메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

An Ordinary Day

2021 SPRING

LIFE

CHÂN DUNG THƯỜNG NHẬTLÀ CẢ TẤM LÒNG

Giữa làn hơi nước trắng xóa bốc lên nghi ngút, đôi bàn tay thô ráp chuyển động nhịp nhàng điêu luyện. Khi hơi nước tan, chiếc áo nhàu nhĩ đã trở nên phẳng phiu từ lúc nào. Nụ cười tự nhiên tỏa rạng trên gương mặt ông Oh Ki-nyeong, người thợ giặt là mang đến cho khách hàng những bộ quần áo sạch sẽ còn vương hơi ấm. Nép mình trong một con hẻm của Seoul, tiệm giặt là nhỏ 20 năm qua lúc nào cũng ngập tràn hơi nóng.

Oh Ki-nyeong, chủ tiệm giặt là Hyundai Cleaning quận Mapo, Seoul, làm việc 14 giờ mỗi ngày tại cửa hàng rộng 26 mét vuông của mình. Ông đặc biệt bận rộn vào mùa xuân, khi cùng thời điểm, hầu hết các hộ gia đình đều lấy quần áo mùa xuân ra giặt và xếp gọn lại quần áo mùa đông.

Nhà văn Haruki Murakami (村上春樹) đã viết: “Ta cảm nhận được niềm hạnh phúc tuy nhỏ nhưng rất thật khi dùng tay xé chiếc bánh mì mới nướng cho vào miệng, khi thấy xấp quần áo lót xếp chồng gọn gàng ngăn nắp trong ngăn tủ hay khoảnh khắc trùm qua đầu chiếc áo sơ-mi trắng tinh khôi mùi vải mới”. Mỗi ngôn ngữ có cách diễn đạt trạng thái hạnh phúc này khác nhau. Nó được diễn đạt bằng “hygge” trong tiếng Đan Mạch, “lagom” trong tiếng Thụy Điển và “au calme” trong tiếng Pháp. Còn tại Hàn Quốc, gần đây “sohwakhaeng” - một từ mới là viết tắt của cụm từ “hạnh phúc nhỏ nhưng rất thật” đang được sử dụng rộng rãi để chỉ niềm hạnh phúc này.

Cửa hàng giặt ủi nằm trong ngõ hẻm, quanh năm nghi ngút hơi nước này là một trong những nơi đem đến sự ấm áp vượt biên giới quốc gia và chủng tộc.

Một ngày làm việc của ông Oh Ki-nyeong chủ tiệm giặt là có tên “Hyundai Cleaning” nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Shinsu-ro, quận Mapo-gu Seoul bắt đầu từ 8 giờ sáng.

“Công việc đầu tiên của tôi khi bắt đầu một ngày là sắp xếp, phân loại và giặt quần áo theo từng loại. Xong công đoạn giặt giũ, tôi đi gom và sửa lại đống quần áo được khách gửi. Tiếp đến là công đoạn là quần áo. Chín giờ tối tôi phải giao cho khách hàng. Giao một vòng khoảng năm khu chung cư quanh đây thì 10 giờ đêm là xong.”

Mùa xuân là thời điểm bận rộn nhất trong năm của ông. Nhà nào cũng lấy áo quần mùa xuân ra chuẩn bị mặc và sắp xếp lại trang phục mùa đông nên lượng quần áo gửi giặt đổ dồn vào mùa này. Thành ramùa xuân, ông không có giờđi làm cũng chẳng có giờ tan ca. Ông làm đến một hoặc hai giờ sáng, mệt nhoài thì ngủ rồi lại dậy làm đến lúc còn sức gắng gượng.

Dạo này, lượng công việc đã giảm bớt nhiều. Lúc cao điểm, một ngày có khi ông giao cho 40 nhà, nhưng bây giờ nhiều lắm cũng khoảng 10 nhà mà thôi. Việc ít nhưng ông vẫn phải đứng làm việc từ 8 giờ sáng đến 10 giờ đêm, liên tục sáu ngày trong tuần. Là quần áo bằng một bên tay liên tục trong thời gian dài đến nỗi khuỷu tay ông đã bị biến dạng. Đó là bệnh nghề nghiệp, không thể chữa khỏi hoàn toàn dù có tập thể dục đều đặn đi chăng nữa.

Ông Oh biểu hiện lòng biết ơn khách hàng qua từng bộ đồ mà ông chăm chút.Phục vụ chủ yếu cho những người bình thường, cửa hàng của ông hoạt động gắn liền với khu dân cư đã 20 năm.

Đến khi có được chỗ đứng
Bén duyên với quần áo khi mới bước vào tuổi đôi mươi, ông được học cách chải lông và tháo mối chỉ trong xưởng may quần áo. Cứ thế, ông học đến công đoạn cắt may rồi tự mở xưởng khi gần 30 tuổi. Xưởng hoạt động được khoảng năm năm thì gặp phải cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1997.

