메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

2021 WINTER

BỘ SƯU TẬP CỦA LEE KUN-HEE ĐƯỢC CÔNG BỐ VÀ GIỚI THIỆU ĐẾN CÔNG CHÚNG

Sau khi cố chủ tịch Lee Kun-hee của tập đoàn Samsung qua đời, khoảng 23.000 tác phẩm nghệ thuật cận hiện đại mang giá trị lịch sử nghệ thuật bao gồm những di sản văn hóa thuộc hàng quốc bảo mà cá nhân ông sở hữu được hoàn trả lại cho xã hội. Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc và Bảo tàng Mỹ thuật đương đại Quốc gia Hàn Quốc đã lựa chọn một số trong các tác phẩm được quyên tặng và mở cửa cho công chúng tham quan. Những buổi triển lãm đặc biệt này đã được tổ chức thành công trong sự quan tâm của công chúng.



focus1.jpg

“Inwangjaesekdo / Nhân vương tễ sắc đồ”. Jeong-son (1676-1759). 1751. Mực trên giấy. 79.2 x 138 cm.Đây là một trong những tác phẩm tiêu biểu của họa sĩ Jeong-son thời hậu kì Joseon khắc họa phong cảnh mùa hè của núi Inwang, Seoul với sương mù giăng kín sau cơn mưa. Sinh ra và lớn lên ở vùng núi Inwang, tác giả đã ghi lại hình ảnh ngọn núi thân thuộc bằng những nét vẽ tự tin. Là một trong những tác phẩm cuối đời của tác giả, bức họa này đã phát triển xu hướng vẽ tranh phong cảnh hiện thực bằng cách nhìn và họa trực tiếp phong cảnh thực, vượt qua ranh giới khái niệm vẽ tranh phong cảnh truyền thống.

Tháng 10 năm 2020, khi chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Kun-hee qua đời sau cơn hôn mê vì nhồi máu cơ tim cấp tính, công chúng tỏ ra vô cùng quan tâm đến những tác phẩm nghệ thuật mà ông để lại. Bộ sưu tập những tác phẩm nghệ thuật của gia đình Samsung bắt đầu từ cha của Lee Kun-hee - chủ tịch Lee Byung-chul - người sáng lập ra tập đoàn. Vợ chồng chủ tịch Lee Kun-hee đã mở rộng một cách đáng kể quy mô bộ sưu tập được thừa kế từ cha. Một phần trong số đó đã được giới thiệu đến công chúng qua các buổi triển lãm của Bảo tàng Mỹ thuật Ho-Am hay Bảo tàng Mỹ thuật Leeum được điều hành bởi Quỹ Văn hóa của Tập đoàn Samsung. Tuy nhiên, toàn bộ quy mô hay danh mục chi tiết của bộ sưu tập chưa từng được công khai nên đây luôn là chủ đề quan tâm của công chúng.

Một số người đã đánh giá bộ sưu tập được gọi là “Bộ sưu tập Lee Kun-hee” có giá trị văn hóa cao hơn các tác phẩm đang lưu trữ tại Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc và Bảo tàng Mỹ thuật đương đại Quốc gia Hàn Quốc. Cũng có ý kiến cho rằng giá trị của chúng ước tính hơn hàng nghìn tỷ won. Tháng 4 năm 2021, gia đình Samsung đã chính thức công bố sẽ hoàn trả lại khoảng 23.000 tác phẩm nghệ thuật và di sản văn hóa thuộc sở hữu cá nhân của Chủ tịch Lee cho xã hội. Các tác phẩm nghệ thuật cổ sẽ được quyên tặng cho Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc, các tác phẩm nghệ thuật của các vĩ nhân trong và ngoài nước sẽ được quyên tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật đương đại Quốc gia Hàn Quốc. Để kỷ niệm sự kiện này, Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc đã tổ chức buổi triển lãm đặc biệt mang tên “Cùng thưởng thức di sản văn hóa vĩ đại - Triển lãm những kiệt tác do Cố chủ tịch Lee Kun-hee quyên tặng” từ ngày 21 tháng 7 đến ngày 26 tháng 9 năm 2021. Bảo tàng Mỹ thuật đương đại Quốc gia Hàn Quốc cũng tổ chức “Triển lãm đặc biệt MMCALee Kun-hee: Những kiệt tác nghệ thuật Hàn Quốc” từ ngày 21 tháng 7 năm 2021 đến tháng 03 năm 2022.

