메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

2022 SUMMER

BỘ PHIM VỀ CUỘC SỐNG HIỆN TẠI CỦA NHỮNG NGƯỜI THOÁT LY KHỎI BẮC TRIỀU TIÊN

Bắt đầu làm phim vào đầu những năm 2000, đạo diễn Yun Je-ho, luôn muốn thoát khỏi những khuôn mẫu và định kiến. Ông luôn cố gắng tập trung khai thác hình ảnh của những nhân vật của hiện tại. Đó là lý do tại sao ông ấy đồng thời làm phim điện ảnh và phim tài liệu.

Thông qua các bộ phim của mình, đạo diễn Yoon Jae-ho liên tục kể về cuộc sống của người dân ở khu vực biên giới, đặc biệt tập trung khai thác cuộc sống của những người thoát ly khỏi Triều Tiên.

Chỉ trong năm 2021, đạo diễn Yun Je-ho đã cho ra mắt hai bộ phim: phim điện ảnh "Đấu sĩ" (Fighter) và phim tài liệu "Song Hae 1927". "Đấu sĩ" là câu chuyện về Jin-a, cô gái rời khỏi Hanawon - Trung tâm Hỗ trợ Định cư cho Người tị nạn Bắc Triều Tiên - và kiếm sống bằng việc dọn dẹp tại một phòng tập thể hình. Còn bộ phim "Song Hae 1927" nói về ca sĩ kiêm MC Song Hae, người dẫn chuỗi chương trình “Tìm kiếm tài năng âm nhạc” nổi tiếng của đài truyền hình KBS vốn xuất thân từ vùng đất Hwanghaedo thuộc Triều Tiên ngày nay.

Những bộ phim này cho chúng ta thấy thế giới nội tâm của họ, vốn là những nhân vật mà chúng ta chưa từng được biết đến. Nhân vật Jin-a vì muốn ở lại Hàn Quốc với thể chất và tinh thần khỏe mạnh mà bắt đầu tập boxing, còn nhân vật Song Hae lại cho ta thấy hình ảnh chân thực về người cha đã mất người con trai của mình trong quá khứ.


Cuộc đời của những người thoát ly khỏi Bắc Triều Tiên
Trong suốt sự nghiệp của mình, đạo diễn Yun đã liên tục thực hiện những bộ phim về người dân ở khu vực biên giới, đặc biệt tập trung khai thác cuộc sống của những người thoát ly khỏi Triều Tiên. Các tác phẩm của ông đi sâu vào nội tâm của nhân vật rồi điềm tĩnh quan sát thực tại. Liên hoan phim hàng đầu trong và ngoài nước rất quan tâm về các bộ phim của ông. Đầu tiên, ông đã giành được giải thưởng lớn tại Liên hoan phim ngắn quốc tế Asiana lần thứ 9 năm 2011 cho bộ phim tài liệu "Điều hẹn ước" (Promise, 2010) kể về câu chuyện của một phụ nữ Trung Quốc gốc Hàn sống với hy vọng gặp lại đứa con trai của mình.

Sau đó, Phim tài liệu dài tập mang tên “Madam B” (Mrs.B. A North Korean Woman, 2016) nói về cuộc đời của người phụ nữ Bắc Hàn trốn thoát đến Trung Quốc để tìm kế sinh nhai, đã giành được giải Phim tài liệu xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế Moscow và giải thưởng phim tài liệu quốc tế tại Liên hoan phim Zurich lần thứ 12. Bộ phim này có sự kết nối với bộ phim "Những ngày tươi đẹp" (Beautiful Days) - phim điện ảnh đầu tiên của đạo diễn Yun Jae-ho do diễn viên Lee Na-young đảm nhận vai chính. Đây là tác phẩm được trình chiếu khai mạc cho Liên hoan phim quốc tế Busan lần thứ 23, nói về người mẹ thoát ly khỏi Bắc Hàn qua góc nhìn của Zhenchen, một sinh viên đại học xuất thân là người Trung Quốc gốc Hàn. Sau đó, đạo diễn được mời tham dự hạng mục Tuần lễ đạo diễn (Directors' Fortnight) của Liên hoan phim Cannes lần thứ 69 với phim ngắn "Người quá giang" (The Hitchhiker) và hạng mục Thế hệ (Generation) của Liên hoan phim quốc tế Berlin lần thứ 71 với phim "Đấu sĩ". Thông qua các liên hoan phim trên, ông đã góp phần giới thiệu hình ảnh của người dân sinh sống tại các quốc gia đang bị chia cắt đến những người làm điện ảnh trên toàn thế giới.

