메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

Interview

2020 AUTUMN

Văn hoá và Nghệ thuật

PHỎNG VẤN Tạo dựng giá trị mới từ những thứ bị vứt đi

Hai nhà thiết kế trẻ học chuyên ngành thiết kế dệt đã cùng nhau thành lập Studio có tên là “Fabrikr” vào năm 2010. Cả hai cố gắng vượt qua sự giới hạn chất liệu, hoạt động linh hoạt giữa hai lĩnh vực thiết kế nội thất và thiết kế không gian. Không gian tái sinh dưới đôi bàn tay của họ đặc biệt gây thích thú đối với các bạn trẻ- tầng lớp nhạy cảm với các xu hướng.

Kim Sung-jo (trái) và Kim Dong-gyu, hai nhà đồng sáng lập của Studio Fabrikr đang ngồi ở quán cà phê Onion do Fabrikr thiết kế. Hai người bắt đầu làm việc với đồ nội thất, sau đó mở rộng sang thiết kế không gian.

Sau khi thành lập studio “Fabrikr”, nhà thiết kế Kim Dong- kyu và Kim Sung-jo cho ra mắt sản phẩm đầu tiên của mình là chiếc ghế có tên “Monster” (Quái vật). Đây là tác phẩm tạo thành từ vải và gỗ bị vứt, phủ bằng sơn epoxy. Thu gom vật dụng bị vứt bỏ làm thành đồ nội thất, hai nhà thiết kế cuối cùng đã thu hút được sự chú ý đến với những không gian bị lãng quên. Xưởng sản xuất, bưu điện, nhà truyền thống hanok, nhà tắm công cộng hóa thân thành quán cà phê, cửa hàng mắt kính, hay showroom các thương hiệu.

Thay đổi không chỉ diễn ra đối với chức năng của không gian. Nhiều người còn muốn nhâm nhi cà phê, đọc sách, tán gẫu và cà kê thật lâu ở những địa điểm này. Họ trở nên yêu thích những chỗ như thế. Muốn thấu hiểu tâm tư, suy nghĩ của giới trẻ sống ở chốn đô thị sầm uất, hay tò mò về địa điểm lý tưởng chủ đạo cho trào lưu sống hiện tại ở Seoul thì bạn có thể ghé qua những không gian được Fabrikr chạm tay vào. Những nơi ấy sẽ cung cấp cho chúng ta câu trả lời.

Lí do khiến các bạn quan tâm đến những đồ vật bị vứt bỏ là gì?
Kim Dong-kyu: Hai chúng tôi học chuyên ngành thiết kế dệt ở đại học. Nên lúc đầu hai đứa đã muốn vượt ra khỏi giới hạn vật liệu phải là hàng dệt. Chúng tôi dùng nhiều loại vải đa dạng để tạo tác các đồ nội thất cùng các loại vật dụng khác. Tạo ra các món đồ từ vật liệu cần thiết có thể mua được thì cũng dễ. Nhưng chúng tôi thấy sức hút từ việc mang lại vòng đời mới cho những thứ bị bỏ đi thông qua việc sáng tạo một giá trị khác cho tác phẩm bằng đôi tay của mình.

“Dự án lượng tử: lối thoát âm thanh” (2014). Nhạc cụ, nội thất, đèn nê-on (9,5x 20x 3,2 m) (WDH) © Fabrikr

“Dự án lượng tử: sóng san hô” (2014). Lăng kính điện ảnh, dây điện, kính. 9,5 x 15 x 3,2m (WDH). Cửa hàng Flagship store của nhãn hàng mắt kính Gentle Monster ở Seogyo-dong, Mapo-gu khu vực Hongdae có phòng trưng bày ở tầng hai và ba, trong khi tầng một là không gian dành cho dự án trang trí. Trong vòng một năm, cứ cách hai tuần, Fabrikr đến để làm mới các thiết kế cửa hàng. © Fabrikr

