메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

Features

2020 AUTUMN

CHUYÊN ĐỀ

Dịch vụ giao hàng: Ngành công nghiệp đang bùng nổ CHUYÊN ĐỀ 4 Những câu chuyện đời thực bước vào truyện tranh

Các món hàng đặt trên internet qua bàn tay rất nhiều người trước khi đến với người đặt hàng. Công việc dỡ hàng từ những chuyến xe chở đầy hàng giao nhận cũng nằm trong quá trình đó. Bản thân người viết đã từng có sáu năm gắn bó với công việc này, và dựa trên những trải nghiệm thực tế, một năm trước đã cho ra mắt bạn đọc bộ bộ truyện tranh “Kkadaegi”.

Sau khi tốt nghiệp một trường đại học mỹ thuật địa phương, bằng mọi giá tôi lên Seoul để thực hiện giấc mơ thời thơ ấu – giấc mơ trở thành họa sĩ truyện tranh. Thời gian đầu, cha mẹ viện trợ sinh hoạt phí cho tôi nhưng số tiền đó quả không thấm vào đâu so với cuộc sống ở Seoul. Tôi cần một công việc bán thời gian để giải quyết vấn đề sinh nhai trước khi khởi nghiệp họa sĩ truyện tranh. Tôi nghĩ mình sẽ làm 5-6 tiếng một ngày, thời gian còn lại sẽ luyện tập sáng tác. Một quảng cáo tìm người đập vào mắt tôi khi tôi đang tìm kiếm một công việc như thế. Đó là việc làm bán thời gian vào các buổi sáng, chuyên dỡ hàng từ các chuyến xe chở hàng giao nhận. Sợ vất vả, tôi lưỡng lự. Nhưng vì chỗ làm gần nơi tôi ở và bị hấp dẫn bởi số tiền được nhận sẽ nhiều hơn mức lương tối thiểu hai đến ba ngàn won (tương đương khoảng 40.000 đến 60.000VND), tôi quyết định gọi điện thoại. Người phụ trách hỏi tôi liệu có thể bắt đầu ngay ngày mai. Tôi trả lời có thể và “cuộc đời làm bán thời gian ở dịch vụ giao nhận” của tôi đã bắt đầu như thế.

Họa sĩ truyện tranh Lee Jong-chul lột tả những trải nghiệm của bản thân khi còn làm công việc bán thời gian dỡ hàng cho một công ty giao nhận trong bộ truyện “Kkadaegi” (Bori Publishing, 2019). Tính độc đáo trong đề tài và cốt truyện của tác phẩm, phác họa những khía cạnh vốn không được xem trọng trong xã hội Hàn đã khiến tác phẩm nhận được nhiều chú ý trong Hội trợ sách Leipzig 2019 tại Đức.

Trải nghiệm đầu tiên
Thông thường những món hàng phải qua rất nhiều công đoạn trước khi được chuyển đến người đặt hàng. Trước hết, sau khi đơn vị bán hàng xác nhận đơn đặt hàng và đóng gói, nhân viên công ty ký hợp đồng giao nhận với đơn vị bán hàng sẽ nhận hàng để chuyển đến điểm tập kết. Từ đó, hàng được chất lên xe để đưa đến trung tâm phân phối tổng của công ty giao nhận. Ở đây, suốt đêm, tất cả hàng hóa từ các điểm tập kết sẽ được phân loại theo khu vực nhận hàng. Chờ khi các nhân viên bán thời gian chất toàn bộ hàng lên xe, khoảng tờ mờ sáng, các chuyến xe bắt đầu lăn bánh, hướng đến nhiều chi nhánh. Tại các chi nhánh lại có các nhân viên bán thời gian dỡ hàng xuống để nhân viên giao hàng tiếp nhận và xử lý.

