메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

2021 SUMMER

Câu chuyện về phụ nữ - Làn sóng mới của điện ảnh Hàn Quốc

NỘI DUNG VĂN HÓA VỚI ĐẠI CHÚNG TOÀN CẦU

Trong những năm gần đây, chủ đề về phụ nữ được chú ý nhiều đến mức có thể nói rằng chúng đã trở thành nội dung chủ đạo của văn hóa đại chúng Hàn Quốc. Không chỉ trong phim điện ảnh mà cả trong phim truyền hình, các chương trình giải trí hay webtoon, quan điểm và tiếng nói của phụ nữ cũng đang nhận được nhiều sự chú ý.

Poster phim kinh dị nội địa “Người đàn bà lửa” (1971) của đạo diễn Kim Ki-young, bộ phim debut của diễn viên Youn Yuh-jung – người vừa đạt giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất tại Lễ trao giải Oscar 2021. Trong vai diễn đột phá này, Youn trong vai một cô hầu gái ngây thơ chuyển mình thành một cô gái đầy quyến rũ mê muội. © Korean Film Archive
Youn Yuh-jung (trái) và Jeon Do-yeon trong “Cô hầu gái” (The Housemaid), phiên bản làm lại năm 2010 của đạo diễn Im Sang-soo trong bộ phim cùng tên năm 1960 của Kim Ki-young. Youn đã giành được giải thưởng Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất tại nhiều Liên hoan phim trong nước cho vai diễn người giúp việc nhà kỳ cựu, sắc sảo trong một gia đình giàu có. © Mirovision Inc

Trong “Hương vị của đồng tiền” (tiêu đề tiếng Anh là The Taste of Money) (2012), Youn vào vai vợ của một CEO tập đoàn - người luôn phô trương tiền bạc và quyền lực của mình - đồng thời lại ngoại tình với những chàng trai trẻ. Bộ phim là phần tiếp theo của đạo diễn Im Sang-soo cho tác phẩm trước đó của ông “Người hầu gái” (tiêu đề tiếng Anh là The Housemaid). © Lotte Entertainment Co., Ltd

Nhân vật người bà xuất hiện trong tác phẩm “Khát vọng đổi đời” (Minari– 2020) của đạo diễn Lee Issac Chung không phải là người bà biết nướng bánh quy mà thay vào đó là người thích chửi thề, chơi bài hwatu (bài hoa Hàn Quốc – chú thích người dịch) và xem đấu vật. Trong xã hội Hàn Quốc lâu nay, dáng vẻ phục tùng, hy sinh tất cả vì chồng con vốn đã được coi là đức tính cao đẹp của người phụ nữ. Từ góc nhìn đó, người bà này có phần khác xa với hình ảnh người mẹ, người bà kiểu mẫu trong hình dung của người Hàn Quốc.

Với vai diễn này, diễn viên Youn Yuh-jung đã giành giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất trong lễ trao giải Oscar năm nay. Con đường nghệ thuật của bà không mang tính điển hình. Bà ra mắt công chúng bằng các vai phản diện chứ không phải vai chính diện chìm trong đau khổ trẻ trung sôi nổi như các nữ diễn viên đương thời. Trong phim đầu tay mang tên“Người đàn bà lửa” (Woman of Fire) (1971) được quay bởi đạo diễn Kim Ki-young (1919~1998) - người tiên phong khai thác đề tài kinh dị tâm lýtrong điện ảnh Hàn Quốc - bà đóng vai người giúp việc bị suy sụp và phạm tội giết người do những ám ảnh sau khi bị chủ nhà cưỡng hiếp. Tác phẩm này đem đến cho bà giải Nữ chính xuất sắc nhất tại liên hoan phim trong nước.

Năm sau đó, bà đóng vai nữ chính trong phim kinh dị mang tên “Người phụ nữ côn trùng” (Insect Woman) (1972). Đây cũng là một tác phẩm của đạo diễn Kim, khắc họa trọn vẹn tình yêu, sự thù hận, ghen tuông và được xem là phần tiếp theo của “Người đàn bà lửa”. Đồng thời, bà cũng tham gia phim truyền hình “Jang Hee-bin” (1971 ~ 1972) của đài MBC với vai diễn tương tự. Có thể nói, các vai diễn đầu tiên trên màn ảnh của bà đều là những nhân vật độc ác hoặc quyết liệt với tham vọng của bản thân. Cuối những năm 1980, sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động để tập trung chăm sóc gia đình, bà chọn trở lại với những vai diễn phá cách, thách thức quan niệm thông thường và định kiến của số đông.

