메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

2022 SPRING

NHỮNG NGHỆ SĨ DẪN DẮT TRÀO LƯU

Trên cơ sở cộng hưởng giao thoa được tái sinh bằng âm thanh tinh tế và sâu sắc với lịch sử hàng trăm năm, những nghệ sĩ tiên phong của âm nhạc truyền thống Hàn Quốc đương đại sở hữu tài hoa trình diễn nhạc cụ xuất chúng. Trong số đó, có ba nhóm nhạc tiêu biểu đang thu hút sự chú ý trên khắp các sân khấu trong và ngoài nước, hãy cùng quan sát thế giới âm nhạc mà họ theo đuổi và hướng đến.

Một cảnh trong video âm nhạc của album đầy đủ thứ ba mang tên “ONDA” của ban nhạc Jambinai được bán ra bởi hãng thu âm Bella Union. Đây là album đầu tiên kể từ khi đội hình ban đầu của ban nhạc gồm ba thành viên Lee Il-woo, Kim Bo-mi, Sim Eun-youg - những người bạn học cùng khóa tại Trường Nghệ thuật Truyền thống, Đại học Nghệ thuật Quốc gia Hàn Quốc - kết nạp thêm hai thành viên mới là tay trống Choi Jae-hyuk và nghệ sĩ ghi-ta bass B.K Yu. Nó được đánh giá là có nhịp điệu sôi động hơn so với các tác phẩm trước đây.

 

Black String
“Âm thanh chân thực của cây đàn huyền cầm geomungo (đàn tranh sáu dây của Hàn Quốc – chú thích của người dịch) là thứ người ta dành cả đời cũng không thể đạt được. Theo nghĩa rộng, điều này không khác gì với những gì mà ban nhạc Black String đang theo đuổi.”

Ban nhạc Black String được thành lập năm 2011 gồm bốn thành viên kết hợp âm nhạc truyền thống với dòng nhạc jazz và tạo ra chất âm nhạc mang tính thể nghiệm, đặt trọng tâm vào tính ngẫu hứng. Từ trái sang lần lượt là nghệ sĩ đàn geomungo Heo Yoon-jeong, nghệ sĩ đàn ajaeng và trống janggu Hwang Min-wang, nghệ sĩ sáo daegeum và đàn yanggeum Lee Aram, nghệ sĩ ghi-ta Oh Jeong-su.
ⓒ Nah Seung-yull

 

Ban nhạc gồm bốn thành viên này đã thu hút sự chú ý của công chúng qua các lễ hội world music (tạm dịch nhạc thế giới), nhạc jazz trong nước và quốc tế nhiều năm qua. Tên gọi của nhóm đã khẳng định âm nhạc của họ có nguồn gốc sâu xa từ cây đàn geomungo. Âm sắc thanh thoát và trang nghiêm của loại nhạc cụ với bề dày lịch sử 1.500 năm này là biểu tượng cho đặc trưng âm nhạc truyền thống Hàn Quốc. Tên gọi Black String được chuyển ngữ từ tên “huyền cầm” (玄琴) - tên chữ Hán của loại nhạc cụ này.

Thành lập vào năm 2011, ban nhạc có bốn thành viên bao gồm nghệ sĩ đàn geomungo Heo Yoon-jeong, nghệ sĩ đàn ghi-ta Oh Jeong-su, nghệ sĩ sáo trúc ngang lớn daegeum và đàn tam thập lục yanggeum Lee Aram, nghệ sĩ đàn tranh ajaeng và trống phong yêu janggu Hwang Min-wang. Năm 2016 là năm đầy khởi sắc với ban nhạc. Họ đã ký hợp đồng chưa từng có với hãng thu âm quốc tế ACT của Đức để phát hành năm album phòng thu. Cùng với ECM (Edition of Contemporary Music), ACT là hãng thu âm chuyên về âm nhạc đương đại thể nghiệm với trọng tâm là nhạc jazz. Black String là ban nhạc Hàn Quốc đầu tiên hợp tác với công ty này để phát hành album. Ngoài ra, album đầu tiên mang tên “Mask Dance” (tạm dịch Điệu múa mặt nạ) được phát hành cùng năm đó đã xuất sắc chiến thắng tại hạng mục âm nhạc châu Á – Thái Bình Dương, thuộc Giải thưởng Âm nhạc Songlines của Anh vào năm 2018. Đây cũng là lần đầu tiên một nghệ sĩ Hàn Quốc được vinh danh tại lễ trao giải này.

