메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

Focus > 상세화면

2020 WINTER

VIDEO ÂM NHẠC K-POP TRÊN VẠCH XUẤT PHÁT MỚI

Các video âm nhạc (music video) do BTS và Blackpink thể hiện đang thống trị YouTube với hàng trăm triệu lượt xem. Với kế hoạch độc đáo ngoài sức tưởng tượng, trang phục và bối cảnh lộng lẫy cùng màn trình diễn cuốn hút, họ đã làm hài lòng người hâm mộ nhạc pop trên toàn thế giới và đang tiên phong cho một loại hình giải trí mới thông qua video.

Vào ngày 8 tháng 9 năm 2020, ca khúc mới của Blackpink “How You Like That” (tạm dịch Bạn trông thế nào?) đã đạt 500 triệu lượt xem trong 73 ngày sau khi phát hành, lập kỷ lục mới về lượt xem trên YouTube trong thời gian ngắn nhất của lịch sử K-pop. Ca khúc này lập kỷ lục sớm hơn 43 ngày so với “KILL THIS LOVE” ( tạm dịch Giết chết tình yêu) phát hành vào năm 2019. Trước đó, “How You Like That” đã đạt 100 triệu lượt xem chỉ trong 32 giờ trên YouTube kể từ khi phát hành lần đầu tiên vào ngày 26 tháng 6 và trở thành chủ đề nóng khi được ghi vào 5 kỷ lục Guinness của thế giới.

Kỷ lục này thu hút nhiều sự chú ý hơn vì nó là thành tích huy hoàng đạt được trong sự cạnh tranh khốc liệt với BTS. Tính đến tháng 9 năm 2020, chỉ có hai nhóm nhạc K-pop sản xuất video âm nhạc đạt hơn 1 tỷ lượt xem là BTS và Blackpink. Ca khúc “DDU-DU DDU-DU” của Blackpink lần đầu trong lịch sử K-pop vượt mốc 1 tỷ lượt người xem, và “DNA” của BTS theo sát sau đó cũng sớm vượt mốc 1 tỷ lượt theo dõi.

Blackpink tạo dáng trong cảnh quay kết thúc video âm nhạc cho ca khúc “DDU-DU DDU-DU”, ca khúc chính trong đĩa mở rộng đầu tiên của họ, “Square Up” phát hành vào tháng 6 năm 2018. Video đã đạt 1,4 tỷ lượt xem trên YouTube vào ngày 23 tháng 11 năm 2010, cao nhất từ trước tới nay trong lịch sử K-pop.

Ý nghĩa của 100 triệu lượt xem

Video âm nhạc của ca khúc “How You Like That”, đĩa đơn ăn khách của Blackpink cùng với nhịp điệu mạnh mẽ của bài hát và những bước nhảy điêu luyện của nhóm đã lập kỷ lục thế giới mới khi đạt 100 triệu lượt xem nhanh nhất trên YouTube.

Khi nghe tới kỷ lục của hai nhóm nhạc này, chúng ta thấy con số 100 triệu lượt xem có thể coi là không đáng kể. Nhưng trên thực tế đây là con số đáng mơ ước đối với các nghệ sĩ âm nhạc nổi tiếng trên thế giới.

Ca khúc đầu tiên trong lịch sử K-pop chạm ngưỡng 100 triệu lượt xem là “Gee”, ca khúc nổi tiếng của nhóm Girls’ Generation. Bài hát phát hành vào tháng 1 năm 2009 và phát hành video ca nhạc trên kênh YouTube vào tháng 6, khoảng 3 năm 10 tháng sau đó lượt xem vượt mốc 100 triệu vào tháng 4 năm 2013. Đây được coi là ánh sáng báo hiệu.

Vào khoảng thời gian đó, K-pop vốn đang dần phổ biến ở thị trường nước ngoài đã phát triển với tốc độ đáng kể cùng sự khuếch đại của ngôn ngữ video. Các nhóm nhạc như BIGBANG, EXO, Seventeen, Twice… tiếp tục cho thấy sự phát triển còn G-Dragon, Taeyang, HyunA, Taeyeon, IU… cũng trở nên tích cực hơn trong vai trò ca sĩ solo. 100 triệu lượt xem video ca nhạc trên YouTube hiện là một con số đại diện cho tốc độ tăng trưởng của ngành âm nhạc đại chúng K-pop.