focus2.jpg

“Thủy nguyệt Quan Âm đồ / Water-Moon Avalokitesvara”. Bên trái. Thế kỷ 14. Màu trên lụa. 83.4 x 35.7 cm. “Thủy nguyệt Quan Âm đồ” là tên gọi khác của Quan Âm Bồ Tát, có nghĩa là cứu nhiều người giống như mặt trăng trên trời được phản chiếu xuống làn nước trong vắt ở nhiều nơi khác nhau. Người xem có thể cảm nhận được vẻ đẹp độc đáo của các bức tranh Phật giáo Goryeo trong sự hài hòa của các hoa văn và màu sắc tinh tế phản chiếu dưới lớp áo trong suốt của Quan Âm Bồ Tát.

“Thiên thủ Quan Âm Bồ Tát đồ / Thousand-Armed Avalokitesvara”. Thế kỷ 14. Màu trên lụa. 93.8 x 51.2 cm.Quan Âm Bồ Tát ngàn tay được biết đến qua việc cứu rỗi chúng sinh bằng vô số tay và mắt. Mặc dù Phật giáo Hàn Quốc có lịch sử tín ngưỡng lâu đời về Quan Âm Bồ tát ngàn tay nhưng “Thiên thủ Quan Âm Bồ Tát đồ” là tác phẩm duy nhất truyền tải hình ảnh của Quan Âm Bồ Tát. Quan Âm Bồ Tát ngàn tay trong bức tranh này có 11 khuôn mặt và 44 bàn tay, mỗi bàn tay cầm một đồ vật với ý nghĩa tốt lành.

Di sản văn hóa cấp quốc bảo
Trước khi quyên góp cho quốc gia, một phần bộ sưu tập của cố chủ tịch Lee Kun-hee đã được trao tặng cho các bảo tàng mỹ thuật địa phương theo đặc thù của tác phẩm. Ví dụ như các bức tranh của họa sĩ Kim Hwan-ki (1913-1974) và Chun Kyung-Ja (1924-2015) xuất thân từ tỉnh Jeonllanam đã được trao tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật tỉnh Jeonlla; tác phẩm của họa sĩ Lee In-seong (1912-1950) và Seo Dong-jin (1900-1970) xuất thân từ thành phố Daegu tỉnh Geoyngsangbuk được quyên góp cho Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Daegu, hàng chục tác phẩm của Park Soo-kun (1914-1965) xuất thân từ Yanggu tỉnh Kangwon lần lượt được trao lại cho Bảo tàng Mỹ thuật Park Soo-kun quận Yanggu.

Khoản quyên tặng có ý nghĩa hơn hết là các di vật được chuyển đến Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc và Bảo tàng Mỹ thuật đương đại Quốc gia Hàn Quốc. Vì đó đều là những tác phẩm mang ý nghĩa vô cùng quan trọng trong lịch sử nghệ thuật Hàn Quốc bao gồm cả những di sản văn hóa cấp bảo vật quốc gia. Trước tiên, Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc đã được trao tặng một kho di vật đồ sộ khoảng 21.600 hiện vật từ thời tiền sử đến triều đại Joseon như đồ đất nung, đồ gốm, các tác phẩm điêu khắc, các bức thư họa, đồ gỗ. Trong triển lãm lần này, có khoảng 77 kiệt tác thể hiện giá trị thẩm mỹ cao nhất và kỹ thuật vượt trội thời bấy giờ được lựa chọn và giới thiệu rộng rãi đến công chúng. Trong buổi triển lãm, các tác phẩm tiêu biểu gồm “Inwangjaesekdo (Nhân vương tễ sắc đồ” được họa sĩ Jeongson (1676-1759) vẽ năm 1751 thời kì hậu Joseon, những bức tượng Phật bằng đồng mạ vàng là báu vật quốc gia, cùng với bức tranh Phật giáo thời Goryeo “Jeonsookwanambosaldo (Thiên thủ Quan Âm Bồ Tát đồ)” vẽ chi tiết hình ảnh mỹ lệ của Bồ tát.