Thế giới âm nhạc của Black String có vẻ phù hợp hơn với màu sắc của hãng ECM, nơi âm nhạc dân gian châu Âu hòa quyện với nhạc jazz sâu lắng. Sự diễn giải lại mang tính triết lý của dòng nhạc ambient (tạm dịch nhạc không gian) qua ca khúc chủ đề “Karma” (2019) trong album thứ hai cùng tên, cũng như cách tiếp cận đến jazz fusion (thể loại hòa trộn giữa nhạc jazz với nhạc rock, funk, R&B hình thành vào cuối thập niên 1960 – chú thích của người dịch) qua tác phẩm “Exhale-Puri” (tạm dịch Thở ra) hay “Song of the Sea” (tạm dịch Bài hát của Biển) đều gần gũi với âm thanh mang tính Hàn Quốc của hãng ECM.

Trưởng nhóm Heo Youn-jeong là người nắm giữ chiếc chìa khóa dẫn đến sự phá cách. Là giáo sư khoa Âm nhạc Truyền thống tại Đại học Quốc gia Seoul kiêm nghệ sĩ đàn geomungo tiêu biểu của Hàn Quốc, trưởng nhóm Heo Youn-jeong cũng chính là con gái đạo diễn Heo Gyu (1934-2000) - người được coi là nhân vật tiên phong của madanggeuk (kịch ngoài trời), mở ra đường lối mới cho thể loại kịch Hàn Quốc ở thế kỷ XX. “Thông qua bố mà tôi đã được biết đến những bậc thầy về âm nhạc ngẫu hứng. Và khi nhìn thấy nghệ sĩ đàn nhị haegeum Kang Eun-il biểu diễn một cách tự do, vượt ra khỏi khuôn khổ của âm nhạc truyền thống, bản thân tôi cũng đã được truyền cảm hứng tham gia vào xu hướng đó”, cô nhớ lại.

Cùng với nghệ sĩ Kang Eun-il, trưởng nhóm Heo Yoon-jeong đã ra mắt với tư cách là nhân tố chính mang đến làn gió thể nghiệm tự do cho giới âm nhạc truyền thống Hàn Quốc. Họ lập ra ban nhạc SangSang Trio cùng nghệ sĩ đàn cheol-hyeongeum (thiết huyền cầm) Yu Kyung-hwa, tạo ra một âm nhạc có sự pha trộn giữa điệu sigimsae (lối hát trong pansori và nhạc dân tộc Hàn Quốc – chú thích của người dịch) và nhịp phách truyền thống với phương pháp luận của âm nhạc hiện đại hoặc free jazz (tạm dịch nhạc jazz tự do). Yu Kyung-hwa và Won Il - một nhạc sĩ từng hợp tác với họ - là bạn cùng khóa với cô Heo tại Trường Trung học Âm nhạc Dân tộc Quốc gia Hàn Quốc.

Các thành viên còn lại của Black String đều là những nhân tố kỳ cựu trẻ tuổi và hiếm có trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc và jazz. Họ không hề ngần ngại trong việc lựa chọn chất liệu. Họ tự tin mang đến những tiết mục muôn màu muôn vẻ, tạo ra “bát cơm trộn bibimbap” của âm nhạc đầy mơ mộng, từ dân ca truyền thống hay âm nhạc Shaman giáo, Phật giáo cho đến ca khúc “Exit Music – For a Film” của Radiohead - ban nhạc rock người Anh. Lee Aram, nam nghệ sĩ sáo daegeum với lối diễn độc đáo, sáng tạo và thành thạo không thua kém bất kỳ ai, cùng với Hwang Min-wang là người đã từng hợp tác với Lee trong nhóm nhạc khác, và Oh Jeong-su với chất âm thanh của ghi-ta vừa mộc mạc vừa sâu sắc, đa chiều đã gián tiếp cho thấy nhóm nhạc của họ chưa bao giờ tập trung duy nhất vào chiếc đàn geomungo. Những ai mới tiếp cận với thế giới âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc sẽ cần phải nhớ đến tên của từng thành viên – những con người tài hoa trong cả sự nghiệp cá nhân lẫn hoạt động dự án.