Video âm nhạc cho “DNA”, ca khúc dẫn đầu trong đĩa mở rộng của BTS mang tên “LOVE YOURSELF: Her” đã đạt 1 tỷ lượt xem trên YouTube vào ngày 1 tháng 6 năm 2020, gần ba năm sau khi ra mắt. Video mô tả khoảnh khắc đắm mình trong tình yêu với màu sắc tươi sáng, rực rỡ và hình ảnh sắc nét, rực rỡ.Trang 35

Nhóm nhạc thần tượng và video âm nhạc

Đầu những năm 1980, tầm quan trọng của video âm nhạc bắt đầu trở nên nổi bật trong thế giới âm nhạc đại chúng của chúng ta. Giống như tên ca khúc đình đám “Video Killed the Radio Star” (tạm dịch Video giết chết ngôi sao đài phát thanh của nhóm nhạc new wave The Buggles đến từ Anh Quốc, cùng với sự ra mắt của MTV, một kênh truyền hình cáp chuyên về âm nhạc của Mỹ vào năm 1981, đôi mắt và đôi tai của những người hâm mộ âm nhạc đại chúng trên toàn thế giới bắt đầu tập trung vào hình ảnh hiện lên trên nền bài hát.

Lúc đó, không còn nghi ngờ gì về việc các video đã thành công trong việc “thị giác hoá âm nhạc”, thứ vốn dĩ vẫn nằm trong trí tưởng tượng. Những ngôi sao thế giới tạo tiếng vang trong thị trường nhạc pop thâp niên 1980 như Madonna, Michael Jackson và Prince lần lượt xuất hiện trong hình ảnh cùng âm nhạc nhộn nhịp, đầy màu sắc liên tục trong vòng 24 giờ. Lý do các nhóm nhạc Anh Quốc vốn được người Hàn Quốc yêu thích với hình ảnh xinh đẹp và âm nhạc mang cá tính riêng như Duran Duran, Culture Club và Eurythmics lại nổi tiếng trên toàn thế giới cũng liên quan nhiều đến sự thịnh hành của video âm nhạc.

Kể từ đó, đối với nhạc sĩ, video âm nhạc trở thành yếu tố cần thiết chứ không đơn thuần chỉ là sự lựa chọn nữa. Và giờ đây, trải qua 40 năm, K-pop nhận được lợi ích lớn nhất từ cuộc hội ngộ giữa video và âm nhạc. K-pop trên thực tế mang ý nghĩa là “nhạc pop của thần tượng Hàn Quốc”. Đối với trường hợp các nhóm nhạc thần tượng K-pop, đa số ngay từ khi thành lập, nhóm đã lựa chọn ra một thành viên có ngoại hình xuất sắc hay có vũ đạo nổi bật để tạo được sự chú ý. Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy dấu vết loại hình “âm nhạc để nhìn” qua video âm nhạc của các nhóm nhạc thần tượng thế hệ đầu như H.O.T, S.E.S, Fin.K.L và Sechs Kies.

Cơ bản nhất là tiếp cận theo kiểu sử dụng hình ảnh khiến khán giả vừa xem đã lập tức cảm thấy bị lôi cuốn. Ví dụ điển hình là video âm nhạc gợi cảm, nhấn mạnh lợi thế của từng thành viên trong ban nhạc như là những khuôn hình cận cảnh khắc hoạ khuôn mặt hoặc vũ đạo của họ. Sau đó các video âm nhạc dưới dạng phim truyền hình nhắn gửi thông điệp cho thế hệ, hay câu chuyện độc đáo của nhóm như “Hope” của H.O.T, và “Now” của Fin.K.L dần dần xuất hiện. Đặc biệt những video theo phong cách phim truyền hình - thể loại thường được sử dụng để nhấn mạnh thông điệp có trong bài hát nay dần được mở rộng và phát triển hơn. Mãi cho đến năm 2012, bắt đầu từ nhóm EXO, các video âm nhạc Hàn Quốc mới bắt đầu thể hiện “cái nhìn về thế giới”, thể hiện thông điệp của nhóm hoặc toàn bộ album phát hành, vượt ra ngoài video ngắn đơn thuần chứa nội dung của một bài hát.

Họ cố gắng thuyết phục công chúng bằng một câu chuyện về siêu năng lực được trao cho từng thành viên của nhóm trong một hành tinh mang tên “exoplanet” (tạm dịch Hành tinh của EXO) và huy động nhiều ý tưởng khác nhau để truyền tải hiệu quả thế giới quan hư cấu do chính mình tạo ra. Ngoài việc sử dụng đồ hoạ máy tính mô tả năng lực siêu nhiên, họ còn tạo ra vô số hình ảnh tối tân bao gồm nhiều đoạn teaser (clip ngắn quảng cáo) để giới thiệu về một thế giới quan sâu sắc tới mức có thể được gọi là “EXO học”, chẳng hạn như thế giới song song , cây sự sống và hai mặt trời.

