메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

Interview

2020 SUMMER

VĂN HÓA VÀ NGHỆ THUẬT

PHỎNG VẤN Hai loại vắc-xin chống lại đại dịch do virus

Giáo sư Choe Jae-chun, nhà sinh vật xã hội học và nghiên cứu hành vi động vật, với chủ trương hoà hợp giữa xã hội loài người và thế giới sinh vật, đã không ngừng cảnh báo về nguy cơ phá huỷ hệ sinh thái của nhân loại. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang gây ra sự hỗn loạn toàn cầu chưa từng có, giáo sư lần nữa nhấn mạnh việc ngăn chặn tất cả các thiệt hại tự nhiên nhằm chuẩn bị cho thế giới hậu virus corona.

“Chúng ta phải nhìn nhận lại hành vi phá hoại hệ sinh thái để phát triển kinh tế. Bảo vệ môi trường tự nhiên tiết kiệm nhiều chi phí hơn so với công tác cải thiện nó.”

Giáo sư Choe Jae-chun và tiến sĩ Jane Goodall tham quan đầm Yongneup núi Daeam-san tỉnh Gangwon-do và có mặt tại sự kiện nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường cùng giáo sư Choe theo lời mời đến Hàn Quốc của Tổ chức Đa dạng Sinh thái vào năm 2017. Tổ chức cùng với sự ủng hộ của hai vị giáo sư được thành lập với mục đích hỗ trợ các nghiên cứu học thuật về động vật và môi trường, phổ cập, đào tạo và phát triển các nội dung liên quan công tác bảo vệ môi trường và văn hóa. Đầm Yongneup núi Daeam-san, hình thành trên đỉnh núi, được chứng nhận là khu vực đầm lầy cần bảo tồn đầu tiên nhất ở Hàn Quốc sau khi nước này gia nhập Công ước Ramsar. ⓒ Cho Soo-jeong (趙受貞), “Người bạn xuân của tôi”

Viện Nghiên cứu Sinh thái Quốc gia trụ sở tại Seocheon-gun tỉnh Chungcheongnam-do có một “ngôi sao” là loài “kiến cánh” (leafcutter ant). Sinh sôi tại xứ sở nhiệt đới Trung và Nam châu Mỹ, loài kiến này cắt lá cây tha về tổ, sau khi nhai kỹ thì sử dụng chúng làm phân bón canh tác nông nghiệp. Loài kiến này đã làm “nghề nông” thật sự lâu so với loài người vốn chỉ mới biết chăn nuôi và canh tác nông nghiệp trong vòng mười ngàn năm trở lại đây.

Nếu quan sát kỹ những con kiến cánh, ta sẽ thấy chúng bận rộn di chuyển sau khi phủ lên mình lớp phấn trắng. Lớp phấn trắng này là một loại vi khuẩn sinh ra hoạt chất kháng sinh. Kiến cánh cung cấp thức ăn cho loài vi khuẩn này, còn hoạt chất kháng sinh được vi khuẩn tạo ra giúp tiêu diệt mốc khuẩn gây hại trên các cây nấm được trồng. Kiến cánh và loài vi khuẩn này đã sống cộng sinh với nhau như thế hàng triệu năm nay.

Đóng vai trò chính trong việc mang loài kiến này về Viện Nghiên cứu Sinh thái Quốc gia không ai khác là “tiến sĩ ‘kiến’ học” nổi tiếng, nhà sinh thái học, Viện trưởng đầu tiên của viện, giáo sư Choe Jae-chun. Giáo sư nhấn mạnh: “Chúng ta phải tích cực ứng phó với khủng hoảng khí hậu nếu muốn đảm bảo sự đa dạng về sinh vật”. Tôi đã gặp được giáo sư tại sân trường đại học vào một ngày mùa xuân có hoa gaenari (hoa đầu xuân) bung nở.

Nhà sinh thái học Choe Jae-chun đang trả lời phỏng vấn tại phòng nghiên cứu thuộc Đại học nữ Ewha, nơi ông đang làm giáo sư giảng dạy chính thức. Nhà nghiên cứu từ lâu đã kêu gọi nhân loại tích cực đối phó với khủng hoảng khí hậu nhằm bảo đảm sự đa dạng của các loài sinh vật.

Hiện nay virus đang uy hiếp sự tồn vong của nhân loại. Được biết giáo sư đã lên tiếng cảnh báo về điều này rất lâu trước đây?
Là người nghiên cứu sinh thái và tiến hoá hẳn ai cũng lo lắng về sự “xung đột” giữa nhân loại và virus. Trước hết, chúng ta hãy công nhận điều phải được công nhận. Đó là nếu cạnh tranh với virus thì loài người chúng ta không có khả năng chiến thắng. Virus đã tồn tại trước con người rất lâu trên quả địa cầu, và cho đến nay còn vô số những chủng virus đang ẩn mình khắp mọi ngóc ngách hành tinh này. Trong số đó, một vài loại virus nếu có cơ hội sẽ biến đổi gene để thích ứng với vật chủ là con người chúng ta. Phần lớn các virus loại này đều thất bại. Thế nhưng, cũng xuất hiện một con virus khôn ranh bất ngờ. Ngay cả khi không gây ra triệu chứng rõ ràng và khả năng gây hại cao thì sự lây lan vẫn có thể diễn ra nhanh chóng trên thế giới khi virus đó lấy con người làm vật chủ phát tán.