“Đơn hàng giảm mạnh, một tuần chỉ hoạt động hai, ba ngày nên chúng tôi không thể trả lương cho công nhân. Không còn cách nào khác, tôi đành đóng cửa xưởng. Lúc đó, em út tôi đang mở một tiệm giặt là ở Yongin, đến xem xong tôi nảy ra ý định thử làm giặt là xem sao. Tôi nghĩ dù mai sau có lớn tuổi thì việc này là việc mình có thể làm đến khi nào còn sức nên chắc sẽ kiếm được tiền sinh sống.”

Đúng lúc đó, bạn vợ ông cũng kinh doanh tiệm giặt là. Ông cùng vợ đến đó làm việc, đồng thời học hỏi những kỹ thuật cần thiết. Suốt ba tháng, vợ chồng ông làm việc không lương, cả ngày miệt mài học cách sử dụng máy móc và xử lý công việc. Cách giặt sẽ khác nhau tùy vào loại vải.Kinh nghiệm may quần áo ở công xưởng trước kia đã giúp ông rất nhiều.

Cuối cùng, ông cũng mở được một cửa hàng giặt ủi, nhưng phải trải qua rất nhiều thăng trầm cho tới khi đi vào hoạt động ổn định. Cửa hàng đầu tiên ở Guro-dong. Lần đầu mở cửa hàng nên tay nghề còn kém, vừa vất vả mà còn không kiếm được mấy đồng. Ông va chạm với nhiều loại người và không ít những vết thương trong lòng. Cầm cự không nổi vài tháng, ông đành chuyển cửa hàng đến nơi khác. Lần này là cửa hàng trong khu chung cư mới xây. Thời đó, có một luật bất thành văn ở đa phần các khu chung cơ là nếu trong khu có một cửa hàng giặt là thì cửa hàng khác không thể vào thêm nữa. Thành ra, quần áo của 1,300 gia đình đổ về cửa hàng giặt ủi của ông. Lần này công việc quá nhiều, làm được nửa năm thì ông giơ tay đầu hàng. Nghĩ trong lòng thôi đừng tham lam, vợ chồng ông tìm đến nơi lập nghiệp, chính là cửa hàng ở Shinsu-ro, quận Mapo bây giờ.

“Quê tôi ở Mapo. Lúc chúng tôi định mở cửa hàng giặt là đầu tiên, nơi đây chưa có chung cư. Sau khi chúng tôi sang lại cửa hàng thứ hai và quay về thì xung quanh đã mọc lên nhiều chung cư. May mắn còn cửa hàng trống nên chúng tôi vào mở tiệm luôn. Cũng 20 năm rồi kể từ khi chúng tôi lập nghiệp ở nơi này.”

Khối lượng công việc giảm không có nghĩa là bớt vất vả. Người vợ cùng chung vai sát cánh với ông sức khỏe yếu phải nghỉ làm, để lại mình ông quán xuyến cửa hàng. Trong diện tích rộng 8 pyeong (khoảng 27m2), quần áo giặt là xếp chồng chồng lớp lớp, rồi các loại máy móc, máy may chật kín. Buồn ngủ cũng không đủ không gian ngả lưng, ông phải kê tạm một ghế làm chỗ nghỉ.

Công nghệ mới có thể giúp sắp xếp các đơn hàng, nhưng ông Oh vẫn trung thành với cách phân loại và kiểm tra từng mẩu giấy viết tay ghi thông tin khách hàng, từng cái một.

Hoàn cảnh thay đổi
Thời thế đổi thay, việc kinh doanh giặt là không còn được như trước. Người trẻ dùng ứng dụng giặt ủi tiện dụng, gửi quần áo đến những cửa hàng nhượng quyền giá tương đối cạnh tranh. Do Covid-19, người ta hạn chế ra ngoài, nhiều người làm việc ở nhà nên lượng đồ giặt giảm đi. Càng ngày càng khó kiếm người muốn học việc giặt là vì bản thân nó là công việc khó khăn và vất vả. Các cửa hàng giặt là trong khu phố đang dần biến mất. Cửa hàng mặc nhiên đóng cửa nếu chủ tuổi càng cao, không còn đủ sức làm việc.

Nhưng Oh Ki-nyeong là một bậc thầy, ông hết lòng với từng vị khách của mình. Khách của cửa hàng ông phần lớn là các bà nội trợ 40, 50 tuổi và là khách quen lâu năm. Họ vui thật lòng khi nhận lại quần áo được giặt sạch sẽ như mới, có người còn mang đến bánh mì và trái cây để thể hiện sự cảm kích. Đương nhiên cũng có những vị khách khó chịu. Có người đổ lỗi rằng đồ giặt bị bám những vết bẩn trước đó không có, hoặc cũng có người vô cớ cộc cằn.

