메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

Guardians of Heritage

2020 AUTUMN

Văn hoá và Nghệ thuật

BẢO TỒN DI SẢN Taekkyeon - Môn võ hướng đến sự tương sinh

Võ sư Park Shin-young, năm nay 29 tuổi, đã thao luyện môn võ truyền thống taekkyeon của Hàn Quốc những 25 năm. Cô không chỉ là một cao thủ võ thuật mà còn điều hành một doanh nghiệp xã hội chuyên về biểu diễn, truyền bá tinh thần tương trợ lẫn nhau của taekkyeon trên khắp thế giới.

Là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Hàn Quốc, đồng thời là Di sản Văn hóa phi vật thể Thế giới được UNESCO công nhận, môn võ thuật truyền thống taekkyeon của Hàn Quốc sử dụng tay và chân để tấn công hoặc hạ gục đối thủ. Giống với nhiều hiện tượng văn hóa được lưu truyền trong dân gian, nguồn gốc taekkyeon cũng không được ghi chép rõ ràng trong sử sách. Chỉ có thể phỏng đoán rằng nó có lịch sử lâu đời sau khi phát hiện những động tác đối luyện tương tự có trong một bức bích họa được vẽ ở khu mộ Muyongchong (mộ của các vũ công), có niên đại từ thời Goguryeo (37 tr.CN – 668 CN).

Trong số các tên gọi khác của taekkyeon (hay còn phát âm là “taekkyon”) như subakhee (“thủ bác hý” – trò chơi đánh nhau bằng tay) và gakhui (“cước hý” – trò chơi bằng chân), có thể thấy những cái tên có ký tự “hui” (“hý”) vốn là Hán tự với ý nghĩa “trò chơi”. Taekkyeon có đặc điểm là các đấu thủ tranh tài với nhau một trận ở ngoài trời (nơi nhiều người có thể tụ hợp) trong không khí vui vẻ. Thậm chí, cho đến cuối thời mạt kỳ Joseon (giai đoạn cuối thế kỷ XIX, từ cuối triều đại Joseon đến khi thành lập Đại Hàn Đế quốc), các trận đấu taekkyeon thỉnh thoảng vẫn còn được tổ chức vào ngày hội làng. Làng trên, xóm dưới cử ra những đấu thủ đại diện cho làng mình rồi tổ chức một trận quyết chiến với lòng tự hào.

Thông thường, các em nhỏ tuổi nhất sẽ xuất chiến đầu tiên. Thật ra, cơ duyên khiến võ sư Park Shin-young say mê và dành trọn đời mình cho taekkyeon từ rất sớm có liên quan đến những đứa trẻ ấy.

“Một bức ảnh bạc màu hơn 100 năm đã dẫn tôi đến thế giới của taekkyeon.”

Bức ảnh mà cô ấy nói đến là khung cảnh trận đấu taekkyeon do một nhà truyền giáo phương Tây chụp lại. Trong bức ảnh được dự đoán có từ cuối triều đại Joseon này, có hai đứa trẻ đang đọ sức trước những người xem nhỏ tuổi đang ngồi túm tụm cùng nhau.

Park Shin-young, giám đốc đại diện của IK Taekkyon, thể hiện một biến thể của đòn đá móc vòng cung gyeot chigi – đòn thế đã mang về cho cô giải thưởng lớn trong một số cuộc thi. © IK Taekkyon

Môn võ thuật tựa hồ điệu múa
“Bố mẹ tôi mở một trường mẫu giáo. Sau khi nhìn thấy bức ảnh đấy ở đâu đó thì một ngày nọ, bố mẹ tôi bất ngờ mời sư phụ taekkyeon đến và dạy cho mấy đứa trẻ mỗi ngày. Bố mẹ cho rằng taekkyeon sẽ giúp ích cho việc rèn luyện tinh thần và khả năng tự vệ. Tôi cũng chen vào học, nhưng cảm giác như chỉ đang nhảy múa và chơi đùa vui vẻ chứ không phải đang học điều gì đó. Vì vậy, tôi rất mong chờ giờ học này.”

Quá trình luyện tập taekkyeon bắt đầu như thế và đến nay đã được 25 năm. Giống như cảm nhận của cô khi còn nhỏ, môn võ này trông giống như điệu múa. Những đòn thế vòng cung liên tục thay đổi tựa như dòng nước chảy. Không chỉ vậy, lý do lớn nhất khiến người ta liên tưởng taekkyeon với một điệu múa là vì động tác chân. Động tác chân này được gọi là “pumbapgi” – những động tác cơ bản đầu tiên phải học khi luyện Taekkyeon – trông có vẻ như đang nhảy múa lắc lư. Nếu thực hiện thêm động tác “hwalgaetjit” huơ huơ hai tay giữa không trung thì càng giống nhảy múa.