Hiện tại nhân loại khắp nơi trên thế giới đang gánh chịu đau thương do virus gây ra. Làm thế nào để chúng ta khắc phục được tình cảnh này?
Nhân loại thế nào rồi cũng sẽ vượt qua được đại dịch lần này. Vấn đề lớn hơn là kết thúc dịch không có nghĩa là “chấm hết” ở đó. Chắc chắn sẽ còn nhiều chủng virus mới lấy con người làm vật chủ để phát sinh. Thế nên, cần 18 tháng để tìm ra vắc-xin chống lại đại dịch COVID-19, nhưng trong thời gian tìm ra loại vắc-xin ấy vẫn có khả năng xuất hiện một loại virus mới khác.

Vậy nhân loại chúng ta nên làm gì?
Chúng ta cần một giải pháp có khả năng chống lại mọi chủng loại virus. Tôi sẽ gọi giải pháp ấy là “vắc-xin sinh thái” và “vắc-xin hành vi”.

Nghe nói “vắc-xin hành vi” là nhấn mạnh giải pháp “giãn cách xã hội”.
Đúng vậy. Giãn cách xã hội chính là “vắc-xin hành vi” tuyệt vời đó. Nghe có vẻ vớ vẩn thế thôi, nhưng chỉ cần cả thế giới ngừng lại trong vòng hai tuần, cắt đứt con đường lây lan của virus thì chúng ta có thể tập trung điều trị những người đã nhiễm bệnh trước đó. Không có vắc-xin nào hiệu quả hơn khi cả thế giới đồng lòng, và tất cả chúng ta đều ngừng lại.

Giãn cách xã hội phát huy hiệu quả mạnh mẽ qua hành động thực tiễn của người dân Hàn Quốc. Vậy “vắc-xin sinh thái” là như thế nào? Phải chăng nhân loại nên chấm dứt các hành vi phá hoại môi trường vô tội vạ trước nay?
Đúng vậy! Nếu kể đến hiện tượng virus không ngừng tấn công con người cho đến ngày nay, nguyên do là bởi sự biến mất của các động thực vật chủ tự nhiên trong hệ sinh thái của chúng. Virus sinh sôi trong cơ thể loài dơi ở các hang hốc rừng sâu không thể tiếp xúc với con người được. Làm gì có chuyện dơi, mèo xạ hương, lạc đà, hay tê tê chủ động đến xin bắt tay với con người. Phá huỷ rừng xanh, bắt và tiêu thụ động vật hoang dã diễn ra nhiều lần mới dẫn đến hậu quả như ngày nay. Trong tương lai, để virus không truyền sang chúng ta thì loài người không nên đụng đến động vật hoang dã nữa. Biến đổi khí hậu, kéo theo sự biến mất về đa dạng động thực vật là hai vấn đề có liên quan đến sự bùng nổ đại dịch do virus.

Tháng 4 năm 2015, giáo sư Choe Jae-chun đang giải thích về hệ sinh thái của loài kiến cho học sinh tiểu học đang chuyến tham quan tại phân khu “Thám hiểm thế giới loài kiến” thuộc Viện Nghiên cứu Sinh thái Quốc gia. Ông là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sinh thái Quốc gia từ năm 2013 đến năm 2015. ⓒ Munhwa Ilbo (Nhật báo Văn hóa)

Đến nay con người vẫn lấy việc phá hoại môi trường sinh thái làm công cụ phát triển kinh tế.
Vấn đề là ở chỗ đó. Người ta cho rằng phá hoại hệ sinh thái để phát triển kinh tế không gây ra bất cứ vấn đề nào. Kết quả thì điều gì đang diễn ra? Kinh tế toàn thế giới chững lại, thiệt hại kinh tế khó có thể dự đoán xuất phát từ đại dịch cho virus gây ra. Chúng ta phải nhìn nhận lại hành vi phá hoại hệ sinh thái để phát triển kinh tế. Bảo vệ môi trường tự nhiên tiết kiệm nhiều chi phí hơn so với công tác cải thiện nó. Và, chúng ta cần biết rằng “vắc-xin sinh thái” chính là phương thuốc cốt lõi có thể ngăn ngừa đại dịch virus.”

