메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

An Ordinary Day

2020 AUTUMN

Đời sống

CHÂN DUNG THƯỜNG NHẬT Cuộc sống đời thường chân thành để chia sẻ với láng giềng

Những bạn trẻ ngày nay đã quen với việc mua nhà bằng ứng dụng application trên điện thoại thông minh. Cũng có những công ty môi giới ghi hình mặt hàng cần giao dịch và đăng lên platform, nền tảng kỹ thuật số. Trong xã hội nhiều đổi thay thế này, ở một thành phố lớn như Seoul, ngay từ đầu phố đã đóng vai trò như một phòng đón tiếp khách, vẫn còn có những con người muốn giúp đỡ cho ai đó có một chỗ ở ổn định, mà họ xem sự chính trực như một lý tưởng, chứ không đơn thuần là một thủ thuật buôn bán.

Ông Cho đứng trước Văn phòng môi giới bất động sản Chungang mà ông đã quản lý 15 năm, giải thích về khu vực trong và ngoài Seochon.

Một ông lão đang vuốt hàm râu trắng đi đánh cờ tướng ở một văn phòng môi giới bất động sản bên cạnh. Vào ngày thắng ván cờ độ, miệng ông ngân nga một bài ca, tay xách một trái dưa hấu to mang về. Đó chính là một cảnh trong bài hát “Ông và trái dưa hấu” của ca sĩ Kang San Eh năm 1993.

Có một thời nơi đó từng được gọi là “phòng phúc đức” (bokdeokbang), mục đích chính là môi giới mua bán hoặc thuê mướn bất động sản, như nhà ở hoặc đất đai, ngoài ra nơi này còn có một chức năng phụ là phòng khách chung cho cả khu phố. Nơi ấy luôn mở toang cửa hướng ra thế gian, để mọi người đều có thể tụ họp trò chuyện và trải lòng mình với nhau. Mọi tin đồn trong cả xóm đều bắt nguồn từ nơi này, rồi lan rộng ra bên ngoài.

Hễ có ai đó đang lâm vào cảnh khốn cùng, là thế nào cũng cùng góp tâm sức lại để cứu giúp người khó. Có chuyện vui là họ cùng nhau rót chén rượu gạo makgeolli chúc phúc cho nhau bên dĩa bánh rán buchimgae, còn khi có chuyện không may thì họ cũng trao nhau những cái ôm an ủi. Đó là những câu chuyện trong thời mà mọi người gần gũi với nhau hơn ngày nay, khi những mái nhà thâm thấp nối vai bên nhau trong cùng khu xóm.

Khi những mái hiên thấp hẹp bỗng cao dần lên và biến thành những tòa chung cư cao chọc trời, thì khu phố này cũng không còn tình nghĩa đậm đà năm xưa. Cái không gian vốn mang tên “phòng phúc đức” thời ấy đổi thành cái bảng hiệu gọn gẽ lạnh lùng là “văn phòng môi giới bất động sản", thì vai trò làm phòng khách chung cho khu xóm cũng biến mất. Dù thế, ở đâu đó trên đời này, vẫn còn có một nơi không đóng kín cánh cửa của thời xưa ấy. Ta chầm chậm quay bước chân đến khu Seochon để tìm lại bầu không khí thân tình của khu xóm và tình người nơi đây.

Ông Cho sắp xếp các ghi chú về các hoạt động trong ngày của mình. Ở văn phòng của ông ấy, mỗi ngày có khoảng ba người khách, cứ mười vụ giao dịch thì ký được một hai hợp đồng.

Những ngôi nhà hanok nhỏ bé cổ kính
Gyeongbok là cung điện lớn và nguy nga nhất trong số năm cung điện ở Seoul. Ngôi làng ở phía bắc của cung điện này mang tên Bukchon (có nghĩa là “làng phía bắc”), còn ngôi làng ở phía tây thì gọi là Seochon (có nghĩa là “làng phía tây”). Vào thời Joseon (1392-1919), thế lực tập quyền sĩ đại phu sống ở Bukchon, còn Seochon thì tầng lớp trung nhân, các quan lại ngành y hay các lãnh vực hành chính, chuyên môn khác. Hiện nay, tương tự như những ngôi nhà truyền thống hanok ở khu vực Bukchon, khu Seochon cũng được bảo tồn nhờ nguồn chi viện của chính phủ, so với những căn nhà hanok sang nhã và cao quý ở Bukchon, thì hanok ở Seochon có phần điềm đạm nhỏ nhắn hơn. Những ngõ hẻm quanh co nối nhau như mạng nhện giữa những căn nhà hanok nằm san sát tựa vai nhau. Trong hẻm đó có cả cuộc đời của ông Cho Kang-hee, đại diện pháp nhân đã quản lý 15 năm “Văn phòng môi giới bất động sản Chungang”.