Một cảnh trong "Quý bà Bacchus” (tiêu đề tiếng Anh là The Bacchus Lady) (2016), do E J-yong đạo diễn, trong đó Youn đóng vai một cô gái điếm lớn tuổi kiếm sống bằng cách phục vụ các cụ già. © CGV ARTHOUSE

Phim thương mại
Năn 2019, nhân kỷ niệm 100 năm điện ảnh Hàn Quốc, Cục Tư liệu điện ảnh Hàn Quốc đã tổ chức triển lãm đặc biệt mang tên “100 năm điện ảnh Hàn Quốc qua các nhân vật nữ”, kèm tiêu đề phụ “Người phụ nữ xấu, người phụ nữ kì lạ, người phụ nữ giết người”. Như tên gọi, chủ đề chính của triển lãm là hình ảnh phụ nữ trong những thước phim xưa. Họ đều bị đánh giá là xấu xa, kỳ quặc khi dám nói lên ý kiến hoặc tự do bày tỏ ham muốn của bản thân. Trong phim, họ bị miêu tả méo mó dưới cái nhìn của các nam đạo diễn.

Tuy nhiên, từ những năm 1990, khi nhận thức về nhân quyền của nữ giới dần được nâng cao, đạo diễn và nhà sản xuất nữ lần lượt xuất hiện trong ngành điện ảnh, kéo theo sự gia tăng của những câu chuyện về người phụ nữ được xây dựng từ góc nhìn của nữ giới. Có thể khẳng định xu hướng chọn đề tài phụ nữ gần đây đã trở thành xu hướng chủ đạo trong văn hóa đại chúng Hàn Quốc, thậm chí cả dòng phim thương mại.

Tiếp nối các tác phẩm “Tổ của chim ruồi” (House of Hummingbird) (2019) của Đạo diễn Kim Bo-ra vừa thành công về mặt thương mại vừa giành được các giải thưởng tại nhiều liên hoan phim lớn trên thế giới hay “Kim Ji-young 1982” (2019) của đạo diễn Kim Do-young - một bộ phim chuyển thể từ tác phẩm bán chạy nhất của tác giả Cho Nam-ju, các tác phẩm như “Chan-sil may mắn” (tiêu đề tiếng Anh là Lucky Chan-sil) (2020) của đạo diễn Kim Cho-hee, “Tiến về phía trước” (tiêu đề tiếng Anh là Moving On) (2020) của đạo diễn Yoon Dan-bi, “Thanh âm của im lặng” (tiêu đề tiếng Anh là Voice of Silence) (2020) của đạo diễn Hong Eui-jeong liên tiếp được ra mắt và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả và giới phê bình.

Nhìn vào dòng phim thương mại có thể thấy những câu chuyện với hình ảnh người phụ nữ làm trọng tâm vô cùng phong phú về chất liệu và chủ đề. Không chỉ có tác phẩm đề cao nữ quyền mà còn có những câu chuyện về nạn nhân bị ép làm nô lệ tình dục vào thời Nhật trị, nữ nhân viên chống lại những điều sai trái mang tính tổ chức trong công ty hay nữ anh hùng chống tội phạm, v.v... Bên cạnh đó, chủ đề về người phụ nữ còn đang được mở rộng ra trong nhiều thể loại khác nhau như hài, tội phạm và tình cảm lãng mạn vượt định kiến về giới tính (Queer Romance) v.v…

Văn hoá đại chúng Hàn Quốc chứa đựng giá trị quan cũng như tình cảm của công chúng được hình thành và phát triển theo sự thay đổi của xã hội. Và những câu chuyện về phụ nữ cũng được sinh ra trên dòng chảy này. Điều chúng ta cần lưu ý chính là sự thay đổi này không tách biệt với xu hướng toàn cầu.

Bộ phim truyền hình dài tập "Không một ai biết” (tiêu đề tiếng Anh là Nobody Knows) kể về câu chuyện của một nữ cảnh sát hình sự ngoan cường, người quyết tâm tìm ra lý do tại sao một cậu bé lại gieo mình khỏi một tòa nhà. © StudioS

Phim truyền hình và Webtoon
Đáng chú ý, trào lưu trên không chỉ xuất hiện trong nền điện ảnh mà còn đang rầm rộ trong toàn bộ nền văn hóa đại chúng. Những thay đổi trong xu hướng phim truyền hình gần đây từ sinpageukđến các phim truyền hình về gia đình, phim tình cảm chứa đựng cả quá trình thay đổi của tuyến nhân vật nữ. Trong sinpageuk hay dòng phim gia đình, phụ nữ từng chủ yếu được miêu tả là những người chấp nhận một cách thụ động tư tưởng gia trưởng; còn trong phim tình cảm, chủ yếu là những câu chuyện theo mô típ cô bé Lọ Lem phiên bản hiện đại, gặp một người đàn ông giàu có và thành công trong việc nâng cao địa vị xã hội của mình.