Chỗ làm bán thời gian đầu tiên của tôi là chi nhánh một công ty giao nhận. Ngày đầu tiên, trưởng chi nhánh hỏi tôi đã từng làm “Kkadaegi”, công việc chất hàng giao nhận lên hoặc xuống xe, vốn xa lạ với tôi. Tôi cho biết chưa từng có kinh nghiệm. Trưởng chi nhánh giới thiệu tôi với một kkadaegi bán thời gian sẽ làm cùng tôi. Đó là một người đàn ông tuổi trung niên khoảng hơn 50, mái tóc muối tiêu. Ông nói năng cộc lốc, nhưng biết đây là lần đầu tiên tôi làm công việc này, ông chỉ bảo tôi tận tình. Ông chỉ hỏi họ của tôi, bởi công việc lao động chân tay vất vả này thường xuyên đổi người và có lẽ thế, cũng chẳng cần biết tên. Ông gọi tôi là “cậu Lee”, còn tôi gọi ông là “chú Woo”.

Tôi có cơ hội gặp gỡ nhiều người: một vận động viên từng giữ chân thủ môn ở giải bóng đá chuyên nghiệp K3 League; một sĩ tử đang chuẩn bị cho kỳ thi công chức để trở thành cảnh sát; một người chủ gia đình trẻ tuổi kết hôn sớm, làm việc ở nhà máy sản xuất chất bán dẫn nhưng không đủ sống nên phải làm thêm theo giờ như tôi; một viên chức nhà nước với 30 năm công tác sau khi nghỉ hưu tới chi nhánh công ty giao nhận hàng này; một anh tổ trưởng tổ kkadaegi ngoài 40 đang nuôi mẹ bị bệnh. Tất cả họ, mỗi người mỗi câu chuyện.

Trong chiếc “thùng" với đai bảo vệ thắt lưng
Công việc của chúng tôi là chuyển những thùng hàng lên ray tự động khi xe chở hàng đến chi nhánh. Các nhân viên giao nhận đứng một bên, chờ hàng xếp lên ray để lấy những món hàng thuộc khu vực họ phụ trách. Càng gần Tết, lượng xe đổ về chi nhánh càng tăng. Một chiếc xe tải 11 tấn trung bình chở từ 700 đến 800 món hàng, thậm chí có lúc hơn 1.000 món. Mỗi nhóm hai người, dỡ 4 đến 5 chuyến xe mỗi ngày. Một chuyến, mất khoảng ​​40 đến 50 phút. Sau mỗi chuyến hàng, chân tôi run lên. Bên trong xe tải được gọi là chiếc “thùng” không có gió, mũi, họng tôi đặc vì bụi, mồ hôi đầm đìa mỗi khi bắt đầu chuyển hàng. Tôi hiểu tại sao họ trả nhiều hơn mức lương tối thiểu hai đến ba nghìn won. Công việc bắt đầu lúc 7 giờ sáng, kết thúc sau giờ nghỉ trưa. Thường đến lúc này, các nhân viên giao nhận mới bắt đầu đi giao hàng.

Cùng làm việc khiến tôi trở nên gần gũi với các nhân viên giao nhận từ lúc nào không hay. Họ làm từ 7 giờ sáng đến tối mịt. Mùa cao điểm khi hàng giao không xuể, đôi khi họ phải làm qua 12 giờ đêm. Ngày qua ngày, họ kiếm chưa tới 1000 won cho một kiện hàng. Họ luôn muốn được giao hàng sớm trong khi nhân viên khuân vác lại muốn nghỉ ngơi đôi chút giữa lúc làm. Điều này đôi khi làm nảy sinh cãi vã.

Hầu hết các chi nhánh công ty giao nhận đều có khu xử lý hàng ngoài trời. Làm việc trong môi trường dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết, chúng tôi phải chịu cả cái nóng lẫn cái lạnh. Vào mùa thu, khoảng gần Tết Trung thu cũng là lúc bước vào thời kỳ đỉnh điểm của hàng giao nhận. Gạo, hàng nông sản, cải thảo muối chua, kim chi cho mùa đông được ùn ùn chuyển đến từ nơi sản xuất. Tất cả chúng tôi luôn phải trải qua quãng thời gian này mà với một chiếc đai bảo vệ thắt lưng.