Heo Yoon-jeong cho biết : “Tôi rất yêu thích âm nhạc ngẫu hứng, thế nhưng cá tính riêng của ban nhạc không chỉ đến từ sự ngẫu hứng. Ý tưởng và bản sắc rõ ràng phải trở thành khuôn khổ và sự ngẫu hứng là động lực thúc đẩy chúng tôi trong những buổi diễn”. Sanjo, dòng nhạc độc tấu ngẫu hứng chính, quả thật vừa là gốc rễ vừa là trái tim của Heo Yoon-jeong và Black String.



 

Jambinai
“Cảm giác bị sốc khi bất chợt nhìn thấy một loài động vật mà bạn tin rằng đã tuyệt chủng hay không còn tồn tại nữa, giống như khi loài cá vây tay được phát hiện đang sinh sống ở biển sâu… Chúng tôi cũng đang tìm kiếm một cái gì đó tương tự.”

Ban nhạc post rock Jambinai trình diễn phong cách âm nhạc độc đáo, pha trộn giữa rock với metal và tập trung vào các nhạc cụ truyền thống. Từ trái sang lần lượt là tay trống Choi Jae-hyuk, nghệ sĩ đàn geomungo Sim Eun-youg, nghệ sĩ ghi-ta và sáo piri, taepyeongso Lee Il-woo, nghệ sĩ đàn haegeum Kim Bo-mi và nghệ sĩ ghi-ta bass B.K Yu.
ⓒ Kang Sang-woo

 

Có một lễ hội âm nhạc tên là Hellfest. Cái tên này dùng để đặt cho lễ hội thì có phần hơi ghê rợn, không phải vậy sao? Đây là lễ hội âm nhạc metal (thể loại nhạc rock phát triển vào cuối những năm 1960 và đầu 1970 – chú thích của người dịch) tại một thị trấn nhỏ nước Pháp vào tháng 6 hàng năm, quy tụ hàng chục nghìn bạn trẻ đầy nhiệt huyết. Ngôi sao chính trong lễ hội đều là những ban nhạc rock và metal hàng đầu như Iron Maiden hay Cannibal Corpse.

Tuy nhiên năm 2016, rất nhiều nhạc cụ truyền thống Hàn Quốc bất ngờ xuất hiện trên sân khấu của lễ hội này. Đó chính là màn trình diễn của ban nhạc Jambinai. Ban nhạc post rock (thể loại nhạc rock khác với rock truyền thống về hình thức và nhạc cụ – chú thích của người dịch) này thành lập vào năm 2009 với năm thành viên, bao gồm nghệ sĩ thông thạo cả ghi-ta lẫn sáo trúc dọc piri và kèn bầu taepyeongso Lee Il-woo, nghệ sĩ đàn nhị haegeum Kim Bo-mi, nghệ sĩ đàn geomungo Sim Eun-youg, nghệ sĩ trống Choi Jae-hyuk, nghệ sĩ ghi-ta bass B.K Yu.

Âm nhạc của họ khiến người ta liên tưởng đến một mớ hỗn độn gây ra bởi lũ yêu tinh, ma quỷ đầy ảm đảm và kỳ quái của Hàn Quốc. Que gảy cùng một lúc đánh xuống thân và dây đàn geomungo tạo ra những câu nhạc lặp đi lặp lại một cách thô ráp, khi kết hợp với tiếng quỷ khóc của đàn haegeum và sự gầm rú của ghi-ta điện đã làm nên những làn sóng âm thanh vô cùng hồi hộp và ghê rợn, điều mà thể loại heavy metal không thực hiện được. Tính thẩm mỹ của post rock, shoegazing (thể loại rock xuất hiện tại Anh vào nửa sau thập kỷ 1960 – chú thích của người dịch) và âm nhạc truyền thống Hàn Quốc xung đột với nhau theo một tỷ lệ mà chúng ta không thể lường trước. Âm thanh của sự ma sát và tắc xát từ đàn haegeum và geomungo lạ lẫm nhưng cũng rất kịch tính.

