메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

Features

2020 AUTUMN

CHUYÊN ĐỀ

Dịch vụ giao hàng: Ngành công nghiệp đang bùng nổ CHUYÊN ĐỀ 3 LỊCH SỬ CỦA NỀN KINH TẾ GIAO VẬN

Thời đại con người ta có thể đặt mua tất cả các loại hàng hóa thông qua ứng dụng giao hàng trên điện thoại thông minh không phải bỗng một ngày đột nhiên xuất hiện. Văn hóa giao vận của Hàn Quốc vốn đã tồn tại từ thời kỳ Joseon (1392-1910), có thêm nét hiện đại sau thời kỳ Nhật trị nửa đầu thế kỷ 20 và bùng nổ cùng với sự phát triển nhanh chóng của quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa.

Năm 1882, Paul George von Möllendorff làm việc trong lãnh sự quán Đức tại Thiên Tân nhà Thanh (Trung Quốc) đã đến Hanyang (Seoul ngày nay) và trở thành cố vấn người phương Tây đầu tiên cho chính quyền Joseon. Cho đến thời điểm đó, ở Joseon hầu như không có người phương Tây nên điều đầu tiên mà ông ta lo lắng chính là đồ ăn. Ngay khi trời tối, một viên quan cùng với vài người hầu khiêng một giá gác bằng gỗ đến nơi ở của ông. Bỏ tấm vải phủ ra, trên kiệu là những chiếc bát đựng đầy đồ ăn lần đầu tiên ông ta được nhìn thấy trong đời. Đó là bữa tối của Möllendorff. Với kinh nghiệm đã tích lũy khi làm ở Trung Quốc, ông chuyển đồ ăn lên bàn và dùng bữa.

"Đường đi chợ trong tuyết." Tác giả: Yi Hyeong-rok (1808-?), thế kỉ 19. Chất liệu: Mực và màu nước trên giấy; 38,8 x 28,2cm. Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc. Bức tranh triều đại Joseon này mô tả các thương gia đang trên đường hướng đến chợ với hàng hóa được chất nặng trên lưng ngựa và bò. Bức tranh là một phần trong bộ tranh được cho là do họa sĩ Yi Hyeong-rok vẽ. © National Museum of Korea

Cống vật và quà tặng
Giao vận ở thời Joseon là hoạt động kinh tế quan trọng được nhà nước quản lý. Đó là vì hầu hết các đồ dùng cần thiết của hoàng cung đều được quan lại các địa phương thu gom từ người dân với hình thức là những khoản thuế. Ví dụ, những buổi tế lễ vua và hoàng hậu đời trước thường được tổ chức vào ngày mùng một âm lịch hàng tháng tại Jongmyo. Khi đó, quan lại hành chính ở các địa phương thường gửi đến hoàng cung nhiều hàng hóa, từ các nguyên liệu nấu ăn như các loại ngũ cốc, cá, trái cây, muối đến các nhu yếu phẩm sinh hoạt như giấy, bát đĩa… Các quan lại địa phương phụ trách việc giao vận thực hiện nhiệm vụ giám sát người hầu chất đồ lên xe và chuyển đến thủ đô. Đây là nhiệm vụ quan trọng đến mức người quản lý việc thu nộp đặc sản ở các địa phương có thể sẽ bị cách chức nếu hàng hóa không được vận chuyển kịp thời.

Mặt khác, các quý tộc giàu có ở địa phương cũng thường gửi quà là đặc sản địa phương cho bạn bè hoặc những người có quyền lực ở thủ đô. Ví dụ, có một phú hộ sở hữu hàng trăm người hầu ở vùng Buan tên là Kim Su-jong (金守宗, 1671-1736) thường gửi cho bạn bè mình là quan lại cấp cao ở thủ đô hải sâm khô, bào ngư, trai, bạch tuộc, rong biển và thịt chim trĩ khô, thịt lợn, quả hồng, giấy, quạt, mũ, lược… Những hàng hóa này được vận chuyển từ Buan theo đường biển dọc theo bờ biển phía Tây và cập bến tại cảng Mapo, Seoul. Từ đây, hàng hóa sẽ được những người hầu chia ra, chất lên xe kéo và giá vác đồ trực tiếp đưa đến từng nhà. Khi gửi hàng, Kim Su-jong thường làm hai văn bản ghi tên hàng hóa và số lượng, ông ta giữ một bản và gửi cho người nhận hàng một bản.