“Seochon nối liền với trung tâm thành phố, phía sau có rặng núi rất đẹp, có khu công viên lớn nữa. Nhiều người tìm đến đây, không phải để mua bán nhà kiếm lời, chủ yếu là họ thích khu này nên muốn đến đây sinh sống. Ai đã đến đây ở rồi thì thường khó rời đi nơi khác.”

Những căn nhà nơi đây phần lớn đều là nhà cổ và khá nhỏ với quy mô khoảng 65-100 ㎡ cho nên có nhiều điểm bất tiện. Tuy nhiên, nơi đây lại có những ưu điểm mà họ không thể hưởng thụ được ở môi trường chung cư. Ông Cho soạn ra một danh mục các ưu điểm và khuyết điểm của nhà hanok và giải thích cụ thể cho khách.

“Nhà hanok xây bằng chất liệu tự nhiên như gỗ, đá và đất cho nên rất tốt cho sức khỏe. Sống ở đây có được cảm giác an bình và cũng dễ dàng giao lưu với hàng xóm. Dù không gian sống có chút chật hẹp, nhưng lại có sự quyến rũ của những thứ nhỏ bé xinh xinh, có thêm niềm vui thú trang hoàng cho mảnh sân nhỏ tùy theo ý thích, chỗ này cũng thông gió, có thể cảm nhận sự chuyển đổi bốn mùa cho nên chẳng còn thì giờ mà chán. Tuy nhiên, do làm nhà bằng chất liệu tự nhiên thân thiện với môi trường cho nên cũng có những nhược điểm như là nhiều côn trùng, cách nhiệt và cách âm yếu, dễ bén lửa và dễ thấm nước, nhưng cũng có thể sửa chữa để cải thiện. Mái nhà, tường và sàn nhà cần phải bảo trì theo chu kỳ, nhưng được chính phủ hỗ trợ nên không ngại về kinh phí.”

Seochon nằm gần ngay tòa Nhà Xanh Cheongwadae, và thập niên 1980 mới đây thôi, sau sự kiện Triều Tiên tấn công Choengwadae năm 1968, thì nơi sinh sống của người dân vùng này khá bất tiện do chế độ an ninh nghiêm ngặt. Quy định về kiểm tra lý lịch của người ra vào khu này là điều dĩ nhiên, những người nước ngoài trú ngụ qua đêm cũng phải trình báo.

“Lúc nào cũng có cảnh sát canh giữ, khu này không thể phát triển và mọi giới hạn đều nghiêm ngặt, nên mọi việc đều bất tiện. Vào cuối những năm 1990, khi có tin đồn rằng các quy định về xây dựng đã được nới lỏng và có thể phát triển trở lại, thì mọi người đổ xô đến đây, tuy vậy, loại duy nhất được phép xây là dạng căn hộ villa. Căn hộ ở gần lề đường thì lên được đến 7 tầng, còn bên trong chỉ đến tầng 5. Khi khu này được chỉ định thành khu vực bảo tồn nhà truyền thống hanok vào năm 2010, thì có nhiều người thất vọng. Ngay cả khi tháo dỡ căn nhà cũ thì cũng chỉ có thể xây lại được kiểu nhà truyền thống hanok.”

Vì vậy, nơi này vẫn là một hòn đảo yên bình giữa trung tâm thành phố Seoul, mọi người luôn hối hả chạy qua một rừng các tòa nhà cao tầng trong sự bận rộn. Thời gian ở khu Seochon luôn trôi chậm. Mọi người tìm đến đây để đi dạo chầm chậm, hướng lên bầu trời vốn bị che khuất giữa các tòa nhà. Nơi đầu tiên được hưởng thụ nét đặc thù của “sống chậm” là Bukchon. Những cửa hàng nhỏ nhắn và giản dị xuất hiện giữa những dãy phố ở Bukchon, nơi cất giữ nguyên vẹn một thời xưa cũ, những thanh niên đầy lòng hiếu kỳ liếc ngang liếc dọc. Ngay khi các cửa hàng bắt đầu ăn nên làm ra, thì lập tức chủ nhà tăng tiền thuê nhà. Thế rồi, những cửa hàng không đủ tiền thuê đắt đỏ ở khu Bukchon đã dần dần chuyển đến khu Seochon. Ở đây cũng có dạng nhà nghỉ guest house được tu sửa lại những căn hanok truyền thống, cho nên người nước ngoài cũng tìm đến đây.