Các bạn cho rằng “tái chế mới từ những vật liệu cũ” (upcycle) và “mang giá trị đến cho những vật bị vứt bỏ” là hai việc làm khác nhau. Không biết điểm khác nhau giữa hai việc này là gì?
Kim Dong-kyu: Sử dụng phế liệu công nghiệp có khả năng chống thấm nước, biến chúng thành những chiếc túi, nhãn hàng Freitag nổi tiếng của Thụy Sĩ đã trở thành thương hiệu được ưa chuộng khắp thế giới. Tuy nhiên, sản phẩm có thương hiệu sáng tạo từ những vật liệu cũ được đầu tư rất nhiều tâm huyết trong quá trình chế tác khó tránh giá thành cao. Giá cả cao nhưng sản phẩm của họ bán rất chạy cho thấy khả năng hoạch định của doanh nghiệp đó rất tốt. Câu chuyện sản phẩm mang là một yếu tố quan trọng nhưng bản thân sản phẩm đó cũng phải có sức thuyết phục người tiêu dùng sẵn lòng mở hầu bao của họ. Thế nên, chúng tôi lập cho mình mục tiêu tập trung hơn vào chất liệu của đồ bị vứt bỏ, rồi mang đến giá trị cho chúng. Đó là lí do chúng tôi sáng tạo các tác phẩm và vật thể không phải những tạo tác thương mại nhưng lại có khả năng truyền tải câu chuyện của chúng tôi



Lúc đầu các bạn muốn tập trung vào chất liệu và phương pháp tạo tác sản phẩm, giờ thì có vẻ như không còn vạch ra giới hạn cho hoạt động sáng tạo của mình nữa.
Kim Dong-kyu: Về cơ bản thì không có gì thay đổi cả. Không vạch ra giới hạn sáng tạo, chúng tôi áp dụng cách thức thể hiện của riêng mình trên các tác phẩm nội thất, vật dụng trang trí, không gian và hiện tại là sẽ mở rộng sang ngành kiến trúc. Chúng tôi muốn liên tục thử thách cái mới và thể hiện phương thức của riêng mình.

Kim Sung-jo: Quá trình hoạch định và cấu thành tác phẩm đối với đồ nội thất hay không gian đều như nhau cả. Khác nhau là ở chỗ nên đặt đối tượng lên trước hay xem xét câu chuyện muốn truyền tải lên trước.Khi tiếp cận một chiếc ghế, một mảnh vải bị vứt bỏ hay một không gian bị bỏ hoang, chúng tôi thường nghĩ xem bên trong những thứ ấy chứa đựng những câu chuyện nào. Tuy nhiên, điểm khác nhau là đối với đồ nội thất, chúng tôi tạo nên câu chuyện từ suy nghĩ riêng của mình; trong khi, đối với không gian, chúng tôi cố gắng mang đến câu chuyện mà người sử dụng không gian ấy mong muốn. Khi thiết kế không gian, chúng tôi cần tính toán cách người dùng di chuyển trong không gian ấy như thế nào. Thỉnh thoảng, cả hai thấy mình giống mấy thợ thiết kế tay mơ, có ý tưởng nào hay vụt lên trong lúc tác nghiệp là sẵn lòng điều chỉnh luôn. Dẫu vậy, đó cũng là thế mạnh của hai đứa.



Hình như các bạn rất ưa dùng sơn epoxy từ các tác phẩm đầu tay đến các dự án thiết kế gần đây.
Kim Sung-jo: Epoxy là chất liệu phản ánh rõ quan điểm sáng tác chúng tôi có trong đầu. Đó là chất liệu lưu giữ được quá khứ, lại lộng lẫy hướng đến tương lai: khi chạm tay vào mang đến cảm giác mềm mại, ấm áp khác hẳn so với vật liệu thủy tinh. Thời gian sự dụng càng lâu thì sự thay đổi màu sắc càng độc đáo. Hay ở chỗ là chất liệu này biến đổi được từ dạng lỏng thành vật chất rắn. Tác phẩm sáng tạo từ sơn epoxy hòa quyện một cách tự nhiên vào những thứ vốn đã có trước đó, khó biết được đã hoàn thành từ khi nào. Lấy ví dụ là ở tác phẩm “Chiếc ghế Cheum (Đong đầy)”, chúng tôi sử dụng epoxy vào phần vịn khuỷu tay bị gãy của ghế thay vì dùng nẹp cố định chỗ đó. Lấy gỗ cùng loại chập vào thì chỉ là “phục chế” thôi, chúng tôi lại thêm vào đó một cánh tay nhân tạo ấm áp bằng epoxy để thể hiện hình ảnh mang tính tương lai.

Kim Dong-kyu: Tôi thì thấy epoxy là chất liệu rất “Hàn Quốc”. Sức mạnh của epoxy là sự thể hiện không quá dữ dội mà lại sang trọng, hài hòa với tổng thể xung quanh. Gần 10 năm sử dụng epoxy để sáng tạo tới nay tôi vẫn chưa tìm được chất liệu thay thế khác, đủ thấy mê lực của chất liệu này như thế nào.



