra đồng đến khi trời sập tối, xong việc đồng áng mới về. Về đến nhà, bà lại bận rộn với việc sắp xếp ngũ cốc và rau củ mà bà đã thu hoạch, để ở ngoài vườn và việc chuẩn bị cho bữa tối.”
Căn bếp xưa của ngôi nhà mà tác giả đã được thấy lúc ấy bị ám khói trông đen đúa và tăm tối, nhưng thực ra lại rất sạch sẽ gọn gang. Khi nhóm lửa bằng củi và cánh cây để nấu cơm, khói tỏa ra từ bếp lò đã ám lên tường và trần nhà, làm cho bếp đen đúa. Mặt khác, mái tóc hoa râm của Unamdaek trông tương phản với bức tường bếp ám đầy khói đen.
Tôi nghĩ rằng mái tóc bạc và vệt khói ám tuy hai mà là một, chúng đều nói lên nỗi nhọc nhằn của bà khi làm việc trong nhà bếp.Chiếc váy của người phụ nữ lớn tuổi ấy thoang thoảng mùi khói ám, in đậm trong ký ức của các con bà như mùi của quê hương.
Phần lớn sảnh sàn gỗ trước phòng ngủ chính dành cho các nội thất nhà bếp, bao gồm tủ để vật dụng gốm sứ và hòm đựng gạo. Kệ cao trên tường được dùng để chứa mâm, bàn ăn nhỏ có thể xách tay và chén bát không sử dụng.Trong ngôi nhà truyền thống, sảnh sàn gỗ của gian trong là không gian mở rộng của nhà bếp.
Lúc ấy, người viết nghĩ rằng vệt khói ám và mái tóc hoa râm đều bắt nguồn từ căn bếp này nên tuy hai nhưng là một. Mùi khói ám luôn phảng phất trong vạt váy của Unamdaek mặc thường ngày. Mùi hương ấy đã đọng lại trong ký ức của những đứa con như mùi của quê hương.
Cuối cùng, vào năm 1992, Unamdaek cũng cho đập nhà cũ xây nhà mới, lắp đặt căn bếp mới. Bà không còn phải nhóm lửa bên bếp lò để nấu cơm nữa. Thay vào đó, bà dùng ga để nấu cơm và dùng xăng dầu để sưởi ấm.
Sự biến đổi chậm chạp kéo dài một thế kỷ
Trải qua quá trình hiện đại hóa của thế kỷ 20, các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa của Hàn Quốc đã biến đổi nhanh chóng, kéo theo sự biến đổi toàn diện trong đời sống sinh hoạt thường nhật của người Hàn. Đương nhiên, ý thức của con người cũng thay đổi theo. Chỉ mới 10 năm trước thôi, bếp được xem là không gian riêng của phụ nữ, nhưng bây giờ không phải như vậy nữa. Ngoài ra, dạo này giới trẻ đã dùng từ “phòng nấu – jubang” thay cho từ “nhà bếp – bueok”. Dường như khi gọi “bueok” họ có cảm giác gì đó tụt hậu hay lạc hậu.
Trong 100 năm qua, nhà bếp của Hàn Quốc đã trải qua sự biến đổi hướng đến hiện đại hóa. Nhà bếp từng được xem như một không gian ẩn dụ hoặc không gian cô đúc cuộc sống của phụ nữ. Để hiểu thêm khía cạnh này, cần phải quan tâm đến sự biến đổi về mặt kết cấu không gian đã diễn ra bên nơi nhà bếpvào khoảng thời gian đó. Động lực biến đổi là sự phát triển của khoa học kỹ thuật và thương nghiệp. Nói đơn giản là khoa học sản sinh ra khái niệm tính chức năng và tính hợp lý. Hai khái niệm này kết hợp với nhau đã làm cho việc bếp núc của phụ nữ đơn giản và tiện lợi hơn. Nhưng, nếu nhìn lại quá trình này thì rốt cuộc thấy đó là một quá trình không dễ dàng chút nào vì phải đợi thật lâu cho đến khi cơ sở hạ tầng đô thị được xây dựng hoàn tất, kết cấu nhà truyền thống mới bắt đầu thay đổi.
Đến nửa sau thập niên 1950, nước máy bắt đầu phổ biến ở đô thị. Phải đợi thêm khoảng 30 năm nữa đến khi nước máy được dẫn vào nhà bếp. Ngoài ra, việc giải quyết vấn đề nhiên liệu, điều kiện cần thiết của nhà bếp kiểu hiện đại, cũng không dễ dàng gì. Điều đáng nói là nhà ở đô thị vẫn sử dụng than tổ ong cho đến thập niên 1970. Rồi mãi cho đến nữa sau thập niên 1980, việc tách biệt hệ thống quản lý nhiệt dùng để sưởi ấm và để nấu ăn trong các hộ gia đình bình thường mới được thực hiện.
Nếu xem kỹ lại sẽ thấy việc hiện đại hóa nhà bếp đã được thực hiện dựa trên ý chí của các nàng dâu trưởng của gia đình ông Park Geong-jung hay các phụ nữ như bà Unamdaek. Mỗi người, ở vị thế của mình, đều cố gắng cải thiện điều kiện sống từng chút một, tuy còn hạn chế nhưng họ đã mơ ước thay đổi công việc thường ngày của mình. Tôi muốn cho những cô con gái của chúng ta biết quá trình nổ lực của các bà, các mẹ trong việc thực hiện ước mơ của họ -theo đuổi tính tiện lợi và hợp lý.