Cuộc sống du học
Đạo diễn Yun đã thử giao tiếp với công chúng thông qua phim ảnh từ khi du học ở Pháp. Vì muốn rời khỏi khu phố quen thuộc, ông rời Hàn Quốc cùng một người bạn ở độ tuổi 20. Dù đã 20 năm, nhưng ông vẫn nhớ như in ngày ra đi. Đó là ngày 12 tháng 9 năm 2001, một ngày sau vụ tấn công khủng bố 11 tháng 9. Tại sân bay, tất cả các chuyến bay đến Mỹ đều buộc phải dừng lại, ông bước lên chuyến bay đến Châu Âu trong sự kiểm soát an ninh nghiêm ngặt. Cảm nhận được sự hỗn loạn của thế giới ngay từ khi rời khỏi gia đình, ông đến Nancy, một thị trấn nhỏ nằm ở đông bắc nước Pháp. Tại đây, trong lúc đang theo học ngôn ngữ và du lịch thăm thú mọi nơi, ông và người bạn của mình đã bất ngờ ứng tuyển vào trường nghệ thuật. Sau khi vượt qua kỳ thi thực hành nhờ năng lực nghệ thuật được rèn luyện từ khi ở Hàn Quốc, ông đã trở thành du học sinh mà không hề có kế hoạch trước.

“Sống một mình ở vùng đất xa lạ tuy có nhiều điều lo sợ nhưng kỳ thật rất vui. Tôi nghĩ tôi đã sống cuộc sống của chính mình, chỉ nghĩ cho bản thân mình.”

Tại trường, ngoài vẽ tranh ông còn trau dồi thêm kiến thức về các hình thức nghệ thuật làm phim ngắn, nghệ thuật sắp đặt... những thứ giúp ông thêm mở mang tầm mắt. Ngoài ra, việc giao lưu với sinh viên các nước cũng có ảnh hưởng lớn đến ông. Ông bước vào thế giới điện ảnh cũng là do một người bạn người Bỉ đã cho ông mượn một hộp chứa 100 đĩa DVD. Trong hộp có đầy những bộ phim kinh điển những năm 1950 và 1960 của các đạo diễn như François Truffaut, Jean-Luc Godard, Ingmar Bergman và Orson Welles... Một chàng trai trẻ ở độ tuổi đôi mươi, vốn chỉ xem những bộ phim về đánh đấm, đã tiếp xúc với những bộ phim trí tuệ và thể nghiệm.

“Tôi đã xem đi xem lại 100 đĩa phim. Thật khó để hiểu được nội dung phim, nhưng những bộ phim này quả thật vô cùng hấp dẫn.”

Trên hết, đạo diễn Yun cho rằng ông đã phải lòng việc làm phim - công việc không thể hoàn thành một mình. Ông, người từng muốn bắt chuyện với tất cả mọi người, đã tập hợp bạn bè cùng tham gia và bắt đầu trao đổi.

“Madam B” bộ phim tài liệu nói về cuộc đời của người phụ nữ Bắc Hàn trốn thoát đến Trung Quốc để tìm kế sinh nhai.
© CINESOPA

“Những ngày tươi đẹp” là bộ phim điện ảnh đầu tiên của đạo diễn Yun khắc họa hình ảnh của người mẹ thoát ly khỏi Bắc Hàn qua góc nhìn của Zhenchen, một sinh viên đại học xuất thân là người Trung Quốc gốc Hàn.
© peppermint&company

“Đấu sĩ” là câu chuyện về Jin-a, cô gái rời khỏi Hanawon, kiếm sống bằng việc dọn dẹp tại một phòng tập thể hình.
© INDIESTORY

Cuộc sống thường nhật hiện tại
Năm 2004, ông cùng bạn bè sản xuất bộ phim đầu tiên, kể về sự rối loạn bản sắc của một phụ nữ Hàn Quốc đang sống tại Pháp với tư cách người nước ngoài. Tác phẩm chứa đựng những câu hỏi mang tính tự truyện của ông. “Tại sao mình lại sống ở đây? Tại sao lại là nơi này mà không phải là nơi nào khác?” Đó đều là những điều ông đã tự hỏi mình từ khi còn nhỏ. Như một lẽ tự nhiên, chàng trai trẻ đến Nancy từ Busan đã mời những nhân vật xuất thân từ cộng đồng người di cư vào phim của mình. Và cũng tự nhiên như thế, ông dần quan tâm đến cuộc sống của những người ly khai khỏi Triều Tiên.

Khi tạo ra nhân vật đứng trên lằn ranh biên giới, điều đạo diễn Yun cân nhắc nhất chính là thời gian của họ. Ông đắm mình vào trải nghiệm quá khứ của những người vượt qua biên giới đến nơi ở của họ bây giờ, và nghiền ngẫm xem những trải nghiệm đó đã làm nên con người hiện tại của họ ra sao.

“Dù hôm nay chúng ta đang sống, nhưng cuối cùng hôm nay rồi cũng sẽ trở thành hôm qua. Và tùy thuộc vào cách bản thân sống hôm nay mà ngày mai sẽ thay đổi. Vì vậy, tôi thường loại trừ các câu chuyện quá khứ của nhân vật và cố gắng không quá tập trung vào tương lai. Tôi muốn cho mọi người thấy những nhân vật đó đang sống như thế nào trong hiện tại. Vì nếu hôm nay tôi thay đổi thì tôi của tương lai chắc chắn sẽ khác. Đó chính là thông điệp mà tôi muốn truyền tải."