Liệu rằng nhân loại đang say sưa phát triển kinh tế có thể đi lối khác trong thời thế hiện nay không?
Liệu có khả năng ấy không? Con người là loài động vật chóng quên. Đại dịch qua đi, chắc hẳn sẽ có người lại tiếp tục làm theo cách họ đã làm trước đây. Tuy vậy, đại dịch virus lần này cũng là thời cơ thức tỉnh, sẽ có từng người một đứng lên để hành động. Tập hợp hành động của các cá nhân như thế sẽ tạo ra những biến đổi có ý nghĩa, đúng không?

Vừa nãy giáo sư có nhắc đến “vắc-xin hành vi”? Hình như đây là dự báo về sự khởi đầu của một xã hội không chạm mặt nhau trong tương lai, mà ở đó việc giãn cách xã hội trở nên bình thường?
So với các loài động vật trên trái đất, chỉ có loài người là tiến hoá theo khuynh hướng tự do giao lưu với rất nhiều cá thể cùng chủng loại với mình. Bạn có thể một mình bước vào quán cà phê Starbucks chẳng chút e ngại dù trong quán đã có 20–30 người bạn không quen ngồi sẵn trước đó. Giả sử bạn làm vậy trong thế giới loài tinh tinh thì chuyện gì sẽ xảy ra chứ? Nhóm tinh tinh sẽ nhào ra tấn công và bạn sẽ mất mạng trong vòng một phút. Thế giới loài kiến cũng như vậy. Theo tôi, chúng ta chỉ thực hiện giãn cách xã hội với nhau một thời gian vì đại dịch virus chứ không sống như vậy đến hết đời. Là sản phẩm của quá trình tiến hoá phi thường, chúng ta vẫn sẽ tập hợp, gặp gỡ, và “giao tiếp” trong tương lai. Chỉ có điều là mỗi khi có đại dịch virus, chúng ta lại lặp lại biện pháp giãn cách xã hội. Loài người sẽ càng yêu thương nhau, gắn bó với nhau hơn khi gặp lại nhau sau thời gian tạm thời giãn cách.

Giáo sư đang giảng dạy online do trường học không mở cửa vì dịch COVID-19. Không biết khoảng thời gian này thế nào?
Tôi đang trải qua khoảng thời gian thư thái nhất so với những năm gần đây. Tất cả các buổi thuyết giảng, hội nghị trong và ngoài nước đều bị huỷ bỏ hết. Tôi chỉ gặp sinh viên thông qua các giờ giảng online nên cảm thấy thong thả bất ngờ. May thay nhờ đó mà tôi gần như hoàn thành việc biên tập quyển sách đang dang dở vì nhiều lịch trình trước đó. Tôi sẽ ra mắt sách của mình trong thời gian ngắn sắp tới.

Giáo sư đã ra mắt vài quyển sách trước đây. Vậy quyển sách sẽ ra mắt trong dịp này là quyển sách như thế nào?
Đây là quyển sách hướng dẫn các phương pháp để thảo luận tốt. Nghe cứ như một quyển sách không liên quan đến người nghiên cứu sinh vật học đúng không? Không phải như vậy đâu. Nhiều động vật trong thế giới tự nhiên biết học hỏi. Thế nhưng trong vô số những loài động vật biết học hỏi đó, chỉ có con người là “chúa tể” của vạn vật. Lí do quyết định là bởi con người là “động vật tự do di chuyển vạch xuất phát.”

“Động vật tự do di chuyển vạch xuất phát”?
Trong các loài động vật, chỉ có loài người là ghi chép lại kiến thức đã tích luỹ và truyền lại cho nhau. Loài người là động vật duy nhất mang những thành quả mà thế hệ trước mình đạt được làm vạch xuất phát, và từ đó bắt đầu mọi việc. Do đó, đối với con người điều quan trọng nhất là học hỏi từ các thế hệ đi trước, tin tưởng và chia sẻ nhau những điều đã học được. Để làm được điều đó, con người cần phải biết thảo luận. Người nghiên cứu sinh vật học chúng tôi quan tâm đến phương pháp thảo luận hiệu quả là từ lí do như vậy.

Mong rằng con người, “động vật tự do di chuyển vạch xuất phát”, sẽ biết thay đổi mình trong đại dịch virus lần này.
Nhà nghiên cứu Jane Goodall, người luôn nói về hi vọng, cũng chia sẻ như vậy. Cách đây không lâu khi tôi gởi lời hỏi thăm thì ông nhắn nhủ: “Chuyện sẽ tốt đẹp hơn thôi. Việc như thế này đã xảy ra hết mấy lần rồi còn gì; bây giờ chỉ mong là người ta nếu có thể đừng đụng đến tự nhiên nữa, để tự nhiên được nguyên trạng của nó; còn không cái giá phải trả không biết nhiều đến cỡ nào”. Tôi cũng thành thật mong mỏi điều như thế.

Kang Yang-gu Phóng viên chuyên mục khoa học
Ảnh. Heo Dong-wuk
Dịch. La Duy Tân

전체메뉴

전체메뉴 닫기