“Có người nói kiểu khinh thường, ghẻ lạnh. Như thể vì tôi làm công việc này nên họ cho rằng có quyền nói năng thô lỗ. Đối đãi với những người như vậy là mệt mỏi nhất. Tôi buộc phải nói rõ nếu không vừa lòng, các vị có thể không đến cũng không sao. Nếu không, chính tôi sẽ bị xì-trét.”

Làm việc lâu cũng gặp những khách hàng đáng nhớ. Có lần, một vị khách nam tầm 40 tuổi cứ định kỳ mang đến một túi lưới bỏ lộn xộn mọi thứ từ áo lót, áo sơ mi, quần và cả khăn tay. Anh ta cho cả khăn ẩm vào nên quần áo bốc mùi rất khó chịu. Cứ vậy đến một ngày cửa hàng ông tạm nghỉ, anh ta phải mang sang tiệm giặt khác. Khi cửa hàng mở lại,anh ta tìm đến ca cẩm rằng tiệm kia lấy giá quá đắt.

“Bây giờ anh thấy rồi chứ?” ông Oh Ki-nyeong trả lời vị khách. Giờ Oh Ki-nyeong đã học được cách để không bị người khác làm tổn thương. Ông không giữ trong long và không mãi nghĩ về những việc không tốt. Không cần phục vụ những khách hàng quá quắt, xung quanh luôn có những vị khách tử tế. Ông luôn tiếc khi không thể làm tốt hơn cho những vị khách tử tế tìm đến cửa hàng.

Mong muốn hoàn cảnh khó khăn hiện tại sẽ nhanh chóng qua đi, mọi thứ sớm quay về với quỹ đạo của nó, ông lại tiếp tục nhấc chiếc bàn là nóng và nặng lên để gửi đến khách hàng niềm hạnh phúc nhỏ nhoi nhưng rất thật này.

Sự nỗ lực của một bậc thầy
Suốt ngày vật lộn với quần quần áo áo, tự nhiên bạn sẽ nhạy cảm với xu hướng thời trang đang thịnh hành. Khi nhiều khách mang quần áo mới mua đến nhờ sửa, bạn sẽ biết “gần đây phong cách này đang là mốt”. Tùy chất liệu mà phương pháp giặt cũng thay đổi nên cần học hỏi trau dồi thêm. Khi có thời gian rảnh vào cuối tuần, ông hay dạo các cửa hàng để ngắm quần áo. Vì đôi khi cũng cần trực tiếp quan sát để biết tình trạng và giá cả của chúng.

Trước đây, người ta hay mặc trang phục cần giặt khô, nhưng dạo gần đây quần áo tính năng như đồ thể thao được mặc nhiều. Nếu muốn duy trì tính năng của quần áo, cần phải giặt nhanh và chỉ sử dụng bột giặt trung tính. Không nắm quy tắc đó, quần áo sẽ bị hỏng.

Tuần làm việc sáu ngày từ thứ hai đến thứ bảy, chủ nhật còn đi dạo ngắm quần áo. Liệu ông còn có sở thích nào khác? Ông Oh cười tươi rút ra một quyển sổ nhỏ.

“Tôi đang đi khám phá xuyên đất nước theo cung đường dành cho xe đạp. Mỗi lộ trình đều có trạm gác, đi qua họ sẽ đóng dấu vào sổ cho mình. Cứ chủ nhật là tôi đi, cũng được một thời gian rồi. Sáng sớm tôi xuất phát, đạp xe hết cung đường rồi di chuyền bằng xe buýt chặng về. Cung đường nào dài, tôi cứ chia nhỏ ra mà chạy. Bây giờ còn lại một địa điểm nữa. Tranh thủ ngày nghỉ vừa vận động vừa có thể tái tạo tinh thần. Đó chính là niềm vui của tôi.”

Những mong gửi gắm đến khách hàng niềm hạnh phúc tuy nhỏ nhoi nhưng rất thật, lại nhấc chiếc bàn ủi nóng và nặng trịch lên, ông hy vọng sớm đến ngày khó khăn qua đi và và mọi thứ quay trở lại trật tự như trước.Mong muốn hoàn cảnh khó khăn hiện tại sẽ nhanh chóng qua đi, mọi thứ sớm quay về với quỹ đạo của nó, ông lại tiếp tục nhấc chiếc bàn là nóng và nặng lên để gửi đến khách hàng niềm hạnh phúc nhỏ nhoi nhưng rất thật này.

Hwang Kyung-shinNhà văn
Ha Ji-kwonMai Kim Chi dịch,

전체메뉴

전체메뉴 닫기