Nguyên tắc này được áp dụng cho tất cả phim điện ảnh và phim tài liệu mà đạo diễn Yun thực hiện. Ông đã đồng hành với Madam B trên hành trình nhập cư của cô trong suốt 3 năm ròng khi quay bộ phim “Madam B”. Đối với bộ phim “Song Hae 1927”, đạo diễn Yun đã phỏng vấn Song Hae suốt 4 tiếng liền vào ngày đầu tiên. Ông muốn đưa những cảm xúc bình dị có được từ việc quan sát những khoảnh khắc thường nhật vào phim.

Những người rời khỏi Bắc Triều Tiên nghĩ về điều gì? Họ cảm thấy thế nào khi sống tại Hàn Quốc? Đạo diễn và các diễn viên vẫn thường tự hỏi như thế rồi trả lời. Ông đã thử kết hợp những trải nghiệm của mình và cũng tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người thoát ly khỏi Bắc Triều Tiên. Điều ông luôn muốn tránh là tạo ra những hình ảnh sáo mòn trên truyền thông về những người rời khỏi Bắc Triều Tiên.

Bộ phim “Song Hae 1927” thẳng thắn đề cập đến cuộc đời của Song Hae với hình ảnh đằng sau bức màn sân khấu, chứ không phải hình ảnh của một người nổi tiếng có thâm niên trong nghề.

Câu hỏi thay vì lời giải đáp
Phim của đạo diễn Yun Je-ho thường đặt câu hỏi thay vì mang đến cho khán giả câu trả lời. Ông thường kết thúc phim bằng cách soi rọi những khả năng có thể xảy đến với các nhân vật, chứ không đưa ra kết luận rõ ràng. Khán giả không biết được cuối cùng chiếc mũ của hy vọng trong phim “Những ngày tươi đẹp” có thể trở thành hiện thực hay không, họ cũng không biết liệu Jin-a trong “Đấu sĩ” có chiến thắng trong trận boxing không. Ông chỉ cho khán giả thấy những nhân vật trong phim sẽ có ngày mai khác với hôm qua. Họ trở nên tôn nghiêm trên ranh giới này.

“Định nghĩa về hạnh phúc khác nhau ở mỗi chúng ta. Tôi cố gắng để các nhân vật trong phim có kết thúc mở nhất có thể. Phải như vậy thì khán giả mới bắt đầu trăn trở về việc làm thế nào những người thoát ly khỏi Bắc Triều Tiên có thể trở nên hạnh phúc ở Hàn Quốc?”

Những người thoát ly khỏi Bắc Triều Tiên sau khi xem xong bộ phim sẽ nghĩ gì? Đã có những người xấu hổ trước những hình ảnh thực tế, cũng đã có những người vui vì câu chuyện của bản thân đã được lắng nghe. Ý kiến họ sau khi xem lại quãng thời gian mà mình từng trải qua trước đây thật muôn màu muôn vẻ. Những nhà hoạt động nhân quyền và sinh viên đang học về hiện thực chia cắt Nam-Bắc xem phim với các góc nhìn khác nhau tùy theo kiến thức nền của họ. Cũng có khán giả nước ngoài chia sẻ và đồng cảm với những trải nghiệm phổ biến ở quốc gia bị chia cắt như Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên.

“Tôi hy vọng tác phẩm của mình có giá trị với ít nhất một người. Vì chúng ta không biết một người này đang ở đâu và có thể làm gì.”
Là người tin vào sức ảnh hưởng của bản thân và của những cá nhân khác, khi được hỏi rằng điều gì đã giúp ông duy trì công việc này suốt 20 năm, ông đã trả lời rằng đó chính là “tình yêu”. “Dù chiến tranh hay chia cắt, ở đâu có vấn đề ở đó chắc hẳn thiếu thốn tình yêu thương. Vì vậy, tôi vẫn tiếp tục làm phim để theo đuổi tình yêu thương.”

Cuối cùng, chúng tôi đã hỏi ông về ước mơ ngoài phim ảnh của ông.

“Có thể đó sẽ là một tương lai rất xa, nhưng tôi mong rằng có một ngày tôi có thể xuất phát bằng xe buýt từ Busan, qua Bình Nhưỡng và Bắc Hamgyong, qua Nga, rồi đến Đức và Paris. Đó có lẽ là mong ước duy nhất của tôi.”
Nếu một ngày nào đó thống nhất, có lẽ đạo diễn Yun Je-ho sẽ làm một phim về con đường di chuyển từ Á sang Âu. Bên cạnh đó, đất nước Hàn Quốc bị chia cắt cũng giống như những bộ phim của ông, đều có kết thúc mở và đều rất đáng để mong chờ.

Nam Sun-Woo Phóng viên CINE21
Lee Min-heeẢnh.
Dịch Bích Uyên

전체메뉴

전체메뉴 닫기