메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

Features > 상세화면

2020 WINTER

CHUYÊN ĐỀ

Minhwa: Tranh dân gian cho niềm Hạnh phúcCHUYÊN ĐỀ 4SỰ BIẾN ĐỔI VÀ TIỀM NĂNG CỦA MINHWA TRONG THỜI HIỆN ĐẠI

Minhwa, tranh dân gian, là loại hình “mỹ thuật đại chúng” có chủ thể sáng tác và đối tượng thưởng thức đều là đại chúng, phần lớn thể hiện niềm khát khao và ước vọng của người đương thời. Do đó, minhwa thời hiện đại phản ánh các mối quan tâm của con người một cách rất tự nhiên. Ở thế kỷ 21, minhwa mang trong mình câu chuyện và ước muốn của thời đại, đồng thời cũng đang có những thử nghiệm để dần thay đổi.

Vài chục năm trước, đối tượng thưởng thức minhwa còn rất hạn chế. Vào thập niên 1970–1980, những người buôn tranh ngoại quốc, mà khởi xướng là các thương gia Nhật Bản, hoặc các khách sạn nổi tiếng trong nước thường tìm mua những bức tranh truyền thống như “morando” (mẫu đơn đồ), “sipjangsaengdo” (thập trường sinh đồ), “kkachi horangi” (chim ác là và hổ). Trong khi đó, ở thời điểm hiện tại, các bà nội trợ xem việc học vẽ minhwa như một sở thích, còn nhãn hàng thời trang và chăm sóc sắc đẹp thì kết hợp với họa sĩ minhwa để cho ra đời nhiều dòng sản phẩm độc đáo, điều này chứng tỏ minhwa đang được rất nhiều tầng lớp đón nhận.

Quá trình đại chúng hóa của minhwa đang diễn ra, và người mở đầu cho hiện tượng này chính là giới họa sĩ xuất thân từ các phòng tranh quy mô nhỏ chuyên sản xuất minhwa trong quá khứ. Vào thập niên 1990, phần lớn những họa sĩ này chuyển sang làm việc tại các viện giáo dục trọn đời trực thuộc đại học hoặc các trung tâm văn hóa trong trung tâm thương mại để phổ biến minhwa. Đặc biệt, việc sử dụng bản trích lục để dạy sao chép tranh đã giúp cho những người chưa từng vẽ có thể nhập môn một cách dễ dàng. Vì vậy, trong những ngày đầu giới họa sĩ sáng tác minhwa được hình thành, dòng tranh chủ đạo của họ chính là tranh sao chép từ minhwa truyền thống.

Tuy nhiên, đến thập niên 2000, lực lượng sáng tác minhwa tăng lên nhanh chóng, năng lực và sự trưởng thành vượt bậc của các họa sĩ cũng đã đưa minhwa bước vào giai đoạn đổi mới theo hướng hiện đại hóa. Đặc biệt là do hình thức của minhwa truyền thống khó bộc lộ được cảm xúc và quan điểm hiện đại, vì thế ngày càng có nhiều họa sĩ phá vỡ phương thức sáng tác cũ và tái cấu trúc minhwa theo phong cách mới.

“Hổ hiện đại.” Keum Goang-bok. 2020. Mực và bột màu trên nền giấy dâu tằm (que, bột, sơn tuýp, bột trắng Trung Quốc). 130 x 160 cm.

Những câu chuyện đương đại

Keum Goang-bok là họa sĩ vừa điêu luyện ở dòng tranh truyền thống, vừa phát huy được tài năng xuất chúng ở dòng tranh sáng tác. Anh sáng tác khá nhiều tác phẩm minhwa về hình tượng hổ, con vật có ý nghĩa xua đuổi tà ma. Đa phần các tác phẩm này đều chứa thông điệp về bảo vệ văn hóa Hàn Quốc nhưng được thể hiện theo phong cách hài hước. Keum nhấn mạnh: “Cũng như minhwa truyền thống đã xuất hiện tự nhiên trong đời sống của tổ tiên người Hàn, tác phẩm hiện đại cũng phải chứa đựng những câu chuyện của thời đại. Để minhwa không ngừng phát triển, ngoài thông điệp tốt đẹp ra, bên trong tác phẩm còn phải bao hàm cả yếu tố lịch sử nữa.”

Một họa sĩ khác là Ahn Seong-min (hay Seongmin Ahn), đang hoạt động qua lại giữa Seoul và New York. Tranh của cô toát lên không khí siêu thực bởi những cánh cổng và cửa sổ đá nâu theo phong cách nhà ở tiêu biểu của New York. Ngoài ra, tác phẩm với biệt danh “Sơn thủy sợi mì” của Ahn vô cùng độc đáo, cô đã đưa món mì hàng ngày vào khung cảnh thiên nhiên để tạo cảm hứng cho người xem.