Các thành viên nòng cốt của ban nhạc là Lee Il-woo, Kim Bo-mi và Sim Eun-youg từng học chung với nhau tại Trường Nghệ thuật Truyền thống thuộc Đại học Nghệ thuật Quốc gia Hàn Quốc và đều là những nghệ sĩ theo trường phái chính thống đã theo học chuyên ngành âm nhạc truyền thống từ nhỏ. Tuy nhiên trên thực tế, Jambinai gần giống như hệ quả từ việc muốn đi ngược lại với âm nhạc truyền thống của Lee Il-woo. Anh học thổi sáo piri vào năm thứ nhất ở trường trung học nhưng đến năm thứ ba lại chuyển sang chơi ghi-ta điện. Ở trường, anh theo học âm nhạc truyền thống nhưng ở nhà, anh lại theo dõi ban nhạc Metallica và mơ ước trở thành một người chơi nhạc rock. Trước Jambinai, anh từng tham gia hoạt động trong ban nhạc theo thể loại screamo (thể loại nhạc hát về cảm xúc của con người nhưng dùng tông giọng lớn và cao giống như tiếng thét – chú thích của người dịch) mang tên 49 Morphines. Nói về sự thành lập của Jambinai, anh cho biết:“Tôi muốn phá bỏ thành kiến ‘nhạc cụ truyền thống không thể dung hòa một cách tự nhiên với âm nhạc của nhóm mà chỉ có thể chơi trong nhà truyền thống hanok’ hay định kiến cho rằng âm nhạc truyền thống là loại âm nhạc nhàm chán. Để làm được điều này, tôi cần một âm thanh thật mạnh mẽ và tôi đã có được ý tưởng một cách gián tiếp từ album “Roots” (tạm dích Gốc rễ) của ban nhạc Sepultura người Bra-xin - những nghệ sĩ đã kết hợp âm nhạc truyền thống của Bra-xin với dòng nhạc metal. Sự kết hợp về âm thanh của thể loại rock công nghiệp từ album “The Downward Spiral” (tạm dịch Xoắn ốc hướng xuống) của ban nhạc Nine Inch Nails, hay thể loại post rock với sự hòa hợp hoàn hảo giữa các nhạc cụ như đàn vi-ô-lông, đàn xen-lô, kèn túi đều là những yếu tố nuôi dưỡng nên tài năng của tôi.

Trong lễ hội SXSW ở Mỹ năm 2014, tiết mục của Jambinai bắt đầu chỉ với hai khán giả nhưng chỉ sau 30 phút, mọi người đã lấp đầy khu vực biểu diễn. Được tận mắt chứng kiển khung cảnh đầy ngạc nhiên này là trải nghiệm mãnh liệt mà tôi từng có tại một buổi hòa nhạc. Ban nhạc cuối cùng cũng đã ký hợp đồng với hãng thu âm Bella Union nổi tiếng thế giới của Anh vào năm 2015, và album thứ hai của họ mang tên “Ẩn thê” (A Hermitage, tạm dịch Nơi ẩn dật) ra mắt trong năm sau đó đã xuất hiện trên thị trường thế giới và nhận những lời tán dương hết mực. Khởi đầu tựa như ngọn nến nhen nhóm rồi nhanh chóng lan tỏa thành trận lửa cháy trên đồng, chất âm nhạc đầy kịch tính của nhóm có phổ âm rộng, không chỉ từ những tác phẩm mãnh liệt như “Thời gian của sự hủy diệt” (Time of Extinction) trong album thứ nhất “Sự khác biệt” (Différance), “Tủ âm tường” (Wardrobe) trong album thứ hai, “Ty trạng” (Event Horizon, tạm dịch Chân trời sự kiện) trong album thứ ba “ONDA” mà có cả những ca khúc trầm lắng như “Kết nối” (Connection) - bài hát cuối cùng trong album thứ nhất.

