Seol Dong-ju là một họa sĩ minh họa chuyên ghi lại những diện mạo của thành phố bằng ảnh chụp và tranh vẽ bằng bút bi. Anh thể hiện phong cảnh và con người mà mình bắt gặp ở những nơi đã đặt chân đến với những nét bút đầy cảm xúc. “
Bộ sưu tập Euljiro” xuất bản năm 2020 thể hiện các diện mạo của Euljiro mà Seol Song-ju nắm bắt qua cái nhìn và cảm xúc của riêng mình.
Ngã ba Euljiro 3-ga. Seol Dong-ju. 2019. Vẽ bằng bút bi trên giấy. 39,4 × 54,5cm.
Bước vào phòng làm việc của Seol Dong-ju tọa lạc gần ga Seoul, trước tiên, bạn sẽ bắt gặp một slogan được in stencil (một kỹ thuật in đổ khuôn tạo ra các họa tiết lặp đi lặp lại – chú thích của người dịch) với phông chữ Gothic. Câu “We Live City We Love” rất phù hợp với không gian mà Seol Dong-ju đang hiện diện, vì “thành phố” và “tình yêu” là những từ khóa cốt lõi xác định công việc của anh.
“Tôi thường xuyên đến Euljiro vì bị cuốn hút bởi sự thư thái mà những điều xưa cũ mang lại” – Seol Dong-ju giải thích. Cách đây vài năm, anh đã xuất bản cuốn sách “Bộ sưu tập Euljiro” – tập hợp những hình ảnh về quá khứ và hiện tại của nơi này. Những câu chuyện mà anh “sưu tập” gợi nhớ về những thứ đã mất đi, đồng thời khiến người ta cảm thấy lưu luyến những thứ sắp lui vào quá vãng. Trong sách còn có những cuộc phỏng vấn các thanh thiếu niên đang kế thừa văn hóa đặc trưng của khu phố và mơ ước về sự song hành của cái cũ lẫn cái mới. Được thắp thêm niềm hy vọng trước sự thay đổi tốt lành ấy, Seol Dong-ju đã bày tỏ tình cảm bền vững dành cho Euljiro.
Họa sĩ minh họa Seol Dong-ju bắt đầu vẽ tranh bằng bút bi để lưu giữ ký ức về những nơi anh đã từng đặt chân. Những tác phẩm tỉ mỉ nhưng cũng đầy thú vị của anh được gọi là “tranh tĩnh vật trong thành phố”. Gần đây, các tác phẩm mô tả phong cảnh của các thành phố đã được trưng bày tại Phòng Trưng bày Nghệ thuật OTHER ở Fukuoka và Phòng tranh Wada Garou Tokyo.
Sau mấy năm ra mắt sách, anh có hay gặp gỡ độc giả không?
Dường như khi mối quan tâm dành cho Euljiro gia tăng, nhiều người đã đọc sách của tôi. Từ khi xuất bản sách, tôi cũng có cơ hội tốt để làm việc với nhiều người mới. Sau khi quyển sách được phát hành, tôi từng muốn tổ chức một sự kiện kiểu “book talk” (nói chuyện về sách), nhưng rất tiếc vì dịch COVID-19, sự kiện đã không thể diễn ra.
Anh đã hình thành ý tưởng về việc ghi lại Euljiro như thế nào?
Có lẽ tôi phải bắt đầu từ câu chuyện về phường Yeommi-dong, nơi tôi sinh sống khi còn nhỏ. Tôi rất thích bầu không khí của các con ngõ, nơi những ngôi nhà nằm liền kề nhau. Khi tôi lớn lên, nơi ấy vẫn để lại trong tôi những kỷ niệm đẹp. Một lần nọ, tôi dắt bạn mình đến đó để khoe với bạn, nhưng nhà cửa trong khu vực bắt đầu bị tháo dỡ do dự án tái quy hoạch. Tôi cảm thấy rất tiếc nuối và oán hận về điều đó. Tôi chợt suy nghĩ tại sao mình không lưu lại diện mạo của nơi này bằng ảnh chụp hoặc tranh vẽ?
Thế rồi vào khoảng năm 2017 hay 2018, tôi nghe nói rằng Euljiro cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Euljiro cũng là khu vực từ lâu tôi thường lui tới, nên lần này tôi muốn lưu lại nhiều hình ảnh nhất có thể theo cách riêng của mình trước khi những nơi tôi yêu thích không còn lại dấu tích. Vì vậy, tôi bắt đầu ghi lại hình ảnh những tòa nhà đang bị đập bỏ hoặc những không gian sắp bị giải tỏa.
Trong cuốn sách có các bài phỏng vấn những người sống tại Euljiro. Phản ứng của họ như thế nào?
Trong số những người được giới thiệu trong sách có khá nhiều người tôi quen biết từ trước. Vì không có nhiều trải nghiệm tiếp xúc với truyền thông nên họ cảm thấy rất thích thú khi gương mặt của mình được biết đến. Có người chủ động chuyển đến nơi khác sinh sống, nhưng cũng có người miễn cưỡng di dời khi nơi họ ở bị chỉ định là khu vực giải tỏa. Gần đây, khi đến Euljiro, tôi vẫn thường gặp và thăm hỏi những nhân vật trong sách.
“Bộ sưu tập Euljiro” được xuất bản năm 2020 là cuốn sách thể hiện một cách chân thực tình cảm Seol Dong-ju dành cho Euljiro. Cuốn sách bao gồm tranh, ảnh do chính anh vẽ hoặc chụp, cùng bảy bài viết dựa trên các cuộc phỏng vấn những người sinh sống tại Euljiro.