Những phụ nữ có chồng đến địa phương khác làm quan cũng thường giao nhận nguyên liệu nấu ăn. Phu nhân họ Lee ở vùng Andong đã gửi cho chồng là Kim Jin-hwa (金鎭華, 1793-1850) lúc đó đang làm việc ở địa phương khác bạch tuộc, cá cam, cá bơn, muối và các loại thực phẩm lên men như tương ớt, tương đậu nành… Đáp lại, người chồng gửi về nhà cá thu, cá minh thái, cá thơm, cá trích, thịt bò… Lúc đó, việc giao nhận hàng hóa cũng do người hầu đảm nhận.

Các nhân sĩ thượng tôn Tính lý học thời Joseon không coi trọng những hành vi mua bán hàng hóa bằng tiền mà coi việc trao đổi hàng hóa là lễ của người quân tử. Trong số các nhà nghiên cứu lịch sử kinh tế, có người đã cho rằng cách tư duy Tính lý học này chính là nền tảng tư tưởng để nền “kinh tế giao vận” có thể cắm rễ vào thời kỳ Joseon.

© Nhật báo Chosun. Một bức họa báo có tiêu đề "Người giao đồ ăn và quý phu nhân" của Ahn Seok-ju, số ra ngày 5 tháng 4 năm 1934, Nhật báo Chosun. Người phụ nữ kinh ngạc thốt lên, “Ôi trời… Anh chở quá nặng chỉ với một tay! ” và người giao hàng đáp lại: "Tôi nghĩ rằng những những thứ trên tóc và trên ngón tay của bà còn nặng hơn. ”

Ý thức giai tầng
Đầu thế kỷ 20, bán đảo Hàn rơi vào tình cảnh bất hạnh khi trở thành thuộc địa của Nhật Bản nhưng cũng từ đây các đô thị dần bắt đầu có sự thay đổi theo hướng hiện đại. Các quán ăn lớn mọc lên ở khắp nơi. Cùng với đó là sự sụp đổ của trật tự phân cấp giữa các tầng lớp xã hội Joseon dù chỉ là trên bề mặt. Trên thực tế, nguyên tắc này vẫn được duy trì giữa các thành viên xã hội. Điều này trở thành cơ hội cho hoạt động giao nhận đồ ăn mang tính thương nghiệp bắt đầu. Thực đơn phổ biến của các quán ăn ở Seoul những năm 1920 là seolleongtang (canh xương bò hầm). Chủ quán chủ yếu là những người thuộc tầng lớp bạch đinh – tầng lớp thấp nhất trong xã hội Joseon. Quý tộc đến các quán ăn do bạch đinh – thường là những người làm công việc giết mổ gia súc – quản lý và dùng bữa cùng với tầng lớp dưới là chuyện không thể nào tưởng tượng được. Đó là lý do việc giao vận seolleongtang không thể không xuất hiện vào thời kỳ này.

Khác với hiện nay, trước đây, người ta thường nhận tiền khi đến lấy lại bát đũa nên đã nảy sinh khá nhiều tình huống buồn cười. Một nhân viên quán ăn seolleongtang ở Jongno thường giao đồ ăn đến nhà một khách hàng. Nhưng mỗi khi đến lấy bát đũa thì người đặt hàng lại đi ra ngoài, không có ở nhà nên nhân viên đó không thể nhận được tiền. Sau ba bốn lần đến và ra về tay không, người nhân viên vô cùng tức giận nên đã cùng với bạn bè đe dọa người hầu của nhà khách hàng đó. Cuối cùng, anh nhân viên và các bạn của mình đã bị lôi đến đồn cảnh sát.