Dự án thiết kế không gian đầu tiên của hai bạn là showroom của nhãn hiệu mắt kính Gentle Monster. Có lẽ nhờ đó mà Fabrikr gây được ấn tượng với công chúng.
Kim Sung-jo: Năm 2011, nhãn hàng Gentle Monster liên hệ chúng tôi về dự án sản xuất mắt kính hợp tác với các nghệ nhân. Hai năm sau đó, họ giao cho chúng tôi dự án thiết kế các hạng mục ở sân trước của cửa hàng flagship store số một khai trương ở Nonhyun-dong. Ban đầu ý tưởng của chúng tôi là mang về các mảnh tàu cũ bỏ hoang ở bãi biển Daecheon; nhưng sau hồi thảo luận, chúng tôi mở rộng ý tưởng lên toàn bộ không gian cửa hàng. Thay vì tạo tác một mô hình đơn lẻ, chúng tôi biến con tàu thành cổng dẫn vào bên trong gian hàng, thật tuyệt khi đi xuyên qua con tàu đến một thế giới hoàn toàn khác biệt mở ra bên trong. Cửa hàng Gentle Monster ở Hongdae là thành quả có được từ quá trình suy nghĩ về cách tạo ấn tượng với khách hàng về thương hiệu thông qua không gian. Trong vòng một năm, cứ hai tuần một lần chúng tôi đến để trang trí mới cho cửa hàng bằng nhiều vật liệu, kĩ thuật và cách thức trình bày đa dạng. Kết quả là Gentle Monster dần trở thành thương hiệu nổi tiếng đối với giới trẻ; khách hàng không đến Gentle Monster chỉ để mua mắt kính mà việc đến cửa hàng và trải nghiệm không gian này còn có ý nghĩa về mặt văn hóa.

1. “Quái vật” (2010). Vải dệt, formica, gỗ. 60 x 60 x 85 cm (WDH) © Fabrikr
2. “Đong đầy” (2013). Tác phẩm chiếc ghế bị vứt bỏ sơn bằng epoxy. 64 x 54 x 100 cm (WDH). © Fabrikr

Dự án kế tiếp của các bạn là chuỗi Cafe Onion- hiện đã có ba cửa hàng ở Seongsu, Mia, và Anguk - tất cả đều được yêu thích.
Kim Sung-jo: Cửa hàng ở Seongsu là tòa nhà được xây dựng vào thập niên 1970, từng sử dụng làm gara xe hơi, siêu thị, hay nhà nghỉ; tùy theo mục đích sử dụng lúc ấy mà vết tích chỉnh sửa kiến trúc bất hợp pháp còn hằn rõ trên tường và nền nhà. Chúng tôi thực hiện thiết kế làm thế nào vẫn lưu lại các dấu vết đó. Nhờ tiếng tăm và sự yêu mến dành cho cửa hàng ở Seongsu, chúng tôi quyết định khai trương cửa hàng thứ hai. Tổng giám đốc Onion muốn cửa hàng không đơn thuần là một quán cà phê, mà phải là một thương hiệu mang dấu ấn văn hóa. Thế nên, chúng tôi chọn bưu điện để mở cửa hàng Mia, lấy ý tưởng một “quảng trường” nơi mọi người tụ tập để trò chuyện với nhau. Đối với chúng tôi, cửa hàng Onion chi nhánh Mia là một tác phẩm nghệ thuật bài trí.



Cửa hàng Anguk khai trương gần đây nhất của Onion cho thấy sức mạnh của nhà truyền thống hanok.
Kim Sung-jo: Thị trường cà phê của Hàn Quốc đứng thứ ba toàn thế giới. Khách du lịch nước ngoài đến Hàn Quốc thưởng thức văn hóa cà phê, thưởng lãm nhiều thiết kế cửa hàng. Sau dự án Mia, Onion dự định mở quán cà phê biểu trưng cho thành phố Seoul. Không ngừng tìm kiếm không gian thích hợp, cuối cùng chúng tôi phát hiện ra địa điểm Anguk hiện tại. Chúng tôi cố hết sức lưu giữ các đặc trưng nhà hanok như sàn gỗ maru, cột nhà và mái nhà…

“Khi tiếp cận một chiếc ghế, một mảnh vải bị vứt bỏ hay một không gian bị bỏ hoang, chúng tôi thường nghĩ xem bên trong những thứ ấy chứa đựng những câu chuyện nào. Tuy nhiên, điểm khác nhau là đối với đồ nội thất, chúng tôi tạo nên câu chuyện từ suy nghĩ riêng của mình; trong khi, đối với không gian, chúng tôi cố gắng mang đến câu chuyện mà người sử dụng không gian ấy mong muốn.”