“Ẩn thê” - tiêu đề của album thứ hai - có vẻ là từ khóa hữu ích để tìm hiểu về ban nhạc này. Thuật ngữ này có nguồn gốc từ ngành nghiên cứu các sinh vật huyền bí (cryptozoology) như Nessie (quái vật hồ Loch Ness) hay người tuyết. Trước khi có dịch COVID-19, ban nhạc Jambinai đã biểu diễn hơn 50 sự kiện âm nhạc ở nước ngoài mỗi năm. Họ đã thu hút đông đảo khán giả trong những lễ hội quốc tế như WOMAD ở Anh, EXIT ở Xéc-bi, Roskilde ở Đan Mạch và có buổi trình diễn hoành tráng tại Lễ Bế mạc Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang năm 2018.

 

Dongyang Gozupa
“Chúng tôi nghĩ rằng những thiếu sót của chúng tôi sẽ là điều làm nên tính sáng tạo của nhóm. Vì thế, chúng tôi muốn trở thành một nhóm nhạc vẹn toàn dù chỉ với ba thành viên.”

Dongyang Gozupa, được thành lập năm 2018 với ba thành viên, mang sự khác biệt so với các nhóm khác ở đặc điểm chỉ sử dụng các nhạc cụ nhịp điệu. Ban nhạc truyền tải câu chuyện mang tính nhạc và năng lượng bộc phát thông qua màn trình diễn nhanh chóng như thể chạy trên cao tốc. Từ trái sang lần lượt là nghệ sĩ nhạc cụ bộ gõ Jang Do-hyuk, nghệ sĩ đàn yanggeum Yun Eun-hwa và nghệ sĩ ghi-ta bass Ham Min-whi.
ⓒ Kim Shin-joong

 

Có một nhóm nhạc ba thành viên sở hữu cá tính táo bạo không thua kém gì hai nhóm được nêu ở trước. Ngay từ cái tên “tần số cao từ phương Đông” đã cho thấy sự độc đáo, khác thường. Ấn tượng đầu tiên về ban nhạc này là kỹ thuật gảy dây trút xuống như những cơn gió giật của nghệ sĩ đàn yanggeum Yun Eun-hwa. Về mặt thị giác, kỹ thuật của cô dường như áp đảo cả “cơn bão” downpicking (một kỹ thuật gảy dây đàn – chú thích của người dịch) của nhóm Metallica khi trình diễn bài “Master of Puppets” (tạm dịch Bậc thầy của những con rối). Thêm vào đó, sự kết hợp với tiếng ghi-ta bass nặng nề của Ham Min-whi và âm thanh xuất quỷ nhập thần từ bộ nhạc cụ gõ của Jang Do-hyuk đã làm cho âm nhạc của nhóm được hoàn thiện, lao thật nhanh về phía trước như thể đang chạy trên đường Autobahn (hệ thống đường cao tốc nổi tiếng ở Đức – chú thích của người dịch). Âm sắc rõ ràng của đàn yanggeum nảy ra xung quanh như hạt mưa trong vắt rơi xuống khu rừng mưa nhiệt đới tươi xanh. Ra mắt vào năm 2018 với album mở rộng “Khoảng trống”, Dongyang Gozupa trở thành ban nhạc châu Á đầu tiên được mời tham dự lễ hội world music quốc tế WOMEX liên tiếp trong hai năm 2020 và 2021.

Cái tên kỳ lạ của ban nhạc “tần số cao từ phương Đông” được lấy ý tưởng từ bảng hiệu của một cửa hàng sửa chữa đồ điện ở khu phố mà Jang Do-hyuk vô tình nhìn thấy. Nhạc cụ trung tâm của ban nhạc này là đàn yanggeum của Yun Eun-hwa với dây đàn bằng sát, khác với dây đàn bằng tơ lụa của đàn geomungo mà ban nhạc Black String và Jambinai dùng để biểu diễn. Bằng loại nhạc cụ này, Yun Eun-hwa đã tạo ra âm thanh của kim loại khiến người ta nghĩ đến dòng nhạc metal.