Món ăn chủ yếu được giao vận trước đây thường là những thực đơn phổ biến của nhiều quán ăn ở Seoul và các thành phố như seolleongtang hoặc neangmyeon (mỳ lạnh), tteokguk (canh bánh tteok). Khi đó, người ta thường đặt hàng bằng điện thoại. Tất nhiên, điện thoại thường chỉ có ở các cơ quan nhà nước, một số công ty và các gia đình giàu có. Nhân viên giao hàng của các quán ăn khi nhận được đơn thường vừa điều khiển xe đạp bằng tay trái, tay phải xách theo đồ đưa đến tận nhà của khách hàng. Nhìn từ xa, anh ta chẳng khác gì một diễn viên trong rạp xiếc.

© Bảo tàng Lịch sử Đương đại Quốc gia Hàn Quốc. Một người đưa thư vào những năm 1900. Dịch vụ bưu chính hiện đại của Hàn Quốc bắt đầu từ năm 1884 với việc thành lập Tổng cục Bưu điện hành chính. Trong những năm đầu, xe ngựa là phương tiện được sử dụng để vận chuyển thư.

©Bảo tàng Lịch sử Bupyeong. Những người giao hàng tạo dáng trước Sajeongok, một nhà hàng naengmyeon (mì lạnh) nổi tiếng ở Incheon vào những năm 1930. Mì lạnh ở đây ngon đến mức có các đơn đặt hàng từ rất xa như Myeong-dong ở Seoul.

© Lim Sang-cheol. “Buổi sáng”, một bức ảnh chụp những người phụ nữ trẻ mang chậu hoa trên đường phố Busan vào năm 1946 của Limb Eung-sik. Bức ảnh nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Quốc gia về Nghệ thuật hiện đại và đương đại.

© Bảo tàng Thành phố Sokcho. Trong bức ảnh được chụp những năm 1950 này, một người giao hàng naengmyeon (mì lạnh) đã có một màn biểu diễn thú vị trên đường phố Sokcho. Ông được biết đến là người sáng lập một nhà hàng mì lạnh kiểu Hamheung ở thị trấn ven biển gần khu phi quân sự.

Xe kéo tay và xe đạp
Hình ảnh những người giao hàng thực sự bắt đầu để lại ấn tượng đối với mọi người là từ khi các chợ cố định bắt đầu xuất hiện ở các đô thị. Do không thể bỏ mặc cửa hàng của mình, các thương nhân buôn bán tại chợ đã gọi đồ từ quán ăn. Khi ấy, các cô phục vụ trong nhà hàng trên đầu đội chiếc mâm chất đầy các bát thức ăn được sắp xếp ngay ngắn, khéo léo đưa đồ đến. Các quán cao cấp được gọi là “nhà hàng” thường có khoảng 20 món ăn phục vụ tận nơi. Khi số lượng đặt hàng nhiều như vậy, người ta phải xếp đồ ăn lên xe và chuyển đi. Nếu các gia đình khá giả tổ chức tiệc và mời khách, đầu bếp, nhân viên phục vụ của nhà hàng thậm chí đến tận nơi phục vụ. Các nhà hàng Trung Quốc cũng giao đồ ăn khi nhận được đơn đặt hàng. Nhưng ở thời điểm đó, giao đồ ăn là dịch vụ miễn phí. Giao vận hàng hóa với tư cách là ngành nghề chuyên môn chỉ dừng lại ở việc chuyển phát các mặt hàng như thư tín, báo, rượu. Đặc biệt, rượu được giao nhận trực tiếp bằng xe đạp từ xưởng sản xuất khi có đơn đặt hàng từ các nhà hàng hoặc quán rượu .

Sau giải phóng và trải qua cuộc chiến tranh Nam-Bắc, những năm 1960 là thời kỳ công nghiệp hóa và đô thị hóa cao độ do chính sách phát triển nóng của chính phủ. Kết quả là thị trường bán buôn và bán lẻ ở Seoul phát triển vô cùng nhanh chóng. Khi có đơn của các cửa hàng bán lẻ, các cơ sở bán buôn thường thuê dịch vụ giao vận bằng xe kéo để chuyển hàng. Trong số những người làm công việc giao vận này, có những người đứng ra mua hàng của cơ sở bán buôn và bán lại nguyên giá cho các cửa hàng bán lẻ. Không lấy tiền vận chuyển, thay vào đó, họ lấy công làm lãi bằng cách thu gom hộp đựng hàng mà các cửa hàng bán nhỏ bỏ đi và bán lại cho các cơ sở bán buôn.