Cửa hàng ở chi nhánh Mia tái tạo một góc bị lãng quên của Bưu điện Gangbuk thuộc Seoul dựa trên ý tưởng một “quãng trường công cộng”. Thiết kế nhấn mạnh những mảng bê tông lộ ra bằng việc hạn chế tối đa số bàn ghế bài trí. © hugefabio

Chất liệu hay chủ đề các bạn quan tâm gần đây?
Kim Sung-jo: Trong quá trình khởi dựng chuỗi cà phê Onion, chúng tôi bắt đầu chú ý đến vai trò của ánh sáng. Chúng tôi nhận ra tầm quan trọng của ánh sáng trong thiết kế không gian nghỉ ngơi, thư giãn. Vậy nên, gần đây chúng tôi dành nhiều quan tâm cho James Turrell, nhà thiết kế không gian nghệ thuật tại Mỹ - người dày công nghiên cứu hiệu ứng ánh sáng.



Lĩnh vực các bạn muốn mở rộng hoặc dự án muốn thử sức trong tương lai?
Kim Sung-jo: Chúng tôi chưa có dự định gì. Sau lĩnh vực kiến trúc, chúng tôi muốn sáng tạo ở phạm vi “không gian” hơn, tạo tác những vật dụng nhỏ gọn thay vì các đồ nội thất. Chúng tôi không nghĩ đến giới hạn mà đưa ra nhận thức cụ thể hơn trong quá trình thực hiện dự án của mình.



Đối với Fabrikr, điều gì mang lại giá trị nhiều nhất?
Kim Dong-kyu: Không dễ để diễn tả rõ điều này trong một câu nói. Hiện tại, trong đầu mình đó là từ “con người” và “thời gian”.

Kim Seong-jo: Đảm trách vai trò giám đốc nghệ thuật đồng hành cùng thương hiệu Onion giúp mình nhận ra khả năng thực hiện những công việc có ý nghĩa to lớn. Đó là suy nghĩ đóng góp tích cực cho xã hội. Trong lĩnh vực văn hóa, rất ít thương hiệu đủ tầm để đại diện cho văn hóa “Hàn Quốc”. Onion và Fabrikr cùng chia sẻ mục tiêu tạo dựng thương hiệu đại diện cho văn hóa Hàn Quốc; chúng tôi học được rất nhiều khi ở cùng một team, san sẻ ước mơ và hợp lực cùng nhau như vậy.



Gần đây các bạn có ấn tượng với không gian hay địa điểm du lịch ở chỗ nào không?
Kim Dong-kyu: Hai năm trước, khi đang thực hiện dự án Onio ở Anguk, chúng tôi suy ngẫm rất nhiều về những yếu tố hình thành nên “chất liệu Hàn Quốc” thì tình cờ đọc quyển “Tựa cột Baeheullim ở Muryangsujeon (Điện vô lượng thọ)” của nhà nghiên cứu mỹ thuật Choi Sun-u, chúng tôi quyết định ghé thăm chùa Buseok. Lần đầu tiên tại ngôi chùa đó, chúng tôi cảm nhận được kiến trúc và khí chất truyền trống mang chất liệu Hàn Quốc. Chúng tôi thấy và hoàn toàn bái phục cách kiến trúc nhà hòa lẫn với phong cảnh thiên nhiên, các góc nhìn hòa nhịp theo phương hướng di chuyển của con người trong khung cảnh ấy.

Cửa hàng cà phê Onion chi nhánh Seongsu - được xây dựng lại từ một nhà máy bỏ hoang từ những năm 1970 - đã trở thành một địa điểm chính trong lịch trình tìm hiểu văn hóa cà phê Seoul kể từ năm 2016 sau khi chính thức được mở cửa.

Park Eun-young Tổng biên tập tờ Craft+Design
Ảnh. Heo Dong-wuk
Dịch. La Duy Tân

전체메뉴

전체메뉴 닫기