Trong số các tác phẩm này, thu hút ánh nhìn nhất chắc chắn là “Inwangjaesekdo”. Tái hiện hình ảnh sau cơn mưa của núi Inwang – ngọn núi nằm ở bên trái cung Gyeongbok, tác phẩm này được sáng tác cùng thời với những bức họa phong cảnh dần được quan tâm khi những chuyến du lịch quy mô lớn - Grand tour từ châu Âu đến Ý trở nên thịnh hành. Bức tranh này có thể so sánh với các tác phẩm của họa sĩ tranh phong cảnh người Anh Richard Wilson vẽ trong chuyến thăm nước Ý năm 1750. Mặc dù có sự khác biệt về màu mực giữa tranh mực và tranh sơn dầu nhưng nếu tác phẩm của Wilson tái hiện trung thành bầu không khí thanh bình mộc mạc dựa trên việc miêu tả màu sắc chân thực thì “Inwangjaesekdo” sánh tầm ở chỗ nó miêu tả khung cảnh sinh động của núi Inwang khi sương mù tan ngay sau cơn mưa bằng sự tương phản kì lạ được tạo ra bởi độ đậm nhạt của mực vẽ và sự linh hoạt điêu luyện của bút lông.

focus5.jpg

“Những cô gái và cái chum”. Kim Hwan-ki (1913-1974). Năm 1950. Tranh sơn dầu trên vải canvas. 281.5 x 567 cm.Những người phụ nữ khỏa thân và bình sứ trắng, hạc, hươu là mô-típ mà Kim Hwan-ki rất thích vẽ từ cuối những năm 1940 đến năm 1950. Tác phẩm này tạo ra các bức tranh tường có quy mô lớn với các hình cách điệu, đồ vật và động vật được sắp xếp trên nền tông màu pastel mang lại nét trang trí mang tính thoát tục.

Giá trị mang tính lịch sử mỹ thuật
Bộ sưu tập Lee Kun-hee mà Bảo tàng Mỹ thuật đương đại Quốc gia Hàn Quốc được quyên tặng có 1.488 tác phẩm. Đây là đợt quyên tặng có quy mô lớn nhất lịch sử của Bảo tàng và nó còn có ý nghĩa hơn ở chỗ bộ sưu tập bao gồm những tác phẩm quý giá và quan trọng của đầu thế kỷ 20. 58 tác phẩm mỹ thuật cận hiện đại đang được triển lãm tại đây có thể được xem là những tác phẩm tiêu biểu của những nghệ sĩ tạo nên dấu mốc quan trọng của lịch sử mỹ thuật Hàn Quốc. Trong nửa đầu thế kỷ 20, Hàn Quốc đã trải qua thời kì hỗn loạn và điêu tàn khi bị cuốn vào vòng xoáy của chiến tranh sau sự thống trị của thực dân và chia rẽ dân tộc. Vì vậy, nhiều tác phẩm nghệ thuật đã bị phá hủy hoặc thất lạc trước và sau thời kì này dẫn đến tài liệu nghiên cứu lịch sử mỹ thuật tương đối hạn hẹp. Do đó, buổi triển lãm này được đánh giá cao khi ra mắt một lượng lớn các tác phẩm vượt qua nghịch cảnh, thiếu thốn và ra đời trong hoàn cảnh hết sức khó khăn.

focus3.jpg

“Cực lạc” Bên phải. Baik Nam-soon (1904-1994). Khoảng năm 1936. Tranh sơn dầu trên vải canvas. 8 mặt bình phong. 173 x 372 cm.Tác phẩm quy mô lớn này của Baik Nam-soon, một nữ họa sĩ Hàn Quốc thế hệ đầu tiên theo học hội họa phương Tây ở Tokyo và Paris, gợi nhớ đến Arcadia ở phương Tây và thiên đường của phương Đông, đồng thời gợi nhớ đến sự kết hợp không tưởng giữa Đông và Tây. Tác phẩm được đánh giá là đáng suy ngẫm về các dung hợp và biến đổi các chất liệu và kỹ thuật hội họa phương Đông và phương Tây. Sau khi chồng bà là họa sĩ Lim Yong-ryun (1901-?) mất tích trong chiến tranh Triều Tiên, bà đã chuyển đến Hoa Kỳ cùng các con vào năm 1964 và các hoạt động nghệ thuật của bà sau đó không được nhiều người biết đến ở Hàn Quốc.