Ngôi nhà ngăn nắp sạch sẽ
xuất phát từ tấm lòng của nữ chủ nhân
Phỏng vấn Kang Jeong-suk, dâu trưởng của gia đình Park Geong-jung
Người viết tìm đến ngôi nhà của ông Park Geong-jung, nổi tiếng là ngôi nhà cổ của Nho sĩ thời hậu kỳ Joseon vào một ngày đầu hè. Hoa trà rơi phủ trắng một góc vườn, càng làm cho lá trên cành trông xanh mướt hơn. Hình dạng kiến trúc của ngôi nhà đẹp, lại thêm sạch sẽ gọn gàng làm tôi thán phục tài quán xuyến gia đình của nữ chủ nhân. Trong tâm trạng đó, người viết đứng ở sân vườn, được ông Park Geong-jung, hậu duệ 15 đời và bà dâu trưởng của gia tộc này Kang Jeong-suk tiếp đón nồng hậu.
Kang Jeong-suk, bà chủ của nhà ông Park Geong-jung đang nấu cơm trong nhà bếp mới được xây trong một chái tách biệt.
Hahm Han-hee: Mặc dù ngôi nhà này rộng lớn và đã cũ nhưng rất ngăn nắp sạch sẽ. Tôi lấy làm thắc mắc làm sao bà có thể giữ gìn được ngôi nhà này, làm sao bà có thể quán xuyến nhiều việc nhà như vậy?
Kang Jeong-suk:Mẹ chồng tôi đã qua đời bảy năm trước. Lúc sinh thời mẹ tôi đã rất vất vả. Vì tôi kinh doanh một nhà trẻ nên mẹ tôi phải làm nhiều việc trong nhà và giúp đỡ con dâu là tôi.
Hahm: Tuy bà dành hết công lao cho mẹ chồng nhưng dường như cuộc sống nhà chồng không hề dễ dàng?
Kang: Khi tôi về nhà chồng, bà nội chồng đã qua đời, còn lại ông nội chồng, cha chồng, mẹ chồng và các em chồng… nhà đông người. Mẹ chồng tôi sinh được sáu người con trai. Ngoài ra, lúc ấy, ông nội chồng còn sống nên có nhiều khách đến thăm nhà. Khi tôi về nhà chồng chưa được bao lâu thì đến ngày giỗ (jesa) của ông tổ nămđời vào ngày 5 tháng giêng âm lịch.
Vậy, tôi vừa về nhà chồng là đã cúng giỗ liền. Đến bây giờ, hàng năm tôi vẫn thực hiện 20 lễ cúng tổ tiên, có một số lễ cúng trong mùa hè. Tối hôm qua, gia đình tôi vừa làm lễ cúng ông sơ. Vài hôm nữa là tới ngày cúng giỗ ông nội chồng tôi ngày 22 tháng 7. Sang tháng 8 có đám giỗ của cha chồng và mẹ chồng của tôi.
Hahm: Từ xưa tôi đã được biết việc quan trọng nhất của các nàng dâu trưởng trong gia đình trưởng tông là cúng giỗ và tiếp đãi khách. Đó là những nhiệm vụ nặng nề trong một gia đình lớn. Bà kể về câu chuyện 40 năm trước nhẹ nhàng bình thản như chuyện mới ngày hôm qua, tôi thật khâm phục bà. Để thực hiện nhiều lễ cúng trong năm như vậy, chắc hẳn bà phải cần đến một nhà bếp rộng?
Kang: Khi tôi về nhà chồng đã có nhà bếp kia. Tôi đã thả gầu để múc nước giếng lên dùng. Không giống với những ngôi nhà khác, nhà bếp của chúng tôi có cống thoát nước nên tiện lợi cho tôi rất nhiều. Nước được thoát ra ngoài dễ dàng. Đến bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn dùng bếp lò trong nhà bếp cũ. Tôi vẫn dùng nhà bếp cũ khi gia đình phải làm những công việc nặng nhọc như những lúc có tiệc, lễ cúng theo mùa, hầm xương, nấu tương… Nhưng chúng tôi không nấu cơm hàng ngày trong nhà bếp đó nữa vì khói sẽ bay ra nhiều.
Hahm: Chắc phải có lý do gì để bà cho xây nhà bếp kiểu hiện đại?
Kang: Nhóm lửa, nấu cơm và tất cả những việc cơm nước đều được làm trong bếp.Làm tất cả những việc đó trong nhà bếp cũ rất vất vả khiến cho việc sinh sống trở nên khó khăn. Do vậy tôi đã cho xây bếp mới trong chái dưới được 20 năm rồi.
Cuộc sống thường nhật của những phụ nữ trong gia đình này khiến tôi nhớ lại vẻ đẹp của nhà truyền thống Hàn Quốc. Tức là, không thể chỉ tán dương công trình kiến trúc xuất sắc của tổ tiên đã xây dựng.Ngược lại, nên chăng phải tán dương nhiều hơn về sự nhẫn nại, hy sinh và tinh thần sáng tạo của những người phụ nữ đã gìn giữ cẩn thận ngôi nhà bất tiện như vậy. Rõ ràng, tấm lòng và sự khéo léo của nữ chủ nhân giữ gìn nhà cửa sạch đẹp và tao nhã đã lay động lòng người.
Hahm Han-heeGiáo sư Khoa Nhân học và Văn hóa khảo cổ, Đại học Quốc gia Chonbuk
Ảnh Ahn Hong-beom
Dịch Lưu Thụy Tố Lan