Vào thời điểm đó, phần lớn chất đốt được sử dụng để sưởi hoặc nấu nướng tại các gia đình ở thành phố là than tổ ong. Hầu hết các gia đình thường tích trữ sẵn than tổ ong trong kho để chuẩn bị cho mùa đông. Nhưng đối với phần lớn các gia đình bình thường, cho dù có đặt hàng với số lượng nhiều đến mức nào thì nhà máy cũng không trực tiếp giao hàng. Vì thế, thời gian đầu, người ta thường phải thuê xe đẩy để tự chở than. Nhưng khi nhu cầu này dần tăng lên, bắt đầu từ những năm 1970, đã xuất hiện những cửa hàng than tổ ong cung cấp than cho từng hộ gia đình một cách chuyên nghiệp với một khoản phí giao hàng nhỏ. Họ cũng giao than cho cả những nơi không phải là hộ gia đình. Đó là dịch vụ giao lò than cho những người bán hàng rong không có lò sưởi trong mùa đông giá lạnh. Những người giao hàng ở chợ Namdeamun và Dongdeamun từ 5 giờ sáng đã đặt các viên than vào các lò di dộng và đợi đơn đặt hàng. Họ nhận được một khoản tiền thêm vào giá than coi như phí giao hàng. Bình quân mỗi ngày nếu họ giao được khoảng 200 viên than thì cũng được một khoản tiền công kha khá.

Khác với thế hệ trước, những công dân thời đại số sinh sau những năm 1980 rất dễ dàng thích ứng với kỹ thuật mới là công nghệ thông tin.
Và nền văn hóa giao vận từ lúc nào đã trở thành biểu tượng của xã hội Hàn Quốc. Điện thoại thông minh chính là nhân vật chính tạo ra ngành công nghiệp giao vận của Hàn Quốc thế kỷ 21.

© Lim Sang-cheol. “Một ngày mới đầy hy vọng” (tiêu đề tạm thời), bức ảnh chụp các em nhỏ đang chạy giao báo trong Myeong-dong, Seoul năm 1960 của Limb Eung-sik. Trẻ em của những gia đình nghèo đi giao báo để kiếm tiền học phí và tiền tiêu vặt là hiện tượng phổ biến lúc đó.

© Han Jeong-sik. “Ikseon-dong,” bức ảnh chụp năm 1993 của Han Jeong-sik. Đây là hình ảnh một người giao đồ ăn Trung Quốc một tay giữ hộp thiếc lớn đựng đồ ăn, một tay đi xe đạp qua các con hẻm của khu dân cư khu vực trung tâm Seoul. Các nhà hàng Trung Quốc bắt đầu cung cấp dịch vụ giao hàng vào những năm 1960.

Một người đàn ông cực nhọc gánh than lên dốc trong một khu ổ chuột ở Seoul đầu những năm 1970. Than tổ ong được sử dụng rộng rãi để sưởi ấm và nấu ăn từ thời hậu chiến tranh Nam-Bắc đến những năm 1990. © NewsBank

Xe máy và ứng dụng điện thoại thông minh
Bắt đầu từ những năm 1960, việc giao hàng cho các nhà hàng Trung Quốc đồng nghĩa với việc giao đồ ăn. Cách hiểu này được duy trì trong một khoảng thời gian khá dài. Cho đến thời điểm đó, xe đạp hầu như vẫn là phương tiện duy nhất để giao đồ ăn. Cuối những năm 1970, do chính sách Hoa kiều của chính phủ Hàn Quốc, nhiều Hoa kiều gặp bất lợi khi nhập học đại học nên đã di cư sang Đài Loan. Do đó, ngày càng nhiều người Hàn Quốc, những người làm công việc giao vận cho các nhà hàng Trung Quốc do Hoa kiều làm chủ đã đứng ra mở nhà hàng. Cùng lúc đó, các khu chung cư lớn cũng được xây dựng ở Seoul và các thành phố lớn khác. Khi những khu tập trung dân cư tăng lên, nhu cầu chuyển phát đồ ăn Trung Quốc cũng nhanh chóng tăng lên.