Họa sĩ Kim Saeng-a nổi tiếng với những bức tranh vẽ phong cảnh nơi cô đang sống là đảo Jeju. Tranh của Kim đa phần kể lại các câu chuyện cổ dân gian Jeju. Đặc biệt, Kim còn sử dụng nhiều mảnh thủy tinh gom từ tặng vật nhặt ở bãi biển Jeju (beachcombing), sau đó nung trong lò gốm rồi vẽ minhwa lên để tạo nên những vật trang trí. “Đảo Jeju xinh đẹp đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng, do đó tôi cho rằng hành động nhỏ như nhặt thủy tinh ngoài bờ biển có thể sẽ tạo ra những thay đổi có ích”, đây chính là thông điệp mà các tác phẩm của cô mang đến.

“Lần đầu gặp nhau của những người bạn.” Kwak Su-yeon. 2010. Mực và màu trên giấy dâu tằm. 162 x 131 cm.

“Spielraum số 5.” Choi Seo-won. 2020. Chất liệu hỗn hợp trên canvas. 91 × 116,8 cm

Những thử nghiệm mới

Những nỗ lực thử nghiệm mới, ví dụ như sử dụng nền tranh minhwa vẽ các hoa văn lặp đi lặp lại theo kiểu giấy dán tường, hoặc vẽ vào minhwa các nhân vật đặc biệt, đã tạo nên cảm giác mới mẻ và kích thích sự tò mò của người xem. Bức tranh “Con đường hoa” của họa sĩ Lee Jee-eun là tác phẩm mô phỏng hình ảnh của chiếc đầu lâu, được vẽ bằng kỹ thuật gestalt shift (thay đổi hình dạng tùy theo góc nhìn), đã cho thấy khả năng thấu hiểu và cảm nhận tuyệt vời của họa sĩ về chủ đề. Cô lý giải: “Đầu lâu thường là hình ảnh tiêu cực liên quan đến cái chết, nhưng nếu có một cuộc sống tích cực thì ngay cả đầu lâu cũng trở nên đẹp hơn, tôi đã nghĩ như thế khi vẽ bức tranh này”.

Một trong những đặc điểm của minhwa hiện đại chính là phương thức sáng tác trích dẫn một phần tranh truyền thống rồi phóng đại lên. Họa sĩ xuất thân từ phòng tranh Yoon In-soo, đã chọn phần có chiếc bình hoa trong bức “chaekgado” (sách giá đồ) để vẽ cận cảnh. Bình hoa chỉ là một trong số các vật dụng sinh hoạt bình thường, nhưng khi trở thành đối tượng chủ đạo của tranh thì màu sắc tự nhiên và vẻ đẹp tạo hình của nó, điều mà người xem không nhìn thấy được trong “Sách giá đồ”, lại được tỏa sáng và tạo nên bầu không khí rất khác biệt. Vì đã từng trải qua thời kỳ luyện sáng tác khắc nghiệt ở phòng tranh, nên Yoon thường hay nhắc nhở học trò rằng “phải hiểu đúng tranh truyền thống thì mới có thể sáng tác thành công được”.

Dạo gần đây, một số họa sĩ minhwa cũng tự hóa thân thành nhân vật trong tác phẩm của chính mình. Một dạng nhân vật khác của minhwa là các nhân vật hư cấu. Điển hình là “Hoàng tử bé” của Saint-Exupéry, nhân vật nổi tiếng này đánh thức tâm hồn trẻ con trong sáng của người xem, từ đó giúp họ thưởng thức tác phẩm dễ dàng và thoải mái hơn. Kwak Su-yeon vốn nổi tiếng với loạt tranh vẽ thú cưng mô phỏng theo con người, trong đó những tác phẩm có sự xuất hiện của nhân vật chó và mèo trong “Sách giá đồ” và “Thập trường sinh đồ” theo cách hóm hỉnh đã mang lại tiếng cười cho người thưởng thức.

Giới mỹ thuật hiện đại, bao gồm cả những chuyên gia trong lĩnh vực hội họa phương Tây và phương Đông đều đang rất tích cực sử dụng các yếu tố liên quan đến minhwa, điều này chứng tỏ làn sóng đại chúng hóa của minhwa đang dâng cao.

Bứt phá khỏi truyền thống

Nhiều người trong giới họa sĩ minhwa ngày nay đã từ bỏ công thức “phấn màu truyền thống trên nền giấy hanji” và chuyển sang sử dụng các nguyên vật liệu đa dạng hơn. Bởi vì không giống như trước đây, không chỉ phạm vi chọn nguyên vật liệu cho minhwa ngày càng rộng hơn mà trong quá trình tuyển chọn đó, các họa sĩ còn có thể sáng tạo nên ngôn ngữ tạo hình riêng biệt của họ. Tất cả họ đều có cùng suy nghĩ rằng “trong thời đại toàn cầu hóa, thật vô nghĩa khi phân biệt rạch ròi vật liệu thuộc văn hóa phương Tây hay phương Đông”.