Động tác pumbapgi rất đơn giản nên ai cũng có thể dễ dàng làm theo. Bước một chân lên trước, nhịp nhàng khuỵu gối, sau đấy rút chân về đồng thời ngả người ra sau và lắc lư nhẹ. Chuyển động “nhịp nhàng” tăng thêm tốc độ và tính linh hoạt cho đòn chân, còn chuyển động “lắc lư” tạo ra uy lực. Nhưng không phải động tác pumbapgi nào cũng thế.

“Bạn có thể biết được một người là cao thủ hay nghiệp dư chỉ bằng cách nhìn vào động tác pumbapgi của họ. Những người mới tập thiếu kiên nhẫn, di chuyển vội vàng. Ngược lại, các bậc thầy rất thoải mái. Ngay cả khi theo nhịp, họ có thể khai triển đa dạng nhịp, lúc thì mạnh mẽ – nhẹ nhàng – nhẹ nhàng, lúc thì nhẹ nhàng– nhẹ nhàng – mạnh mẽ,... chứ không phải nhịp ba đơn điệu cứng nhắc. Vào khoảnh khắc nhìn thấy khoảng trống của đối phương thì những động tác chân uyển chuyển này có thể đột ngột biến thành những cú đá chân hoặc kéo tay để ném đối thủ ra xa. Nếu bạn không đọc được nhịp của đối thủ, bạn sẽ bất lực và bị đánh gục ngay lập tức.”

Lee Ju-young (trái), là chồng đồng thời là huấn luyện viên của cô Park, và Ahn Hyung-soo, phó giám đốc đại diện của IK Taekkyon, biểu diễn cú đá móc vòng cung trên không.

Taekkyeon thoạt trông nhẹ nhàng như một điệu múa, nhưng nhu thuật và quyền thuật được kết hợp hoàn hảo nên môn võ này mang tính chiến đấu cao. Tuy nhiên, môn võ mạnh mẽ này lấy sự quan tâm và tương trợ lẫn nhau làm giá trị hàng đầu.

Park biểu diễn động tác tay. Trong taekkyeon, các kỹ thuật tấn công bằng tay cũng đa dạng như động tác chân, có uy lực, dù trông khá thanh thoát.

Tính hai mặt
Không biết có phải taekkyeon hay được lấy làm chủ đề trong hài kịch vì có động tác giống như nhảy múa và những tiếng hô đệm “Eek-eh!”, “Ack-eh!” hay không mà môn võ này đôi khi bị xem thường. Đấy là một sai lầm. Taekkyeon là môn võ thực chiến với sức công phá lớn hơn bất kỳ môn võ nào khác. Với tính chất thắng thua có thể được quyết định trong khoảng cách một cánh tay, tất cả đòn thế chân đột nhiên được tung ra mà không có bất kỳ dấu hiệu báo trước nào. Bạn hoàn toàn không thể dự đoán được khi nào và kiểu đá nào sẽ xuất hiện, chẳng hạn một cú đá chính diện phía trên bằng mu bàn chân (jegyeo chagi), một cú đá đập như một cú đập bằng gậy (huryeo chagi), một cú đá móc vòng cung vào bên sườn đối phương bằng mu bàn chân (gyeot chigi), một cú đá lộn ngược được thực hiện bằng cách chống tay trên sàn, xoay người trên không rồi tung cú đá bằng hai chân (nal chigi)... Trong số các đòn đá, sở trường của sư phụ Park là đá móc vòng cung. Với kỹ thuật này, cô đã giành chiến thắng tại một số cuộc thi danh giá, bao gồm cả Đại hội thể thao toàn quốc.

Không chỉ có đòn thế bằng chân, cũng giống như ssireum (đấu vật truyền thống của Hàn Quốc) và judo, taekkyeon còn nhiều kỹ thuật đa dạng và đầy ấn tượng như kỹ thuật ngáng và ném đối thủ, kỹ thuật đấm bằng tay. Taekkyeon thoạt trông nhẹ nhàng như một điệu múa, nhưng nhu thuật và quyền thuật được kết hợp hoàn hảo nên môn võ này mang tính chiến đấu cao. Tuy nhiên, môn võ mạnh mẽ này lấy sự quan tâm và tương trợ lẫn nhau làm giá trị hàng đầu. Nếu quan sát kỹ taekkyeon, ta có thể nhận ra điểm khác biệt so với các môn võ khác. Nghĩa là, trong khi các môn võ khác coi trọng việc liều mình tấn công trước, nắm quyền kiểm soát một cách mạnh mẽ và không ngừng chế ngự đối thủ, khiến họ không có cơ hội chống trả, thì taekkyeon luôn cho phép cả hai bên có cơ hội ngang nhau. Ví dụ điển hình là hành động vừa thực hiện động tác pumbapgi trên một chân, vừa đưa chân còn lại vào trong phạm vi tấn công của đối phương. Tư thế này được gọi là daejeop (“tiếp đãi”), một từ vựng được sử dụng thể hiện việc tiếp đón khách quý một cách trọng thị. Trong taekkyeon, đối thủ là người khách cần được đối đãi nhiệt thành trước khi trở thành kẻ địch cần phân thắng bại.