Các video âm nhạc K-pop giờ đây không đơn thuần là âm nhạc phối hợp cùng hình ảnh, mà đã phát triển trở thành một phương tiện tiêu biểu thay đổi cấu trúc lớn của thị trường âm nhạc toàn cầu.

EXO xuất hiện trong video âm nhạc “Power”, ca khúc chủ đề của album phòng thu “The Power of Music”. EXO là một trong những nghệ sĩ K-pop đầu tiên tạo ra video âm nhạc trình bày lời kể về những người biểu diễn hoặc thông điệp chung cho toàn bộ album.

Video âm nhạc của “Tempo”, ca khúc chính trong album phòng thu của EXO mang tên “DON’T MESS UP MY TEMPO”. Nhóm đã đưa ra khái niệm “thế giới quan”, bao gồm các giả tưởng như thế giới song song và sức mạnh siêu nhiên.

Nam ca sĩ nhạc rap G-Dragon xuất hiện trong video “Crooked”, ca khúc chính trong album “COUP D’ETAT” vào năm 2013. Được quay tại London và phát hành cùng ngày với album, video đã đạt 100 triệu lượt xem trên YouTube vào tháng 1 năm 2017. Phong cách thời trang của G-Dragon thu hút sự chú ý không kém gì âm nhạc của anh.

Bài toán tương lai

Khi nhắc tới thế giới quan trẻ trung trong chuỗi album “Hoa dạng niên hoa”, album vốn được xem là bước ngoặt đưa BTS trở thành ngôi sao thế giới ngày nay thì không thể không kể đến video âm nhạc của phần 1, 2 và phần kết “EPILOGUE: Young forever” (tạm dịch Mãi mãi thanh xuân).

Trường hợp của Blankpink cũng tương tự vậy. Ấn tượng đầy mạnh mẽ trong video âm nhạc “Whistle” (tạm dịch Huýt sáo) và “Boombayah” trong đĩa đơn đầu tay được tạo dựng bởi hai yếu tố khác nhau. Yếu tố thứ nhất là hình ảnh người nghệ sĩ sành điệu của công ty YG Entertainment, một công ty nhận được sự ủng hộ hoàn toàn từ người hâm mộ Anh và Mỹ kể từ trước khi có làn sóng K-pop. Yếu tố còn lại chính là hình ảnh của những tín đồ thời trang hàng đầu, mỗi thành viên trong bốn người họ đều là hiện thân của những người mang tầm ảnh hưởng quốc tế với với lượng người theo dõi áp đảo.

Không quá lời khi nói rằng các video âm nhạc K-pop giờ đây không đơn thuần là âm nhạc phối hợp cùng hình ảnh mà nó đã phát triển trở thành một phương tiện tiêu biểu thay đổi cấu trúc lớn của thị trường âm nhạc toàn cầu. Sau cơn sốt “Gangnam style” (tạm dịch Phong cách Gangnam) của Psy làm khuynh đảo làng nhạc thế giới với điệu nhảy ngựa độc đáo vào năm 2012, Billboard bắt đầu phản ánh lượt xem video âm nhạc tại kênh YouTube trên bảng xếp hạng đĩa đơn HOT 100. Điều này sau đó đã trở thành sự hỗ trợ mạnh mẽ nhất cho các ca sĩ K-pop nuôi mộng thâm nhập thị trường Mỹ.

Tuy nhiên khi vị thế của K-pop tăng cao một cách đáng ngạc nhiên thì nó cũng đòi hỏi trách nhiệm tương ứng. Các nhà sản xuất video âm nhạc đều có chung mục tiêu là nắm bắt thị hiếu, tiên phong tạo ra nội dung sáng tạo mang tính đột phá một cách nhanh chóng, mạch lạc hơn bất kỳ ai. Nhưng áp lực này đồng thời mang lại rủi ro về vấn đề bản quyền do không hiểu rõ về một văn hoá riêng biệt, dẫn đến việc bị chỉ trích về hành vi chiếm đoạt văn hoá.

Đây là một vấn đề cần được xử lý thận trọng giống như các kỷ lục mới khác nhau được thiết lập bởi video âm nhạc K-pop. Theo ý nghĩa này, các video âm nhạc K-pop hiện đang ở trên một vạch xuất phát mới.

Kim Yoon-haNhà bình luận Âm nhạc đại chúngẢnh. Heo Dong-wukDịch. Trần Huyền Trang

전체메뉴

전체메뉴 닫기