Đàn yanggeum có xuất xứ từ Ba Tư. Qua thời gian, đàn được cải tiến và sở hữu những cái tên khác nhau như zither, dulcimer, cimbalom và khi được truyền bá đến Hàn Quốc thông qua Trung Hoa, đàn được đặt tên là yanggeum với ý nghĩa “nhạc cụ đến từ phương Tây”. Cùng với cây khèn bầu saenghwang, đây cũng là nhạc cụ hiếm hoi có thể phần nào hòa âm với cung bậc âm nhạc của phương Tây. Yun Eun-hwa cũng là Giám đốc Hiệp hội Cimbalom Thế giới chi nhánh tại Hàn Quốc, cô đã cải tiến nhạc cụ này theo hướng hiện đại bằng phương pháp của riêng mình. “Cây đàn yanggeum truyền thống của chúng tôi vốn dĩ nhỏ và có âm vực hẹp nên rất khó để trình diễn nhiều thể loại khác nhau”, cô cho biết và giải thích thêm: “Cây đàn yanggeum mà tôi đã cải tiến và đang sử dụng có thể chơi trong vòng bốn quãng tám rưỡi và có được hệ thống 12 âm giai bán cung của nhạc cụ phương Tây. Nó có thể chơi bất kỳ bài nhạc nào. Tôi cũng đã lắp vào bộ cảm ứng (pickup) giúp khuếch đại âm thanh và sử dụng phơ (effect pedal) để mở rộng phạm vi biểu đạt của đàn.”

Cô ấy bắt đầu việc học nhạc lúc bốn tuổi tại Trung Quốc - nơi cô ấy được học về đàn yanggeum theo kiểu Triều Tiên - và sau đó học đại học tại Hàn Quốc với chuyên ngành nhạc cụ bộ gõ. Hấp thụ những gì tinh túy nhất của nhạc cụ thuộc bộ gõ và bộ dây từ không chỉ phương Đông, phương Tây mà cả Hàn Quốc lẫn Triều Tiên, “phong cách Yun Eun-hwa” là kết quả của sự tôi luyện trong thời gian dài. Jang Do-hyuk cũng là một nghệ sĩ độc đáo khi không sử dụng trống kick bass đạp bằng chân. Thay vì tất cả tứ chi, anh chỉ sử dụng đôi bàn tay nhưng vẫn có thể trình diễn tất cả phổ âm của nhạc cụ bộ gõ từ thấp đến cao, tạo ra phong cách của riêng mình. Xuất thân từ ban nhạc rock Danpyunsun and the Sailors từng kết hợp rock với thế giới quan của phương Đông một cách độc đáo, anh Jang cho biết: “Hạn chế trong việc chơi đàn ngược lại đã tạo ra chất âm nhạc của riêng tôi. Tôi cảm thấy thích thú với những thử thách như vậy”. Cách trình diễn ghi-ta bass của Ham Min-whi có sự di chuyển linh hoạt, tự do giữa hai sắc thái nặng nề và thanh thoát đến mức khiến người ta liên tưởng đến ban nhạc nu metal (thể loại nhạc kết hợp từ nhạc rock và rap – chú thích của người dịch) Korn từ Mỹ hay ban nhạc punk rock (thể loại nhạc rock với lời bài hát hướng dến sự bất công trong xã hội – chú thích của người dịch) Red Hot Chili Peppers.

Yoo Eun-hwa đã nhận được Giải thưởng Làn sóng mới Surim do Quỹ Văn hóa Surim tổ chức vào cuối năm 2021. Đây là giải thưởng danh giá nhằm chọn ra những nghệ sĩ âm nhạc truyền thống trẻ tuổi có dự án âm nhạc mang tính thể nghiệm, mỗi năm chỉ có duy nhất một người hoặc một nhóm được trao giải. Kwon Song-hee - giọng ca chính của ban nhạc alternative pop LEENALCHI và Ak Dan Gwang Chil (ADG7) - nhóm nhạc biến tấu âm nhạc Shaman giáo từ Hwanghae-do theo hướng hiện đại cũng là những nghệ sĩ đã nhận được giải thưởng này.



Lim Hee-yun Nhà báo chuyên mục Văn hóa, Nhật báo Dong-a

전체메뉴

전체메뉴 닫기