Chú Woo nghỉ làm việc ở chi nhánh nơi chú từng làm cùng tôi, chuyển sang khuân vác rau củ tại một khu chợ nông sản gần Seoul vào ban đêm. Vậy là tôi theo chú đến làm ở chợ. Thời gian ở đây, tôi nhận được lời đề nghị từ một nhà xuất bản về việc xuất bản bộ truyện tranh thiếu nhi dài kỳ. Biết tin, chú vui như chuyện của chính mình. Chú kêu tôi đừng ra chợ làm nữa và tôi nghe chú. Nhưng viết truyện tranh thiếu nhi dài kỳ không đủ để tôi trang trải cuộc sống. Tôi lại xin làm kkadaegi tại một công ty giao nhận khác nhưng không cho chú biết. Tôi muốn mỗi khi nghĩ đến tôi, chú vẫn có thể nhớ rằng: “Anh bạn trẻ tên Lee Jong-chul thời làm việc cùng mình từng sống chết với vẽ truyện tranh và cuối cùng cũng đã trở thành một họa sĩ truyện tranh đàng hoàng."

Một chiếc xe tải 11 tấn trung bình chở từ 700 đến 800 món hàng, thậm chí có lúc hơn 1.000 món.
Mỗi nhóm hai người, dỡ 4 đến 5 chuyến xe mỗi ngày. Một chuyến, mất khoảng ​​40 đến 50 phút.

Mỗi người mỗi câu chuyện
Công việc vất vả hơn tôi nghĩ nhưng cũng có lợi với tôi. Tôi có cơ hội gặp gỡ nhiều người: một vận động viên từng giữ chân thủ môn ở giải bóng đá chuyên nghiệp K3 League; một sĩ tử đang chuẩn bị cho kỳ thi công chức để trở thành cảnh sát; một người chủ gia đình trẻ tuổi kết hôn sớm, làm việc ở nhà máy sản xuất chất bán dẫn nhưng không đủ sống nên phải làm thêm theo giờ như tôi; một viên chức nhà nước với 30 năm công tác sau khi nghỉ hưu tới chi nhánh công ty giao nhận hàng này; một anh tổ trưởng tổ kkadaegi ngoài 40 đang nuôi mẹ bị bệnh. Tất cả họ, mỗi người mỗi câu chuyện.

Làm bán thời gian lâu hơn, gần gũi mọi người hơn, tôi bắt đầu muốn tái hiện những câu chuyện đầy thương cảm của họ trên những trang truyện tranh. Tôi ghi chép lại những gì mắt thấy tai nghe. Tôi muốn dùng truyện tranh kể lại câu chuyện của những con người ở nơi đây, như một lời động viên, an ủi họ. Cuối cùng, với tất cả tâm tư tình cảm ấy, tôi cho ra mắt bộ truyện tranh “Kkadaegi” năm 2019.

Gần đây, khi thế giới gồng mình vì căn bệnh cảm cúm đáng sợ bởi virus corona, ngành công nghiệp dịch vụ giao nhận được chú ý nhiều hơn. Nhờ dịch vụ giao nhận, chúng ta nhận được các món hàng mình muốn bất cứ khi nào mà không cần tiếp xúc. Tuy nhiên, cùng với sự bùng phát của số lượng hàng giao nhận, chúng ta cũng thường thấy những bài báo đưa tin nhân viên giao nhận ngất xỉu vì làm việc quá sức. Trên các thùng hàng giao nhận thường có các dòng chữ lưu ý đủ loại: Xin đừng ném, xin đừng lật ngược, có thể vỡ… Tôi chợt nghĩ, những điều này phải chăng cũng nên dành cho cả con người. Vì thế, mỗi khi gặp mọi người dạo gần đây, tôi thích chào bằng câu nói: “Hãy gượng nhẹ với cơ thể và tâm hồn chúng ta, chúng cũng mong manh dễ vỡ!”

Lee Jong-chul Họa sĩ truyện tranh
Dịch. Phan Thị Hồng Hà

전체메뉴

전체메뉴 닫기