focus4.jpg

“Chơi bi”. Chang Uc-chin (1917-1990). Tranh sơn dầu trên vải canvas. 65 x 80.5 cm.Chang Uc-chin là một trong những nghệ sĩ tiêu biểu của nghệ thuật cận hiện đại Hàn Quốc, nổi bật với phong cách đơn giản hóa các vật liệu đơn sơ thường thấy trong cuộc sống hàng ngày như nhà cửa, cây cối, chim chóc và thể hiện chúng mang tính hoạt họa. Tác phẩm này đã được gửi đến một cuộc triển lãm do Choseon Ilbo tổ chức khi ông đang theo học tại trường trung học Yangjeong và đây cũng là tác phẩm đầu tay tiêu biểu được nhận giải thưởng cao nhất của tác giả. Mặc dù việc mô tả chi tiết đã bị lược bỏ nhưng cấu trúc hình ảnh vẫn được sắp xếp đẹp. Tác phẩm này đánh dấu một giai đoạn sáng tác trước khi phong cách hội họa phong cảnh độc đáo của ông được bắt đầu biết đến một cách rộng rãi.

Trong những tác phẩm được trưng bày, các tác phẩm như “Cõi cực lạc” của Baek Nam-soon (1904-1994), “Chơi bắn bi” của Jeong Ok-jin (1917-1990) và “Tiếng vang” của Kim Hwan-ki đặc biệt được quan tâm. Được vẽ bằng sơn dầu trên tám bức bình phong truyền thống của Hàn Quốc, “Cõi cực lạc” thể hiện sự gặp gỡ mang tính hình thức của nghệ thuật phương Đông và phương Tây. Đây gần như là tác phẩm lớn duy nhất của tác giả Baek Nam-soon được phát hiện cho tới hiện tại. “Chơi bắn bi” là tác phẩm của Jang Ok-jin, người mà trong độ tuổi hai mươi chủ yếu vẽ những tác phẩm đơn giản và thuần khiết gửi tham gia một cuộc thi do tòa soạn báo tổ chức và đoạt giải thưởng. Không giống như những tác phẩm thời kỳ đỉnh cao của tác giả, nó được ghi nhận là tác phẩm đầu tiên có giá trị miêu tả của hình thức tranh phong tục theo chủ nghĩa hiện thực. Bức tranh biếm họa “Tiếng Vang” được Kim Hwan-ki sáng tác năm 1973, một năm trước khi ông qua đời sau thời gian dài sáng tác ở New York từ năm 1963. Là một trong những kiệt tác trong thời kì hoàng kim của tác giả, tác phẩm đang nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng, gần đây được đấu giá lên đến hàng nghìn đô-la tại các cuộc đấu giá không chỉ ở trong nước mà còn ở New York và Hồng Kông.

 

Bộ sưu tập mà Cố chủ tịch Lee Kun-hee quyên tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật đương đại Quốc gia Hàn Quốc gồm 1.488 tác phẩm. Không chỉ là khoản quyên tặng có quy mô lớn nhất trong lịch sử của Bảo tàng, việc này còn có ý nghĩa hơn rất nhiều ở chỗ nó bao gồm những tác phẩm quan trọng và quý giá của đầu thế kỷ 20.

focus6.jpg

“Cấu trúc”. Lee Ung-no (1904-1989) 1971. Màu trên vải. 230 x 145 cm. Lee Ung-no là một nghệ sĩ đã mở ra một chân trời mới trong lịch sử mỹ thuật Hàn Quốc thông qua những thử nghiệm vô tận giữa các thể loại và chất liệu. Những thử nghiệm mang tính hình thức của ông thể hiện rõ trong loạt tác phẩm mang tên “Văn tự trừu tượng” được sáng tác đầu những năm 1960. Khác với những tác phẩm thời kỳ đầu thể hiện khuynh hướng trữ tình, trong tác phẩm này các nhân vật được kết hợp mang tính lập thể và trừu tượng hơn.