Một số họa sĩ sử dụng màu nước, sáp màu, bút chì màu để vẽ trên nền canvas, trong khi số khác lại chọn vải hoặc giấy dán tường có sẵn hoa văn, chung quy vẫn là các vật liệu dễ tìm thấy được trong đời sống, từ đó cho ra đời nhiều tác phẩm mang cảm xúc hiện đại. Cũng có những họa sĩ không trình bày trên mặt phẳng mà sử dụng nhiều dạng khác nhau như nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật đa phương tiện. Tiêu biểu cho người thoát khỏi cấu trúc truyền thống của minhwa là họa sĩ Lee Don-ah, cô đã sáng tác nhiều tác phẩm hội họa mang khuynh hướng thị giác hóa, có dạng hình học như lục giác, tứ giác, khung viền… Từ năm 2015, Lee bắt đầu kết hợp kỹ thuật truyền thông vào hội họa như hình ảnh, thấu kính (lenticular), đèn chiếu sáng cho mặt tiền tòa nhà (media facade).

Giới mỹ thuật hiện đại, bao gồm cả những chuyên gia trong lĩnh vực hội họa phương Tây và phương Đông đều đang rất tích cực sử dụng các yếu tố liên quan đến minhwa, điều này chứng tỏ làn sóng đại chúng hóa của minhwa đang dâng cao.

Nhà thiết kế Yang He-ill của thương hiệu thời trang HEILL đã giới thiệu chiếc đầm lấy cảm hứng từ minhwa này trong tuần lễ thời trang Paris tại Le Bristol Paris vào tháng 9 năm 2019.

“Bình hoa mẫu đơn và macaron 02 (Loạt tranh Bó hoa tráng miệng).” Ahn Seong-min. 2015. Mực và màu trên giấy dâu tằm. 75 x 50 cm.

Chủ nghĩa toàn cầu hóa đồng thời địa phương hóa (Glocalism)

Sự quan tâm của đại chúng dành cho minhwa không chỉ dừng lại ở hội họa mà còn lan rộng sang các ngành công nghiệp khác như làm đẹp, thời trang, đời sống. Vốn dĩ ban đầu, minhwa được sử dụng cho mục đích thực tế, ví dụ như trang trí nhà cửa hay các vật dụng sinh hoạt, vì vậy minhwa vượt trội cả về tính trang trí lẫn tính thực tiễn, đồng thời có nét thẩm mỹ riêng biệt của Hàn Quốc, nhờ đó mà mang lại hiệu quả cao trong việc xây dựng thương hiệu.

Quan tâm tích cực nhất đến minhwa có thể kể đến thương hiệu mỹ phẩm Sulhwasoo. Thương hiệu này đã cho ra mắt dòng mỹ phẩm kết hợp với các họa sĩ nổi tiếng trong suốt thời gian dài. Vào năm 2019, họ đã tổ chức buổi triển lãm đặc biệt nhằm phân tích lại hoa văn truyền thống dưới góc nhìn hiện đại. Tại buổi triển lãm này, những tác phẩm kết hợp các hoa văn truyền thống xuất hiện trong “hojeodo” (hồ điệp đồ) hay “hwajo-yeongmodo” (hoa điểu linh miêu đồ) với nhiều lĩnh vực khác nhau như nội thất, vật dụng gia đình, thời trang… của các họa sĩ hiện đại đã thu hút sự chú ý của khách tham quan. Trong chương trình biểu diễn thời trang Xuân/Hè được tổ chức tại Paris năm 2020, thương hiệu may mặc cao cấp HEILL đã trình diễn bộ sưu tập với mô típ hoa văn hình quạt truyền thống của minhwa. Trước thềm buổi diễn, nhà thiết kế Yang He-il cho biết, “Tôi rất cảm động vì Hàn Quốc có nguồn tài nguyên tuyệt đẹp là minhwa”. Năm 2017, phu nhân Kim Jung-sook của Tổng thống Moon Jae-in đã mặc trang phục do Yang thiết kế khi tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống.

Từ việc các thương hiệu quốc tế đang tích cực sử dụng minhwa, có thể thấy rằng minhwa mang vẻ đẹp đậm nét Hàn Quốc nhất, nhưng cũng dễ dàng sử dụng trên toàn thế giới. Thông điệp cát tường và khát vọng của minhwa có thể gửi đến cho tất cả mọi người, không phân biệt quốc tịch hay dân tộc. Đây có lẽ là một lý do khác cho thấy vì sao thời gian gần đây minhwa lại nổi trội như thế. Với những thử thách và thử nghiệm không ngừng, chúng ta có thể hy vọng rằng một ngày nào đó, minhwa sẽ trở thành “K-art” tạo nên làn sóng Hàn lưu mới.

Moon Ji-hyeKý giả, Nguyệt san MinhwaDịch. Nguyễn Xuân Thuỳ Linh

전체메뉴

전체메뉴 닫기