Mỗi lần ông dẫn khách đến xem nhà, Cho Kang-hee luôn cung cấp cho họ một danh sách ghi chi tiết các ưu khuyết điểm của việc sống trong một ngôi nhà truyền thống hanok.

Một công việc cấp thiết
Ông Cho Kang-hee sinh ra ở Seoul. Sau khi tốt nghiệp, ông được nhận vào làm việc trong một công ty xây dựng, sau đó, khi được chọn làm nhà thầu phụ cho một tập đoàn lớn, ông điều hành nhà máy này trong 12 năm. Năm 2005, khi những phụ kiện hàng điện tử đã từng được sản xuất trong nhà máy của ông bắt đầu được làm ở Trung Quốc, thì nhà máy của ông đóng cửa không lâu sau đó, ông phải chịu nhiều khoản nợ để trả lương và trợ cấp thôi việc cho nhân viên.

“Lúc đó cả hai con tôi đều mới vào đại học. Tôi vẫn phải tiếp tục kiếm tiền mà tuổi đã ngoài năm mươi, thật khó để có một chỗ làm phù hợp. Trong lúc đó, tôi gặp được anh họ tôi, anh ấy đang làm một nhà môi giới bất động sản. Thế là tôi nghĩ rằng chắc tôi phải thử làm công việc này, nên tôi bắt đầu đến trung tâm học việc.”

Hồi đó tôi đã năm mươi hai tuổi.

“Lúc đó vợ tôi đang kinh doanh một tiệm ăn. Buổi sáng, tôi mua nguyên liệu nấu ăn và mang đến nhà hàng cho vợ tôi rồi đến trung tâm học. Mỗi ngày tôi chỉ ngủ bốn tiếng đồng hồ. Giá hồi cấp 2 và cấp 3 mà tôi học như vậy thì giờ chắc tôi đã đậu vào được một trường đại học danh tiếng. Tôi bắt đầu học vào tháng 3 năm 2006 và kỳ thi tháng 2 năm sau thì tôi đậu luôn. Bởi vì tôi cần ngay một công việc cấp bách trong hoàn cảnh bấy giờ, tôi nghĩ rằng nếu tôi thi rớt thì tôi không thể nuôi các con tôi tốt nghiệp đại học được, vì vậy tôi không thể nào không cố gắng hết sức mình.”

Ông đi học với tâm trạng như bên vực thẳm, thi đậu ngay lập tức, và sau khi hoàn thành việc học kiến tập tại một công ty bất động sản do người khác điều hành, theo lời khuyên của giám đốc trung tâm, ông tìm đến khu Seochon. Chỗ ấy đến nay ông đã làm được mười lăm năm, cứ 10 giờ sáng là ông mở cửa văn phòng.

“Trước khi làm công việc này, tôi không hề quan tâm đến bất động sản. Tôi đã làm việc cần cù để kiếm được những đồng tiền xứng đáng với công sức bỏ ra, chứ tôi không hề có ý định đầu tư để kiếm tiền bằng mọi giá. Vì vậy, khi ổn định văn phòng ở đây thì tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng đã là khu mà ông giám đốc trung tâm cố vấn cho thì chắc sẽ tốt thôi, rồi tôi tìm đến và làm việc, chứ trong đầu tôi không hề có khái niệm như khu vực nào tốt hơn hoặc kiếm tiền nhiều hơn đâu. Có khi tôi sinh chút lòng tham, nên thử chuyển đến khu khác, nhưng quả thật là không thành công.”

Nơi ông Cho có ý định chuyển đi là một khu trong tỉnh Gyeonggi, nơi tập trung các khu chung cư. Chung cư thì thường có rất nhiều căn hộ, và những điều khách hàng muốn cũng khá rõ ràng. Cấu trúc bên trong căn hộ thường tương tự, cho nên không cần phải đi mấy vòng để đắn đo lựa chọn. Loại căn hộ này thì có thể đoán được cấu trúc thông qua bản vẽ mà không cần đến xem trực tiếp. Đơn giản là chỉ cần kiểm tra kích thước căn hộ, số tầng và tình trạng nội thất trong nhà. Tuy nhiên, những căn nhà hanok ở Seochon mà không đi lòng vòng thăm thú trước từng ngóc ngách thì không thể nào biết được. Vì vậy, việc điều hành một văn phòng môi giới bất động sản trong khu chung cư là khá khó khăn. Các nhà môi giới thường tổ chức các cuộc họp để chia sẻ sản phẩm của họ, và để tham gia những buổi thảo luận như thế thì phải trả một khoản phí đăng ký khá cao. Ông Cho không đủ tiền để đảm đương việc này và cuối cùng ông chọn khu Seochon.