Ngoài ra, mục tiêu quan trọng của việc huấn luyện là trấn áp nhưng không làm đối thủ bị thương. Điều tất yếu là càng thi đấu thì tinh thần chiến đấu càng cao, khi ấy có thể vô tình làm đối phương bị thương. Trong taekkyeon, người làm đối phương bị thương xem như thua cuộc, bởi lẽ đã làm tổn hại giá trị tương sinh mà môn võ này theo đuổi. Vì vậy, người tập luyện nên nỗ lực kiểm soát tâm trí cũng như nâng cao kỹ năng của mình. Đôi tay và đôi chân của một môn sinh có kỹ thuật tuyệt vời nhưng không biết tự chủ chỉ là thứ vũ khí tàn bạo.

“Rất dễ dùng vũ lực để làm tổn thương người khác. Mọi người nhìn vào đấy và nói rằng bạn mạnh. Nhưng đó không phải sức mạnh mà là sự tàn bạo. Việc trấn áp mà không làm tổn thương người khác là điều khó làm, nhưng nếu bạn làm được, có thể nói rằng bạn là kẻ mạnh thực sự. Đây là trạng thái không thể đạt được nếu không đi kèm với rèn luyện nội tâm.”

Doanh nghiệp xã hội
Trong một thời gian, Park cũng bị chi phối bởi mong muốn trở nên mạnh mẽ hơn. Mượn danh nghĩa học hỏi để giấu đi khát khao đó, cô rong ruổi tìm đến các võ đường ở Seoul và gặp gỡ những bậc thầy. Cô hy vọng sẽ thấm nhuần các bí kíp của họ và biến chúng thành của riêng mình. Rồi một ngày, đột nhiên thấy mình chỉ đang đuổi theo kỹ thuật chứ không phải tinh thần, cô hồi tâm và dừng lại. Sau đấy, cô cùng với những người đang hoạt động chung trong đội biểu diễn của Liên đoàn Taekkyon Hàn Quốc thành lập một doanh nghiệp xã hội mang tên “IK Taekkyon”.

“Liệu sẽ đến ngày chiến tranh hoàn toàn biến mất trong thế giới chúng ta đang sống không? Tôi tưởng tượng rằng nếu tất cả mọi người trên thế gian đều tập luyện taekkyeon, một ngày như vậy khả dĩ sẽ đến. Bởi lẽ, khi tập luyện trong một thời gian dài, tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau sẽ lớn dần lên trong bạn. Để được như thế, tôi nghĩ mình nên ưu tiên việc truyền bá rộng rãi taekkyeon. Vì vậy, IK Taekkyon không chỉ là một đóng góp cho xã hội mà còn là nơi tôi nuôi dưỡng ước mơ của mình.”

Đã sáu năm trôi qua kể từ khi thành lập công ty. Park đã đi khắp thế giới để trình diễn taekkyeon, đồng thời đưa môn võ này lên sân khấu bằng cách kết hợp với các thể loại nghệ thuật như kịch ngoài trời truyền thống (madanggeuk) hay nhạc kịch.

“Không có gì khiến tôi hạnh phúc và tràn đầy năng lượng bằng việc luyện tập taekkyeon. Đối với tôi, taekkyeon vừa là công việc vừa là sự thư giãn. Tôi vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Do đó bản thân phải chăm chỉ hoạt động hơn nữa. Bởi vì vẫn còn nhiều người hỏi taekkyeon là gì.”

Trông cô ấy nói chuyện đầy cương quyết, không hiểu sao tôi lại thấy day dứt. Một mặt, tôi biết ơn cô vì đã bôn ba trên con đường cô độc. Mặt khác, trong lòng tôi dấy lên một mong muốn đầy vô tâm là mong sao cô ấy dù có chông gai cũng đừng dừng lại, cứ kiên trì trên con đường đã chọn.

Kim Dong-ok Ký giả tự do
Ảnh. Ahn Hong-beom
Dịch. Nguyễn Trung Hiệp

전체메뉴

전체메뉴 닫기