focus7.jpg

“Tác phẩm”. Yoo Young-kuk (1916-2002). 1974. Sơn dầu trên vải cavas. 136 x 136.5 cm.Yoo Young-kuk liên tục cho ra mắt các tác phẩm lấy mô-típ ngọn núi từ đầu những năm 1960. Đối với ông, núi là nguyên mẫu của vẻ đẹp chứa đựng sự bí ẩn và thiêng liêng của thiên nhiên, đồng thời, chúng là cầu nối để thử nghiệm các yếu tố hội họa như hình thức và màu sắc. Ra đời vào thời điểm bước ngoặt trong hành trình vẽ tranh của tác giả, bức tranh này cho thấy hình thức và màu sắc đang thay đổi từ sự trừu tượng tuyệt đối hiện có sang một hướng tự do hơn.

Mở cửa triển lãm
Sự quan tâm của xã hội đối với những tác phẩm do gia đình Chủ tịch Lee Kun-hee quyên tặng lần này có thể nhìn thấy qua tình hình tham quan ở cả hai cuộc triển lãm. Ngoài sự hiếu kỳ của công chúng đối với những tác phẩm thuộc sở hữu của người giàu nhất Hàn Quốc, chính sự hồi sinh của văn hóa bên cạnh thu nhập quốc dân tăng lên đáng kể trong thời gian gần đây đã khiến nó trở thành chủ đề nóng trong giới nghệ thuật.

Ngay cả những người dân bình thường ít quan tâm đến nghệ thuật, đặc biệt là giới trẻ cũng hướng đến Bảo tàng Quốc gia và Bảo tàng Mỹ thuật đương đại. Không chỉ sự có mặt của RM - trưởng nhóm nhạc BTS – vốn được biết đến là người thường xuyên tới các buổi triển lãm, mà cả sự lui tới của những nghệ sĩ nổi tiếng trong lòng giới trẻ cũng có mang đến ảnh hưởng không nhỏ. Cả hai cuộc triển lãm đều cân nhắc tình hình dịch bệnh COVID-19 nên chỉ mở cửa cho những người đặt trước với số lượng hạn chế. Vì vậy, cuộc cạnh tranh đặt vé vào cổng ngày càng nóng lên và cũng đã xuất hiện vé chợ đen.

Văn hóa tham quan các bảo tàng mỹ thuật ở Hàn Quốc bắt đầu từ việc thành lập Hội Triển lãm mỹ thuật Joseon vào năm 1922 tương tự như hình thức họp mặt văn nghệ sĩ của châu Âu, tới nay đã gần một thế kỷ. Thời đó, việc xem triển lãm được xem là một hoạt động đặc biệt đòi hỏi nhiều kiến thức về văn hóa, nghệ thuật. Tuy nhiên, gần đây nhận thức xã hội đã dần thay đổi. Xem triển lãm và giải trí tại các nơi đặt cạnh địa điểm triển lãm là hoạt động quan trọng thường ngày đang lan truyền nhanh chóng trong giới trẻ. Đúng dịp này, những tác phẩm quyên tặng của chủ tịch Lee Kun-hee được giới thiệu rộng rãi, góp phần lan tỏa sức nóng của xu hướng trên.

focus8.jpg

“Con đường đi bộ màu vàng”. Chun Kyung-ja (1924-2015). 1983. Sơn màu trên giấy. 96.7 x 76 cm.Chun Kyung-ja, người yêu thích vẽ hoa và phụ nữ, đã tạo ra cảm giác mơ mộng trên tranh thông qua kỹ thuật sử dụng bột màu truyền thống phương Đông và các đặc tính của giấy. Bức tranh được hoàn thành theo phong cách riêng của ông dựa trên màu sắc đẹp và chất trữ tình văn học, phỏng theo hình mẫu là cô con dâu lớn của ông, cũng thể hiện thế giới tác phẩm của tác giả.

Ha Kye-hoon (Ha Kye-hoon) Nhà phê bình mỹ thuật
Dịch.Nguyễn Thị Ly

전체메뉴

전체메뉴 닫기