ⓒ Seol Dong-ju
Anh đã chọn người để phỏng vấn theo tiêu chuẩn nào?
Tiệm cắt tóc Pungnyeon có lịch sử lâu đời đến nỗi ngay cả cư dân địa phương cũng không biết rõ về nó. Mặc dù đã trải qua nhiều đời chủ nhân nhưng thương hiệu và bảng hiệu của tiệm vẫn được giữ y nguyên. Ace Four Club là một quán cà phê kiêm quán bar được cải tạo từ một phòng trà 60 năm tuổi. Tôi muốn gặp cả những cư dân lâu năm của Euljiro lẫn những người mới chủ động đến an cư lạc nghiệp ở nơi này. Tôi cũng lập mục tiêu phỏng vấn sâu nhiều người làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau để cho thấy sự đa dạng và phong phú của đời sống nơi đây.
Trong vài năm gần đây, Euljiro đã nổi lên như một điểm nóng. Tôi có thể cảm nhận được nỗi niềm canh cánh của anh trong cuốn sách.
Khi viết bản thảo, tôi đã cảm nhận khá tiêu cực về không khí thay đổi ở Euljiro. Nhưng bây giờ tôi lại thấy những hình ảnh đổi thay ấy trông cũng đẹp. Việc giới trẻ qua lại nơi này khiến hoạt động buôn bán thuận lợi hơn cũng là một điều tốt. Tôi cảm nhận được niềm hy vọng vì dường như sự cộng sinh đang diễn ra khi người ta chấp nhận cái cũ đồng thời đón nhận sức sống mới.
Nhưng cũng có lúc nhìn thấy một hình ảnh quá khác biệt với Euljiro ngày trước, tôi lại tự hỏi “Cái gì thế này?”. Cảm xúc của tôi vẫn thường hay dao động như thế. Vì vậy, nếu làm lại cuốn sách, có lẽ sản phẩm sẽ rất khác.
Bây giờ, giả sử thêm một vài bức tranh vào cuốn sách này, anh muốn vẽ gì?
Trước đây, nếu leo lên sân thượng Trung tâm Thương mại Sewoon, bạn có thể nhìn thấy toàn cảnh từ Cheonggyecheon đến tháp Namsan. Nhưng bây giờ, các tòa nhà mới mọc lên xung quanh nên cảnh vật đã đổi thay. Thật đáng tiếc khi không thể nhìn lại hình ảnh mà mình từng yêu thích nhưng tôi cũng muốn vẽ toàn cảnh đã thay đổi.
Sau khi chụp ảnh rồi lưu vào máy tính, Seol Dong-ju dựa vào đó để vẽ lại quang cảnh bằng bút bi. Những bức vẽ cỡ cuốn sổ tay thường được anh hoàn thành trong vòng vài giờ, nhưng những tác phẩm lớn mất vài ngày.
Tôi tò mò về tiêu chuẩn để anh lựa chọn quang cảnh và nhân vật trong những bức tranh ấy.
Việc phát hiện ra cá nhân trong đám đông rất thú vị và tôi thường nghe nói rằng mỗi người đều có câu chuyện riêng của mình. Chẳng hạn bức tranh vẽ con hẻm Nogari, chẳng phải hình ảnh nhiều người với tuổi tác, cách ăn mặc, nghề nghiệp khác nhau nhưng ăn cùng một món rất thú vị sao? Nếu ngắm kỹ bức tranh, bạn có thể phát hiện nhiều nhân vật khác nhau như những cặp đôi đến đây hẹn hò hay những người nước ngoài đến du lịch. Tôi cũng đã kín đáo cài vào bức tranh ấy chân dung của chính mình.
Khi bắt đầu vẽ tranh bút bi, tôi muốn vẽ những cảnh tượng mà ai nhìn ngắm cũng thấy đẹp đẽ và hấp dẫn. Nhưng dần dà, tôi lại khao khát người xem có thể cảm nhận được nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau khi ngắm tranh. Vì thế, khi vẽ, tôi luôn chú ý một cách tỉ mỉ để làm sao thể hiện được hình ảnh con người trong phong cảnh. Việc tôi để bao nhiêu người xuất hiện và đặt họ ở đâu cũng sẽ tạo ra sự khác biệt cho bức tranh.
Tại sao anh lại xác định bản sắc của mình là “city trekker” (người thám hiểm thành phố)?Tôi đã vẽ từ Euljiro đến New York, Tokyo, và Fukuoka. Còn nữa, từ nhỏ tôi đã rất yêu thích Paris và muốn nhanh chóng đưa thành phố ấy vào tranh ảnh của mình. Khi rong ruổi qua mỗi thành phố, tôi đều để ý nắm bắt những cảm xúc vụn vặt thoáng qua. Những khoảnh khắc nhỏ nhặt đời thường trong khung cảnh phố phường kể lại những câu chuyện của chúng ta, và những câu chuyện ấy gom góp lại tạo nên cuộc sống.
Điều cuối cùng anh muốn chia sẻ là gì?
Tôi khuyên những người muốn đến thăm Euljiro nên đi dạo ở các khu vực lân cận như Dongdaemun, Jongno, Chungmuro. Tất cả đều là những nơi hấp dẫn.
Nam Sun-woo - Phóng viên Cine21
Ảnh. Heo Dong-wuk
Dịch. Thân Thị Thúy Hiền