Sau những năm 1980, việc số người tiêu dùng có năng lực kinh tế có thể chi trả cho công việc chuyển phát tăng lên là một trong những nhân tố giúp cho dịch vụ giao vận hàng hóa tại Hàn Quốc phát triển. Năm 1982, một tờ báo kinh tế đã coi giao vận hàng hóa là một ngành công nghiệp có nhiều triển vọng. Trước thềm Thế vận hội Seoul 1988, đồ ăn giao nhận theo yêu cầu đã vượt ra khỏi hàm ý chỉ đồ ăn Trung Quốc cùng với sự xuất hiện của đồ ăn nhanh kiểu Mỹ tại thủ đô. Một khung cảnh đô thị mới được mở ra: những người trẻ tuổi bắt đầu sử dụng phương tiện vận chuyển mới là xe máy để giao bánh pizza, một món ăn mà trước đó hầu hết người Hàn Quốc còn chưa biết đến. Khi xe máy tỏ ra là phương tiện vận chuyển vượt trội về tốc độ và hiệu quả, những người giao hàng tại các nhà hàng Trung Quốc và chợ truyền thống cũng bắt đầu sử dụng chúng thay cho xe đạp hoặc đi bộ.

Ngành công nghiệp giao vận dựa trên dịch vụ giao hàng tận nơi như hiện nay đã nổi lên như một mô hình kinh doanh đầy hứa hẹn vào những năm 1990, nhờ sự du nhập của hệ thống giao nhận tận nơi của Nhật Bản. Người Hàn Quốc khi lần đầu tiên tiếp cận với dịch vụ giao nhận tận nơi này tỏ ra khá miễn cưỡng và khó chấp nhận được việc tính phí vận chuyển riêng. Nhưng sự lạ lẫm này chỉ là nhất thời. Không lâu sau, người ta dễ dàng bị mê hoặc bởi sự tiện lợi của việc hàng hóa được giao đến tận cửa nhà với một chi phí nhỏ. Sau đó, các dịch vụ giao nhận tận nơi tiện lợi đã phát triển mạnh mẽ, tạo ra động lực cho sự xuất hiện của các ứng dụng trên điện thoại thông minh vào năm 2010. Đặc biệt, khác với thế hệ trước, những công dân thời đại số sinh sau những năm 1980 rất dễ dàng thích ứng với kỹ thuật mới là công nghệ thông tin. Và nền văn hóa giao vận từ lúc nào đã trở thành biểu tượng của xã hội Hàn Quốc. Điện thoại thông minh chính là nhân vật chính tạo ra ngành công nghiệp giao vận của Hàn Quốc thế kỷ 21.  

© NewsBank. Làm việc cho một nhà hàng Trung Quốc gần Đại học Korea ở Seoul vào cuối những năm 1990, người giao hàng được biết đến với cái tên Cho Tae-hun này là một người nổi tiếng trong khu phố với chiếc mô tô màu sắc và có tốc độ “ánh sáng”. Anh trở nên nổi tiếng trên toàn quốc sau khi xuất hiện trên truyền hình.

© Chính quyền thành phố Seoul. Ảnh của Mun Deok-gwan. Một người phụ nữ làm việc cho một nhà hàng ở chợ Namdaemun, Seoul mang trên đầu những khay thức ăn được xếp chồng lên nhau đến cho những thương nhân phải trông cửa hàng.

Joo Young-ha Giáo sư Viện cao học Hàn Quốc học, Viện nghiên cứu Hàn Quốc học Trung ương (AKS)
Dịch. Lê Thu Giang

전체메뉴

전체메뉴 닫기