“Tất nhiên là khách hàng luôn muốn một ngôi nhà sạch sẽ và đủ ánh sáng, nhưng vấn đề là những ngôi nhà ở đây thì ngày càng cũ đi. Mặc dù vậy, họ đã sinh tình cảm gắn bó với nó, nên thật khó để rời đi.”

“Chủ Nhật tôi không nghĩ gì về công việc, chỉ nghỉ ngơi. Chủ yếu là tôi dọn dẹp nhà cửa, leo núi, không có sở thích gì đặc biệt và cũng không thích uống rượu. Cuộc sống của tôi chỉ thế này thôi.”

Ý thức đạo đức
Một ngày của ông Cho bắt đầu lúc 7 giờ 30 phút sáng. Sau khi ăn sáng, ông khởi hành từ nhà lúc 8 giờ 30 và đi bằng tàu điện. Ông ấy sống trong một căn hộ chung cư ở thành phố mới Pyeongchon thuộc vùng ngoại ô Seoul, từ nhà đến văn phòng mất một tiếng rưỡi. Ông đóng cửa văn phòng lúc 7 giờ 30 phút tối và trở về nhà lúc 9 giờ. Lịch thường nhật này lặp đi lặp lại vào cả thứ Bảy và ngày lễ.

“Thời gian đầu, tôi làm việc cả Chủ Nhật. Tôi nghĩ chắc mai mốt có tí tuổi mà cứ thế này thì không ổn, tôi cũng cần phải dành thời gian cho gia đình, cho nên tôi nghỉ một ngày trong tuần. Chủ Nhật tôi không nghĩ gì về công việc, chỉ nghỉ ngơi. Chủ yếu là tôi dọn dẹp nhà cửa, leo núi, không có sở thích gì đặc biệt và cũng không thích uống rượu. Cuộc sống của tôi chỉ thế này thôi.”

Ở văn phòng của ông, mỗi ngày có khoảng ba người khách, cứ mười vụ giao dịch thì ký được một hai hợp đồng. Đôi khi ông gặp những vị khách khó chiều và có khi cảm thấy bị tổn thương, nhưng ông vẫn đảm đương được, vì ông sống bằng nghề này. Hễ có khách hàng mang thức uống đến cảm ơn vì ông đã giúp tìm được căn hộ như ý, thì ông lại nói “Nhờ phúc đức từ khách hàng mới được vậy.” Bokdeokbang giờ đã được đổi thành “Văn phòng môi giới bất động sản” rồi, nhưng người dân ở Seochon cho đến giờ vẫn tìm đến đây uống trà và chia sẻ với nhau về cuộc sống. Các dịch vụ đơn giản như gửi fax, photo bản bản sao, hoặc lấy chứng thực sổ đăng ký... cũng được hỗ trợ miễn phí. Ngay cả trong lúc trả lời phỏng vấn, cũng có người tìm đến nhờ ông nói với chủ nhà là bồn cầu trong nhà vệ sinh bị lung lay.

“Người môi giới phải có ý thức đạo đức. Vì nghề này có thể kích thích sự đầu cơ. Tuy không phải ai cũng vậy, nhưng khi bắt đầu sinh lòng tham thì ắt có rắc rối. Tôi thì không thể nói khoác lác và cũng không có khiếu ăn nói. Tôi thì đúng thuộc loại công chức hay giáo viên. Tuy vậy, nghề này tốt là ở chỗ tôi có thể làm được cho đến khi nào tôi có thể đi lại và đầu óc tôi còn minh mẫn. Vì nghề này không có tuổi nghỉ hưu mà.”

Một khách hàng may mắn khác đã mở cửa bước vào tìm gặp một nhà môi giới trung thực, để giúp thực hiện ước mơ về một cuộc sống chậm rãi tại khu Seochon chậm rãi này.

Hwang Kyung-shin Nhà văn
Ảnh. Ha Ji-kwon
Dịch. Bùi Phan Anh Thư

전체메뉴

전체메뉴 닫기