Tuy nhiên, trong các phim truyền hình với cốt truyện về nữ giới và những sự việc xảy ra quanh họ được xem là xu hướng chủ đạo, nhân vật nữ từng bị giới hạn trong những câu chuyện hôn nhân, gia đình dần được khắc hoạ với nhiều diện mạo khác nhau. Từ nữ luật sư không quản chông gai để đi đến thành công trong “Linh cẩu” (Hyena) (2020, SBS TV); nữ cảnh sát hình sự điều tra án bằng phương thức quyết đoán khác biệt với các nam đồng nghiệp đầy độc đoán trong “Không một ai biết” (Nobody Knows) (2020, SBS TV); nữ chiến binh độc lập chiến đấu với quái vật dẻo trong “Nữ y tá can trường” (The School Nurse Files) (2020, Sê-ri phim gốc Netflix) là những ví dụ điển hình.

Mặt khác, cũng có những phim nhận được nhiều đồng cảm của người xem bằng cách cố ý làm nổi bật sự phân biệt giới tính, vốn thường được đề cập trong các bộ phim gia đình hiện nay. “Tập tành làm mẹ” (tiêu đề tiếng Anh là Birthcare Center) (2020, tvN) là tác phẩm khai thác những mâu thuẫn trong đời sống xã hội của phụ nữ do mang thai và sinh con; “Nhà chồng” (No, thank you) (2020, Kakao TV) lại tinh tế cho thấy những bất hạnh do chế độ phụ hệ của Hàn Quốc gây ra qua sự phân biệt mà người vợ cảm nhận được từ các thành viên trong gia đình nhà chồng sau khi kết hôn. Nguyên tác của phim này là webtoon được yêu thích của tác giả Soo Shin Ji.

Tương tự, trong mảng webtoon, những câu chuyện lấy phụ nữ làm chủ đề cũng đang nổi lên mạnh mẽ. “Retirement” (tạm dịch Về hưu) (2019~2020, Naver Webtoon) có thể được coi là webtoon nói về phụ nữ tiêu biểu nhất gần đây. Lấy bối cảnh những năm 1950, kể về đoàn kịch Nữ quốc mới nổi lúc bấy giờ, tác phẩm đã thoát khỏi những định kiến về phân biệt giới tính và vai trò giới tính.

Văn hoá đại chúng Hàn Quốc chứa đựng giá trị quan cũng như tình cảm của công chúng được hình thành và phát triển theo sự thay đổi của xã hội. Và những câu chuyện về phụ nữ cũng được sinh ra trên dòng chảy này. Điều chúng ta cần lưu ý chính là sự thay đổi này không tách biệt với xu hướng toàn cầu.

Cốt truyện tiến bộ
Trong những năm 1970-1980, Hàn Quốc đã mở đường cho tăng trưởng thần tốc thông qua cơ chế “mang tính gia đình, mang tính quốc gia” có gốc rễ từ chế độ phụ hệ. Tuy nhiên, nhiều phong trào dân chủ đã nổ ra như một sự phản ứng đối với các giá trị bị mất đi trong quá trình tăng tưởng thần tốc này. Khát vọng dân chủ mở rộng từ dân chủ hoá chính trị trong những năm 1980 đến dân chủ hoá kinh tế trong những năm 1990 và giờ đây đã phát triển thành “dân chủ hoá cuộc sống”. Đó chính là lời kêu gọi một xã hội bình đẳng giới trên tất cả các phương diện.

Văn hoá đại chúng Hàn Quốc chứa đựng giá trị quan cũng như tình cảm của công chúng được hình thành và phát triển theo sự thay đổi của xã hội. Và những câu chuyện về phụ nữ cũng được sinh ra trên dòng chảy này. Điều chúng ta cần lưu ý chính là sự thay đổi này không tách biệt với xu hướng toàn cầu. Như thành công của phim “Bức chân dung bị thiêu cháy” (Portrait of a Lady on Fire) của đạo diễn Céline Sciamma với giải Queer Palm và giải Kịch bản xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes 2019 cùng nhiều giải thưởng khác tại các liên hoan phim Mỹ, Anh, Canada… hiện tại đang là thời điểm phim lấy phụ nữ làm chủ đề chính đang thu hút được nhiều quan tâm của công chúng.

Bộ phim truyền hình dài tập “Linh cẩu” (tiêu đề tiếng Anh là Hyena) nêu bật sự cạnh tranh gay gắt giữa một nam luật sư ưu tú từ một gia đình luật sư giàu có và một nữ luật sư gan góc - người luôn muốn thành công và giàu có. © StudioS

Bộ phim truyền hình dài tập “Tập tành làm mẹ (tiêu đề tiếng Anh là Birthcar Center) đã gây được tiếng vang đối với khán giả nữ qua những phản ánh chân thực về những thay đổi mà phụ nữ phải đối mặt trong cuộc sống của họ sau khi sinh con. © RaemongRaein Co., Ltd.

Jung Duk-hyun Nhà bình luận văn hoá đại chúng
Dịch Nguyễn Hoàng Kim Ngân

전체메뉴

전체메뉴 닫기